Viêm Niêm Mạc Dạ Dày Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Viêm Niêm Mạc Dạ Dày Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Viêm niêm mạc dạ dày được biết tới là khởi điểm cho bệnh lý về sau như loét dạ dày. Không chỉ vậy, bệnh còn có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây nên ung thư dạ dày. Vậy viêm niêm mạc dạ dày là gì? Điều trị khi bị viêm niêm mạc dạ dày như thế nào? Bị viêm niêm mạc dạ dày cần lưu ý những gì? Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh lý này.

1. Viêm niêm mạc dạ dày là gì? 

Viêm niêm mạc dạ dày hay còn được gọi là bệnh viêm dạ dày. 

Trong cơ thể bình thường, dạ dày là nằm trong bộ máy tiêu hóa thức ăn. Dạ dày được biết tới là vùng phình to nhất trong các cơ quan tiêu hóa. Vị trí nằm ở phía dưới cơ hoành, là cầu nối giữa thực quản và tá tràng. Bên trong dạ dày được bao phủ một lớp niêm mạc dạ dày với chức năng bảo vệ dạ dày. Cùng đó là sự có mặt của các tuyến tiết các dịch vị giúp cho thức ăn dễ dàng được phân giải để sau khi xuống ruột non, thức ăn được hấp thu tốt hơn.

Viêm niêm mạc dạ dày xảy ra khi vùng niêm mạc bị tổn thương do nhiều nguyên nhân. Lúc này tại vùng niêm mạc sẽ xuất hiện các nốt đỏ, sưng và có dấu hiệu đau. Tuy nhiên, viêm dạ dày là viêm nhẹ, không nghiêm trọng, không gây mất nhiều chất. Do vậy, khi có các dấu hiệu viêm dạ dày, cần đi khám và điều trị ngay khi phát hiện.

viem-niem-mac-da-day-1

Viêm niêm mạc dạ dày là gì

2. Phân loại viêm niêm mạc dạ dày

Viêm niêm mạc dạ dày được chia thành 2 phân loại:

  • Viêm niêm mạc dạ dày cấp tính: tình trạng viêm này xảy ra một cách đột ngột, không có dấu hiệu trước và thường khá nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn đau dữ dội và liên tục trong thời gian ngắn tại một thời điểm nào đó.
  • Viêm niêm mạc  dạ dày mãn tính: tình trạng này thường kéo dài trong một thời gian tái đi tái lại, bệnh có thể diễn biến liên tục lên tới nhiều năm nếu không được điều trị.

Trong viêm dạ dày mãn tính, bệnh được phân thành 3 loại khác nhau:

  • Viêm dạ dày mãn tính loại A: loại này có nguyên nhân đến từ hệ thống miễn dịch gây tổn hại cho các tế bào vùng niêm mạc dạ dày. Cùng đó, nó làm tăng khả năng gây nên thiếu vitamin, thiếu máu, thâm chí ung thư. Loại viêm này  chiếm 5% trong số các trường hợp bị viêm niêm mạc dạ dày mãn tính.
  • Viêm dạ dày mãn tính loại B: loại này chiếm tỷ lệ cao lên tới 80% trong các trường hợp hợp viêm dạ dày. Bệnh xuất hiện do sự có mặt của vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên loét dạ dày, ruột về sau.
  • Viêm dạ dày mãn tính loại C: Loại viêm này chiếm 15% trong các trường hợp viêm niêm mạc dạ dày mãn tính. Nguyên do đến từ việc sử dụng các nhóm thuốc chống viêm phi steroid ( NSAID) hay corticosteroid hoặc thói quen uống rượu nhiều. Loại này có thể gây nên loét và xuất huyết niêm mạc dạ dày.

Không chỉ vậy, viêm dạ dày mãn tính còn có 3 loại hiếm gặp khác:

  • Viêm dạ dày do tăng bạch cầu ái toan: nguyên nhân đến từ các trường hợp bị dị ứng, ví như dị ứng sữa bò.
  • Viêm dạ dày tế bào lympho: loại viêm này xuất hiện do vi khuẩn H. pylori hay bệnh celiac gây ra. Điều này dẫn đến việc xuất hiện các nếp nhăn khổng lồ tại vùng niêm mạc hay thiếu máu.
  • Viêm dạ dày u hạt: bệnh này thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc bệnh lao, viêm ruột hay bệnh sarcoid ( u hạt lympho lành tính).

>>>> Tham khảo thêm: Tình Trạng Mạn Tính Của Viêm Dạ Dày, Điều Trị Thế Nào?

Ngoài ra, trong viêm dạ dày còn có một loại viêm niêm mạc dạ dày ăn mòn khác. Tuy nhiên tình trạng này ít gặp. Lớp niêm mạc dạ dày lúc này thường sẽ không bị viêm nhiều nhưng tại các vị trí đã viêm có thể bị xuất huyết hay loét ra.

3. Tại sao bị viêm niêm mạc dạ dày?

Nguyên nhân gây nên viêm dạ dày đến từ sự suy giảm chức năng, mỏng dần hay tổn thương vùng này. Cùng đó là sự tấn công từ các yếu tố dịch tiêu hóa hay vi khuẩn sẽ gây viêm tại đó. Viêm niêm mạc dạ dày thường xuất hiện bởi một số nguyên nhân sau:

  • Người bệnh sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm chống viêm phi steroid ( NSAID) như aspirin, celecoxib,… hay các thuốc thuộc nhóm corticosteroid như prednisolon,…. Thuốc gây bệnh theo cơ chế ức chế vào enzym cyclooxygenase 1 làm giảm lượng chất nhầy được sản sinh để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: một loại vi khuẩn gây nên một số bệnh tại dạ dày. Vi khuẩn này thuộc nhóm vi khuẩn Gram âm sản sinh ra các độc tố và khí amoniac gây tổn hại các tế bào vùng niêm mạc và thoái hóa lớp chất nhầy, làm mất yếu tố bảo vệ dạ dày gây nên bệnh.

>>>> Tham khảo thêm: Các Phương Pháp Có Thể Áp Dụng Để Đạt Hiệu Quả Trong Điều Trị Viêm Dạ Dày Có Hp

  • Không chỉ vậy, nguyên nhân gây viêm dạ dày còn xuất hiện với tỷ lệ cao ở người có tiền sử sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá thường xuyên. Do việc sử dụng các chất kích thích trong thời gian dài có thể gây kích ứng và bị mòn lớp niêm mạc khiến dạ dày dễ bị ảnh hưởng bởi các dịch tiêu hóa.
  • Người hay gặp các vấn đề về tâm lý: lo lắng, sợ hãi, stress kéo dài, căng thẳng thẳng do phẫu thuật, chấn thương,…

Ngoài các nguyên nhân thường bắt gặp như trên, viêm niêm mạc dạ dày còn đến từ các yếu tố khác như:

  • Do chính cơ thể người bệnh hay rối loạn tự miễn dịch: các tế bào trong cơ thể tự tấn công tế bào tại niêm mạc dạ dày làm mỏng dần vùng bảo vệ dạ dày.
  • Do tuổi lớn, niêm mạc dạ dày bị thoái hóa dần mỏng đi và dễ bị rối loạn tự miễn dịch.
  • Rối loạn tiêu hóa như bệnh viêm ruột.
  • Nhiễm virus, ký sinh trùng.
  • Trào ngược mật hay mật chảy vào dạ dày,
  • Ăn phải các chất độc có tính ăn mòn, các đồ ăn cay nóng.
viem-niem-mac-da-day-2

Nguyên nhân viêm niêm mạc dạ dày

4. Triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày như thế nào?

Viêm niêm mạc dạ dày xảy ra ở một tỷ lệ người khá cao. Để phát hiện bệnh, bạn đọc có thể dựa theo một số triệu chứng sau: 

  • Cảm giác ăn không ngon, bụng đầy sau ăn, thức ăn khó tiêu.
  • Đau ở phần trên bụng, dưới cơ hoành, trên hoặc ngang rốn.
  • Đi ngoài phân đen, buồn nôn, nôn ra các chất có màu giống bã cà phê nếu là viêm niêm mạc dạ dày ăn mòn.

Tuy nhiên với viêm dạ dày cấp hay mãn, ở một số đối tượng sẽ không có các triệu chứng nào cụ thể. Nhưng đa số ở trường hợp cấp đều xuất hiện các cơn đau trong thời gian ngắn nhưng đau dữ dội. Còn trường hợp mãn thì thường đau trong một thời gian dài có thể lên tới vài năm.

viem-niem-mac-da-day-3

Triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày như thế nào?

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm niêm mạc dạ dày

5.1. Chẩn đoán viêm dạ dày

Với một số các triệu chứng đã nêu trên, người bệnh có thể phát hiện bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng đó cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác, do vậy có thể gây nhầm lẫn trong xác định bệnh. Chính vì vậy, khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xét nghiệm, chẩn đoán chính xác.

Khi tới gặp bác sĩ, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán nhờ các phương pháp sau để xác định viêm niêm mạc dạ dày:

  • Khám sức khỏe, hỏi bệnh nhân về các triệu chứng và tiền sử gia đình về đau dạ dày.
  • Đề nghị kiểm tra, xét nghiệm các mẫu hơi thở, máu hay phân để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn H. pylori.
  • Kiểm tra qua hơi thở được các bác sĩ thực hiện như sau: Đầu tiên, bệnh nhân cần uống một cốc nước trong suốt, lúc này khi nước vào dạ dày sẽ được vi khuẩn H. pylori sẽ phân hủy. Sau đó, bệnh nhân thổi hơi vào một túi nhỏ. Sau quá trình kiểm tra, nếu hơi thở có chứa carbon phóng xạ thì bệnh nhân đó đã nhiễm vi khuẩn H. pylori.
  • Kiểm tra mẫu từ phân thông qua các protein của H. pylori được bài tiết qua ruột.
  • Kiểm tra mẫu từ máu: nhờ việc kiểm tra sự xuất hiện các kháng thể được tạo ra để chống lại vi khuẩn H. pylori.
  • Để kiểm tra vùng niêm mạc dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để kiểm tra. Nội soi là phương pháp sử dụng một ống mềm, dài, nhỏ được gắn một chiếc máy quay nhỏ ở mũi ống đưa vào trong dạ dày nhờ cách nuốt qua đường tiêu hóa. Trong thời gian máy quay đang ở trong dạ dày, bác sĩ sẽ cẩn thận chụp và quay lại để xác định hay lấy một ít mẫu sinh thiết tại niêm mạc để đem đi xét nghiệm về sự có mặt của H. pylori.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chụp X-quang khu vực dạ dày. Phương pháp này được thực hiện nhờ các tia bức xạ với năng lượng cao. Ở phương pháp này để có thể chụp được vùng cần xem xét và quan sát rõ hơn các vùng viêm, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống một dung dịch. Đó là dung dịch có khả năng cản quang là muối bari để bao phủ lên đường tiêu hóa.
viem-niem-mac-da-day-4

Phương pháp chẩn đoán viêm niêm mạc dạ dày.

5.2.  Điều trị viêm dạ dày

5.2.1. Điều trị viêm dạ dày bằng phương pháp hiện đại.

Sau khi được chẩn đoán chính xác bệnh lý viêm niêm mạc dạ dày. Tùy vào nguyên nhân, người bệnh được điều trị bởi các nhóm thuốc theo phương pháp hiện đại:

  • Thuốc kháng acid hay antacid:: thuốc thuộc nhóm này thường là các muối Al, Mg. Thuốc tác dụng làm tăng pH với khả năng trung hòa acid dịch vị dạ dày.Nhờ đó thuốc có tác dụng giảm đau nhanh, ngắn và tăng yếu tố bảo vệ dạ dày. Tuy nhiên cần chú ý khi sử dụng do tác dụng phụ thuốc có thể gây táo bón hay tiêu chảy.
  • Thuốc kháng receptor Histamin H2: bao gồm cimetidin, famotidin, nizatidin,… Thuốc có tác dụng giảm lượng acid tiết vào dạ dày. Từ đó thuốc có khả năng giảm đau và hỗ trợ giúp vị trí bị viêm mau lành.
  • Thuốc ức chế bơm proton: bao gồm các thuốc omeprazol, esomeprazol, lansoprazol, pantoprazol,…Với khả năng ức chế việc hoạt động tiết acid của các tuyến tiết dịch vị, nhờ đó ức chế bơm proton, giảm đau khi bị viêm. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp viêm niêm mạc dạ dày đến từ nguyên nhân đến từ việc acid dịch vị tiết nhiều mà gây nên.
  • Riêng với điều trị H. pylori, bệnh nhân cần được áp dụng với thuốc kháng sinh. Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng 2 nhóm kháng sinh kết hợp và 1 thuốc nhóm ức chế bơm proton. Có thể sử dụng kết hợp clarithromycin và amoxicillin hay metronidazol để tăng tác dụng diệt khuẩn cùng omeprazol. Bệnh nhân cần lưu ý cần sử dụng kháng sinh đủ liều từ 7 đến 14 ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và phòng ngừa trường hợp bị kháng kháng sinh.

Trên đây là các nhóm thuốc điều trị viêm dạ dày. Tuy nhiên không khuyến khích bệnh nhân tự ý chỉ định mua thuốc khi chưa xác định rõ nguyên nhân. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để có sự tư vấn, chỉ định và tuân thủ chính xác đơn thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

viem-niem-mac-da-day-5

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày bằng phương pháp hiện đại

5.2.2. Điều trị viêm dạ dày theo các bài thuốc dân gian:

Trong dân gian xưa, cũng có một số bài thuốc được áp dụng để điều trị viêm niêm mạc dạ dày:

  • Mật ong và tinh bột nghệ

Mật ong được biết đến với tính kháng khuẩn như một kháng sinh tự nhiên. Cùng đó với sự kết hợp của hoạt chất cucurmin từ tinh bột nghệ có khả năng làm lành các ổ viêm. Với các tác dụng trên, bài thuốc có thể hỗ trợ để điều trị viêm dạ dày. Các bước làm như sau:

Bước 1: Hòa tan một lượng khoảng 3-4 thìa cà phê tinh bột nghệ vào 50-70ml nước ấm

Bước 2: Thêm khoảng 1 -2 thìa cà phê mật ong vào, khuấy đều

Bước 3: Sử dụng dung dịch đã pha

Với bài thuốc này, khuyên bệnh nhân nên sử dụng vào buổi sáng, đều đặn và thường xuyên. Tuy nhiên không khuyến cáo sử dụng với người bị dị ứng với bất bì thành phần nào hay người đang mắc bệnh tiểu đường

viem-niem-mac-da-day-6

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày theo các bài thuốc dân gian

  • Tinh bột nghệ.

Đối với các bệnh nhân bị viêm dạ dày do sử dụng rượu hay tăng tiết acid, có thể sử dụng nước tính bột nghệ để hỗ trợ điều trị mà không cần phối hợp mật ong. Bài thuốc có thể sử dụng cho người bị bệnh tiểu đường. Bài thuốc được thực hiện đơn giản: Hòa 3-5 thìa cà phê tinh bột nghệ vào khoảng 50-70ml nước ấm và sử dụng.

viem-niem-mac-da-day-7

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày theo các bài thuốc dân gian

  • Nước nha đam

Nha đam được biết đến nhiều là nguồn nguyên liệu để làm đẹp cho các chị em phụ nữ. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nha đam còn có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh viêm dạ dày. Lớp thịt trong cây nha đam có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tình trạng táo bón và ức chế sự tiết acid HCl và sự chuyển pepsin thành pepsinogen tại thành dạ dày. Nhờ đó, dạ dày được bảo vệ tốt hơn, tránh được sự tấn công gây nên viêm. 

Với phương pháp này, người bệnh cần uống 3-4 lần mỗi tuần. Cách làm như sau: 

Bước 1: Chọn nha đam có nhiều thịt, sạch, to.

Bước 2: Rửa sạch, gọt bỏ vỏ, rửa tiếp với nước đến hết nhựa. 

Bước 3: Cắt nhỏ thịt nha đam. ngâm 10 phút với nước muối. Vớt ra, rửa lại với nước.

Bước 4: Đun nha đam đã rửa sạch với nước với tỉ lệ 1g nha đam: 10ml nước. Đun trong vòng 5 đến 10 phút. Tắt bếp, để ấm và uống.

viem-niem-mac-da-day-8

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày theo các bài thuốc dân gian

  • Chè dây

Chè dây là một thức uống rất tốt cho người bị viêm dạ dày. Với hoạt chất flavonoid có trong chè dây có khả năng chống viêm hiệu quả nên dược liệu được sử dụng để giảm viêm tại dạ dày. Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng giảm acid dịch vị dạ dày và hỗ trợ loại bỏ các vi khuẩn H. pylori. Việc sử dụng chè dây có thể áp dụng mỗi ngày trong tuần.

Chè dây được chế biến như sau: 

Bước 1: Chuẩn bị chè dây khô khoảng 50g.

Bước 2: Đổ chè vào ấm, thêm nước cho ngập, lắc nhẹ, bỏ lớp nước đầu này.

Bước 3: Đổ vào ấm khoảng 500ml nước, ủ tầm 15-20 phút sau đó lấy ra uống dần.

Chú ý: Việc sử dụng chè dây cho người bị viêm dạ dày tốt nhất là vào buổi sáng, sau khi thức dậy.

viem-niem-mac-da-day-9

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày theo các bài thuốc dân gian

  • Lá mơ lông

Trong Y học cổ truyền, lá mơ lông  là một dược liệu có khả năng chống viêm, giảm các ổ viêm và hỗ trợ trong các trường hợp rối loạn tiêu hóa. Cùng đó là hàm lượng chất xơ, vitamin cao hỗ trợ trong việc trung hòa các acid nhờ vậy giảm được yếu tố tấn công. Nhờ vậy, lá mơ lông được dân gian ta sử dụng để điều trị viêm dạ dày.

Dân gian ta có rất nhiều cách để chế biến lá mơ lông. Sau đây là 2 cách chế biến bạn có thể áp dụng:

  • Cách 1: Uống nước lá mơ lông

Bước 1: Chuẩn bị khoảng 30g lá mơ lông, rửa sạch với nước, để ráo.

Bước 2: Xay hoặc giã lá mơ lông thật kĩ.

Bước 3: Đổ nước sôi để nguội vào phần đã xay hoặc dã, chắt lấy nước uống mỗi ngày.

  • Cách 2: Lá mơ lông và trứng gà.

Bước 1: Chuẩn bị khoảng 30g lá mơ lông và 2 quả trứng gà.

Bước 2: Rửa sạch lá mơ lông, băm nhỏ, đổ vào bát.

Bước 3: Đập 2 quả trứng gà vào bát đã có lá mơ lông băm, cho gia vị và trộn đều.

Bước 4: Cho dầu vào chảo, rán trứng gà lá mơ, không để bị cháy.

Bước 5: Lấy trứng rán lá mơ đã hoàn thành và sử dụng với cơm 2 lần mỗi tuần.

viem-niem-mac-da-day-10

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày theo các bài thuốc dân gian

 

Với bài thuốc dân gian, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng hỗ trợ điều trị viêm niêm mạc dạ dày. Ngoài các bài thuốc trên, người bệnh có thể sử dụng thêm các loại trà như trà hoa cúc với khả năng chống viêm, trà hỗn hợp hoa cúc, cam thảo và lá bạc hà,… Tuy nhiên, tác dụng của bài thuốc chưa có nghiên cứu chứng minh, do vậy người bệnh cần cân nhắc và trước khi sử dụng hãy tìm tới sự tư vấn của bác sĩ.

6. Biến chứng khi bị viêm niêm mạc dạ dày

Bệnh đau dạ dày được chia làm 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: viêm niêm mạc dạ dày

Thời điểm này là khởi đầu của các bệnh về đau dạ dày. Lúc này dạ dày bắt đầu bị viêm một lớp nông tại niêm mạc, không gây mất các chất. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau, buồn nôn và chán ăn. Nếu được phát hiện bệnh vào giai đoạn này, người bệnh nên được điều trị ngay. Bệnh có thể khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ phương thức điều trị của bác sĩ.

  • Cấp độ 2: Loét dạ dày 

Nếu bệnh nhân bị viêm dạ dày lâu ngày không chữa trị, các ổ viêm nhẹ sẽ nặng dần. Điều này xảy ra do tăng sự tác động của các yếu tố gây hại của dịch vị dạ dày vào vết thương, khiến ổ viêm bị loét. Lúc này, bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn đau bụng thường xuyên, đặc biệt là sau khi ăn, viêc sử dụng các dạng uống trung hòa acid dạ dày không còn tác dụng quá nhiều. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng của trào ngược thực quản, ợ hơi, ợ chua. 

  • Cấp độ 3: Xuất huyết và thủng dạ dày.

Nếu loét dạ dày lâu ngày, người bệnh không điều trị, các triệu chứng xuất huyết, thủng dạ dày xuất hiện. Thời điểm này, dạ dày đã bị thủng, ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, người bệnh đau bụng dữ dội, tần suất cao hơn, kéo dài lâu hơn. Không chỉ vậy, triệu chứng điển hình của bệnh là nôn hay đi ngoài ra máu. Tại giai đoạn này, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị và phòng các trường hợp mất máu quá nhiều.

Do vậy, khi bị viêm niêm mạc dạ dày, nếu người bệnh không chữa trị, bệnh kéo dài sẽ nặng hơn và phát triển theo các cấp độ:  loét bao tử, xuất huyết tiêu hóa và cuối cùng là thủng bao tử. Ngoài ra, ở một số ít trường hợp có thể gây nên ung thư dạ dày, đặc biệt là khi niêm mạc dạ dày quá mỏng.

Chính vì vậy, khi có triệu chứng của bệnh lý này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín hay các chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán, các định, điều trị kịp thời.

viem-niem-mac-da-day-11

Biến chứng của viêm niêm mạc dạ dày

7. Bị viêm niêm mạc dạ dày cần lưu ý gì?

7.1. Chế độ ăn

Ngoài việc điều trị bệnh bằng việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý thay đổi chế độ ăn. Việc này được thực hiện bằng cách chia nhỏ các bữa ăn và sử dụng các thức ăn mềm, tránh bỏ bữa. Dưới đây là một số đồ nên ăn khi bị viêm niêm mạc dạ dày:

  • Thức ăn mềm: Do vùng niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương, nên việc dùng thức ăn mềm sẽ giúp cho sự co bóp thức ăn nhẹ nhàng hơn, giảm các triệu chứng đau. Thức ăn được làm mềm bằng cách cắt nhỏ, hay nấu kĩ hơn chút, tuy nhiên không nên nấu quá nhừ làm thức ăn dễ bị mất chất dinh dưỡng.
  • Hoa quả: Một số hoa quả có khả năng trung hòa dạ dày như chuối hay táo,…. 
  • Rau, củ: ngô, đậu bắp, bí đỏ,… được sử dụng để nấu thành các món canh hay soup sẽ dễ tiêu hóa hơn, thích hợp sử dụng đối với người viêm dạ dày.
  • Sữa chua: Nhờ khả năng cung cấp các vi khuẩn có lợi. giảm các vi khuẩn có hại. Từ đó lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa giúp thức ăn dễ dàng được hấp thu. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng sữa chua tuần từ 3-4 lần

Ngược lại, người bị viêm niêm mạc dạ dày cần kiêng ăn:

  • Đồ ăn cay, nóng: làm tăng lượng acid trong dịch vị dạ dày. Điều này làm cho vùng niêm mạc dạ dày bị viêm nghiêm trọng hơn.
  • Các chất có tính kích thích: bia, cà phê, rượu,…
  • Thức ăn chua đã lên men như: dưa chua, cà muối,… Việc sử dụng các món ăn này sẽ làm tăng các nồng độ acid trong dạ dày. Cùng đó chúng có thể gây nên các tình trạng khó tiêu, chướng bụng , đầy hơi gây nên khó chịu cho người bệnh. Lâu ngày sẽ có thể dẫn đến loét dạ dày.

>>>> Tham khảo thêm: Dạ Dày Bị Viêm Nên Ăn Gì, 10 Loại Thực Phẩm Tốt Nhất

7.2. Thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

Ngoài việc thay đổi về chế độ ăn, người bị viêm niêm mạc dạ dày cần lưu ý về việc thay đổi một lối sống lành mạnh hơn:

  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc: đi ngủ trước 22 giờ đêm và dậy trước 5 giờ sáng. 
  • Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày, ít nhất khoảng 15- 20 phút mỗi sáng.
  • Tránh các căng thẳng, lo âu hay stress lâu dài.
  • Khi ăn nên nhai kĩ, không ăn quá no hay để dạ dày đói. 
  • Ăn đủ bữa, không được bỏ bữa.
  • Cân nhắc trong việc lựa chọn các loại thuốc giảm đau nhóm NSAID hay chống viêm corticosteroid. Điều này cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ, người bệnh có thể đề nghị bác sĩ đổi thuốc hay sử dụng phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày trong quá trình sử dụng.
  • Đối với vi khuẩn H. pylori: có các nghiên cứu chứng minh rằng vi khuẩn có thể lây từ người này sang người kia qua thức ăn và nguồn nước. Do vậy, mỗi người cần phải tự bảo vệ mình bằng cách: rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi.

Chúc bạn đọc có thêm các thông tin bổ ích về bệnh lý viêm niêm mạc dạ dày. Vui lòng liên hệ HOTLINE 18006091 để được dược sĩ, bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn về các vấn đề về bệnh lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/symptoms-causes/syc-20355807

https://www.healthline.com/health/gastritis#symptoms

https://www.healthline.com/health/gastritis-acute

https://www.healthline.com/health/gastritis-chronic

https://imedicalsociety.org/gastritis/

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091