Những Thuốc Giảm Tiết Axit Dạ Dày Tốt Nhất Năm 2021

Những Thuốc Giảm Tiết Axit Dạ Dày Tốt Nhất Năm 2021

Axit dịch vị dạ dày mặc dù không phải enzym tiêu hóa nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ tiêu hóa bởi tác dụng làm tăng hoạt tính của pepsin, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, sát khuẩn. Tuy nhiên, việc sản xuất quá nhiều axit sẽ gây ra những tác động xấu đến dạ dày và các vấn đề sức khỏe. Axit dạ dày tăng cao sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, lâu ngày sẽ dẫn đến những bệnh lý như: viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản… Càng ngày số người mắc các bệnh lý hệ tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh về dạ dày càng tăng cao. Vì vậy việc điều trị nguyên nhân gây bệnh rất được quan tâm.

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị đơn giản và phổ biến nhất mà hầu như đối tượng nào cũng có thể dùng. Thuốc giảm tiết axit dạ dày là một nhóm thuốc được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng nhiều nhất hiện nay, và có mặt trong hầu hết các phác đồ điều trị bệnh dạ dày. Hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu những thông tin bổ ích nhất về các thuốc giảm tiết axit dạ dày tốt nhất hiện nay.

1. Quá trình bài tiết axit của dạ dày diễn ra như thế nào?

Thành phần được biết đến nhiều nhất của dịch dạ dày là axit clohydric (HCl), đây là một sản phẩm bài tiết của tế bào thành, hay còn gọi là oxyntic. Khả năng tiết axit của dạ dày gần như liên quan tuyến tính với số lượng tế bào thành. 

Về bản chất, biểu mô của dạ dày có khả năng chống lại các tác hại của axit dịch vị và các tác hại khác. Tuy nhiên, tiết quá nhiều axit dịch vị là một vấn đề lớn, dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày hay trào ngược axit dạ dày. Từ đó, tế bào thành và các cơ chế nó sử dụng để tiết ra axit đã được nghiên cứu rộng rãi hơn, dẫn đến việc phát triển một số loại thuốc giảm tiết axit dạ dày hiện nay.

Nồng độ ion H+trong chất tiết của tế bào thành cao hơn trong máu khoảng 3 triệu lần. Do đó, khả năng tiết axit sẽ phụ thuộc vào quá trình vận chuyển tích cực. Quá trình vận chuyển axit sẽ thông qua một H+/K+ATPase hay còn gọi là “máy bơm proton”. 

Cụ thể quá trình bài tiết axit của tế bào thành sẽ diễn ra theo sơ đồ sau:

Quá trình bài tiết axit dạ dày

Quá trình bài tiết axit dạ dày

  • Các ion H+được tạo ra trong tế bào thành qua sự phân li của nước. Các ion này sẽ nhanh chóng kết hợp với carbon dioxide (CO2) để tạo thành ion bicarbonate (HCO3), phản ứng này được xúc tác bởi carbonic anhydrase.
  • Bicarbonate được vận chuyển ra khỏi màng đáy để đổi lấy clorua (Cl). Dòng chảy của bicarbonate vào máu dẫn đến độ pH trong máu tăng nhẹ, quá trình này để duy trì pH nội bào trong tế bào thành.
  • Các ion Cl đi ra khỏi tế bào thành và ion K+ đi vào nhờ các kênh vận chuyển, từ đó kéo theo ion H+ra khỏi tế bào để cân bằng điện tích. Quá trình này cần thiết cho sự tiết axit của tế bào.
  • Ion H+được bơm ra khỏi tế bào, vào lòng mạch để đổi lấy kali thông qua hoạt động của bơm proton, do đó kali được tái chế một cách hiệu quả. 

2. Cơ chế kiểm soát sự tiết axit của các thuốc giảm tiết axit dạ dày

2.1. Cơ chế kiểm soát sự tiết axit

Tế bào thành là nơi sản xuất axit dạ dày, vì vậy muốn kiểm soát sự bài tiết axit phải dựa vào các tác nhân tác động lên nó. Tế bào thành mang các thụ thể đối với ba yếu tố kích thích tiết axit đó là:

  • Histamine (thụ thể loại H2)
  • Acetylcholine (thụ thể loại muscarinic)
  • Gastrin

Quá trình sinh lý của cơ thể khi các chất kích thích tế bào thành tiết axit diễn ra như sau: 

  • Tác dụng của histamin lên tế bào thành là kích hoạt adenyl cyclase (AC), dẫn đến tăng nồng độ AMP vòng nội bào và hoạt hóa protein kinase A (PKA). Một tác dụng của hoạt hóa PKA là quá trình phosphoryl hóa các tế bào tham gia vào quá trình vận chuyển của H+/K+ATPase, từ đó dẫn tới tăng bài xuất axit (H+) vào lòng dạ dày. 
  • Acetylcholine và Gastrin sẽ gắn vào receptor để làm tăng hấp thu Ca2+, tăng nồng độ canxi trong tế bào, từ đó hoạt hóa protein kinase để tác động vào bơm proton để tăng tiết H+ vào trong lòng dạ dày.
Cơ chế giảm tiết axit

Cơ chế của các thuốc giảm tiết axit dạ dày

Dựa vào quá trình trên, người ta phát triển các nhóm thuốc giảm tiết axit dạ dày với cơ chế ức chế cạnh tranh các chất histamin, acetylcholin, gastrin để gắn vào thụ thể (receptor). Khi các chất này không gắn được vào thụ thể thì protein kinase sẽ không được hoạt hóa, từ đó giảm tác động lên bơm proton, hạn chế sự bài tiết axit ra khỏi tế bào vào lòng dạ dày. 

Nếu axit đã được tiết ra khỏi tế bào, chúng ta có thể sử dụng các thuốc có bản chất là base yếu hoặc các muối của base yếu để trung hòa lượng axit tiết ra ngay trong lòng dạ dày. Hoặc tác động trực tiếp vào bơm proton để ngăn sự vận chuyển H+ra khỏi tế bào thành.

2.2. Phân loại thuốc giảm tiết axit dạ dày

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thuốc giảm tiết axit dạ dày khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào cơ chế kiểm soát sự bài tiết axit ta có thể phân loại các thuốc giảm tiết axit này thành những nhóm chính sau đây:

  • Thuốc kháng Histamin H2 (Cimetidin, Ranitidin, Famotidin, Nizatidin): Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là có cấu trúc tương tự với histamin nên sẽ ức chế cạnh tranh với histamin để gắn vào receptor. Khi histamin không gắn được vào receptor sẽ ức chế một loạt quá trình sau đó, khiến cho protein kinase không được hoạt hóa, dẫn tới giảm sự bài tiết H+ của bơm proton.  
  • Thuốc kháng Cholinergic (Telenzepin, Pirenzepin): Các thuốc thuộc nhóm này có cấu trúc tương tự acetylcholin, gắn cạnh tranh vào receptor. Khi đó làm giảm nồng độ của Ca2+trong tế bào, dẫn tới ức chế protein kinase, ức chế bơm proton để giảm tiết axit.
  • Thuốc kháng Gastrin (Proglumid): Cơ chế tác dụng của thuốc kháng Gastrin cũng tương tự cơ chế của thuốc kháng Cholinergic. 
  • Thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol…): Đây là một nhóm thuốc mới nhất được đánh giá là rất hiệu quả. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế trực tiếp lên bơm proton, ngăn cản sự bài tiết axit từ tế bào ra lòng dạ dày. Từ đó giảm sự tiếp xúc của axit với niêm mạc dạ dày.
  • Thuốc trung hòa axit (ANTACID): Các thuốc nhóm này có tác dụng trung hòa trực tiếp lượng axit trong lòng dạ dày. Thuốc này hay được sử dụng để giảm đau nhanh chóng.

3. Thuốc giảm tiết axit dạ dày- thuốc kháng histamin H2

Thuốc giảm tiết axit dạ dày kháng histamin H2 là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến trong điều trị các bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Với các đại diện là các thuốc Cimetidin, Ranitidin, Famotidin, Nizatidin.  Tác dụng chung của nhóm thuốc này là làm ức chế bài tiết axit nền, bài tiết axit vào ban đêm (do tăng tiết bởi histamin, gastrin, thuốc cường phó giao cảm…), tác dụng không nhiều trên tăng tiết do thức ăn. Tác dụng của thuốc phụ thuộc vào liều dùng, thuốc làm giảm cả số lượng và nồng độ HCl của dịch vị.

Nên uống thuốc kháng histamin H2 vào ban đêm, lúc trước khi đi ngủ vì nhiều nghiên cứu đã thấy rõ thuốc ức chế mạnh bài tiết axit dịch vị vào ban đêm.

3.1. Cimetidin

Thuốc giảm tiết axit dạ dày- CIMETIDIN

Thuốc giảm tiết axit dạ dày- CIMETIDIN

3.1.1. Chỉ định

Cimetidin được dùng trong điều trị ngắn hạn loét dạ dày, tá tràng tiến triển. 

Cimetidin điều trị các trường hợp loét tá tràng với liều thấp sau khi các ổ loét đã lành. 

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây vết loét. 

Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison và bệnh đa u tuyến nội tiết. 

Phòng và điều trị chảy máu đường tiêu hóa do vết loét ở thực quản, dạ dày, tá tràng.

>>> Xem thêm “Viêm Loét Dạ Dày Là Gì?

3.1.2. Chống chỉ định

Thuốc giảm tiết axit dạ dày Cimetidin chống chỉ định với những trường hợp mẫn cảm với Cimetidin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.

3.1.3. Cách dùng và liều dùng

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, nên uống vào bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Liều dùng:

Với người lớn:

  • Điều trị loét dạ dày tá tràng: 800mg/ngày, uống một liều duy nhất vào buổi tối trước khi ngủ trong ít nhất 4 tuần đối với loét tá tràng và ít nhất 6 tuần đối với bệnh nhân loét dạ dày. Liều duy trì là 400 mg/ngày.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Sử dụng 300 – 400 mg/lần, mỗi ngày 4 lần, dùng từ 4- 8 tuần.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: 300- 400 mg/lần, ngày dùng 4 lần.

Trẻ em trên 1 tuổi: liều từ 20- 30 mg/kg/ngày, chia thành 3- 4 lần dùng.

3.1.4. Tác dụng không mong muốn

Tác dụng phụ của thuốc Cimetidin thường gặp là:

  • Trên tiêu hóa: Tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác.
  • Trên thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, ngủ gà, mệt mỏi.
  • Trên da: Nổi ban.
  • Nội tiết: Chứng vú to ở đàn ông khi điều trị trên 1 tháng hoặc sử dụng liều cao.

Những tác dụng phụ ít gặp hơn:

  • Nội tiết: Chứng bất lực khi sử dụng liều cao trong một khoảng thời gian dài.
  • Trên da: Dát, sần, mày đay.
  • Trên gan: Tăng enzym gan tạm thời, tự hết khi ngừng thuốc.
  • Trên thận: Tăng creatinin máu.

3.1.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều

Trước khi sử dụng Cimetidin để điều trị loét dạ dày lưu ý phải loại trừ trường hợp ung thư, vì khi dùng thuốc có thể che lấp các triệu chứng khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Cần giảm liều ở bệnh nhân suy thận. Cimetidin tương tác được với nhiều thuốc khác nhau, nên khi dùng phối hợp với các thuốc đều phải xem xét kỹ.

Khi sử dụng quá liều cần lưu ý những dấu hiệu như: Giãn đồng tử, mạch nhanh, kích động, mất phương hướng hoặc suy hô hấp. 

Cẩn biện pháp xử lý như: Rửa dạ dày, gây nôn và điều trị các triệu chứng.

3.2. Famotidin

Thuốc giảm tiết axit dạ dày- FAMOTIDIN

Thuốc giảm tiết axit dạ dày- FAMOTIDIN

3.2.1. Chỉ định

Chỉ định trong điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng

Hội chứng Zollinger- Ellison

Trị viêm thực quản do hồi lưu

3.2.2. Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc giảm tiết axit dạ dày Famotidin cho trẻ em vì thiếu nghiên cứu.

Chống chỉ định với những bệnh nhân dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.

3.2.3. Cách dùng và liều dùng

Famotidin được bào chế dưới dạng viên bao phim, dùng đường uống

Liều dùng đối với người lớn: uống 1 viên/ lần/ ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

3.2.4. Tác dụng không mong muốn

Thường gặp: 

  • Toàn thân: Nhức đầu, chóng mặt
  • Tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy

Ít gặp: 

  • Toàn thân: Sốt, mệt mỏi, suy nhược.
  • Tim mạch: Loạn nhịp.
  • Tiêu hóa: Vàng da ứ mật, enzym gan bất thường, buồn nôn hoặc nôn, ăn không ngon, khó chịu ở bụng, khô miệng.
  • Phản ứng quá mẫn: Choáng phản vệ, phù mạch, mắt, nổi mày đay, phát ban, xung huyết kết mạc.
  • Cơ xương: Đau cơ xương, bị chuột rút hoặc đau khớp.
  • Thần kinh: Rối loạn tâm thần, có thể bị co giật toàn thân.
  • Hô hấp: Co thắt phế quản
  • Giác quan: Mất vị giác, ù tai.

3.2.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều

Những phụ nữ có thai và đang cho con bú phải hết sức thận trọng khi sử dụng.

Chưa gặp quá liều cấp. Ở người tăng tiết dịch vị bệnh lý đã uống tới 800mg famotidin một ngày cũng chưa thấy xuất hiện các biểu hiện ngộ độc nặng. 

Điều trị: Biện pháp thông thường là loại thuốc chưa hấp thu khỏi đường ruột, điều trị triệu chứng và hỗ trợ cần tiến hành ngay. Giám sát lâm sàng.

>>> Các mẹ bầu nên xem thêm “Lỡ Uống Thuốc Đau Dạ Dày Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không?

4. Thuốc giảm tiết axit dạ dày- thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Vấn đề liên quan đến ức chế H+trong lòng dạ dày có nhiều cơ chế khác nhau, có thể là kháng Gastrin, kháng histamin H2…Tuy nhiên, nếu chỉ kháng histamin H2 hoặc chỉ kháng Gastrin thì không thể đảm bảo được hết các cơ chế khác, lượng axit vẫn được tiết ra. Nhưng đối với thuốc ức chế bơm proton sẽ chặn ngay cửa ra của H+, nên đây là một nhóm thuốc giảm tiết axit dạ dày được đánh giá là hiệu quả nhất và hay được sử dụng nhất hiện nay.

Các thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton bao gồm: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol…

4.1. Omeprazol

OMEPRAZOL

Thuốc giảm tiết axit dạ dày-OMEPRAZOL

4.1.1. Chỉ định

Viêm thực quản do trào ngược axit. 

Loét dạ dày tá tràng.

Hội chứng Zollinger-Ellison.

4.1.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định với những trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4.1.3. Cách dùng và liều dùng

Cách dùng: Omeprazol được bào chế dưới dạng viên bao tan trong ruột. Cách dùng là dùng đường uống.

Liều dùng: 

  • Viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản: uống 40mg/lần/ngày, dùng trong 4- 8 tuần.
  • Loét dạ dày tá tràng: 40mg/lần/ngày, trong 4- 8 tuần. Omeprazol được dùng kết hợp với Clarithromycin hoặc Clarithromycin và Amoxicilin để tiêu diệt vi khuẩn HP.
  • Khi dùng thuốc liều cao thì không được ngừng thuốc đột ngột mà phải từ từ.

4.1.4. Tác dụng không mong muốn

Thường gặp: đau đầu, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, táo bón, đầy bụng. 

Ít gặp: mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi, nổi mày đay, phát ban, tăng tạm thời transaminase.

4.1.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều

Chưa có dữ liệu tác động của thuốc đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú nên cần tránh dùng cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.

Liều uống 160 mg một lần, trong thời gian là 3 ngày vẫn dung nạp tốt. 

Khi sử dụng quá liều, chỉ điều trị các triệu chứng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

4.2. Lansoprazol

LANSOPRAZOL

Thuốc giảm tiết axit dạ dày- LANSOPRAZOL

4.2.1. Chỉ định

Thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm ức chế bơm proton Lansoprazol được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Điều trị cấp và duy trì viêm thực quản có trợt loét ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản (dùng tới 8 tuần). 
  • Điều trị bệnh loét dạ dày – tá tràng cấp. 
  • Điều trị tình trạng tăng tiết axit bệnh lý, điển hình là hội chứng Zollinger – Ellison, bệnh u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào hệ thống.

4.2.2. Chống chỉ định

Quá mẫn với Lansoprazol hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc. 

Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu chống chỉ định với Lansoprazol.

4.2.3. Cách dùng và liều dùng

Cách dùng: Dùng đường uống.

Liều dùng:

  • Viêm thực quản có trợt loét:
  • Điều trị triệu chứng thời gian ngắn cho tất cả các trường hợp viêm thực quản: Liều người lớn thường dùng 30mg/lần/ngày, trong 4 – 8 tuần. Có thể sử dụng Lansoprazol thêm 8 tuần nữa, nếu chưa khỏi. 
  • Duy trì điều trị sau khi chữa khỏi viêm thực quản trợt loét để hạn chế khả năng bệnh tái phát: Người lớn dùng 15mg/ngày. Mức độ an toàn và hiệu quả chưa được xác định khi điều trị duy trì quá một năm.
  • Loét dạ dày: 15 – 30 mg/lần/ngày, dùng từ 4 đến 8 tuần. Nên uống trước bữa ăn sáng.
  • Loét tá tràng: 15mg/lần/ngày, sử dụng thuốc trong 4 tuần hoặc cho đến khi khỏi bệnh.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison: 
  • Liều thường dùng cho người lớn thường là 60mg/lần/ngày. Nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Sau đó, điều chỉnh liều tùy theo khả năng dung nạp và mức độ cần thiết để ức chế bài tiết acid dịch vị và tiếp tục điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng. 
  • Liều uống trong những ngày sau từ 15 – 180mg hàng ngày để duy trì. Liều trên 120mg/ngày nên chia thành 2 lần uống. 
  • Cần điều chỉnh liều cho phù hợp đối với người có bệnh gan nặng. Thường phải giảm liều và không được vượt quá 30 mg/ngày. 
  • Lansoprazol có bản chất là base yếu nên không bền trong môi trường acid cao của dạ dày, vì vậy phải uống lansoprazol trước khi ăn và không cắn vỡ hoặc nhai nát viên nang.

4.2.4. Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng phụ thường gặp nhất với lansoprazol là ở đường tiêu hóa như đi ngoài, đau bụng, ngoài ra một số người bệnh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt.

Thường gặp: 

  • Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt 
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, táo bón, khó tiêu
  • Da: Phát ban

Ít gặp: 

  • Toàn thân: Mệt mỏi

4.2.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều

Triệu chứng: Hạ thân nhiệt, xuất hiện cơn co giật, giảm tần số hô hấp. 

Điều trị hỗ trợ: Phương pháp thẩm tách sẽ không loại được thuốc.

5. Thuốc giảm tiết axit dạ dày- Thuốc kháng CHOLINERGIC và kháng GASTRIN

Các thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm kháng Cholinergic và kháng Gastrin thường ít gặp hơn các nhóm thuốc trên. Thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị hoặc phối hợp với các thuốc khác vì khả năng giảm tiết axit dạ dày thấp hơn.

5.1. Thuốc kháng CHOLINERGIC

Các thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm kháng Cholinergic có tác dụng giảm tiết axit dịch vị 40-50% và có thể phối hợp với thuốc kháng H2. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có nhiều tác dụng không mong muốn như: khô miệng, táo bón, tăng nhãn áp, bí tiểu…

2 thuốc đang được dùng có tác dụng chọn lọc trên receptor M1 là: Pirenzepin, telenzepin

5.2. Thuốc kháng GASTRIN

Các thuốc thuộc nhóm này có cấu trúc tương tự gastrin, gắn cạnh tranh vào receptor. Khi đó làm giảm nồng độ của Ca2+trong tế bào, dẫn tới ức chế protein kinase, ức chế bơm proton để giảm tiết axit.

Thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm kháng Gastrin thường dùng hiện nay là Proglumid.

Kết luận: Với mức độ phổ biến của các bệnh tiêu hóa hiện nay, thì việc lựa chọn cho mình loại thuốc điều trị phù hợp rất là quan trọng. Trên đây là một số thuốc giảm tiết axit dạ dày tốt nhất mà Scurma Fizzy muốn giới thiệu đến bạn đọc. Hy vọng rằng với những thông tin đầy đủ và hữu ích này sẽ giúp mọi người có thêm nhiều kiến thức bổ ích và giúp được phần nào cho việc giảm thiểu những cơn đau dạ dày, giảm tình trạng loét dạ dày tá tràng và cải thiện dạ dày tốt hơn của bạn.

>>> Đọc thêm “Top 14 cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà hiệu quả nhất

Liên hệ ngay HOTLINE 1800 6091 để được các dược sĩ, bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn miễn phí và giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về thuốc giảm tiết axit dạ dày hiện nay

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091