Ăn Khó Tiêu Là Gì, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Khắc Phục

Ăn Khó Tiêu Là Gì, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Khắc Phục

Ăn khó tiêu là một trong những vấn đề mà mọi người dễ gặp phải ngày nay do thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc có các vấn đề về tiêu hóa. Nó thường không gây ra các biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên nếu tình trạng diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và là dấu hiệu cảnh báo mắc các bệnh trên đường tiêu hóa. Do đó, hiểu được nguyên nhân, biện pháp điều trị và cách phòng tránh ăn khó tiêu sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn!

1. Ăn khó tiêu và các nguyên nhân gây ra

Ăn khó tiêu không phải là một bệnh mà là một biểu hiện rối loạn tiêu hóa do thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, cảm giác đau hoặc nóng ở vùng bụng trên.

Có nhiều nguyên nhân gây ra ăn khó tiêu, trong đó ba nhóm nguyên nhân chính thường gặp là:

Chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt chưa khoa học, không lành mạnh

  • Ăn quá nhiều, quá nhanh, khi ăn không tập trung (nói chuyện quá nhiều, xem tivi…) khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm gây khó tiêu.
  • Ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc cay nóng gây khó khăn trong việc tiêu hóa.
  • Hút thuốc lá thường xuyên.
  • Uống nhiều bia, rượu, đồ uống chứa nhiều cafein (chè, cà phê).
  • Uống đồ uống có gas, đồ ngọt nhiều.
  • Thường xuyên lo lắng, căng thẳng, stress gây rối loạn hệ tiêu hóa.
ăn khó tiêu

Nguyên nhân gây ăn khó tiêu thường gặp

Do tác dụng phụ sau khi sử dụng một số thuốc

  • Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDS) như Aspirin, Ibuprofen (Alaxan), Naproxen…
  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc bổ sung estrogen và thuốc tránh thai
  • Một số thuốc chữa bệnh tuyến giáp như levothyroxin

>>>> Tìm hiểu thêm: Cách Phối Hợp Thuốc Hiệu Quả Với Chế Độ Sinh Hoạt Để Điều Trị Bệnh Dạ Dày

Một số bệnh lý trên hệ tiêu hóa

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Thực quản – dạ dày bị trào ngược (GERD).
  • Nhiễm trùng dạ dày, đặc biệt là nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
  • Viêm túi mật, sỏi mật (các khối chất rắn trong túi mật), viêm tụy: dịch mật, dịch tụy kém tiết làm cho thức ăn (đặc biệt là thức ăn chứa nhiều chất béo) khó được tiêu hóa ở ruột non.
  • Thức ăn di chuyển quá chậm ra khỏi dạ dày (chứng liệt dạ dày, thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường).
  • Các bệnh rối loạn đường ruột như Hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm đại tràng, bệnh Crohn…
  • Không dung nạp lactose: hệ tiêu hóa không dung nạp được đường lactose chứa trong sữa (thường là sữa bò) và các sản phẩm sữa bò. 
Dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò dễ gây ăn khó tiêu

Trong thai kỳ, người mẹ cũng có thể gặp những rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố và cách thai nhi ép vào dạ dày.

Ngoài ra, những trường hợp ăn khó tiêu mà không do các nguyên nhân kể trên và không thể xác định được nguyên nhân cụ thể được gọi là chứng khó tiêu chức năng hay khó tiêu không loét. Những trường hợp này thường liên quan đến chức năng dạ dày suy giảm làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn gặp khó khăn.

Khi ăn khó tiêu người bệnh thường gặp các dấu hiệu điển hình như:

  • Cảm thấy no quá sớm hoặc quá no sau khi ăn một bữa ăn bình thường
  • Có biểu hiện đầy bụng sau khi ăn 30 phút hoặc 1 tiếng
  • Cảm thấy nóng rát ở dạ dày hoặc vùng bụng trên
  • Dạ dày cồn cào 
  • Cảm thấy đầy hơi, ợ hơi
  • Đau bụng âm ỉ kéo dài 
  • Buồn nôn và nôn

Các triệu chứng nặng hơn có thể gặp là: giảm cân đột ngột, khó nuốt, nôn ra máu hoặc chất có màu như bã cà phê, nôn nửa, đau bụng dữ dội, phân đen hoặc có máu trong phân. Khi có một trong các triệu chứng này, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

>>>> Tham khảo thêm: Hay Bị Đầy Bụng Có Nguy Hiểm Không? Làm Thế Nào Để Điều Trị

2. Biến chứng của ăn khó tiêu có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp hiếm hoi, chứng ăn khó tiêu kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:

Hẹp môn vị

Trong một số trường hợp, acid dạ dày có thể gây kích ứng lâu dài môn vị, là đoạn nối giữa dạ dày và ruột non. Giống như tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, lúc này, lớp niêm mạc môn vị cũng sẽ bị tổn thương bởi dịch acid trong dạ dày, sau đó hình thành sẹo, lâu dần dẫn đến hẹp môn vị.

Nếu điều đó xảy ra, người bệnh không thể tiêu hóa thức ăn đúng cách dẫn đến hệ quả là thức ăn sẽ bị tồn đọng trong dạ dày quá lâu, gây khó tiêu, đau bụng, làm cho cơ thể mệt mỏi, xanh xao…. Phẫu thuật có thể cần thiết để mở rộng môn vị. 

biến chứng khi ăn khó tiêu

Biến chứng hẹp môn vị có nguy hiểm không

Hẹp thực quản 

Trào ngược acid dạ dày vào thực quản là một trong những nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu. Tiếp xúc liên tục với acid dạ dày có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ở thực quản và thậm chí gây ra sẹo ở đường tiêu hóa trên.

Quá nhiều sẹo hoặc sẹo quá lớn sẽ làm cho thực quản bị hẹp và co lại  dẫn đến gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, kèm theo các triệu chứng đau ngực, khó thở… Phẫu thuật có thể cần thiết để mở rộng thực quản.

Viêm phúc mạc

Theo thời gian, acid trong dạ dày tiết nhiều có thể khiến lớp niêm mạc của hệ tiêu hóa bị tổn thương , dẫn đến nhiễm trùng gọi là viêm phúc mạc. Biện pháp  điều trị có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật trong trường hợp viêm nặng.

3. Chẩn đoán từ nguyên nhân bệnh bằng cách nào chính xác

Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng ăn khó tiêu thông qua khai thác tiền sử bệnh tật của bạn, khám sức khỏe, nội soi đường tiêu hóa trên (GI) và các xét nghiệm khác.

Khai thác tiền sử bệnh tật và các vấn đề liên quan đến sinh hoạt

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh tật, thói quen ăn uống, việc sử dụng các loại thuốc và liệu bạn có hút thuốc hay không.

Khám lâm sàng

Trong khi khám lâm sàng, bác sĩ của bạn có thể sẽ thực hiện:

  • Kiểm tra đầy hơi
  • Gõ vào bụng để kiểm tra xem có đau và có cục u không
  • Sử dụng ống nghe để kiểm tra âm thanh trong bụng của bạn 
  • Kiểm tra xem có tình trạng vàng mắt hoặc vàng da hay không
ăn khó tiêu

Quy trình chuẩn đoán bệnh lý

Nội soi đường tiêu hóa trên

Bác sĩ thực hiện nội soi GI trên để chẩn đoán các bệnh và tình trạng có thể gây ra chứng ăn khó tiêu của bạn, ví dụ như các bệnh:

  • Viêm dạ dày
  • Viêm loét dạ dày – tá tràng
  • Ung thư dạ dày 

Bác sĩ có thể đề nghị nội soi GI trên cho những người mắc chứng khó tiêu trên 55 tuổi hoặc cho những người mắc chứng khó tiêu ở mọi lứa tuổi có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình (ông bà, bố mẹ) có mắc các bệnh ung thư
  • Khó nuốt
  • Có triệu chứng bên trong đường tiêu hóa bị chảy máu
  • Nôn mửa thường xuyên
  • Bị sụt cân

Trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ có thể sử dụng các công cụ nhỏ đi qua ống nội soi để lấy các mảnh mô nhỏ từ niêm mạc dạ dày và tá tràng. Kiểm tra này được gọi là sinh thiết đường tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ kiểm tra các mẫu mô để tìm các bệnh và tình trạng đường tiêu hóa , bao gồm cả nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ( H. pylori ).

Các kiểm tra khác

  • Các xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ sử dụng các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc siêu âm để tìm kiếm các bệnh và tình trạng trong đường tiêu hóa hay bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong dạ dày có thể gây ra chứng khó tiêu của bạn.
  • Thử nghiệm H. pylori . Bác sĩ có thể phát hiện nhiễm H. pylori bằng cách sử dụng xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở hoặc bằng cách thực hiện sinh thiết đường tiêu hóa trên.
  • Xét nghiệm máu: thường thực hiện trong trường hợp người bị khó tiêu có dấu hiệu thiếu máu, ngoài ra còn nhằm mục đích kiểm tra các dấu hiệu nhiễm  vi khuẩn H. pylori trong dạ dày.
  • Xét nghiệm phân và kiểm tra hơi thở ure: để tìm các dấu hiệu của nhiễm trùng H. pylori hoặc để kiểm xem liệu phương pháp điều trị có hiệu quả để loại bỏ H. pylori hay không.
  • Xét nghiệm chức năng gan: thực hiện khi các triệu chứng ăn khó tiêu xuất hiện đồng thời với các dấu hiệu của các bệnh liên quan đến gan. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm này để đánh giá khả năng hoạt động  (tình trạng chức năng) hiện tại của gan.

>>>> Đọc thêm: Tìm Hiểu Về Xét Nghiệm Máu Chuẩn Đoán Nhiễm Hp Có Chính Xác Không?

vi khuẩn Hp

Kiểm tra nhiễm vi khuẩn Hp không?

6. Điều trị như thế nào hiệu quả và nhanh chóng

Để điều trị ăn khó tiêu cần xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này để có biện pháp phù hợp. Các biện pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. 

Nếu các triệu chứng ăn khó tiêu nhẹ và xảy ra không thường xuyên, bạn có thể thay đổi lối sống để đẩy lùi các triệu chứng mà không cần sử dụng đến thuốc, đây cũng là những phương pháp hiệu quả để phòng ngừa hiệu quả chứng ăn khó tiêu, bao gồm:

Thay đổi thói quen ăn uống

  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Ăn chậm hơn, nhai kỹ, dành đủ thời gian cho bữa ăn và không nằm ngay sau khi ăn.
  • Không ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn cay nóng, thức ăn chứa nhiều acid như hoa quả loại cam quýt và cà chua.
  • Hạn chế uống rượu, bia; đồ uống chứa nhiều cafein  (chè, cà phê)
  • Hạn chế đồ ngọt, đồ uống chứa nhiều ga

>>>> Tìm hiểu thêm: Cách Chữa Đầy Bụng Khó Tiêu Khi Mang Thai Cho Các Mẹ Bầu

Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Giảm căng thẳng thông qua tập yoga, thiền hoặc học các liệu pháp thư giãn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Tập thể dục thường xuyên, nên tập thể dục trước khi ăn hoặc ít nhất một giờ sau khi ăn.
  • Tránh mặc quần áo bó sát vì chúng có thể chèn ép dạ dày làm thức ăn bị trào ngược vào thực quản.
  • Đi ngủ sau ít nhất 3 giờ so với bữa ăn cuối cùng trong ngày. 
ăn khó tiêu

Thường xuyên tập thể dục giúp điều trị hiệu quả

Sử dụng thuốc

Trường hợp ăn khó tiêu có các triệu chứng nặng và xảy ra thường xuyên hơn, có thể cần sử dụng thuốc để điều trị nguyên nhân và làm giảm các triệu chứng. Sử dụng thuốc nên tuân theo lời khuyên của bác sĩ. Các nhóm thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

Thuốc làm giảm lượng acid trong dạ dày:

  • Thuốc kháng acid có tác dụng trung hòa bớt lượng acid có trong dạ dày. Thuốc kháng acid bao gồm: canxi carbonat, loperamide, simethicone, natri bicarbonat. 
  • Thuốc kháng histamin H2 (ức chế thụ thể H2): cimetidine, famotidine, nizatidine, ranitidine.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): hiệu quả trong việc điều trị ăn khó tiêu kèm chứng ợ chua. PPI bao gồm: esomeprazol, lansoprazol, omeprazol, pantoprazol, rabeprazol. 

Thuốc kháng sinh

Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng trong trường hợp nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Bác sĩ sẽ kê đơn ít nhất hai trong số các thuốc sau: Amoxicillin, Clazithromycin, Metronidazole, Tinidazole, Tetracyclin. 

Thuốc thúc đẩy thức ăn di chuyển nhanh hơn từ dạ dày vào ruột non

Các Prokinetics giúp dạ dày trống rỗng nhanh hơn làm giảm sự khó tiêu. Thuốc prokinetics được kê theo đơn bao gồm: bethanechol, metoclopamide. 

Thuốc giúp làm dịu hệ thống thần kinh của ruột 

Thuốc chống trầm cảm

Sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp trong trường hợp nguyên nhân gây ăn khó tiêu không được xác định hoặc người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị trước đó. Thuốc chống trầm cảm giúp làm giảm lo lắng, sự khó chịu mà bệnh nhân đang gặp phải.

ăn khó tiêu

Sử dụng thuốc giúp điều trị hiệu quả và nhanh chóng

7. Một số thực phẩm nên dùng cho người ăn khó tiêu 

Sử dụng một số loại thực phẩm đây có thể cải thiện chứng ăn khó tiêu của bạn:

Đồ ăn mềm

Một số loại cháo như cháo đậu xanh, cháo tía tô khi ăn sẽ được tiêu hóa nhanh hơn, vừa làm giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa vừa có tác dụng làm giảm đầy hơi, chướng bụng. 

Rau xanh

Rau xanh cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể, ăn rau mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng táo bón, đầy bụng. Tuy nhiên cần lưu ý tránh các loại rau cải xoăn, bông cải xanh, rau cải bẹ bởi chúng có chứa chất raffinose làm cản trở quá trình tiêu hóa.

>>>> Tham khảo thêm: Bị Đầy Hơi Khó Tiêu Cần Phải Làm Gì

Một số loại hoa quả

  • Đu đủ: Trong đu đủ chứa một loại enzym hỗ trợ tiêu hóa rất tốt có tên là papain. Đu đủ giúp ngăn ngừa táo bón và làm thanh thải đường ruột tránh đầy bụng, khó tiêu. Hàm lượng papain trong đu đủ xanh cao hơn rất nhiều so với đu đủ chín. Do đó, bạn nên chế biến các món ăn từ đu đủ xanh như đu đủ xanh xào, salad… để giúp làm giảm chứng khó tiêu.
  • Nho: nho ngọt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, các loại đường tự nhiên và các khoáng chất như kali, magie… giúp làm giảm chứng khó tiêu. Ăn nho thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện được các vấn đề khó chịu trong đường ruột như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, táo bón…
bổ sung thực phẩm

Bổ sung các thực phẩm dễ tiêu

  • Dứa: trong dứa có chứa một enzyme có tên là bromelain giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa protein trong thức ăn, ngăn tình trạng ứ động khí thừa trong ruột. Ngoài ra, dứa còn có chứa một lượng acid hữu cơ cao như acid malic và acid citric. Sau bữa ăn, bạn nên ăn một ít dứa để tráng miệng.
  • Chuối: Chuối chứa nhiều kali  giúp cân bằng áp suất thẩm thấu, đẩy bớt natri và nước trong ruột ra ngoài cơ thể giúp khắc phục chứng đầy bụng. Chuối mềm, lành tính và chứa acid tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
  • Táo: táo giàu pectin và protopectin. Các chất này được tiêu hóa rất nhanh sau khi vào cơ thể làm tăng tốc độ tiêu hóa thông qua  khả năng kích thích nhu động ruột co bóp, thúc đẩy thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột già nhanh hơn. Do đó làm giảm cảm giác đầy bụng khó chịu. Nên ăn trực tiếp táo tươi thay vì chỉ uống nước ép và ăn cả vỏ vì vỏ chứa một lượng lớn chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. 

Một số loại trà

  • Trà hoa cúc: Trà hoa cúc giúp gây ngủ và làm dịu sự lo lắng. Loại thảo mộc này cũng có thể làm giảm axit dạ dày trong đường tiêu hóa, qua đó làm giảm dịu sự khó chịu ở ruột và giảm chứng khó tiêu. Hoa cúc cũng có tác dụng như một chất chống viêm để giảm đau. Uống trà hoa cúc khi cần thiết để làm giảm chứng khó tiêu.
  • Trà bạc hà: Bạc hà có tác dụng chống co thắt trên cơ thể, là lựa chọn tuyệt vời để giảm các vấn đề về dạ dày như buồn nôn và khó tiêu. Sau bữa ăn, bạn có thể uống một tách trà bạc hà hoặc ngậm kẹo bạc hà để nhanh chóng làm dịu dạ dày của bạn.

Mặc dù bạc hà có thể làm dịu chứng khó tiêu, nhưng đối với chứng khó tiêu do trào ngược axit gây ra như bệnh trào ngược thực quản – dạ dày (GERD) thì bạn không nên sử dụng trà hoặc kẹo bạc hà.

ăn khó tiêu

Uống trà thảo mộc giúp cải thiện tình trạng ăn khó tiêu

Một số thực phẩm khác

  • Gừng và tỏi: Gừng kích thích làm rỗng nhanh dạ dày ở những người có chứng khó tiêu chức năng, cũng có thể giúp giảm các triệu chứng đường tiêu hóa trên. Tỏi cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng tiêu hóa do nhiều khí và đầy hơi. Sử dụng gừng bằng cách ăn sống hoặc uống trà gừng pha với mật ong giúp làm giảm chứng đầy hơi, hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày, viêm loét rất tốt.
  • Sữa chua giàu probiotic: Sữa chua là nguồn cung giàu probiotic, gồm các vi khuẩn có lợi hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Nên ăn các loại sữa chua không đường, vì hàm lượng đường cao trong sữa chua có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Nên ăn sữa chua giữa các bữa ăn, hoặc dùng tráng miệng sau khi ăn để làm dịu dạ dày của bạn. 

Ngoài ra, có thể dùng một số phương pháp dân gian như mát xa, chườm nóng vùng thượng vị… để làm giảm chứng đầy hơi.

Bạn cũng nên uống đủ nước, uống 6-8 ly nước mỗi ngày để giúp ngăn ngừa và điều trị chứng khó tiêu. Uống nước có thể giúp trung hòa acid do dạ dày tiết ra và đẩy acid đi xuống ruột, hạn chế lượng acid quá nhiều ở dạ dày .

Nước cũng  hỗ trợ đào thải các chất qua hệ thống tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và giảm khó chịu dạ dày do đầy hơi. Nên uống một ly nước trước và sau khi ăn, thay vì dùng chè hay đồ uống có ga.

KẾT LUẬN

  • Ăn khó tiêu không phải là một bệnh mà là một biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, với triệu chứng thường gặp là nóng rát, khó chịu vùng bụng trên, đầy bụng, ợ hơi. Trường hợp nặng có thể nôn mửa, khó nuốt, phân có máu…
  • Ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, các bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc là những nguyên nhân chính gây ra chứng ăn khó tiêu.
  • Điều trị chứng ăn khó tiêu bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết acid dạ dày,thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm.
  • Một số loại thực phẩm tốt cho người bị ăn khó tiêu là thức ăn mềm, rau xanh, hoa quả (dứa, táo, đu đủ, nho, chuối), trà (trà hoa cúc, trà bạc hà), gừng, sữa chua…

Để hiểu hơn về bệnh lý và các cách điều trị khác dành cho người đau dạ dày, ăn khó tiêu đầy bụng, hãy liên hệ HOTLINE 18006091.

Nguồn tài liệu tham khảo

https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/indigestion-dyspepsia/diagnosis

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/indigestion

https://www.healthline.com/health/home-remedies-for-indigestion

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091