Bị Trào Ngược Dạ Dày Nên Làm Gì, Nguyên Nhân, Triệu Chứng

Bị Trào Ngược Dạ Dày Nên Làm Gì, Nguyên Nhân, Triệu Chứng

Bị trào ngược dạ dày là tình trạng bệnh lý khá phổ biến, dễ tái phát và cũng tiềm ẩn nguy cơ những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu về bệnh lý này nhé!

bi-trao-nguoc-da-day-1

Bị trào ngược dạ dày nên làm gì để khắc phục?

1.Nên hiểu trào ngược dạ dày-thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày – thực quản được miêu tả trong tiếng anh bằng cụm từ Gastroesophageal Reflux Disease (GERD), là tình trạng dịch tiêu hóa (men tiêu hóa, hơi, thức ăn… đặc biệt là acid dạ dày) trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản.

Bình thường, thức ăn sau khi được nghiền nhỏ ở miệng sẽ được đẩy xuống thực quản. Sau đó cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra để thức ăn tiếp tục xuống dưới dạ dày. Khi không còn thức ăn tại đây, cơ vòng thực quản sẽ tự đóng kín, ngăn không cho dịch tiêu hóa trào lên làm tổn thương các cơ quan của ống tiêu hóa trên.

Trong điều kiện sinh lý bình thường, thỉnh thoảng bạn sẽ bị trào ngược dạ dày, điển hình bằng cơn ợ nóng, ợ hơi, ợ chua. Tình trạng này sẽ biến mất trong thời gian rất ngắn và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày hay sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra liên tục và lặp lại nhiều lần do nguyên nhân bệnh lí, nó sẽ diễn biến nặng và có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường như viêm thực quản, suy dinh dưỡng, hẹp thực quản, thực quản Barrett hay thậm chí là tử vong.

2. Nguyên nhân khiến bạn bị trào ngược dạ dày

2.1. Bị trào ngược dạ dày do thực quản gặp vấn đề 

2.1.1. Do cơ thắt dưới thực quản không còn co thắt đủ tốt

Cơ thấp nhất của thực quản nối với dạ dày được gọi là cơ thắt dưới thực quản. Cơ chế bảo vệ chống trào ngược của cơ thắt dưới thực quản như sau: Cơ này chỉ giãn và mở ra khi bạn nuốt thức ăn, sau đó cơ thắt dưới thực quản sẽ co thắt và đóng kín lại, ngăn cản dịch dạ dày trào ngược lên. Khi có một tác động nào đó khiến trương lực cơ bị giảm, cơ thắt dưới thực quản bị giảm hay mất tác dụng. Lúc ấy, dịch tiêu hóa sẽ dễ bị trào ngược lên thực quản. Tuy vậy, bicarbonat có trong dịch nhày thực quản và tính kiềm của nước bọt sẽ trung hòa acid của dịch vị. Nhờ vậy, sự kích thích do tính acid của dịch vị dạ dày lên niêm mạc sẽ được giảm bớt, giảm tổn thương đường niêm mạc thực quản dẫn đến viêm. Sau đó, thực quản sẽ tạo ra nhu động đẩy ngược dịch acid xuống dạ dày. Khi cơ thắt dưới thực quản bị suy yếu sẽ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

Một số nguyên nhân dẫn đến cơ thắt dưới thực quản như:

  • Sử dụng thuốc Tây: Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, Holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen… có thể gây ra triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Các thuốc kích thích beta thụ cảm, chẹn alpha, ức chế tiết choline, theophylline… có thể làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản và làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày. Một số thuốc kháng viêm, giảm đau không stearoid như aspirin làm nặng thêm triệu chứng bệnh. Dùng thuốc kháng sinh kéo dài có thể làm tăng nguy cơ thực quản bị tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh, làm tổn thương cơ thắt dưới thực quản và dạ dày.
  • Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafe,…: Khói thuốc lá và rượu bia… khi vào cơ thể dễ kích thích niêm mạc và làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới dẫn đến tăng nguy cơ dạ dày trào ngược ở người bệnh.
  • Bệnh lý: một số bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh thực vật đặc biệt là phó giao cảm, bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản làm suy yếu cơ vòng thực quản thậm chí là gây xơ các bó cơ này, bệnh lý di truyền,…

2.1.2. Do thoát vị hoành

Khoang ngực và khoang bụng được phân chia bằng một cơ dẹt hình vòm. Cơ hoành khi co sẽ bổ trợ cho cơ thắt dưới thực quản ngăn cản trào ngược dạ dày thực quản. Khi thoát vị hoành, dạ dày trượt lên qua lỗ cơ hoành làm rối loạn nhu động thực quản. Điều này sẽ tăng nguy cơ của bệnh trào ngược dạ dày.

2.2. Nguyên nhân tại dạ dày

2.2.1. Do sự gia tăng acid dịch vị dạ dày

Một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, hẹp hang vị dạ dày, ung thư dạ dày… thường đi kèm tình trạng gia tăng acid dịch vị dạ dày. 

bi-trao-nguoc-da-day-2

Thừa acid dịch vị cũng là một trong các nguyên nhân gây trào ngược dạ dày

2.2.2. Tăng áp lực tại dạ dày

Việc ăn quá no hay ăn nhiều thực phẩm khó tiêu như đồ ăn nhanh, nước có gas… làm tăng áp lực lên dạ dày. Khi ấy, thức ăn, hơi và dịch vị dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.

2.3. Một số nguyên nhân khác

  • Khi lạm dụng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Helicobacter pylori
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những tháng cuối thai ký là đối tượng dễ bị trào ngược dạ dày. Nguyên nhân là do tử cung mở rộng và thai nhi chèn ép các bộ phận chức năng trong đó có dạ dày. Điều này dễ xảy ra tình trạng một lượng acid từ dạ dày trào ngược lên và gây buồn nôn.
  • Stress: Việc căng thẳng kéo dài dễ kéo theo tình trạng tăng tiết cortisol và khiến acid dạ dày bị tiết ra quá mức. Đi kèm theo đó là sự mở rộng cơ tâm vị dễ dẫn đến chứng trào ngược khi dạ dày co bóp. Stress cũng làm giảm hiệu quả tiêu hóa, người bệnh dễ bị rối loạn tiêu hóa, thức ăn bị tồn đọng trong dạ dày, hơi sản sinh ra nhiều làm tăng áp lực lên dạ dày và lỗ tâm vị gây ra trào ngược dạ dày – thực quản. Đồng thời, stress còn làm rối loạn nhu động thực quản và làm cho cơ vòng tại đây trở nên nhạy cảm hơn và thường xuyên đóng mở bất thường và gây ra trào ngược.
  • Béo phì: Ở người béo phì, dạ dày và cơ thắt thực quản thường phải chịu áp lực khiến trương lực cơ bị yếu đi nhiều, dịch vị dạ dày khó được kiểm soát và dễ bị trào ngược hơn.
  • Hút thuốc lá: theo ý kiến của các chuyên gia, thuốc lá làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản dưới. Điều này làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày

3. Dấu hiệu trào ngược dạ dày

3.1. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

Triệu chứng dễ gặp và điển hình nhất của trào ngược dạ dày, thực quản là ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Khi lượng acid trong dạ dày quá nhiều và bị đẩy lên thực quản gây ra hiện tượng ợ nóng, ợ chua. Nó thường đi kèm với cảm giác bỏng rát ở vùng trung tâm ngực và có thể lan rộng sang khu vực xương ức thậm chí lên cổ. Cổ họng đau nóng khó chịu bởi tính acid của dịch vị dạ dày và để lại vị chua trong miệng và cổ họng. Mặt khác, lượng khí quá tải trong bụng cũng bị đẩy ra ngoài gây nên hiện tượng ợ hơi để giảm áp lực lên dạ dày, giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày. Triệu chứng này diễn ra thường xuyên và mức độ đặc biệt tăng lên sau khi bệnh nhân ăn no hoặc ở tư thế nằm hoặc cúi xuống và nhất là vào ban đêm.

>>> Xem thêm Ợ Hơi Ợ Chua Và Những Điều Cần Biết

3.2. Buồn nôn, nôn

Acid bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản dễ kích thích lên họng và miệng. Điều này gây ra cảm giác buồn nôn khó chịu ở người bệnh và có thể nôn ra thức ăn và dịch vị. Triệu chứng này có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng thường tăng lên sau khi ăn no, đầy bụng hoặc khi nằm, đặc biệt xuất hiện nhiều vào ban đêm do tư thế nằm ngang dễ gây trào ngược. Những người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng dễ bị nôn khi say xe, ốm, nghén, hay khi dùng các loại thuốc, đặc biệt là các thuốc có mùi khó chịu.

3.3. Đau tức ngực vùng thượng vị

Đau tức ngực vùng thượng vị cũng là một triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản. Acid của dịch tiêu hóa trào ngược lên thực quản kích thích các đầu mút dây thần kinh của niêm mạc thực quản. Ngoài cảm giác bỏng rát, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu, lan ra và tạo nên cơn đau tức ngực vùng thượng vị và xuyên ra sau lưng. Triệu chứng này khác với hiện tượng đau tức ngực do bệnh tim. Cơn đau xảy ra với mức độ tăng lên khi cúi gập người, nằm xuống và đi kèm với các triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua hay buồn nôn thì bạn khả năng lớn bị trào ngược dạ dày thực quản chứ không phải đau do bệnh tim. Cơn đau thường xảy ra sau khi ăn no hoặc vào ban đêm, đau có tính chất kéo dài nhiều tiếng, đau sau xương ức và không lan sang hai bên. Cơn đau sẽ giảm sau khi bệnh nhân uống các thuốc antacid.

>>> Xem thêm 12 Nguyên Nhân Dẫn Đến Đau Thượng Vị Buồn Nôn Và Cách Điều Trị

3.4. Khó nuốt

Nếu tình trạng trào ngược acid dạ dày diễn ra với thời gian dài dễ khiến thực quản bị viêm, sưng tấy, làm cho thực quản hẹp hơn. Điều này dẫn đến tình trạng khó nuốt, nuốt vướng, ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống của bệnh nhân.

bi-trao-nguoc-da-day-3

Trào ngược dạ dày-thực quản có các dấu hiệu gì?

3.5. Khàn giọng và ho

Acid của dịch tiêu hóa có thể làm tổn thương dây thanh quản, khiến dây thanh quản bị phù nề. Người bệnh sẽ cảm giác khó chịu ở cổ họng, đau rát, khó nói dai dẳng rồi tiến dần đến ho. Nguyên nhân do dịch ổ viêm chảy xuống thanh phế quản.

3.6. Miệng tiết nhiều nước bọt

Dịch tiêu hóa, thức ăn… trào ngược từ dạ dày lên thực quản có tính acid. Nước bọt của chúng ta có pH kiềm nên sẽ giúp trung hòa một phần lượng acid này. Trong trường hợp bệnh lý này, cơ thể sẽ kích thích tiết ra nhiều nước bọt hơn bình thường. Tuy vậy, việc tiết ra quá nhiều nước bọt dễ khiến cho lượng không khí đi vào ống tiêu hóa nhiều hơn, gây ra hiện tượng ợ hơi.

3.7. Đắng miệng

Van môn vị bị rối loạn đóng mở khi người bệnh bị trào ngược dạ dày. Khi đó, dịch mật từ tá tràng dễ tràn vào dạ dày rồi theo dịch vị dạ dày trào lên thực quản. Nó có thể tràn vào khoang miệng, kích thích thần kinh và gây ra cảm giác đắng miệng. Người bệnh thường cảm giác triệu chứng này rõ nhất sau khi thức dậy vào sáng sớm đi kèm với cảm giác khô miệng do sự giảm tiết nước bọt khi ngủ.

3.8. Khó thở thậm chí hen suyễn

Nhiều bệnh nhân bị trào ngược dạ dày gặp phải hiện tượng khó thở và hen suyễn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do acid bị trào ngược có thể tràn vào phổi, nhất là khi bệnh nhân ngủ. Khi ấy, đường thở bị tổn thương, sưng nề và chít hẹp do dịch viêm. Nó có thể gây ra các triệu chứng của viêm họng, viêm phổi hoặc hen suyễn, điển hình là cơn ho, khó thở, thở khò khè.

3.9. Răng xỉn màu

Acid có tính ăn mòn. Chính vì thế, khi bị trào ngược dạ dày kéo dài, men răng có thể bị ảnh hưởng, mài mòn do acid từ dịch vị, khiến cho răng bị xỉn màu, ố vàng. Kèm theo đó, bệnh nhân có thể bị sâu răng, hơi thở có mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

4. Tác hại của việc bị trào ngược dạ dày

  • Viêm thực quản: Đây là hậu quả trực tiếp và rõ rệt nhất của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Dịch tiêu hóa trào lên trong thời gian dài tổn thương niêm mạc thực quản, khiến lớp niêm mạc bị viêm sưng thậm chí tạo ra các ổ loét. Kết quả gây ra các cơn đau khi nuốt, khó nuốt, đau tức ngực vùng thượng vị và sau xương ức, đặc biệt là khi ăn. Các vết loét có thể chảy máu, gây đau đớn và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn khác thậm chí là thủng thực quản.
  • Hẹp thực quản: Khi quá trình viêm xảy ra, thực quản bị sưng nề và hẹp lại, khiến người bệnh cảm thấy khó nuốt do đường lưu chuyển thức ăn bị tắc nghẽn. Nhiều trường hợp, sau khi tổn thương lành lại sẽ trở thành sẹo không hồi phục, thu nhỏ không gian vận chuyển của thức ăn và làm chít hẹp thực quản, rất khó điều trị.
  • Hiện tượng mô vảy ở đoạn thực quản hay còn gọi là thực quản Barrett. Có đến 8-15% bệnh nhân bị trào ngược dạ dày tiến triển thành biến chứng này. Sự tiếp xúc lặp đi lặp lại của niêm mạc thực quản với acid dạ dày khiến các tế bào lót ở đoạn dưới thực quản bị biến đổi màu sắc và hình dạng. Các mô vảy bị biến đổi thành mô dạng cột tương tự như các tế bào ở ruột. Sự biến đổi bất thường này có nguy cơ biến các tế bào lành trở thành tế bào ung thư. Chính vì thế, đây còn được một số chuyên gia gọi là giai đoạn tiền ung thư. Những bệnh nhân bị thực quản Barrett nên đi nội soi định kỳ để phát hiện và được cảnh báo sớm về các dấu hiệu của ung thư.
  • Ung thư thực quản: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra với những người bị trào ngược dạ dày thực quản kéo dài mặc dù tỉ lệ của biến chứng này khá thấp. Người bệnh có thể mắc hai loại ung thư thực quản chính là ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy và thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi khi hệ miễn dịch và khả năng phục hồi của cơ thể bắt đầu giảm sút. Khởi đầu với những triệu chứng thường gặp của trào ngược acid dạ dày như nuốt khó, nôn trớ, đau dai dẳng sau xương ức, ho khạc liên miên… đến hội chứng nhiễm trùng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể sờ thấy các hạch to nổi ở vị trí hố thượng đòn bên trái hoặc cả hai bên. Kết hợp với tình trạng sụt cân nghiêm trọng, có thể gầy sút trên 5 kg trong một tháng, da khô, sạm, mặt và hai bàn tay nổi rõ nhiều nếp nhăn. Tỉ lệ sống sót trong vòng 3 năm của bệnh nhân chỉ dao động dưới 5% nếu như phát hiện bệnh quá muộn.

5. Các cấp độ của bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày – thực quản được các chuyên gia, bác sĩ chia làm nhiều cấp độ. Mỗi cấp độ phù hợp với phác đồ điều trị khác nhau và dễ dàng cho bác sĩ thăm khám, chữa bệnh. Bệnh tiến triển theo thời gian và được chia thành 5 cấp độ trào ngược acid dạ dày như sau:

  • Trào ngược dạ dày độ 0: Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường chỉ xuất hiện các triệu chứng ợ hơi, ợ nóng với tần suất không thường xuyên do acid trào ngược với lượng và tần suất ít. Người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng ở cấp độ này do bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý bình thường.
  • Trào ngược dạ dày cấp độ A: Lúc này niêm mạc thực quản đã có dấu hiệu bị tổn thương do bỏng acid mức độ còn nhẹ nhưng cũng đã biểu hiện ra các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày. Vì vậy, hầu hết người bị trào ngược dạ dày phát hiện bệnh tại giai đoạn này. Người bệnh có thể bị ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát sau xương ức, việc ăn uống vẫn bình thường nhưng dễ bị nghẹn hơn bình thường. Ở cấp độ A, bệnh có thể được điều trị nhanh chóng nếu đúng cách. Nếu chủ quan không khắc phục kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, tần suất ợ hơi, ợ chua ngày càng nhiều. Bệnh nhân có thể cảm thấy bỏng rát vùng hầu họng thậm chí ho, khó thở do dịch vị trào ngược vào phế quản.
bi-trao-nguoc-da-day-4

5 cấp độ trào ngược dạ dày

  • Trào ngược dạ dày cấp độ B: Giai đoạn này các vết loét trên niêm mạc lan rộng, nằm rải rác hoặc hội tụ trên niêm mạc thực quản, dạ dày và có thể có dấu hiệu viêm nhiễm. Ngoài những biểu hiện của mức độ A, người bệnh có cảm giác đau khi nuốt do thức ăn tiếp xúc với ổ loét. Theo thời gian, niêm mạc bị phù nề, khi lành có thể để lại sẹo, làm hẹp thực quản. Cảm giác khó nuốt, nuốt nghẹn, vướng tăng lên kể cả với loại thức ăn mềm, dễ nuốt bình thường.
  • Trào ngược dạ dày cấp độ C: Ở cấp độ này, bị trào ngược dạ dày dẫn tới Barrett thực quản. Người bệnh thậm chí có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau tức ngực… Barrett thực quản thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng nếu không điều trị bệnh trào ngược dạ dày sớm thì mọi lứa tuổi đều có thể tiến triển đến giai đoạn này.
  • Trào ngược dạ dày cấp độ D: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh bởi các tổn thương đã ăn sâu và tiềm ẩn nguy cơ ung thư cao. Bệnh nhân cần được theo dõi sát sao và làm xét nghiệm mô tế bào để kịp thời điều trị.

6. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản cần xử lí ra sao?

Các triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản của mỗi người là khác nhau, có thể rầm rộ hoặc không rõ ràng và không có tổn thương thực thể. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia để được tư vấn đúng nhất về phương pháp điều trị.

6.1. Có lối sống khoa học, lành mạnh và phù hợp với tình trạng bệnh

  • Thay vì ăn dồn một bữa lớn, bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để giảm áp lực cho dạ dày, giảm chênh lệch áp lực bụng – thực quản.
  • Tránh xa các thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, giàu chất béo, các thức ăn dễ gây kích thích như đồ chua cay
bi-trao-nguoc-da-day-5

Bị trào ngược dạ dày nên ăn gì?

  • Hạn chế các thức ăn có hàm lượng acid cao như chanh, cam, dứa…, sữa và các chế phẩm từ sữa. Các thực phẩm này kích thích tiết acid và kích thích cơ thắt dưới thực quản. Đồng thời, bạn nên sử dụng tinh bột hay đạm dễ tiêu như bánh mì, yến mạch… trong bữa ăn vì các loại thực phẩm này có tính kiềm, có thể giúp bạn trung hòa một phần acid dư thừa và tránh tổn thương lớp nhầy dạ dày do acid, hạn chế các nhịp thắt cơ dưới thực quản khi acid trào ngược lên. Một số thực phẩm nên được bổ sung vào thực đơn người bị trào ngược dạ dày như rau xanh, các loại đỗ, đậu bổ sung chất xơ và hàm lượng amino acid dồi dào, sữa chua bổ sung lợi khuẩn, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, cải thiện chất lượng đường tiêu hóa (tuy nhiên không nên ăn lúc đói), nghệ và mật ong…
  • Hạn chế sử dụng thức uống có cồn, các chất kích thích, thuốc lá…
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress vì stress không chỉ ảnh hưởng xấu đến tinh thần, sức khỏe người bệnh, đặc biệt là dễ gây loét dạ dày-tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản.
  • Kiểm soát một cách hợp lý hợp lý, không để xảy ra béo phì
  • Tránh một số thói quen có hại cho dạ dày như nằm ngay hoặc vận động mạnh sau khi ăn no, thường xuyên mặc quần áo quá chật, ăn quá nhiều đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nhanh, đồ khó tiêu trước khi ngủ, vừa ăn vừa uống quá nhiều nước. Bạn cũng nên có thói quen nằm ngủ gối đầu cao khoảng 15 cm so với chân hoặc kê vai cao hơn 25 cm và giữ tư thế người thẳng đứng, không nên cúi quá lâu.

6.2. Điều trị bằng thuốc

Dược sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc sau đây để giảm triệu chứng và điều trị bệnh trào ngược dạ dày như:

6.2.1. Omeprazol

Omeprazol được sử dụng khá phổ biến và được kê đơn ngay từ đầu để điều trị bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc giúp giảm acid dư thừa trong dạ dày thông qua cơ chế ức chế bơm proton tại dạ dày từ đó làm giảm tiết acid dịch vị. Với đa số người sử dụng thuốc, các triệu chứng của bệnh lí trào ngược dạ dày giảm nhanh chóng trong những ngày đầu sử dụng, các vết loét cũng nhanh liền sẹo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, tiêu chảy, táo bón…

6.2.2. Acid Alginic

Acid Alginic hoạt động bằng cách kết tủa gel với acid dạ dày, tạo thành một “bè” nổi trên bể acid tại dạ dày, có tác dụng như một hàng rào vật lý ngăn cản acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc như ho, đau đầu, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột nếu nuốt quá nhiều…

6.2.3. Metoclopramide

Tác dụng chính của thuốc là kích thích nhu động dạ dày – ruột, giảm độ giãn phần trên dạ dày đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa thức ăn của dạ dày bằng cách ức chế các thụ thể dopamin, làm các thụ thể ở đường tiêu hóa nhạy cảm hơn với acetylcholin. Nhờ vậy, tình trạng trào ngược acid lên thực quản được cải thiện. Do tính chất đối kháng với dopamin, nên dùng thuốc trong thời gian ngắn để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ảo giác, tim đập nhanh… đặc biệt với người bị thủng dạ dày, động kinh, phụ nữ có thai và cho con bú do thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ.

6.2.4. Domperidon

Domperidon được sử dụng cho người bị trào ngược dạ dày nhờ điều hòa hoạt động của cơ thắt dạ dày và thực quản, tăng áp lực cơ vòng dưới thực quản nên làm giảm được chứng trào ngược acid một cách hiệu quả. Tùy theo cơ địa mỗi người, thuốc có thể gây ra một số triệu chứng như đau đầu, khô miệng, nổi mề đay, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…

bi-trao-nguoc-da-day-6

Thuốc điều trị trào ngược dạ dày

6.3. Điều trị ngoại khoa

Nếu tình trạng trào ngược dạ dày thực quản của bạn quá nghiêm trọng và không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc điều trị nội khoa sau ít nhất 6 tháng hay bệnh tiến triển đến viêm loét thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa trên, cần đến cơ sở y tế để xem xét phẫu thuật. Một số thủ thuật ngoại khoa có thể được bác sĩ thực hiện như phẫu thuật tăng cường cơ vòng thực quản, phẫu thuật khâu xếp đáy vị, phẫu thuật nội soi xuyên miệng…

>>> Xem thêm 13 Cách Chữa Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà Đơn Giản Nhất

Trên đây là những thông tin cơ bản mang tính chất tham khảo về bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những giải đáp bổ ích. Nếu có những thắc mắc nào khác cần giải đáp, bạn có thể liên hệ hotline 18006091 để được tư vấn trực tiếp nhé!

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091