Viêm Loét Dạ Dày Nặng Và Các Biến Chứng Nguy Hiểm

Viêm Loét Dạ Dày Nặng Và Các Biến Chứng Nguy Hiểm

Viêm loét dạ dày là căn bệnh mà từ lâu đã không còn quá xa lạ đối với mọi người. Ở những giai đoạn đầu của bệnh, khi các tổn thương vẫn ở mức nhẹ nhàng thì bệnh có thể được chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên khi các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn thì bệnh đã tiến triển thành viêm loét dạ dày nặng. Vậy thì, viêm loét dạ dày nặng có gì khác so với viêm loét dạ dày thông thường? Khi người bệnh mắc phải viêm loét dạ dày nặng thì cần phải phòng tránh như thế nào để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh cũng như những biến chứng thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày nặng này.

1. Viêm loét dạ dày nặng là gì? 

Viêm loét dạ dày nặng

Viêm loét dạ dày nặng nguy hiểm như thế nào

1.1. Viêm loét dạ dày nặng

Viêm loét dạ dày nặng là tình trạng viêm loét dạ dày khi đã có tiến triển nặng hơn trong một khoảng thời gian dài và bắt đầu xuất hiện những biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. 

  • Dạ dày tạo ra một loại acid mạnh (acid clohydric-HCl) để giúp tiêu hóa thức ăn và giúp chống lại những vi khuẩn. Để bảo vệ những mô khác của cơ thể khỏi bị ảnh hưởng bởi acid này, nó cũng tiết ra một lớp chất nhầy rất dày.
  • Khi lớp chất nhầy bị giảm hoặc mất tác dụng bảo vệ của mình là cơ hội cho các yếu tố tấn công như acid gây nên những tổn thương cho dạ dày.

Bệnh viêm loét dạ dày nặng gây nên bởi tổn thương do những ổ loét ở lớp niêm mạc dạ dày, những ổ loét này còn xâm lấn sâu hơn xuống lớp dưới niêm mạc và lớp cơ. 

1.2. Sự khác nhau giữa viêm loét dạ dày nặng và viêm loét dạ dày thông thường

Sự khác nhau điển hình nhất của viêm loét dạ dày nặng so với viêm loét dạ dày thông thường là có những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thủng dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến ung thư dạ dày. 

  • Có những bệnh nhân không xuất hiện những triệu chứng thường gặp của viêm loét dạ dày như: đau thượng vị, nôn, buồn nôn, ợ nóng, ợ hơi mà phát hiện bệnh bằng một biến chứng rất đột ngột.
  • Lúc này các ổ loét xuất hiện nhiều hơn, xâm lấn sâu hơn vào những lớp dưới của dạ dày.

So với viêm loét dạ dày thông thường thì triệu chứng của viêm loét dạ dày nặng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, biểu hiện nặng hơn như: đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài ra phân có màu đen. 

Đối những bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày nặng còn có thể xuất hiện những vết loét không thể chữa lành. Những vết loét không lành lại khi đã được điều trị gọi là vết loét chịu lửa.

  • Vết loét chịu lửa này có thể là kết quả của việc sản xuất quá nhiều acid dạ dày trong hội chứng Zollinger-Ellison; nhiễm trùng không phải do vi khuẩn Helicobacter Pylori; ung thư dạ dày.
  • Việc điều trị những vết loét này thường bao gồm việc loại bỏ các yếu tố có thể cản trở việc chữa lành, cùng với việc sử dụng các loại kháng sinh khác nhau.

Nếu bạn gặp phải một trong những biến chứng nghiêm trọng từ vết loét, cũng như việc xuất hiện các triệu chứng nặng nề hơn, liên tục hơn hoặc điều trị viêm loét dạ dày trong một khoảng thời gian dài mà không thuyên giảm thì hãy lưu ý ngay và đến gặp các bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Rất có thể bệnh viêm loét dạ dày của bạn đã tiến triển sang một giai đoạn nguy hiểm hơn hay còn gọi là viêm loét dạ dày nặng.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày nặng

Để điều trị tốt nhất cho bất cứ một bệnh lý hay vấn đề sức khỏe nào thì việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh là điều quan trọng nhất.

Đối với bệnh viêm loét dạ dày nặng thì nguyên nhân cũng tương tự như trong viêm loét dạ dày thông thường.

Nguyên nhân chính là việc mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công niêm mạc dạ dày và yếu tố bảo vệ (chất nhầy) sẽ gây ra những tổn thương cho niêm mạc dạ dày, từ đó hình thành lên các vết loét.

Khi lớp chất nhầy bảo vệ bị mất đi sẽ khiến cho các yếu tố tấn công có cơ hội để phá hoại.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày nặng

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày nặng

2.1. Yếu tố tấn công

  • Pepsin:

Pepsin là một enzym được tiết ra trong dạ dày với vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa các protein của thức ăn.

Theo một số nghiên cứu và các quan sát đều khẳng định vai trò gây loét của pepsin:

    • Trên động vật thực nghiệm thì không bị loét nếu như chỉ tăng tiết acid,
    • Loét sẽ tăng nếu tăng acid phối hợp với pepsinogen,
    • Đa số các bệnh nhân viêm loét dạ dày nặng đều có sự phối hợp giữa tăng acid và tăng tiết pepsin.
  • Acid clohydric (HCl):

Mặc dù không phải là một enzym tiêu hóa nhưng acid clohydric lại đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa vì nó có tác dụng: hoạt hóa pepsinogen thành pepsin; tạo môi trường pH thuận lợi cho pepsin hoạt động; sát khuẩn…

Tuy nhiên đây cũng là một con dao hai lưỡi. Khi sự bài tiết acid tăng lên mà sức đề kháng của lớp nhầy bảo vệ thì acid sẽ phối hợp với pepsin để tấn công niêm mạc dạ dày, từ đó gây lên các vết loét.

Thực tế cho thấy rằng, viêm loét dạ dày nặng không gặp ở người không tiết acid, nếu những người không tiết acid mà vẫn có các vết loét thì nên nghĩ ngay đến ung thư (có thể là do mất hẳn chức năng bảo vệ).

Hai yếu tố tấn công trên chính là sản phẩm của việc bị rối loạn bài tiết dịch vị trong bệnh viêm loét dạ dày nặng.

2.2. Yếu tố bảo vệ

Để bảo vệ lớp niêm mạc và các lớp sâu hơn của niêm mạc thì các tuyến môn vị, tâm vị, tế bào cổ tuyến sẽ tiết ra một lớp chất nhầy có bản chất là glycoprotein.

Ion HCO3 có vai trò trung hòa một lượng acid thấm qua lớp nhầy bảo vệ. Lớp chất nhầy cùng với ion HCO3 sẽ tạo nên một lớp màng bền vững bao bọc toàn bộ bề mặt niêm mạc dạ dày, giúp chống lại các yếu tố tấn công.

Khả năng tái tạo của niêm mạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dạ dày. Cả HCO3 và sự tái tạo của niêm mạc đều phụ thuộc vào khả năng tưới máu, máu sẽ có nhiệm vụ mang ion HCO3 và vật liệu hàn gắn tới; đồng thời mang đi HCl.

→ Mọi tác nhân nào khiến yếu tố tấn công mạnh hơn yếu tố bảo vệ đều có thể dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày nặng.

3. Hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày nặng là như thế nào

Các yếu tố gây tăng tiết acid và giảm khả năng bảo vệ đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày nặng.

Hiểu rõ cơ chế gây loét và ảnh hưởng của các yếu tố khiến cho vết loét khó lành hơn hay bị nặng hơn sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, đạt kết quả tốt nhất.

Các yếu tố nguy cơ được nhắc đến ở đây là yếu tố vi khuẩn, vai trò của thuốc chống viêm không steroid, yếu tố thần kinh, yếu tố thể tạng…

3.1. Yếu tố vi khuẩn

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP)

Là vi khuẩn đặc trưng của bệnh viêm loét dạ dày nặng. Theo thống kê, có đến 90% người mắc viêm loét dạ dày đều liên quan hay do vi khuẩn này gây ra.

Đây là xoắn khuẩn Gram âm, di chuyển được và sống kí sinh ở niêm mạc dạ dày.Vi khuẩn HP có biện pháp giúp tồn tại được trong môi trường acid cao của dạ dày.

Đó là do vi khuẩn này có enzym urease nội sinh rất mạnh, tạo ra NH4 OH có khả năng trung hòa môi trường acid xung quanh nó.

Theo GS.TS Đào Văn Long, nguyên trưởng khoa tiêu hóa- BV Bạch Mai có cho biết rằng: “Ở một số người, đối với dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra khá nhiều những loại bệnh như viêm dạ dày cấp và mạn, viêm loét dạ dày, cũng có thể là ung thư dạ dày tại biểu mô”

  • Cơ chế gây loét của vi khuẩn HP:

Enzym urease của vi khuẩn HP tạo ra amoniac giúp cho xung quanh nó có một môi trường trung tính và đồng thời tổn thương niêm mạc dạ dày.

Amoniac có tác dụng ngăn cản quá trình tổng hợp của chất nhầy làm thay đổi chất lượng và rối loạn phân bố của chất nhầy trên bề mặt niêm mạc, tạo cơ hội cho các yếu tố tấn công như acid, pepsin làm tổn thương tế bào niêm mạc.

3.2. Thuốc chống viêm không steroid

Viêm loét dạ dày nặng

Thuốc NSAID

Các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những yếu tố nguy cơ điển hình dẫn đến viêm loét dạ dày nặng hiện nay.

Bên cạnh những tác dụng như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu thì việc sử dụng các thuốc nhóm NSAID này lâu dài sẽ gây nên những tác dụng không mong muốn trên dạ dày.

  • Cơ chế gây tổn thương của các thuốc NSAID:

Gây tổn thương trực tiếp trên niêm mạc dạ dày:

NSAID có tính acid yếu (đặc biệt là aspirin) nên không bị ion hóa trong môi trường dạ dày vì thế chúng dễ dàng thấm qua lớp nhầy tiếp cận đến lớp biểu mô.

Trong môi trường pH tương đối cao NSAID có điều kiện ion hóa để phá hủy niêm mạc.

Gây tổn thương gián tiếp cho niêm mạc dạ dày:

Cơ chế tác dụng chính của các thuốc nhóm NSAID là ức chế sản xuất Prostaglandin (có vai trò tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat) do đó làm giảm bảo vệ của niêm mạc dạ dày.

→ Nếu phải sử dụng các thuốc nhóm NSAID trong một khoảng thời gian dài thì phải hết sức cẩn trọng với những tác dụng phụ của thuốc trên dạ dày.

Trao đổi với các bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp hơn, hoặc xem xét sử dụng các thuốc giảm đau khác có thể thay thế được mà không ảnh hưởng đến dạ dày.

3.3. Yếu tố thần kinh

Hệ cường phó giao cảm có tác dụng gây tăng co bóp và tiết dịch dạ dày, đồng thời gây rối loạn vận mạch (gây co thắt các mao mạch ở niêm mạc) dẫn đến thiểu dưỡng niêm mạc dạ dày.

Tình trạng này sẽ tạo điều kiện cho HCl, pepsin phá hủy niêm mạc dạ dày.

3.4. Thuốc lá, rượu, stress

Thuốc lá và rượu cũng là một yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày. Các chất độc có trong thuốc lá kích thích vào các vết loét khiến các vết loét lâu lành hơn hoặc thậm chí loét nặng hơn.

Mọi áp lực, stress, sự lo âu cũng được coi là yếu tố nguy cơ vì khi thần kinh bị kích thích sẽ thông qua việc tiết adrenalin gây co mạch ở niêm mạc và ACTH-cortisol gây tăng tiết acid.

3.5. Yếu tố ăn uống

Mặc dù thức ăn không phải nguyên nhân gây nên các vết loét, nhưng nếu bạn có chế độ ăn uống nhiều đồ cay nóng, ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng xấu đến các vết loét.

Các vết loét có thể nặng hơn nếu bị tác động bởi một số loại thực phẩm.

Nếu bạn đang mắc viêm loét dạ dày mà vẫn giữ thói quen ăn uống không hợp lý thì bệnh sẽ khó được điều trị khỏi và tiến triển thành viêm loét dạ dày nặng.

4. Những biến chứng nguy hiểm gây ra do viêm loét dạ dày nặng

Như đã nêu trên, điểm khác biệt lớn nhất giữa viêm loét dạ dày nặng và viêm loét dạ dày thông thường đó chính là những biến chứng.

Đó là khi các vết loét lâu ngày không được điều trị sẽ trở nên tệ hơn, xuất hiện nhiều hơn ở dạ dày hoặc xâm lấn vào các lớp sâu hơn.

Các biến chứng có thể xuất hiện đột ngột khiến chúng ta không thể lường trước được. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày nặng

4.1. Thủng dạ dày

Thủng dạ dày

Thủng dạ dày – Biến chứng viêm loét dạ dày nặng

  • Thủng dạ dày là tình trạng gì

Bạn có thể bị thủng dạ dày nếu như bị viêm loét dạ dày nặng. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Niêm mạc dạ dày bị tách ra, hình thành lên vết thủng.

Điều này rất nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây nhiễm trùng, thoát ra ngoài và lây nhiễm sang niêm mạc bụng (viêm phúc mạc).

Trong viêm phúc mạc, nhiễm trùng có thể nhanh chóng lan vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết. Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

  • Triệu chứng của thủng dạ dày

Triệu chứng của tình trạng này là những cơn đau bụng dữ dội xuất hiện đột ngột, co cứng thành bụng, làm như thế nào cũng không thấy hết đau.

Trong một số trường hợp cảm thấy không còn sức lực, mặt tái, có thể tụt huyết áp. Nếu bạn gặp phải một trong những triệu chứng thì hãy đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ chữa trị, tránh dẫn đến những rủi ro không may.

4.2. Chảy máu tiêu hóa

  • Chảy máu dạ dày là tình trạng gì

Chảy máu tiêu hóa hay xuất huyết dạ dày là tình trạng dạ dày bị chảy máu từ các vết loét. Đây là một biến chứng cấp tính phổ biến nhất của viêm loét dạ dày nặng. Nó có thể xảy ra khi các vết loét phát triển tại vị trí mạch máu.

  • Triệu chứng của chảy máu dạ dày

Các triệu chứng đặc trưng của xuất huyết dạ dày mà bạn cần lưu ý là nôn ra máu, đi ngoài ra máu hay đi ngoài thấy phân màu đen, choáng váng, chóng mặt.

Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, hạ huyết áp, nguy hiểm nhất là tử vong do mất máu.

Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày

4.3. Hẹp môn vị

Trong một số trường hợp, các vết loét nặng lên, bị viêm (sưng) hoặc có sẹo sẽ làm hẹp môn vị. Khi môn vị bị hẹp lại sẽ làm cản trở đường đi của thức ăn.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Nôn nhiều lần với một lượng lớn chất nôn chứa cả thức ăn không tiêu.
  • Có cảm giác chướng bụng, đầy hơi dai dẳng.
  • Cảm thấy rất no bụng sau mặc dù ăn ít thức ăn hơn bình thường.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Nội soi có thể được sử dụng để xác nhận tắc nghẽn. Có thể dùng thuốc để điều trị, nếu trường hợp nặng cần phải có sự can thiệp của phẫu thuật.

4.4. Ung thư dạ dày

  • Ung thư dạ dày là tình trạng gì

Nhắc đến ung thư chắc hẳn ai cũng cảm thấy rất lo sợ, mặc dù tỷ lệ mắc ung thư do biến chứng của viêm loét dạ dày nặng là rất ít nhưng cũng phải hết sức lưu tâm.

Khi các ổ loét xuất hiện những tế bào bất thường, chúng có thể biến đổi và tăng sinh không kiểm soát, trở thành các tế bào ung thư, tập hợp lại và tạo nên khối u ác tính.

  • Triệu chứng của ung thư dạ dày

Chán ăn, đau thượng vị, nôn ra máu, sụt cân, ợ nóng, ợ hơi đều là những triệu chứng của ung thư dạ dày. Các triệu chứng này có thể khiến bạn nhầm lẫn với một số bệnh về tiêu hóa khác.

Tuy nhiên đối với những bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày nặng lâu năm thì cần hiểu kỹ từng triệu chứng để tránh khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn khó chữa trị rồi.

5. Một số xét nghiệm chẩn đoán viêm loét dạ dày nặng

Bệnh viêm loét dạ dày nặng gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, tác động trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Chính vì vậy cần phải phát hiện sớm mình có mắc hay không sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị và phục hồi. Để chẩn đoán và điều trị cần phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của vết loét.

Các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, triệu chứng và bất kỳ đơn thuốc kê đơn hoặc không kê đơn nào bạn đang dùng. Phối hợp với các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.

Một số xét nghiệm thường dùng hiện nay như:

  • Nội soi dạ dày:

Đây là một phương pháp phổ biến nhất cần thực hiện để bạn và bác sĩ biết chắc chắn rằng liệu bạn có bị viêm loét dạ dày hay không.

Nội soi cho phép bác sĩ quan sát bên trong thực quản, dạ dày, ruột non của bạn để tìm những vết loét và xét nghiệm nhiễm vi khuẩn HP.

  • Sinh thiết nội soi:

Một phần mô dạ dày được lấy ra để phân tích trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này sẽ giúp phân tích rõ ràng các vi khuẩn hay các chất có trong ổ loét.

  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP:

Vi khuẩn HP là vi khuẩn đại diện cho bệnh lý viêm loét dạ dày nặng. Hiện nay có 2 phương pháp tìm kiếm vi khuẩn HP đó là xét nghiệm xâm lấn và xét nghiệm không xâm lấn.

    • Xét nghiệm xâm lấn (nội soi sinh thiết niêm mạc vùng rìa hoặc ngoài ổ loét): test urease nhanh, nuôi cấy vi khuẩn, PCR các mẫu sinh thiết, và xét nghiệm mô học.
    • Xét nghiệm không xâm lấn: định lượng kháng nguyên trong phân, test thở ra urease.
  • Xét nghiệm thăm dò chức năng dịch vị lúc đói:

Nghiệm pháp hút dịch vị lúc đói, nghiệm pháp bài tiết dịch vị.

6. Các biện pháp cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày nặng

Viêm loét dạ dày nặng là một sự tiến triển nặng hơn của viêm loét dạ dày, vì thế cần phải có những chế độ sinh hoạt hợp lý để bệnh thuyên giảm và không nặng hơn nữa.

Một số sự lưu ý và thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt sẽ giúp cải thiện rất nhiều tình trạng bệnh của bạn.

Viêm loét dạ dày nặng

Hạn chế sử dụng nếu bị viêm loét dạ dày

  • Cân nhắc việc thay đổi thuốc giảm đau:

Nếu bạn thường xuyên phải sử dụng các thuốc giảm đau nhóm NSAID thì nên hỏi bác sĩ có thể chuyển sang loại thuốc khác để giảm tác dụng không mong muốn trên dạ dày hay không.

Không được sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê trong khi đang sử dụng thuốc.

  • Kiểm soát căng thẳng:

Căng thẳng, stress có thể làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày. Xem xét nguồn gốc gây căng thẳng của bạn và làm hết những gì có thể để giải quyết nguyên nhân.

Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để giải tỏa những áp lực đè nén khiến bạn bị ảnh hưởng.

  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá
  • Chế độ sinh hoạt khoa học:

Duy trì ngủ đủ 8 tiếng một ngày, không nên thức quá khuya hay dậy quá sớm. Tránh làm việc quá sức mà không có thời gian cho cơ thể được nghỉ ngơi. Sau khi ăn thì không nên vận động mạnh sẽ tác động không tốt đến dạ dày.

  • Chế độ ăn uống:

Hạn chế đồ ăn cay nóng, thức ăn quá mặn, không nên ăn đồ ăn quá cứng sẽ ảnh hưởng đến các vết loét trong dạ dày.

Kết luận:

Viêm loét dạ dày nặng là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý về hệ tiêu hóa.

Hiểu rõ hơn về căn bệnh này sẽ giúp cho mọi người có những phương án tốt nhất để cải thiện sức khỏe của bản thân, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Hy vọng với những thông tin cần thiết chúng tôi cung cấp trong bài sẽ giúp bạn đọc có những kiến thức bổ ích nhất về bệnh viêm loét dạ dày nặng này.

Liên hệ ngay HOTLINE 18006091 để được các dược sĩ, bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn miễn phí và giải đáp tất cả những thắc mắc về bệnh viêm loét dạ dày nặng.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091