Phác Đồ Điều Trị Xuất Huyết Dạ Dày 

Phác Đồ Điều Trị Xuất Huyết Dạ Dày 

Theo khuyến cáo cập nhật của cơ quan y tế

Xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày) là tình trạng máu thoát ra khỏi thành mạch, chảy vào trong lòng dạ dày. Nếu không được phát hiện và điều trị hợp lý, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Do vậy, việc áp dụng phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày nhanh chóng, chính xác là điều hết sức cần thiết. 

1. Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày là gì:

– Xuất huyết dạ dày không phải là một bệnh mà là biểu hiện triệu chứng của nhiều nguyên nhân; triệu chứng này có thể gây đe dọa tính mạng của người bệnh. 

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day

Hình ảnh xuất huyết dạ dày

 

– Tỷ lệ mắc phải xuất huyết dạ dày trong cộng đồng khoảng 80 – 90 trường hợp trên 100.000 người, với tỷ lệ tử vong từ 6 – 12%. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc đã giảm ở đối tượng trẻ tuổi do tần suất mắc Helicobacter pylori đã giảm và do sử dụng rộng rãi các thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol,…). Tuy nhiên, ở đối tượng người cao tuổi lại có xu hướng gia tăng do thường xuyên sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

– Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày:

+ Tiền sử mắc các bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày (chiếm khoảng 50% các trường hợp xuất huyết dạ dày).

+ Do giãn tĩnh mạch dạ dày (chiếm 10 – 20% các trường hợp xuất huyết dạ dày).

+ Stress: Khi người bệnh đang gặp phải những vấn đề về đường tiêu hóa mà rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu sẽ rất dễ gây nên tình trạng sung huyết và gây chảy máu.

+ Chảy máu đường mật, máu từ gan chảy vào đường mật đổ xuống tá tràng, ung thư gan, sỏi mật, áp xe đường mật, dị dạng động mạch gan.

+ Vận động mạnh, lao động, chơi thể thao quá sức; tác động mạnh vào vùng bụng cũng có thể gây xuất huyết dạ dày.

+ Ngoài ra, sử dụng rượu, bia, dùng các thuốc chống đông máu (warfarin), corticoid, NSAIDs, aspirin cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh gặp phải tình trạng xuất huyết dạ dày.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day2

>>>Xem thêm: Bị Xuất Huyết Dạ Dày Và Những Điều Cần Biết Về Xuất Huyết Dạ Dày

2. Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày tại các cơ sở y tế:

– Để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhanh chóng; trước tiên bệnh nhân sẽ được chỉ định thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán và xác định  mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời; đặc biệt đối với các trường hợp có diễn biến bệnh nặng, cấp cứu.

2.1. Chẩn đoán xuất huyết dạ dày:

2.1.1. Chẩn đoán xác định:

– Chẩn đoán điển hình: Các triệu chứng thường gặp của xuất huyết dạ dày:

+ Nôn ra máu: Nôn ra máu đỏ tươi/ đen lẫn máu cục, có thể lẫn với thức ăn và dịch vị. 

+ Đại tiện phân đen: Đi ngoài ra máu tươi, phân đen, mùi hôi tanh là biểu hiện xuất huyết dạ dày điển hình. Trong trường hợp bệnh tiến triển đến giai đoạn xuất huyết nặng, phân sẽ có màu đen sẫm.

+ Đau vùng thượng vị: Triệu chứng thường gặp trong trường hợp xuất huyết dạ dày do biến chứng của loét dạ dày – tá tràng.

+ Các dấu hiệu mất máu cấp: Mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, thể tích tuần hoàn giảm, chóng mặt, ù tai, vật vã, rối loạn ý thức. 

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day3

– Chẩn đoán không điển hình: Bệnh nhân chỉ có biểu hiện mất máu cấp mà không nhận thấy các triệu chứng điển hình. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám, và tiến hành nội soi dạ dày để chẩn đoán và xác định vị trí xuất huyết. Trong trường hợp xuất huyết ồ ạt không thể tìm được vị trí xuất huyết bằng phương pháp nội soi, cần phải súc rửa dạ dày và nội soi lại khi tình trạng xuất huyết ổn định hoặc có dấu hiệu tái xuất huyết.

 

2.1.2. Chẩn đoán phân biệt:

– Bệnh nhân khi có các dấu hiệu sau được xác định xuất huyết dạ dày nghiêm trọng và cần thực hiện ngay phác đồ điều trị hợp lý, hồi sức tích cực để tránh nguy hiểm tới tính mạng:

+ Lượng máu bị hao hụt khoảng trên 500 ml hoặc người bệnh phải truyền trên 5 đơn vị máu trong 24 giờ.

+ Hạ huyết áp tư thế kèm sốc mất máu.

+ Bệnh nhân bị chảy máu tươi ngay khi đặt sonde dạ dày.

+ Chỉ số HCT (Hematocrit: Tỷ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần) dưới 20%, HC (hồng cầu) dưới 2tr/L và Hb (Hemoglobin) dưới 7g/dL.

+ Các vấn đề sức khỏe kết hợp: Bệnh suy tim, mạch vành hay đối tượng bệnh nhân trên 60 tuổi.

 

2.1.3. Chẩn đoán nguyên nhân:

– Chẩn đoán nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh lý và nội soi dạ dày.

– Tiến hành nội soi dạ dày xác định chính xác nguyên nhân, vị trí xuất huyết để chỉ định thực hiện cầm máu kịp thời.

 

2.2. Đánh giá mức độ xuất huyết dạ dày và nguy cơ tái phát:

– Bệnh nhân cần được đánh giá nguy cơ tái phát xuất huyết dạ dày và mức độ nặng của tình trạng bệnh để điều chỉnh phác đồ hợp lý:

+ Những triệu chứng cho thấy tình trạng xuất huyết đang tiếp diễn hoặc tái phát.

+ Nội soi tiêu hóa: Đánh giá nguy cơ xuất huyết và tái nhiễm.

– Phương pháp đánh giá:

+ Bảng phân loại Forrest:

  • FIA: Máu phun thành tia do loét vào mạch máu, nguy cơ tái phát cao.
  • FIB: Máu chảy thành dòng do loét vào mạch máu, nguy cơ tái phát cao.
  • FIIA: Tổn thương mạch máu, nhưng không xuất hiện chảy máu, nguy tái phát cao cần phải nội soi điều trị để ngăn ngừa xuất huyết tái phát. 
  • FIIB: Xuất huyết đã cầm, có cục máu đông bám vào cần phải loại bỏ để xem hình thái tổn thương bên dưới, nếu nguy cơ tái phát cao thì cần phải điều trị nội soi.
  • FIIC, FIII: Không còn dấu hiệu xuất huyết, nguy cơ tái phát thấp chỉ cần điều trị bằng thuốc, không cần điều trị nội soi.

 

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day-14

+ Thang điểm Rockall: 

  • Thang điểm Rockall dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi để đánh giá tình trạng xuất huyết dạ dày, nguy cơ tử vong hoặc tái nhiễm xuất huyết dạ dày.
  • Thang điểm Rockall trên lâm sàng: 0 điểm hoặc trên toàn bộ ≤ 2 điểm thì nguy cơ tử vong hoặc tái nhiễm xuất huyết dạ dày thấp.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day5

>>>Xem thêm: Xuất Huyết Dạ Dày Là Biến Chứng Của Nhiều Căn Bệnh Nguy Hiểm

2.3. Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày tại các cơ sở y tế:

Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày được xây dựng đối với từng bệnh nhân cụ thể dựa trên tiền sử bệnh, kết quả thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh nhân cần được đánh giá và điều trị tích cực, kết hợp các biện pháp hồi sức nội khoa, ổn định huyết động, đặc biệt vai trò quan trọng của nội soi điều trị cầm máu, sử dụng các thuốc ức chế bơm proton liều cao tĩnh mạch sau nội soi trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ tái xuất huyết dạ dày cao.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day6

Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày

2.3.1. Biện pháp hồi sức:

2.3.1.1. Phương pháp tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân:

– Giữ người bệnh ở tư thế nằm, thấp đầu. Cần chú ý đảm bảo thông khí cho bệnh nhân.

– Cho bệnh nhân thở oxy từ 2 – 6 lit/phút. Trong trường hợp có nguy cơ trào ngược hoặc suy hô hấp, bệnh nhân cần chỉ định tiến hành đặt nội khí quản để đảm bảo thông khí.

– Thực hiện 2 đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp có suy tim, tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm rồi tiến hành đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP).

– Theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân, đặt sonde tiểu.

– Tiến hành rửa sạch máu trong dạ dày, đặt sonde dạ dày.

– Tiến hành lấy máu để làm xét nghiệm và làm điện tim (trong trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi, hay có bệnh lý mạch vành,…).

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day7

2.3.1.2. Hồi phục thể tích và chống sốc:

Mục đích: Giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc do mất máu, biểu hiện bởi kết thúc tình trạng kích thích vật vã, da ấm trở lại, huyết áp tương đối > 90 mmHg, lượng nước tiểu > 30 ml/giờ.

– Duy trì thể tích tuần hoàn là biện pháp cần phải thực hiện đầu tiên, càng sớm càng tốt. Lập đường truyền tĩnh mạch, dùng các dung dịch đẳng trương như NaCl 0,9%, lactate ringer. Không dùng các dung dịch ưu trương như glucose 10%, 20%, 30% vì sẽ làm tăng độ quánh của máu, làm tốc độ tuần hoàn chậm lại dễ dẫn đến toan máu gây choáng.

– Điều chỉnh tốc độ và lượng máu truyền tùy thuộc vào mức độ xuất huyết và tình trạng tim mạch, tuần hoàn hiện tại của bệnh nhân.

– Cần theo dõi chặt chẽ chỉ số mạch, huyết áp, đo CVP (áp lực tĩnh mạch trung tâm), nghe phổi, theo dõi lượng nước tiểu,… để điều chỉnh kịp thời phác đồ trong trường hợp tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day8

 

2.3.2. Truyền máu: 

– Cần truyền máu cho các bệnh nhân cao tuổi, mắc kèm các bệnh lý nền về tim phổi mà đang trong tình trạng xuất huyết dạ dày nghiêm trọng. Thông thường, chỉ số HCT (Tỷ lệ hồng cầu trên thể tích máu toàn phần) được duy trì trên 30% ở người cao tuổi và trên 25% ở người trẻ khỏe mạnh bị xuất huyết dạ dày. Việc quyết định truyền máu ở những bệnh nhân không chỉ dựa vào chỉ số HCT mà còn dựa vào sự thay đổi dấu hiệu sinh tồn, diễn biến tình trạng bệnh.

– Bệnh nhân cũng cần được truyền máu trong trường hợp bị rối loạn đông máu do khối tiểu cầu hoặc huyết tương tươi có dấu hiệu đông lạnh.

 

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day10

2.3.3. Đặt ống thông dạ dày, dùng thuốc erythromycin:

– Đặt ống thông dạ dày đối với các trường hợp bệnh nhân xuất huyết dạ dày kèm theo nôn ra máu. 

– Trường hợp nghi ngờ xuất huyết dạ dày ở những bệnh nhân chỉ có đại tiện phân đen hoặc có triệu chứng đau thượng vị, cần phải đặt ống thông dạ dày hút dịch vị xem có máu không để xác định nguyên nhân, vị trí xuất huyết. 

– Tiêm tĩnh mạch Erythromycin 250 mg trước khi tiến hành nội soi 30 – 120 phút để làm sạch máu trong dạ dày, giúp quá trình nội soi được nhanh chóng, kết luận chính xác vị trí, nguyên nhân gây xuất huyết.

2.3.4. Điều trị cầm máu theo nguyên nhân:

– Trong phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày, nội soi là phương pháp đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cầm máu theo từng nguyên nhân cụ thể. Biện pháp cần phải được tiến hành sớm khi nhận thấy tình trạng người bệnh dần ổn định trở lại.

– Nguyên nhân cụ thể:

+ Viêm dạ dày – tá tràng cấp: Cắt bỏ các tác nhân gây kích thích và sử dụng các thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, lansoprazol).

+ Loét dạ dày – tá tràng: Can thiệp nội soi kết hợp với dùng thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, lansoprazol) để ức chế bài tiết dịch dạ dày. Cân nhắc phẫu thuật đối với trường hợp xuất huyết nặng.

+ Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: Can thiệp nội soi kết hợp với sử dụng thuốc để làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa (somatostatin). 

2.3.5. Phương pháp điều trị khác:

– Trong trường hợp bệnh nhân xuất huyết dạ dày nặng mà tiến hành nội soi thất bại, hoặc chưa thể xác định chính xác nguyên nhân, vị trí xuất huyết; cần tiến hành điều trị phối hợp theo nguyên tắc:

+ Truyền dịch và máu để chống sốc, hồi phục thể tích tuần hoàn.

+ Truyền tĩnh mạch kết hợp với sử dụng thuốc ức chế bài tiết dịch vị (omeprazol) và thuốc giảm áp lực của tĩnh mạch cửa (somatostatin).

– Cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành chỉ định chụp mạch máu hoặc can thiệp phẫu thuật để cầm máu cho bệnh nhân đối với các trường hợp xuất huyết nghiêm trọng, tiên lượng tử vong cao.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day9

>>>Xem thêm: Cách Chữa Xuất Huyết Dạ Dày Tại Nhà Hiệu Quả Mà Bạn Cần Biết

 

2.4. Lưu ý về sử dụng thuốc khi đang trong phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày:

– Cần đặc biệt lưu ý trong việc sử dụng thuốc ở các bệnh nhân đang điều trị xuất huyết dạ dày. Việc sử dụng hay ngừng dùng thuốc có thể dẫn tới tình trạng xuất huyết nghiêm  trọng hơn. Một số thuốc mà bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý trong quá trình điều trị:

+ Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Tỷ lệ cao xuất huyết dạ dày liên quan tới nhóm đối tượng sử dụng thuốc chống viêm steroid (NSAISs) thường xuyên trong thời gian dài. Vì vậy, đối với nhóm đối tượng nguy cơ, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh, cân nhắc giữa lợi ích và yếu tố nguy cơ khi sử dụng thuốc.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day2

+ Thuốc chống đông máu: Điển hình là warfarin. Sử dụng thuốc sẽ khiến tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, tuyệt đối không sử dụng nhóm thuốc này khi đang sử dụng phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày.

+ Aspirin: Aspirin là thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu. Do đó chỉ nên sử dụng thuốc khi các triệu chứng của xuất huyết dạ dày đã được chữa trị hoàn toàn.

+ Nhóm thuốc ức chế bơm proton: Omeprazol, lansoprazol,… tác dụng ức chế bài tiết acid dịch vị dạ dày nên được sử dụng để điều trị và dự phòng xuất huyết dạ dày.

 

Một số thuốc cần lưu ý khi đang trong phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày

3. Phác đồ điều trị dự phòng và ngăn ngừa tình trạng tái xuất huyết dạ dày:

– Xuất huyết dạ dày là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể diễn biến nhanh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp các biện pháp dự phòng, chăm sóc tại nhà để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tình trạng tái xuất huyết. 

3.1. Biện pháp chăm sóc tại nhà:

– Tuân thủ phác đồ điều trị, kết hợp thêm các biện pháp chăm sóc y tế tại nhà sẽ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh:

+ Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn lượng nhỏ để chức năng dạ dày dần thích nghi, hồi phục.

+ Luôn giữ tinh thần lạc quan, nghỉ ngơi hợp lý; tránh stress, kích động.

+ Tránh di chuyển hay vận động mạnh.

3.2. Điều trị dự phòng nguy cơ tái phát xuất huyết dạ dày:

– Bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày ngay sau khi cầm máu thành công để tránh trường hợp xuất huyết tái phát. Đặc biệt, với trường hợp xuất huyết dạ dày do loét dạ dày – tá tràng, cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời:

 

 

+ Loét dạ dày do Helicobacter pylori:

  • Điều trị diệt Helicobacter pylori bằng kháng sinh. 
  • Trong trường hợp, H. pylori không đáp ứng với điều trị thường quy, tiến hành nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh tối ưu; kết hợp sử dụng thuốc ức chế bơm proton.

+ Loét dạ dày nguyên nhân do sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): 

  • Thay thế bằng NSAIDs khác ít độc hơn.
  •  Sử dụng kết hợp các thuốc ức chế bơm proton.
  •  Kết hợp các thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

– Để tránh tái phát xuất huyết dạ dày, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

+ Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, rau củ tươi, đồ ăn dễ tiêu hóa. Ăn đúng bữa, chia nhỏ thức ăn làm nhiều bữa để dạ dày dần thích nghi.

+ Bổ sung đủ nước cho cơ thể, trung bình một ngày uống 1,5 – 2 lit nước.

+ Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống kích thích.

+ Tránh lạm dụng các thuốc.

+ Duy trì lối sống lành mạnh, làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tăng cường vận động.

phac-do-dieu-tri-xuat-huyet-da-day13

Dự phòng xuất huyết dạ dày

>>>Xem thêm: Xuất Huyết Dạ Dày Nên Ăn Gì? Biện Pháp Phòng Ngừa Bệnh Xuất Huyết Dạ Dày

Kết luận:

Xuất huyết dạ dày là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày hợp lý. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc để tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo HOTLINE 18006091 để được đội ngũ bác sĩ, dược sỹ của Scurma Fizzy giải đáp những thắc mắc và tư vấn phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày hiệu quả.

 

 

 

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091