Triệu Chứng Viêm Loét Dạ Dày Đang Tiến Triển Mà Bạn Cần Biết

Triệu Chứng Viêm Loét Dạ Dày Đang Tiến Triển Mà Bạn Cần Biết

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ giới tính, bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh không chỉ gây cảm giác đau đớn, khó chịu mà còn có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy, triệu chứng viêm loét dạ dày là gì, trong bài viết dưới đây, Scurma Fizzy sẽ giúp bạn tìm hiểu dưới góc độ tư vấn của chuyên gia.

Bài viết được tham khảo từ những chia sẻ chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng – PGS.TS, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Bộ môn Tiêu hóa, trường Đại học Y Hà Nội. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, Phó giáo sư luôn là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực của mình.

1. Tổng quan về bệnh viêm loét dạ dày

1.1. Viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là căn bệnh không còn xa lạ, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Vì một nguyên nhân nào đó, lớp niêm mạc bao tử bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm. Dần dần, lớp bao bọc trên cùng bị ăn mòn, làm bộc lộ phần dưới niêm mạc và khiến các vết loét xuất hiện, kết hợp với tình trạng acid dịch vị dư thừa gây ra các triệu chứng viêm loét dạ dày.

trieu-chung-viem-loet-da-day 

1.2. Các giai đoạn của bệnh viêm loét dạ dày

Tình trạng viêm loét dạ dày thường được chia làm 2 loại:

  • Viêm loét dạ dày cấp tính: đây là giai đoạn đầu khi bệnh mới xuất hiện. Các triệu chứng viêm loét dạ dày thường xuất hiện bất ngờ và đột ngột, đồng thời mức độ tổn thương cũng tiến triển rất nhanh. Trong giai đoạn này, nếu phát hiện sớm thì bệnh rất có thể được chữa khỏi và ít để lại các di chứng nguy hiểm.
  • Viêm loét dạ dày mạn tính: lúc này, tình trạng bệnh đã trở nên trầm trọng với các triệu chứng xảy ra liên tục và dai dẳng. Tuy đây là giai đoạn bệnh diễn biến chậm hơn nhưng lại rất khó điều trị triệt để do lớp niêm mạc đã bị teo lại và khó phục hồi. Các biến chứng nghiêm trọng của viêm loét dạ dày cũng thường xuất hiện trong giai đoạn này.

2. Nguyên nhân gây triệu chứng viêm loét dạ dày

2.1. Vi khuẩn H.p

Vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn H.p) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các triệu chứng viêm loét dạ dày. Loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sản xuất ra các chất giúp trung hòa bớt acid xung quanh, khiến H.p có thể tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày. Đồng thời, H.p sẽ chui qua lớp chất nhầy, tiết ra các men gây độc làm lớp bảo vệ bao tử bị mất tác dụng và khiến phần dưới tăng tiếp xúc với acid dịch vị, dần dần niêm mạc bị bào mòn gây viêm loét. 

trieu-chung-viem-loet-da-day

2.2. Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm NSAIDs

Theo thống kê, việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs) là nguyên nhân gây các triệu chứng viêm loét dạ dày cao thứ hai chỉ sau vi khuẩn H.p. Sở dĩ loại thuốc này lại có tác dụng phụ như vậy là do khả năng ức chế tổng hợp Prostaglandin – một chất hóa học có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc khỏi bị ăn mòn bởi acid dịch vị.  

2.3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh viêm loét dạ dày:

2.3.1. Stress, chấn thương tinh thần

Những người hay bị stress hay căng thẳng thần kinh trong khoảng thời gian dài là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cao hơn bình thường. Tình trạng stress sẽ kích thích cơ thể tăng sinh cortisol – một loại hormone khiến acid dịch vị được tăng tiết, làm mất cân bằng pH dạ dày và khiến hiện tượng loét dễ xảy ra. 

2.3.2. Hút thuốc lá thường xuyên, lạm dụng đồ uống có cồn

Nicotin có trong khói thuốc lá không chỉ là chất độc nguy hiểm với lá phổi mà còn với hệ tiêu hóa. Cũng giống như stress, nicotin chính là tác nhân chính kích thích cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol hơn bình thường, dẫn đến nồng độ acid dạ dày tăng đáng kể và gây ra nguy cơ viêm loét.

trieu-chung-viem-loet-da-day

Việc uống quá nhiều đồ uống có cồn như bia rượu sẽ khiến niêm mạc bị kích ứng nghiêm trọng, gây tình trạng viêm nhiễm và tăng khả năng phát triển thành loét. Đồng thời, chúng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình làm lành các vết loét, khiến các triệu chứng viêm loét dạ dày ngày càng nghiêm trọng.

2.3.3. Thói quen ăn uống và sinh hoạt kém khoa học

Chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học như ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa, ăn quá nhanh, thức khuya, lười vận động,… không những ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bạn mà còn gây áp lực nặng nề lên dạ dày. Chính vì vậy, đây cũng là yếu tố thuận lợi cho sự viêm nhiễm và làm xuất hiện các ổ loét gây các triệu chứng bệnh.  

2.3.4. Tiền sử gia đình và nhóm máu

Yếu tố nguy cơ tiếp theo dẫn đến các triệu chứng viêm loét dạ dàytiền sử gia đình và nhóm máu. Những người trong cùng một gia đình thường sẽ có thói quen ăn uống và sinh hoạt giống nhau, đồng thời khả năng lây nhiễm vi khuẩn H.p cao hơn, khiến họ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, những người thuộc nhóm máu O có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao hơn các nhóm máu khác.

2.3.5. Các bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác của cơ thể cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày như hội chứng u đầu tụy (hội chứng Zollinger-Ellison), xơ gan,… Chúng sẽ khiến dạ dày tăng tiết acid dịch vị, từ đó làm tăng yếu tố tấn công gây tình trạng mất cân bằng ở bao tử, thúc đẩy quá trình viêm loét diễn ra.

>>>> Tìm hiểu bài viết: Viêm Loét Dạ Dày Là Gì – 6 Điều Bạn Cần Biết

3. Triệu chứng viêm loét dạ dày – tư vấn từ chuyên gia 

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng có chia sẻ rằng: “Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng khá đa dạng. Một số người mắc bệnh có thể không có triệu chứng gì rõ rệt, lúc đi khám mới phát hiện ra đã có những biến chứng rất nặng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều có những triệu chứng điển hình sau: đầy bụng, ậm ạch khó chịu, đau vùng thượng vị, kèm theo ợ chua ợ hơi. Tình trạng rối loạn tiêu hóa, buồn nôn cũng thường xảy ra với người bị viêm loét dạ dày.”

3.1. Đau thượng vị

Khi mắc bệnh viêm loét dạ dày, bệnh nhân thường có cảm giác đau bỏng rát, âm ỉ vùng thượng vị (vùng dưới xương ức và trên rốn). Hiện tượng này là do acid dịch vị tiết ra tác động vào các ổ loét gây bỏng niêm mạc. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ: “Triệu chứng đau do viêm loét dạ dày gây ra thường có tính chất chu kỳ, tức là theo nhịp điệu của bữa ăn, hoặc là trước khi ăn, hoặc là sau khi ăn. Một chu kỳ nữa cũng được quan tâm là nhịp ngày đêm. Thường cơn đau thường xảy ra vào ban đêm khi mà acid dịch vị tăng tiết ồ ạt, không theo nhịp bữa ăn nữa.

Tình trạng đau do viêm loét dạ dày cũng xảy ra thường xuyên hơn khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa đông. Lúc này, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút đáng kể khiến cho hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày hoạt động kém hiệu quả, đồng thời cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây đau.

3.2. Ợ chua, ợ hơi

Ợ hơi, ợ chua là một trong những triệu chứng viêm loét dạ dày hay gặp nhất. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do dạ dày tăng tiết acid, khiến lỗ tâm vị mở ra (loại cơ vòng nối liền thực quản với dạ dày) làm dịch vị trào ngược lên trên gây ợ chua. Đồng thời, khi nồng độ acid trong dạ dày tăng cao sẽ kích hoạt cơ chế bảo vệ của cơ thể: tăng tiết HCO3–  để trung hòa bớt acid, nhưng đồng thời cũng tạo ra khí CO2. Sau đó, khí bay lên khi lỗ tâm vị mở tạo tình trạng ợ hơi.

3.3. Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn

Tình trạng viêm loét dạ dày sẽ làm cho hoạt động tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể, khiến thức ăn không được hấp thu mà ứ đọng lại trong bao tử gây hiện tượng đầy bụng, khó tiêu.

Lâu dần, thức ăn cùng dịch vị không được tiêu hóa sẽ làm tăng áp lực trong dạ dày, dễ xảy ra tình trạng trào ngược lên trên thực quản, gây cảm giác buồn nôn và nôn.

trieu-chung-viem-loet-da-day

3.4. Rối loạn tiêu hóa

Triệu chứng viêm loét dạ dày điển hình tiếp theo là rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này rất dễ nhận ra với các biểu hiện như tiêu chảy hay táo bón thất thường. Bên cạnh đó, việc tiêu hóa bị ảnh hưởng khiến cơ thể sẽ không hấp thu được các dưỡng chất cần thiết, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân hay suy nhược. 

3.5. Rối loạn giấc ngủ

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng cũng cho biết, việc các cơn đau thường xuất hiện vào buổi đêm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân viêm loét dạ dày. Đồng thời, tình trạng đầy bụng, ấm ách vùng bụng cũng là lý do khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, mất ngủ, từ đó khiến giấc ngủ bị rối loạn trầm trọng. 

4. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải khi bị viêm loét dạ dày

Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm loét dạ dày có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không để ý hoặc chủ quan, khiến các triệu chứng tiến triển nặng hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Nhiều khi, các triệu chứng viêm loét dạ dày của bệnh nhân được thể hiện ra bằng các biến chứng của nó như xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị, thậm chí còn xuất hiện các khối u ở vùng bụng hay còn gọi là ung thư.” – bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết.

Sau đây, hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu rõ hơn về các biến chứng này.

4.1. Xuất huyết tiêu hóa

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa xảy ra khi vết loét đã bị ăn mòn đến lớp dưới niêm mạc và vào tận các mạch máu, khiến chúng bị tổn thương. Theo đó, máu sẽ chảy ra ngoài và vào ống tiêu hóa, hòa trộn với thức ăn, sau đó được đưa ra ngoài bằng đường miệng gây hiện tượng nôn ra máu, hoặc qua đường ruột gây tình trạng đi ngoài phân đen, thối khắm. 

Ngoài ra, việc chảy máu dạ dày có thể khiến cơ thể gặp tình trạng thiếu máu cấp, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp kèm theo cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, hoa mắt.

4.2. Thủng ổ loét

Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm loét dạ dày là thủng ổ loét. Đây là tình trạng niêm mạc bao tử đã bị ăn mòn đến tận cùng tạo ra các lỗ thủng sau nhiều ngày bị viêm loét. Từ đó, thức ăn và acid dịch vị sẽ tràn vào ổ bụng, gây nhiều biểu hiện nghiêm trọng:

  • Đau dữ dội vùng thượng vị (vùng bụng dưới xương ức và trên rốn). Cảm giác đau như có dao đâm, rất khó chịu.
  • Bụng cứng lại như gỗ do các khối cơ ở thành bụng co cứng để chống lại tình trạng bỏng acid.
  • Hội chứng viêm phúc mạc: là tình trạng thức ăn tràn vào ổ bụng gây viêm nhiễm, với các triệu chứng như: sốt, buồn nôn, nôn, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi,…

4.3. Hẹp môn vị

Tình trạng viêm loét dạ dày, đặc biệt là các ổ loét ở bờ cong nhỏ dạ dày nếu diễn ra lâu ngày sẽ khiến các tế bào ở vùng này bị xơ hóa, co kéo, từ đó dẫn đến hiện tượng chít hẹp môn vị

Một khi biến chứng này xuất hiện, thức ăn sẽ không xuống được ruột non và ứ lại tại dạ dày gây tình trạng khó tiêu. Đồng thời, bệnh nhân còn có thể nôn ra thức ăn cũ do áp lực trong dạ dày tăng cao. Từ đó, cơ thể sẽ không hấp thu được dưỡng chất, theo thời gian sẽ gây tình trạng suy dinh dưỡng, sút cân trầm trọng và khi nằm ngửa bụng sẽ lõm xuống như lòng thuyền, gọi là hiện tượng “bụng lõm lòng thuyền”.

4.4. Ung thư dạ dày

trieu-chung-viem-loet-da-day

Biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm loét dạ dày là ung thư. Người bệnh cần lưu ý một số biểu hiện của ung thư dạ dày như:

  • Đau bụng dữ dội: cơn đau mất tính chu kỳ, không còn diễn ra từng đợt và thậm chí không giảm đau khi dùng thuốc.
  • Đầy bụng, chán ăn: lúc này, hoạt động tiêu hóa của dạ dày đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến thức ăn bị ứ đọng lại trong bao tử gây đầy bụng khó tiêu và gây cảm giác chán ăn cho người bệnh.
  • Gầy sút nhanh, mệt mỏi: tình trạng đầy bụng khó tiêu diễn ra lâu ngày khiến cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng, từ đó người bệnh gầy sút nhanh kèm theo trạng thái mệt mỏi, uể oải.

Nói chung, các triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác, khiến người bệnh chủ quan dẫn tới không có biện pháp xử lý, chữa trị ung thư kịp thời. Do vậy, nếu bạn đã có tiền sử mắc bệnh viêm loét dạ dày, hãy chủ động đi khám và theo dõi tình trạng bao tử thường xuyên, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm thành biến chứng ung thư, rất nguy hiểm.

>>>> Tìm hiểu ngay: Phác Đồ Điều Trị Viêm Loét Dạ Dày Mới Nhất Đạt Hiệu Quả Cao

5. Chế độ ăn uống cho người xuất hiện các triệu chứng viêm loét dạ dày

5.1. Những loại thực phẩm bệnh nhân viêm loét dạ dày nên ăn

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến tình trạng bệnh viêm loét dạ dày. Có nhiều loại thực phẩm khi bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày sẽ cải thiện đáng kể các biểu hiện của bệnh, như:

  • Rau củ quả tươi: ưu tiên sử dụng các loại rau như rau cải bắp, cải xoong, củ cải,… do trong chúng chứa nhiều vitamin có ích giúp chữa lành vết loét hiệu quả.
  • Sữa, trứng: việc đưa hai loại thức ăn này vào chế độ ăn sẽ giúp trung hòa bớt lượng acid dịch vị dư thừa có trong dạ dày, làm giảm cơn đau do viêm loét gây ra. Lưu ý, bạn nên dùng sữa ấm và trứng hấp, ăn tối đa từ 3-4 quả/tuần.
  • Các loại thức ăn đạm dễ tiêu như thịt lợn nạc, cá: đây là loại thực phẩm tốt cho dạ dày do làm giảm gánh nặng tiêu hóa. Hãy chế biến các loại thực phẩm này dưới dạng hấp, luộc hoặc kho mềm để đem lại hiệu quả tốt nhất.
  • Dầu có nguồn gốc từ thực vật: dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu vừng,…

5.2. Những loại thức ăn người bệnh viêm loét dạ dày cần hạn chế

Bên cạnh những loại thực phẩm có lợi cho bệnh thì cũng có những loại thức ăn nếu bổ sung thường xuyên sẽ gia tăng sự xuất hiện của các triệu chứng viêm loét dạ dày. Một số loại thức ăn mà bạn cần hạn chế đưa vào thực đơn hàng ngày như:

  • Các đồ ăn, gia vị chua, cay nóng: ớt, tiêu, giấm, tỏi, các loại dưa muối, cà muối,… vì khi vào cơ thể, chúng sẽ kích thích các ổ loét làm trầm trọng thêm triệu chứng đau của bệnh.

trieu-chung-viem-loet-da-day

  • Những loại thức ăn dai, cứng: sụn, thịt nhiều gân, rau già nhiều xơ,… cần hạn chế để tránh tình trạng dạ dày phải tăng cường hoạt động để tiêu hóa, gia tăng tác động và tổn thương.
  • Các loại đồ uống có ga, chứa cồn và chất kích thích: bia rượu, nước ngọt, cà phê,… Đây vừa là những loại đồ uống không tốt cho tim mạch vừa không tốt cho tình trạng viêm dạ dày, do đó cần hạn chế sử dụng.

>>>> Tìm hiểu ngay: Viêm Loét Dạ Dày Và Cách Điều Trị Không Dùng Thuốc

5.3. Một số lưu ý trong chế độ ăn của người viêm loét dạ dày 

Theo các chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh viêm loét dạ dày cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

  • Sử dụng thực phẩm chín mềm, đã được thái nhỏ hoặc nghiền nát.
  • Chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa (từ 4-5 bữa) để sử dụng trong ngày.
  • Cần ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh tình trạng bỏ bữa. 

Trên đây là các triệu chứng viêm loét dạ dày dưới góc độ tư vấn của chuyên gia. Bên cạnh việc xây dựng một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, người bệnh cũng cần kết hợp sử dụng các loại thuốc để cải thiện tình trạng bệnh viêm loét dạ dày hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. Tìm hiểu thêm sản phẩm hỗ trợ cải thiện sức khỏe của dạ dày Scurma Fizzy đã được đánh giá hiệu quả ngay ngay tại đây.

Liên hệ trực tiếp HOTLINE 1800.6091 để được giải đáp MIỄN PHÍ các thắc mắc liên quan đến tình trạng dạ dày của mình từ đội ngũ các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ Scurma Fizzy

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091