Các Triệu Chứng Trào Ngược Dạ Dày Và Biện Pháp Xử Lý Trào Ngược

Các Triệu Chứng Trào Ngược Dạ Dày Và Biện Pháp Xử Lý Trào Ngược

Các triệu chứng trào ngược dạ dày là một rối loạn tiêu hóa biểu hiện bởi sự trào ngược của các chất trong dạ dày vào thực quản. Đây là một trong những rối loạn tiêu hóa được chẩn đoán phổ biến nhất ở Mỹ với tỷ lệ hiện mắc năm 2020 là 20%. Về mặt lâm sàng, các triệu chứng trào ngược dạ dày biểu hiện điển hình với các triệu chứng ợ chua và nôn trớ. Dựa trên biểu hiện nội soi và mô bệnh học, bệnh được chia làm ba loại: bệnh trào ngược không ăn mòn (NERD), viêm thực quản ăn mòn (EE) và Barrett thực quản (BE). Trong đó, NERD là kiểu hình phổ biến nhất khoảng 60-70%, sau đó là viêm thực quản ăn mòn khoảng 30% và Barrett thực quản 6-12%

Sự khác biệt về dân tộc và địa lý là những yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu tần suất bệnh, do những ảnh hưởng từ môi trường hoặc di truyền. Theo một thống kê tại Việt Nam được nghiên cứu trên 1947 bệnh nhân ngoại trú trên 18 tuổi có các triệu chứng đường tiêu hóa trên và đã nội soi thực quản. Kết quả cho thấy, có 511 (26,2%) bệnh nhân mắc GERD, trong đó có 242 (47,4%) bệnh nhân mắc bệnh trào ngược không ăn mòn và 269 (52,6%) bị trào ngược thực quản có hoặc không kèm Barrett thực quản. Có thể thấy tỷ lệ mắc trào ngược thực quản tại Việt Nam là khá cao. Bài viết này của chúng tôi mong muốn sẽ đem đến những thông tin hữu ích về bệnh trào ngược thực quản và cách để xử lý trào ngược.

cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-1

Hội chứng trào ngược thực quản

1. Các triệu chứng trào ngược dạ dày xuất hiện sẽ như thế nào? 

Các triệu chứng trào ngược dạ dày phổ biến nhất là chứng ợ chua và nôn trớ. Cảm giác nóng rát ở ngực thường xuất hiện sau ăn, có thể nặng hơn vào ban đêm. Nằm xuống hoặc cúi xuống cũng có thể dẫn đến triệu chứng ợ nóng. Trào ngược có thể là một trong các triệu chứng trào ngược dạ dày, nhưng nó có thể xảy ra với các tình trạng khác ít phổ biến hơn như tắc nghẽn hoặc chứng đau bụng.

Mọi người hay nhầm lẫn giữa cơn đau do ợ chua với cơn đau của bệnh tim. Tập thể dục có thể làm cho cơn đau tim trở nên trầm trọng hơn và nghỉ ngơi có thể làm dịu cơn đau. Còn những cơn đau do ợ chua không trở nặng khi hoạt động thể dục.

>>> Xem thêm Ợ chua là gì? Và những điều liên quan đến ợ chua

Bên cạnh ợ chua thì còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Hôi miệng.
  • Khó thở.
  • Tức ngực.
  • Khó nuốt.
  • Dịch chất lỏng bao gồm thức ăn đang bị tiêu hóa có vị rất chua bị trào ngược lên.
  • Mòn men răng.
  • Cảm giác trong cổ có khối u.

Nếu bị trào ngược acid vào ban đêm những triệu chứng có thể gặp phải là:

  • Ho kéo dài.
  • Viêm thanh quản.
  • Hen suyễn cấp.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn.
cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-3

Triệu chứng thực quản trào ngược

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xuất hiện triệu chứng nôn trớ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên nôn, ói mửa thì có thể là các triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh.

Các dấu hiệu có thể gặp ở trẻ sơ sinh là:

  • Biếng ăn, chán ăn.
  • Nuốt khó.
  • Khó thở do trào ngược.
  • Hay bị nấc cụt.
  • Ho hoặc viêm phổi nhiều.
  • Ngủ khó.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng rất hay gặp các triệu chứng trào ngược dạ dày, thường gặp vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

Các triệu chứng thường thấy là:

  • Ợ nóng, ợ hơi: là triệu chứng hay gặp nhất ở các bà mẹ mang thai. Acid được dạ dày tiết ra rất nhiều nhằm tiêu hóa thực phẩm. Do acid tiếp xúc với thực quản lâu ngày gây viêm niêm mạc, nóng rát ngực và chua miệng.
  • Ho khan và ho có đờm: Trào ngược lên vùng cổ họng có thể gây tổn thương thanh quản.
  • Khó nuốt, chán ăn, sụt ký: Thực quản bị viêm sưng to gây vướng ở cổ khi nuốt thức ăn.

2. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng trào ngược dạ dày

Trào ngược thực quản là do trào ngược acid thường xuyên. Trong quá trình tiêu hóa bình thường, thức ăn sau khi nuốt sẽ vào dạ dày thông qua việc mở ra của cơ vòng thực quản dưới. Sau đó, nó đóng lại để ngăn thức ăn và dịch vị trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Trào ngược thực quản dưới xảy ra do cơ vòng thực quản dãn ra hoặc yếu đi. Acid trào ngược liên tục lên thực quản sẽ khiến nó bị viêm.

 cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-4

Nguyên nhân gây hội chứng trào ngược

Các yếu tố nguy cơ có thể gây nên các triệu chứng trào ngược dạ dày:

  • Béo phì.
  • Phình phần trên của dạ dày lên đến cơ hoành (thoát vị gián đoạn): vì nó có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới.
  • Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em được cho là những đối tượng có nguy cơ cao.
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ bì cứng, viêm khớp dạng thấp, lupus.
  • Tốc độ làm rỗng dạ dày chậm.

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược acid bao gồm:

  • Hút thuốc.
  • Ăn khuya.
  • Ăn các thực phẩm và đồ uống như socola, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu, nước uống có ga.
  • Ăn lượng nhiều thức ăn trong một bữa ăn.
  • Dùng một số loại thuốc như nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chẹn kênh Canxi, thuốc kháng Cholinergic.

3. Cách phân cấp bệnh trào ngược dạ dày theo mức độ

Dựa trên biểu hiện nội soi và mô bệnh học, bệnh được chia làm ba loại: bệnh trào ngược không ăn mòn (NERD), viêm thực quản ăn mòn (EE) và Barrett thực quản (BE).

  • Bệnh trào ngược không ăn mòn: là kiểu hình phổ biến nhất của trào ngược thực quản. Theo định nghĩa, bệnh nhân NERD có các triệu chứng trào ngược điển hình do trào ngược trong thực quản của các chất trong dạ dày nhưng không có tổn thương niêm mạc thực quản.
  • Viêm thực quản ăn mòn: Là tình trạng viêm thực quản do trào ngược nghiêm trọng, đặc trưng bởi các vết loét niêm mạc. Có rất ít mối tương quan giữa phát hiện nội soi và mô học ở bệnh nhân trào ngược thực quản.
  • Barrett thực quản: là khi lớp niêm mạc phẳng, màu hồng của ống nuốt nối dạ dày với miệng (hay chính là thực quản) bị tổn thương do tác động của axit bị trào ngược, khiến lớp niêm mạc này đỏ và dày lên.

Giữa dạ dày và thực quản có một cơ quan trọng gọi là cơ vòng thực quản. Cơ này đóng lại giúp ngăn thức ăn và acid trào ngược lên thực quản. Theo thời gian, cơ này có thể bị giãn gây ra các triệu chứng trào ngược dạ dày.

 cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-5

Hình ảnh thực quản khi cơ vòng đóng và mở

4. Chẩn đoán các triệu chứng trào ngược dạ dày

Bác sĩ có thể chẩn đoán các triệu chứng trào ngược dạ dày sau khi thăm khám lâm sàng. 

Một số phương pháp được đưa ra là:

  • Nội soi tiêu hóa trên: Đây là một thủ thuật sử dụng hình ảnh thực quản, dạ dày và tá tràng bằng cách sử dụng ống nội soi, một ống dài linh hoạt và mỏng, có nguồn sáng và một máy quay video ở trên.
  • Sinh thiết nội soi: có thể lấy ở dạ dày, thực quản hoặc tá tràng. Sinh thiết thực quản đoạn xa không được khuyến cáo chẩn đoán trào ngược và không nên thực hiện trừ khi để đánh giá biến chứng hoặc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
  • Đo thực quản: Được khuyến cáo để đánh giá trước phẫu thuật chống trào ngược hoặc cho những bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng. Mặc dù đã được điều trị đầy đủ và nội soi bình thường để loại trừ chứng đau thắt ngực hoặc các rối loạn vận động khác.
  • Theo dõi pH của thực quản: Một ống thông mỏng và linh hoạt được đưa qua lỗ mũi đến thực quản. Ống thông được trang bị một cảm biến theo dõi thời điểm lượng lớn thức ăn trong dạ dày đi lên thực quản.
  • Áp kế thực quản: đo lường sự co dãn của cơ trong thực quản trong quá trình nuốt, đặc biệt là hoạt động của cơ vòng thực quản dưới-nằm giữa thực quản và dạ dày đóng vai trò như một chiếc van.
  • Chụp X-quang dạ dày tá tràng với bari: Trước khi chụp X-quang sẽ cho bệnh nhân sử dụng một lượng chất lỏng màu trắng (Bari) lấp đầy niêm mạc đường tiêu hóa. Chất này sẽ mô phỏng đường đi của thức ăn, cho phép bác sĩ hình dung về giải phẫu và chức năng của thực quản, dạ dày, ruột non.
  • Sử dụng bộ câu hỏi GerdQ: Bảng câu hỏi chẩn đoán GERD (bảng câu hỏi bệnh trào ngược) đã được phát triển cho các nghiên cứu dịch tễ học, tuy nhiên thường khó sử dụng trong thực hành lâm sàng.
  • Điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI): Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng, nếu dùng liều tiêu chuẩn hoặc liều gấp đôi mà các triệu chứng đó hết thì có thể xác định là bệnh trào ngược thực quản.

Cần chẩn đoán phân biệt các triệu chứng trào ngược dạ dày với các bệnh sau:

  • Bệnh viêm loét dạ dày
  • Bệnh ác tính đường ruột trên
  • Rối loạn nhu động cơ thực quản – xơ cứng bì; co thắt thực quản lan tỏa
  • Nhiễm trùng-Candida, herpes simplex, v.v.
  • Viêm thực quản do thuốc
  • Bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh liên quan đến màng ngoài tim
  • Bệnh lý ngực khác
 cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-6

Nội soi tiêu hóa trên

5. Các biện pháp điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày tại Việt Nam

Điều trị trào ngược thực quản nhằm mục đích giảm trào ngược hoặc làm giảm tổn thương niêm mạc thực quản.

5.1. Thuốc kháng acid

Những loại thuốc này có thể trung hòa được acid trong thực quản và dạ dày, ngăn chặn chứng ợ chua. Tuy nhiên, các thuốc kháng acid chỉ giúp giảm tạm thời hoặc một phần nên một số thuốc kháng acid kết hợp với chất tạo bọt, tạo thành một màng chắn trên dạ dày để ngăn trào ngược acid.

Việc sử dụng các thuốc kháng acid trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ:

  • Tiêu chảy.
  • Thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa và sử dụng Canxi của cơ thể.
  • Tích tụ Magie trong cơ thể.

5.2. Thuốc kháng histamin H2

Thuốc kháng histamin H2 ngăn chặn sự bài tiết acid dịch vị, làm giảm acid trong dạ dày bằng cách cạnh tranh gắn lên thụ thể H2 ở tế bào viền dạ dày. Các thuốc kháng histamin H2 có nhược điểm là tác dụng giảm tiết acid bị dung nạp sau khoảng 3-5 ngày dùng thuốc nên thuốc này ít được ưu tiên sử dụng.

Một số thuốc chẹn H2 là:

  • Cimetidine.
  • Famotidine.
  • Nizatidine.

Các tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc là nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, khó tiêu. Riêng cimetidin có nhiều tác dụng không mong muốn hơn như gây vú to ở nam giới, giảm khả năng tình dục.

5.3. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Bơm proton được gọi là bơm acid. Các thuốc PPI kháng tiết acid bằng cách ức chế không thuận nghịch bơm proton dẫn đến ngăn tiết acid vào lòng dạ dày. Các thuốc này có bằng chứng về hiệu quả kháng tiết acid mạnh nhất hiện nay và cũng là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất.

Hiệu quả giảm tiết acid của thuốc phụ thuộc vào liều và số lượng bơm proton bị ức chế. Do đó sau khi dùng, tác dụng giảm tiết acid tăng dần và đạt hiệu quả ổn định sau 3-4 ngày. Mặc dù thời gian bán thải của thuốc ngắn chỉ khoảng 1-2 giờ nhưng tác dụng kéo dài từ 18-20 giờ.

Các thuốc PPI bao gồm:

  • Esomeprazole
  • Omeprazole
  • Pantoprazole
  • Rabeprazole
  • Lansoprazole

Các thuốc PPI là tiền dược và chỉ được hoạt hóa trong môi trường acid. Nên uống thuốc 30-60 phút trước bữa ăn để đạt được nồng độ tối ưu tại các tế bào viên khi các bơm proton hoạt động mạnh nhất.

Khi sử dụng thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra một số phản ứng phụ nghiêm trọng do pH dạ dày tăng, đặc biệt là với các bệnh nhân lớn tuổi:

  • Giảm hấp thu Canxi làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương.
  • Giảm hấp thu sắt và vitamin B12 làm tăng nguy cơ thiếu máu.
  • Gastrin tăng tiết gây viêm teo niêm mạc dạ dày.

>>> Xem thêm Những Thuốc Giảm Tiết Axit Dạ Dày Tốt Nhất Năm 2021

5.4. Prokinetics có hiệu quả trong chữa các triệu chứng trào ngược dạ dày

Trong một số trường hợp những loại thuốc này giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn. Chúng cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn, nôn. Nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng cho nên chỉ sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn.

Một số thuốc Prokinetics bao gồm:

  • Domperidon
  • Metoclopramid

5.5. Thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc để điều trị các triệu chứng trào ngược dạ dày thì thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng là một biện pháp quan trọng. 

Dưới đây là một số chế độ ăn uống và lối sống:

  • Tránh thực phẩm và đồ uống gây kích thích: Tránh xa các loại thực phẩm có thể làm giãn cơ vòng thực quản bao gồm socola, bạc hà, thực phẩm béo, cà phê và đồ uống có cồn. Nên tránh những loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản bị tổn thương như trái cây và nước trái cây họ cam quýt, các thực phẩm cay nóng, các sản phẩm từ cà chua.
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày: Ăn các bữa ăn nhỏ cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra phải ăn trước khi đi ngủ ít nhất là 2 đến 3 giờ để acid trong dạ dày giảm xuống và dạ dày đã tiêu hóa một phần thức ăn.
  • Ăn chậm: Ăn chậm, nhai kỹ. Việc nhai thức ăn sẽ làm cho thức ăn nhỏ ra, giúp cho việc tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn. Ngoài ra, ăn chậm sẽ tăng thời gian để enzyme có thể phân huỷ thức ăn.
  • Không hút thuốc lá: Bởi chúng có khả năng làm suy yếu bó cơ vòng thực quản. 
  • Nâng cao đầu khi ngủ: Nằm trên một miếng đệm được thiết kế đặc biệt để trọng lực làm giảm sự trào ngược của các chất trong dạ dày và thực quản.
  • Giảm cân: Giảm cân ở những người bị thừa cân, béo phì.
  • Mặc quần áo rộng: Quần áo quá bó sát, ép eo sẽ gây áp lực lên bụng và thực quản.
  • Châm cứu: Biện pháp này đang được nghiên cứu nhưng kết quả ban đầu rất hứa hẹn.
  • Rèn luyện thể dục: Vận động giúp giảm stress và tiêu hóa thức ăn. Đối với phụ nữ mang thai có thể tập các bài nhẹ nhàng như yoga, ngồi thiền.

>>> Xem thêm Kinh Nghiệm Chữa Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Mang Lại Hiệu Quả

 cac-trieu-chung-trao-nguoc-da-day-7

Thực hiện lối sống khỏe mạnh

5.6. Phẫu thuật

Khi sử dụng thuốc nhưng không làm giảm triệu chứng hoặc không muốn sử dụng thuốc lâu dài thì có thể thực hiện các phẫu thuật:

  • Phẫu thuật Nissen: Giúp thắt chặt cơ vòng thực quản bằng cách quấn phần trên của dạ dày xung quanh cơ vòng thực quản dưới. Phương pháp này được thực hiện bằng nội soi.
  • Phẫu thuật LINX: Cơ vòng thực quản đóng lại và được giữ chặt bằng một vòng các hạt titan nhỏ. 

6. Trào ngược dạ dày thường gây ra những biến chứng gì?

Các triệu chứng trào ngược dạ dày đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:

6.1. Loét thực quản

Các acid bị trào ngược lên từ dạ dày sẽ gây ăn mòn thực quản, hình thành vết loét hở. Các vết loét này gây cảm giác đau đớn thậm chí có thể chảy máu. Chúng có thể khiến bạn đau khi nuốt

6.2. Hẹp thực quản

Acid dạ dày làm phá hủy phần thực quản dưới và tạo ra các mô sẹo. Các mô sẹo tích tụ lâu dần gây hẹp bên trong thực quản, khiến người bệnh khó nuốt thức ăn.

6.3. Barrett thực quản

Acid trào ngược làm thay đổi các tế bào trong mô lót thực quản. Tình trạng này có liên quan cao đến khả năng mắc ung thư thực quản.

6.4. Các vấn đề về phổi

Nếu trào ngược đến cổ họng, nó có thể gây kích ứng và đau. Từ đó nó có thể đi vào phổi. Nếu điều này xảy ra giọng nói có thể bị khàn. Có thể có những triệu chứng như: chảy nước mũi, mệt ngực và ho kéo dài. Nếu phổi bị viêm có thể gây hen suyễn, viêm phế quản và thậm chí có thể bị viêm phổi.

Các triệu chứng trào ngược dạ dày tỉ lệ gặp phải ở dân số nước ta đang tăng cao. Nó xảy ra hàng ngày với triệu chứng điển hình là ợ chua và nôn trớ. Bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào cũng có thể gặp các triệu chứng trào ngược dạ dày. Hiện nay tại Việt Nam thì tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày-thực quản khá lớn, đây là mối quan tâm của nhiều bác sĩ vì nó có khả năng gây ung thư dạ dày-thực quản. Để cải thiện tình trạng bệnh có rất nhiều loại thuốc điều trị trào ngược, các phương pháp phẫu thuật, bên cạnh đó cần có một thói quen sinh hoạt hợp lý và khoa học. 

Chúng tôi hy vọng thông qua bài viết này có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh trào ngược thực quản, biết được các triệu chứng và cách xử lý khi xuất hiện các triệu chứng trào ngược dạ dày.

Nếu còn bất cứ thắc mắc hay có câu hỏi nào cần lời giải đáp, hãy liên ngay HOTLINE 18006091, Scurma Fizzy sẽ giải đáp các thắc mắc, đồng hành cùng bạn trong các vấn đề về đau dạ dày.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091