Cẩn Thận Với Tình Trạng Nuốt Nghẹn

Cẩn Thận Với Tình Trạng Nuốt Nghẹn

nuốt nghẹn

Nuốt nghẹn có thể là bình thường, nhưng cũng có lúc cảnh báo nguy hiểm

Nuốt nghẹn là một vấn đề nhiều người đã từng đối mặt. Có khi nó chỉ là một biểu hiện thông thường trong thoáng chốc, nhưng cũng có thể là triệu chứng khẩn cấp cần xử lý ngay hay dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm. Hiểu đúng về tình trạng bệnh cũng như phương pháp xử lý giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe của bạn. Bài viết này sẽ nêu các nguyên nhân xảy ra nuốt nghẹn, hiểu rõ và cách xử lý chính xác cho vấn đề này.

1. Như thế nào là nuốt nghẹn?

Đầu tiên cần hiểu rõ về nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn là cảm giác khi nuốt thức ăn có cảm giác thức ăn bị kẹt lại ở thực quản, có thể đau hoặc không. Phân biệt nó với khó nuốt – là cảm giác đau hoặc bị nghẹn cản trở hoạt động nuốt trong ăn uống và kể cả nuốt nước bọt. Khó nuốt là bao hàm cả nuốt nghẹn.

Xét về cơ chế chung, con đường thông thường của tiêu hóa là từ miệng qua hầu, thực quản rồi đến dạ dày, ruột non, trải qua quá trình xử lý để hấp thu chất dinh dưỡng, ruột già làm chức năng hấp thụ lại nước, khoáng và hình thành phân cuối cùng là đào thải các chất cặn bã qua hậu môn.

Ở miệng, thức ăn được nhai thành mảnh nhỏ, trộn với nước bọt và được lưỡi đẩy về họng. Ở đây có các thụ thể nhận cảm gây ra phản xạ nuốt để đẩy thức ăn vào thực quản. Thực quản không hề ngắn, thức ăn có thể thuận lợi qua thực quản tới dạ dày là nhờ vào các cơ thực quản hoạt động hỗ trợ, co bóp nhịp nhàng liên tục tạo xu thế đẩy thức ăn xuống phía dưới.

thức ăn xuống thực quản

Nhờ hoạt động nhịp nhàng của cơ thực quản mà thức ăn xuống được dạ dày

Trong trường hợp bình thường, quá trình này diễn ra suôn sẻ. Nuốt nghẹn xảy ra khi kích cỡ của thức ăn quá lớn (do ăn quá nhiều và nhanh, không nhai trước khi nuốt), hoặc những bất thường ở thực quản khiến con đường này hẹp hơn bình thường, khiến thức ăn bị kẹt lại. Cần lưu ý rằng nuốt nghẹn không phải là bệnh mà là triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến chủ yếu đến thực quản.

Nuốt nghẹn thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi thực quản của các trẻ kích cỡ còn bé, và trẻ dễ nuốt phải đồ vật lạ. Tình trạng này ở người già cũng không hiếm gặp bởi các cơ thực quản bị suy yếu, giảm chức năng và những biến đổi cấu trúc thực quản do tuổi tác và tiền sử bệnh. Ở người bình thường, vấn đề bị nghẹn chủ yếu do ăn quá nhiều cùng một lúc hay đồ ăn có tính dai, dính ví dụ như lòng đỏ trứng.

>>>> Tìm hiểu thêm: Nuốt Vướng Là Tình Trạng Như Thế Nào?

2. Nguyên nhân của nuốt nghẹn

Có thể có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nuốt bị nghẹn, thậm chí các nguyên nhân có thể kết hợp với nhau. Hiểu đúng và phân biệt được nguyên do giúp người bệnh có phương hướng rõ ràng, tránh tình trạng chủ quan hoặc quá lo lắng về bệnh. Sau đây là các lý do khiến bạn hoặc người thân bị nuốt nghẹn và các đặc điểm của chúng.

2.1. Vấn đề tuổi tác

Như đã đề cập, tình trạng bị nghẹn khi ăn rất phổ biến ở lứa trẻ em và người cao tuổi. Cũng dễ hiểu khi đây là những đối tượng có chức năng sinh lý thấp hơn tuổi trường thành (ở trẻ em là chưa hoàn thiện còn người già đã bị suy yếu).

đối tượng dễ nuốt nghẹn

Hai đối tượng này thường xuyên gặp phải nghẹn khi ăn

Ở trẻ em, đường kính ống thực quản còn rất bé nên tỷ lệ bị nghẹn khi ăn xảy ra cao, đặc biệt ở những trẻ lười nhai hay nuốt chửng. Các bệnh lý thường gặp ở trẻ em cũng có thể gây nuốt nghẹn như cảm cúm khiến đờm đặc quánh kẹt tại cổ. Ngoài ra, trẻ hay tò mò và chưa nhận thức đầy đủ, có thể xảy ra các trường hợp nuốt phải dị vật. Dị vật không được xử lý, ngoài việc gây nhiễm trùng, sẽ bó hẹp đường thực quản một cách đáng kể.

Với người già, tất cả các chức năng cơ thể đều đi xuống. Các cụ già thường gặp vấn đề về răng khiến thức ăn không thể nhai nát trước khi xuống thực quản, khiến kích cỡ của chúng quá to so với đường kính ống tiêu hóa trên. Cấu trúc thành trong thực quản cũng không thể tốt như thời trẻ, có thể tồn tại những di chứng tổn thương như sẹo, khối u. 

Một căn bệnh rất hiếm gặp ở người già gây tình trạng nuốt nghẹn là túi thừa thanh hầu. Tương tự với thịt thừa trên da ở người cao tuổi, có một tỷ lệ rất nhỏ ở thanh hầu xuất hiện một “túi thừa” sau tuổi 70, cản trở việc nuốt.

Người già cũng bị suy giảm chức năng thần kinh khiến hoạt động nuốt, đẩy thức ăn ở hầu họng kém nhạy cảm. Hoặc chỉ đơn giản là các cơ vòng thực quản bị suy yếu làm việc vận chuyển thức ăn đến dạ dày trở nên khó khăn hơn.

2.2. Rối loạn chức năng co bóp của cơ thực quản

Nguyên nhân này bắt gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, kể cả người trưởng thành. Đó là lý do tại sao một người thành niên khỏe mạnh khi ăn vẫn có thể bị nuốt nghẹn.

Các yếu tố bao gồm chất lượng thức ăn khi nuốt: miếng to, lổn ngổn do ăn vội, nhai qua loa; thức ăn có tính chất dai, đặc quánh, dính, bứ đều ảnh hưởng đến chức năng co bóp bình thường. Tức là những vấn đề này vượt quá khả năng đáp ứng bình thường của cơ vòng đẩy thức ăn, khiến hoạt động nhịp nhàng vốn có của thực quản mất đi mà tăng lên hay giảm đi bất thường và gây nghẹn.

Bận rộn cả trong lúc ăn

Bận rộn cả trong lúc ăn

Một yếu tố khác gây nghẹn là tâm trạng trong lúc ăn. Trong nhịp sống hối hả thời hiện đại, không khó để bắt gặp những người phải làm việc căng thẳng quá độ, luôn luôn nghĩ đến công việc kể cả trong lúc ăn. Đầu óc căng thẳng và những trạng thái tâm lý nặng khác như tức giận, ức chế, lo âu ảnh hưởng rất lớn đến tiêu hóa. Trong trường hợp này, nuốt nghẹn đến từ cả không chú tâm trong lúc ăn (nhai nuốt qua loa) và vấn đề thần kinh khiến cơ thực quản không hoạt động như lúc bình thường.

Ở trẻ em và người già, giống với ý ở trên, đến từ chức năng sinh lý. Một số cụ không thể ngồi mà phải nằm khi ăn cũng dễ xảy ra nuốt nghẹn do khi đường thực quản nằm ngang, cử động của cơ thực quản là không đủ để vận chuyển. Cần lưu ý việc nằm khi ăn cản trở đường đi của thức ăn rất nhiều, vì vậy trừ trường hợp bất khả kháng, không được ăn trong tư thế nằm.

  • Đờ thực quản: Một dạng nặng hơn của rối loạn chức năng cơ thực quản. Ở đây, các cơ bị trơ với kích thích, gần như không còn hoạt động hay hoạt động không thể kiểm soát. Kết quả là thức ăn rất khó khăn để xuống dạ dày, thậm chí bị đẩy ngược trở lại gây nôn.
  • Người có vấn đề về chức năng thần kinh: Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh là rối loạn chức năng cơ, kể cả cơ thực quản. Người bệnh có thể được chẩn đoán từ trước hay có các biểu hiện đi kèm như run tay chân, nhược cơ,…

2.3. Tổn thương thành trong ống tiêu hóa do yếu tố bên ngoài

Các yếu tố bên ngoài được đề cập trong phần này là các thành phần có thể phá hủy cấu trúc của niêm mạc, gây bỏng. Có thể kể tới lý do nhiệt độ ( nước nóng, hít phải hơi nhiệt độ cao) hoặc vô tình uống phải hóa chất ăn mòn mạnh như acid, kiềm.

Di chứng để lại của việc bỏng là sẹo hình thành sẹo thực quản làm hẹp thực quản. Các sẹo thực quản có thể càng nhiều thêm do bất cẩn trong quá trình sinh hoạt, hình thành sẹo bởi vô số nguyên nhân khác nhau. Tuổi tác càng cao các ảnh hưởng của sẹo thực quản càng rõ ràng, tình trạng nuốt nghẹn càng nghiêm trọng.

2.4. Viêm thực quản

trào ngược dạ dày

Viêm thực quản gây nuốt nghẹn có thể bởi trào ngược dạ dày

Xét đến nguyên nhân từ bên trong, viêm thực quản thể nặng là nguyên nhân của nhiều trường hợp bị nuốt nghẹn. Sâu xa thì tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản chính là khởi nguồn cho các chứng bệnh này. Acid ở trong dịch vị có khả năng phá hủy các mô tế bào rất mạnh. Tình trạng trào ngược dạ dày trong thời gian dài sẽ dẫn đến cấu trúc thành ống thực quản bị biến dạng, viêm loét và dễ gặp phải nuốt nghẹn. Bị nghẹn bởi nguyên do này sẽ đi kèm với các biểu hiện khác của trào ngược như ợ chua, đau rát họng,…

>>>> Đọc thêm: Bệnh Lý Nào Bạn Có Thể Đang Mắc Phải Khi Ăn Hay Bị Nghẹn Ở Cổ

2.5. Các khối u thực quản

Không nhỏ các bệnh nhân bị nuốt nghẹn khi đi khám soi được khối u tại thực quản. U thực quản cũng có hai dạng là lành tính và ác tính, lành tính chỉ cản trở sự thông thuận của thức ăn nhưng cũng hoàn toàn có nguy cơ phát triển thành ác tính nguy hiểm đến tính mạng.

u thực quản gây nuốt nghẹn

Khối u cản trở đường đi của thức ăn

2.5.1. U lành tính

Trường hợp nhẹ hơn, ít nguy hiểm hơn nếu có khối u. Các u lành tính như vòng thực quản, màng ngăn thực quản thường chỉ gây biểu hiện khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ – ngực (tùy vị trí khối u), thường không đau nên khó nhận biết, chỉ phá hiện được nếu người bệnh làm các xét nghiệm. Người có u lành khi biết được thông tin cũng ít khi đi cắt mà thường lựa chọn bỏ qua. Các u này vẫn có khả năng phát triển ác tính.

2.5.2. U ác tính – Ung thư thực quản

Nhắc đến ung thư thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều lo sợ căn bệnh này. Ung thư thực quản và các loại ung thư đường tiêu hóa hiện nay có thể phát hiện dễ dàng qua nội soi, người bệnh lo lắng về nguy cơ ung thư nên mạnh dạn đến các cơ sở y tế để kiểm tra chính xác nhất.

Ung thư thực quản gồm hai dạng chính là ung thư biểu mô tế bào vảy (ESCC) và ung thư tuyến (EAC). ESCC khá phổ biến ở những người nghiện rượu bia, thuốc lá – những tác nhân làm phá hủy và gây Oxi hóa mạnh khi chúng vào trong cơ thể và tác động lên các biểu mô thực quản. Đây là dạng ung thư có hy vọng chữa khỏi hoàn toàn.

EAC có vị trí ở thực quản thấp hơn so với ESCC, thường gặp ở những người trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) thể nặng. Trong đó, các tế bào tuyến tại thực quản, trải qua sự phá hủy của acid dạ dày, bị biến đổi thành dạng tế bào khác mà giai đoạn đầu gọi là Barrett thực quản.

barrett thực quản

Vị trí và hình ảnh nội soi Barrett thực quản

Ung thư thực quản nói chung sẽ tạo ra các khối u chẹn vào đường đi của thức ăn từ miệng tới dạ dày. Kết quả là gia tăng tình trạng nuốt nghẹn và có các biểu hiện đi kèm khác như đau ngực, cân nặng sụt giảm mạnh, có thể ho ra máu, cơn đau lan tới sau lưng, bả vai, cánh tay,…

2.6. Bệnh lý ngoài thực quản

Đôi khi tình trạng hẹp thực quản dẫn đến nuốt nghẹn không đến từ thực quản mà lại bởi các mô cơ quan xung quanh. Các cơ quan khi mắc bệnh ảnh hưởng đến chức năng nuốt có:

  • Tuyến giáp: tình trạng cường giáp (Basedow), bướu giáp đơn thuần
  • Cơ quan hô hấp: khối u ở phế quản, phổi
  • Tim mạch: tim to, suy tim, dày thất, phình mạch
  • Các khối u, hạch vùng trung thất

=> Khi các cơ quan xung quanh tăng kích cỡ một cách bất thường sẽ chiếm chỗ và chèn ép thực quản, giảm đường kính trong của nó. Hệ quả tất yếu là con đường thức ăn xuống dạ dày bị thu hẹp đáng kể và gia tăng khả năng bị nghẹn khi ăn uống.

3. Cần phải làm gì khi nuốt nghẹn

Phản ứng đầu tiên khi bản thân hoặc người xung quanh bị nghẹn là phải bình tĩnh. Nếu chỉ thông thường là do rối loạn chức năng co bóp thực quản khi ăn, phương pháp thông thường nhất được áp dụng là uống một ngụm nước. Có thể kết hợp với các hành động hỗ trợ như vươn người, vuốt tay dọc từ họng xuống ngực (theo đường thực quản), vỗ lưng giúp thuận khí là có thể hết nghẹn.

Trường hợp trẻ em và người già không thể tự thực hiện hành động này nên có sự giúp đỡ của người khỏe mạnh. Có thể áp dụng một số phương pháp dân gian trong tình huống đặc biệt như hóc xương cá thì uống giấm. Khi những đối tượng này bị hóc dị vật, cần khẩn trương xử lý lấy dị vật nếu có đầy đủ hiểu biết hoặc tìm đến sự trợ giúp chuyên môn, tránh cho dị vật mắc quá lâu sẽ di chuyển vào trong sâu hơn.

Ngoài xử lý ngay lúc bị nghẹn, có những biện pháp giúp bạn ngăn chặn chúng ngay từ đầu. Một tôn chỉ khi ăn là “Ăn chậm, nhai kỹ” giúp việc nuốt thức ăn trở nên dễ dàng, cũng đồng thời giảm khả năng đau dạ dày. Với những loại thức ăn dễ gây nuốt nghẹn như trứng, dạ dày động vật, các loại thịt chế biến dai (thịt bò khô), nên ăn từ từ, có thể cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ăn có thể có một cốc nước hỗ trợ việc nuốt và tiêu hóa. Ăn trong tâm trạng thoải mái, không vừa ăn vừa làm.

hạn chế nuốt nghẹn

Ăn với tâm thế thoải mái nhất

Với trẻ em và người già thì càng phải cẩn thận, không giục ăn nhanh, không ép ăn, cắt nhỏ các đồ ăn cho những đối tượng này. Nếu người già phải nằm liệt giường hay trẻ em bị các bệnh như viêm họng, ưu tiên đồ ăn lỏng như cháo. Cũng cần có người ngồi cạnh theo dõi và xử lý tình huống bất ngờ trong lúc ăn.

Trường hợp nuốt nghẹn xảy ra nhiều lần, tăng về tần suất và tình trạng nghẹn ngày càng nặng, cần lưu ý đến các biểu hiện liên quan và nếu cần hãy liên lạc với bác sĩ và những người có chuyên môn để thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Những trường hợp nên đến cơ sở y tế kiểm tra sớm nhất:

  • Bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở mức nghiêm trọng, có các biểu hiện đáng báo động như nôn, nôn ra máu, cực kỳ đau đớn ở ngực lan ra các vùng khác.
  • Nghi ngờ hóc dị vật.
  • Phát hiện nuốt phải hóa chất, hít phải hóa chất trong thời gian dài và có biểu hiện đau rát họng.
  • Từng đi khám và có tiền sử bệnh viêm thực quản.
  • Nghẹn nhiều lần, nghẹn lâu, đau khi nuốt và cả lúc nghẹn. Có thể chảy máu.
  • Các biểu hiện suy giảm hệ miễn dịch: sốt về chiều, thiếu máu, sụt cân nhanh không rõ nguyên do, suy kiệt, nhạy cảm với đau => Dấu hiệu của ung thư.
  • Các biểu hiện của bệnh lý ngoài thực quản:
  • Cường giáp: dễ thấy nhất là phì đại tuyến giáp với các bướu cổ, cảm giác cổ bị căng. Ngoài ra còn các biểu hiện đặc trưng khác như tim đập nhanh kể cả khi không vận động, bồn chồn, đau nhức cơ bắp.
  • Khối u tại phổi, phế quản: cảm giác khó thở, nặng hơn là đau khi hít thở, ho ra máu.
  • Các biểu hiện ở tim: thường biểu hiện ra bên ngoài không rõ ràng và khó phân biệt với các bệnh khác. Thường gặp nhất là khó thở, hoa mắt chóng mặt (do tuần hoàn suy giảm), da xanh tái, phù chi dưới,…

Bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng mà bệnh nhân miêu tả mà đưa ra phương án chẩn đoán

  • Nghi ngờ tổn thương tại thực quản: tiến hành soi thực quản, phát hiện u sùi sẽ hỏi ý kiến bệnh nhân có làm sinh thiết hay không.
  • Nghi ngờ tổn thương ngoài thực quản: sử dụng các phương pháp chụp chiếu như X-Quang, CT scan, MRI hoặc làm các xét nghiệm cần thiết khác.

Sau khi đã xác định được cụ thể nguồn cơn gây bệnh, phác đồ điều trị sẽ được bác sĩ thiết kế để phù hợp với mỗi người.

>>>> Đọc thêm: Nên Làm Gì Khi Có Cảm Giác Cổ Họng Nghẹn Ứ Khó Thở

Tựu chung lại, nuốt nghẹn có thể là một triệu chứng bình thường mắc phải khi ăn, nhưng cũng có lúc lại cảnh báo cho cơ thể những căn bệnh nguy hiểm. Mong bài viết này có thể giúp độc giả có nhận thức đúng về tình trạng này và bình tĩnh khi gặp phải, không chủ quan hoặc lo lắng thái quá với bệnh tật. Điều quan trọng nhất là giữ gìn sức khỏe của bạn thân và những người xung quanh từ những điều nhỏ nhặt nhất, đặc biệt là trong ăn uống. Luôn luôn ghi nhớ câu nói trong dân gian: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nếu bạn đang gặp vấn đề về nuốt nghẹn hay các biểu hiện bất thường khác đi kèm, cần tìm và tư vấn chuyên khoa hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 18006091. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!

Vũ Hồng Ngọc

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091