Trào Ngược Dạ Dày Uống Thuốc Gì, Ăn Gì Và Nên Làm Gì

Trào Ngược Dạ Dày Uống Thuốc Gì, Ăn Gì Và Nên Làm Gì

Trào ngược dạ dày uống thuốc gì, ăn gì và nên làm gì ?

Hiện nay, trào ngược dạ dày đã là căn bệnh phổ biến và không quá xa lạ với chung ta. Số liệu cho thấy, số lượng người trưởng thành mắc phải trào ngược dạ dày có dấu hiệu tăng cao trong những năm gần đây. Vậy khi bị trào ngược dạ dày nên uống thuốc gì ? Ăn những loại thực phẩm nào và nên thay đổi lối sống ra sao ? Hãy cùng Scurma Fizzy làm rõ những thắc mắc của bạn thông qua bài viết sau.

 

1.Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày là một bệnh lý liên quan đường tiêu hóa và dễ mắc phải. Bệnh lý được hiểu là tình trạng acid dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Cụ thể hơn là : Bình thường khi chúng ta ăn uống, thực phẩm sẽ đi từ thực quản thông qua cơ vòng thực quản để xuống dạ dày. Khi thức ăn đã xuống dạ dày, cơ vòng thực quản sẽ tự động đóng lại để thức ăn không bị trào ngược trở lên phía trên thực quản. Tuy nhiên, trong trường hợp phần cơ hoành thực quản gặp phải vấn đề, rối loạn hoạt động sẽ dẫn đến thức ăn mang theo acid dịch vị trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, ợ hơi.

2.Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra trào ngược dạ dày

Có nhiều yếu tố làm cho trào ngược dạ dày thực quản phát sinh:

  •       Thói quen ăn uống không lành mạnh : ăn không đúng bữa, ăn quá no, ăn đêm, ăn nhiều hoa quả chứa hàm lượng acid cao ( cam, chanh,…) khi bụng đói, ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán,… gây nhiều áp lực cho cơ co thắt thực quản làm suy yếu cơ này, gây chứng trào ngược dạ dày thực quản.
  •       Căng thẳng kéo dài : Stress làm tăng tiết cortisol, chất hormon làm tăng tiết acid tại dạ dày, tăng co bóp dạ dày, đẳng dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Ngoài ra stress còn làm rối loạn nhu động cơ thực quản làm cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm, thường xuyên giãn mở, lâu dài sẽ làm trào ngược dịch vị lên thực quản.
  •       Thức ăn bị ứng động tại dạ dày do các nguyên nhân bệnh lí như : viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị…. Áp lực dạ dày tăng lên do các chất trong dạ dày lưu thông chậm xuống ruột.
  •       Áp lực ổ bụng tăng đột ngột : Trào ngược dạ dày có thể xuất phát từ cơn ho, hắt hơi đột ngột hoặc gắng sức.
  •       Suy cơ thắt dưới thực quản : Cơ thắt dưới thực quản nằm ở vị trí nối thực quản và dạ dày, bình thường sau khi nuốt thức ăn, cơ thắt dưới giãn mở cho thức ăn di chuyển xuống dạ dày sau đó đóng kín lại ngăn không cho dịch vị trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, những lúc trương lực cơ giảm, dịch vị trào ngược lên thực quản, nhờ dịch nhầy tại thực quản, bicarbonat và nước bọt có tính kiềm sẽ trung hòa lượng acid này làm giảm sự kích thích của dịch vị lên niêm mạc thực quản. Nếu cơ thực quản dưới suy yếu, dịch vị sẽ thường xuyên trào ngược lên thực quản. Các nguyên nhân gây suy cơ thắt thực quản: giảm tiết nước bọt do hút thuốc là, lạm dụng các thuốc kích thích beta thụ cảm, ức chế alpha, kháng tiết cholin, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ,…
  •       Thoát vị hoành: Cơ hoành phân chia khoang ngực và khoang bụng, là một cơ dạt hình vòm. Khi cơ hoành co tăng áp lực cho cơ thắt dưới thực quản, góp phần ngăn dịch vị trào ngược lên thực quản. Khi bị thoát vị hoành, cơ dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành do đó dễ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.

Các yếu tố nguy cơ gây trào ngược dạ dày thực quản như : có thai, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các thuốc kháng cholinergic, thuốc giãn phế quản, thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc chống trầm cảm ba vòng,…

>>>> Tìm hiểu thêm: Xây Dựng Chế Độ Ăn Cho Người Trào Ngược Dạ Dày Quan Trọng Thế Nào?

3.Triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản

Các triệu chứng thường hay gặp phải khi bị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm :

  •       Buồn nôn, nôn : Triệu chứng thường xuất hiện khi người bệnh ăn quá no hoặc vừa mới ăn xong đã nằm ngay. Người bệnh có cảm giác mắc nghẹn thức ăn và buồn nôn.
  •       Ợ chua, ợ nóng, ợ hơi
  •       Khó nuốt, nghẹn cổ họng : Acid dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản với cường độ lớn làm sưng tấy lớp niêm mạc thực quản, dẫn đến phù nề gây cho người bệnh cảm giác khó nuốt, nghẹn ở cổ.
  •       Đau, tức ngực: Cảm giác đau này xuất hiện do acid trào ngược lên thực quản kích thích các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây ra cảm giác đau đau như đau ở ngực. Đây là triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch.
  •       Khàn giọng, ho: Acid dịch vị trào ngược lên thực quản có thể tiếp xúc với dây thanh quản gây sưng tấy thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng, lâu dài dẫn đến ho.
  •       Tiết nhiều nước bọt: Để trung hoạt với lượng acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản, cơ thể phản xạ tự nhiên bằng cách tiết ra nhiều nước bọt hơn bình thường. Điển hình là sau khi ợ chua, người bệnh thường tiết nhiều nước bọt.
  •       Cảm giác đắng ở miệng : Người bệnh bị rối loạn thần kinh dạ dày, khiến van môn vị mở quá mức, dịch mật trào ra, acid dịch vị trào ngược lên thực quản có thể mang theo dịch mật, khiến người bệnh có cảm giác đắng ở miệng.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có những biểu hiện chán ăn, sụt cân, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa.

4. Uống thuốc gì để điều trị trào ngược?

4.1. Thuốc kháng acid – lời đáp nhanh chóng cho câu hỏi trào ngược dạ dày uống thuốc gì ?

Nhóm thuốc kháng acid thường được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày, giảm đau dạ dày do trào ngược dạ dày thực quản gây ra hoặc do uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, căng thẳng kéo dài quá mức,…

Nhóm thuốc hoạt động theo cơ chế trung hòa acid dịch vị, làm tăng độ pH tại dạ dày. Từ đó làm dịu cơn đau và các triệu chứng khó chịu do trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Đồng thời thuốc cũng giúp ngăn chặn, làm chậm sự ăn mòn niêm mạc dạ dày bởi acid dịch vị.

Các thuốc phổ biến trong nhóm thuốc này gồm :

Thuốc  kháng acid ion âm : Carbonate monosodique, Cacbonat canxi,.. Thuốc có tác dụng nhanh và mạnh nhưng không có khả năng đệm nên chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn ( sử dụng trong thời gian 1-2 ngày)

Thuốc kháng acid ion dương : Magnesium hydroxide, Aluminum phosphate, Aluminum hydroxide,… Các thuốc này làm giảm nhanh các triệu chứng ở dạ dày và thực quản nhờ vào tác dụng làm thay đổi tính acid của dịch vị. Thuốc được sử dụng 4 lần/ ngày , sau 3 bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ. Hiện nay, nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến hơn so với nhóm thuốc kháng acid ion âm.

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc là : táo bón, tiêu chảy,…Thuốc tương đối an toàn ở liều điều trị, tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc, sử dụng lâu dài sẽ gây loãng xương, tăng magie huyết, tăng nồng độ nhôm trong máu.

>>>> Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Điều Trị Bằng Thuốc Đông Y Có Thu Được Hiệu Quả Tốt Không?

4.2. Thuốc kháng histamin H2 – lời đáp cho câu hỏi trào ngược dạ dày uống thuốc gì ?

Thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế bài tiết acid dịch vị. Thuốc thường được chỉ định cho trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, và các triệu chứng liên quan do hiện tượng tăng tiết acid dịch vị gây ra như  đau thượng vị, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng,…

Các thuốc thường được sử dụng trong nhóm này gồm : Ranitidin, Famotidin, Cimetidin, Ranitidin,…

Nhóm thuốc kháng histamin H2 ức chế giảm tiết acid dịch vị không hoàn toàn và có tác dụng ngắn nên ít được sử dụng hơn so với nhóm thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, ưu điểm của nhóm thuốc này là cho hiệu quả cao trong việc ức chế bài tiết acid vào ban đêm, nên thường được chỉ định kèm với các thuốc khác cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Không nên sử dụng thuốc nếu quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thời gian dài cho người cao tuổi. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc là : buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy,…

4.3. Thuốc ức chế bơm proton – lời đáp hiệu quả nhất cho câu hỏi trào ngược dạ dày uống thuốc gì ?

Thuốc hoạt động theo cơ chế giảm tiết acid ở dạ dày bằng cơ chế ức chế enzyme trong thành tế bào dạ dày. Thuốc được sử dụng để chữa trị trào ngược dạ dày và một số bệnh lý khác liên quan như : đau dạ dày, viêm loét dạ dày,..

Một số thuốc phổ biến trong nhóm thuốc ức chế bơm proton là : Omeprazole ( Prilosec, Zegerid), Pantoprazole ( Protonix), Rabeprazole ( Aciphex), Dexlansoprazole ( Dexilant ) , esomeprazole ( Nexium), Lansoprazole (Prevacid).

Để gia tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ thường phối hợp thuốc ức chế bơm proton với các nhóm thuốc khác theo liều trình thích hợp.

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc là : đau đầu, tiêu chảy, sốt , nôn mửa, phát ban, táo bón.

4.4 Thuốc tạo màng bọc bảo vệ niêm mạc dạ dày – thêm một phương án cho vấn đề trào ngược dạ dày uống thuốc gì ? 

Nhóm thuốc này bao gồm Bismuth và Misoprostol, thường hay được sử dụng trong điều trị loét dạ dày tá tràng, ngoài ra cũng được dùng để phòng ngừa loét và xuất huyết đường tiêu hóa bởi tác dụng phụ của thuốc corticoid và nhóm thuốc kháng viêm không steroid NSAID.

Thuốc có tác dụng trung hòa acid một phần ( yếu hơn so với thuốc kháng acid) , tuy nhiên thuốc có khả năng kết hợp với chất nhày tại dạ dày tạo thành lớp màng bao bọc vững chắc giúp bảo vệ các tế bào niêm mạc khỏi tác động của acid dịch vị. Nhờ vậy thuốc có tác dụng tốt trong bảo vệ vết loét tại dạ dày, tá tràng và ngăn ngừa vết loét tiến triển nặng hơn.

Đặc biệt, Bismuth còn hoạt động với cơ chế kích thích tăng sản sinh prostaglandin và chất nhầy – là 2 yếu tố góp phần bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày. Do đó, Bismuth thường được chỉ định phối hợp trong các liệu trình điều trị loét dạ dày tiến triển hoặc nhiễm khuẩn Hp.

Thuốc không được dùng cho phụ nữ mang thai, người suy thận nặng hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

4.5. Thuốc ức chế thụ thể choline – giải pháp bổ sung cho vấn đề trào ngược dạ dày uống thuốc gì ?

Nhóm thuốc ức chế thụ thể choline được chỉ định trong điều trị loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong các trường hợp viêm đại tràng co thắt , bệnh Parkinson giai đoạn đầu. Thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế cạnh tranh với acetylcholin – là chất trung gian hoá học dẫn truyền xung động thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.

Thuốc giúp giảm hoạt động bài tiết acid dịch nhờ tác dụng giảm sự co thắt quá mức của dạ dày và tá tràng. Ngoài ra, các triệu chứng liên quan như đau vùng thượng vị, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa,… cũng được thuốc hỗ trợ cải thiện.

Các thuốc phổ biến trong nhóm thuốc này là : Pirenzepine, Banthine, Pro Banthine.

Thuốc thường được chỉ định trong trường hợp dạ dày co bóp quá mức. Những trường hợp còn lại, bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định thuốc kháng histamin h2 và thuốc ức chế bơm proton.

Không nên dùng thuốc trong các trường hợp sau : trẻ em bị sốt cao, người hẹp môn vị, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh glaucom góc hẹp, bệnh nhược cơ, liệt ruột.

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc là mất khả năng điều tiết mắt, khó nuốt, khô miệng, giãn đồng tử, sợ ánh sáng, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hoang tưởng,…

>>>> Tìm hiểu thêm: 13 Cách Chữa Trào Ngược Tại Nhà Đơn Giản Nhưng Hiệu Quả

4.6. Các thuốc khác

Ngoài những thuốc trên, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo các loại thuốc sau đây :

  •       Thuốc an thần như Tranxene , Valium , Librax.
  •       Thuốc giảm đau chống co thắt như Spasmaverine, Buscopan, Nospa.
  •       Vitamin bổ sung : vitamin B1, B6, A, C, U.
  •       Kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn Hp như Clarithromycin, Amoxicillin, Metronidazole và Tetracyclin.

5.Trào ngược dạ dày nên ăn những loại thực phẩm nào ?

Thức ăn chứa hàm lượng acid cao hoặc nhiều chất béo sẽ làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược dạ dày như ợ nóng, buồn nôn, đầy bụng,…Do đó hay sử dụng những thực phẩm sau tránh bệnh tiến triển và hỗ trợ giảm triệu chứng hiệu quả :

Các loại trái cây chứa hàm lượng acid thấp : Trái cây thuộc họ cam quýt sẽ chứa lượng acid cao nên cần tránh các loại trái cây này, nên ăn táo chứa nhiều chất xơ giúp hòa tan tốt chất béo ở ruột, đồng thời giảm táo bón. Dưa hấu là loại trái cây chứa nhiều nước và một ít chất xơ giúp chống tiêu chảy, cải thiện tiêu hóa.

Củ gừng: Nên bổ sung gừng vào chế độ ăn của người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bạn có thể sử dụng gừng tươi , thái lát mỏng cho vào các món ăn hằng ngày hoặc pha trà gừng uống để giảm nhẹ các triệu chứng trào ngược dạ dày, góp phần cải thiện chức năng hệ tiêu hóa.

Yến mạch: Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nên bỏ qua yến mạch. Là một loại thực phẩm ăn sáng nhanh gọn, giàu chất xơ, hơn nữa yến mạch có khả năng hấp thụ acid làm giảm nồng độ acid dạ dày từ đó giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Có thể dùng yến mạch chung với sữa ấm vào buổi sáng hoặc rắc yến mạch ăn kèm với sữa chua và trái cây tươi để cải thiện chức năng tiêu hóa.

Lòng trắng trứng: chứa hàm lượng protein cao, lành mạnh. Lòng trắng trứng nên được bổ sung vào thực đơn cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản tuy nhiên cần phải tránh xa lòng đỏ vì lòng đỏ chứa hàm lượng chất béo cao, làm trầm trọng thêm triệu chứng.

Sữa chua: là thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, đồng thời sữa chua có chứa men lợi khuẩn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn sữa chua hằng ngày nhưng chú ý không nên ăn vào lúc đói.

Sử dụng mật ong và nghệ : Nghệ và mật ong giàu các chất chống viêm và chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích tích cực cho hệ tiêu hóa. Kết hợp nghệ và mật ong đơn giản theo 2 cách sau để chữa trị triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Cách 1 : Chuẩn bị 50g nghệ tươi và 2 thìa mật ong nguyên chất, nghệ tươi đem rửa sạch, gọt vỏ, xay nhuyễn lấy phần nước cốt, rồi trộn đều mật ong vào là có thể sử dụng, nên sử dụng 2 lần/ ngày trước bữa ăn. Cách 2 : Trộn mật ong và bột nghệ với lượng như nhau tạo thành bột mịn, vo bột thành từng viên, rồi cho vào lọ đem bảo quản lạnh, mỗi lần sử dụng 3 viên chung với nước ấm sẽ giúp triệu chứng thuyên giảm dần.

6.Trào ngược dạ dày nên làm gì ?

Song song với việc sử dụng thuốc, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên tích cực cải thiện lối sống lành mạnh, khoa học bằng cách xây dựng các thói quen tốt, tránh xa các thói quen xấu như sau:

_Tránh các thức uống chứa nhiều chất kích thích như cafe, trà hoặc đồ uống có ga

_Tránh thức ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, thức ăn cay

_Tránh thức ăn có hàm lượng acid cao như cam quýt, bạc hà, chocolate

_Nên chia bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

_Hạn chế uống rượu bia

_ Không nên nằm ngay sau khi ăn, tốt nhất 3 giờ sau ăn mới nên nằm.

_ Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Quần áo bó sát sẽ gây áp lực lên dạ dày, làm nặng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

_ Nâng cao đầu giường 10-15cm

_ Giữ tinh thần thoải mái, luôn lạc quan vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức và kéo dài.

Kết luận : Thông qua bài viết chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc trào ngược dạ dày uống thuốc gì ? Nên ăn gì và làm gì? Hãy tích cực áp dụng những thông tin hữu ích trên nhé! Liên hệ HOTLINE 18006091  để được đội ngũ bác sĩ, dược sĩ tư vấn chi tiết hơn về tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và nhận được những lời khuyên bổ ích góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091