Đơn Thuốc Chữa Đau Dạ Dày, Tư Vấn Từ Chuyên Gia
Đơn thuốc chữa đau dạ dày – chuyên gia tư vấn
Đau dạ dày là một dấu hiệu bệnh lý cho biết rằng dạ dày của bạn đang bị tổn thương. Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị viêm loét dạ dày. Cảm giác đau do loét dạ dày được gây ra bởi hai nguyên nhân chính, đó chính là vi khuẩn Helicobacter pylori và việc thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroids (NSAIDs). Đơn thuốc chữa đau dạ dày khác nhau theo từng đối tượng và nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, H. pylori là nguyên nhân thường gặp của bệnh đau dạ dày do viêm loét dạ dày gây nên. Hiện nay, nhiều thử nghiệm đã đưa ra những đơn thuốc chữa đau dạ dày do HP. Vậy làm thế nào để lựa chọn được đơn thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả? Hãy cùng lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên gia trong bài viết dưới đây.
1. Một số điều cơ bản về bệnh đau dạ dày bạn nên biết
1.1. Đau dạ dày là gì? Đặc điểm của đau dạ dày
Đau dạ dày là một bệnh lý đường tiêu hóa cho biết dạ dày của bạn đang bị tổn thương. Đồng thời, đây là triệu chứng phổ biến nhất do viêm loét dạ dày gây ra.
Cơn đau do loét dạ dày có đặc điểm là đau âm ỉ ở vùng thượng vị, có thể đau từ giữa bụng kéo dần lên cổ, xuống rốn hoặc lan qua lưng. Người bệnh thường có cảm giác khó chịu, đau rát hoặc đau nhói ở bụng.
Cảm giác đau dạ dày có thể đeo bám bạn từ vài phút đến vài giờ. Khi dạ dày của bạn bị rỗng hay acid dạ dày tăng tiết sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng đau dạ dày. Đôi khi bạn có thể bị đánh thức vào ban đêm bởi sự xuất hiện đột ngột của cơn đau.
Đau dạ dày thường xuất hiện do loét dạ dày gây nên. Tuy nhiên, một số vết loét dạ dày lại không gây đau đớn ở người bệnh. Và cơn đau xuất hiện khi đã có sự phát triển của một biến chứng nào đó. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời bằng đơn thuốc chữa đau dạ dày hay một liệu pháp thích hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
1.2. Đau dạ dày do đâu?
Dạ dày hoạt động được bình thường là nhờ sự cân bằng giữa quá trình bài tiết dịch vị và quá trình bảo vệ. Dịch vị được tiết ra từ dạ dày có tác dụng tiêu hóa thức ăn. Nhưng có một điều đáng lưu ý là HCl và pepsin – hai thành phần chủ yếu của dịch vị có khả năng ăn mòn dạ dày.
Tuy nhiên, hạn chế của chúng đã được khắc phục bằng quá trình bảo vệ dạ dày. Dịch vị được trung hòa bởi NaHCO3 được giữ lại nhờ các tuyến và các tế bào chất nhầy tại môn vị và tâm vị. Điều này giúp bảo vệ được niêm mạc dạ dày tránh khỏi sự ăn mòn của acid.
Đôi khi sự mất cân bằng giữa hai quá trình có thể xảy ra. Quá trình tiết dịch vị tăng trong khi quá trình bảo vệ giảm sẽ dẫn đến tình trạng tăng acid trong dạ dày. Các acid trong đường tiêu hóa sẽ ăn mòn bề mặt bên trong dạ dày hoặc ruột non. Từ đó, tạo ra vết loét hở và gây đau.
Đau dạ dày chủ yếu là do viêm loét dạ dày gây ra. Có 2 nguyên nhân phổ biến gây đau do loét dạ dày là vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) và việc sử dụng nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs). Và xác định nguyên nhân gây đau dạ dày sẽ giúp các bác sĩ lựa chọn được đơn thuốc chữa đau dạ dày phù hợp với tình trạng người bệnh.
1.2.1. Vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP có tên gọi đầy đủ là Helicobacter pylori, là một trong những yếu tố gây loét dạ dày. Chúng thường sống trong lớp nhầy, các lớp nhầy này có vai trò bao phủ và bảo vệ các mô loét dạ dày, ruột non.
Thông thường, vi khuẩn HP không gây bệnh trong cơ thể. Nhưng khi gặp một tác nhân nào có lợi nào đó, nó có thể gây viêm loét lớp trong của dạ dày, tạo ra vết loét và gây đau.
Vi khuẩn HP có thể được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với nhau. Bạn cũng có thể có nguy cơ bị lây nhiễm qua thức ăn và nước uống.
>>>>>>> Tìm hiểu thêm: Ảnh hưởng của việc nhiễm vi khuẩn Hp tới sức khỏe có nguy hiểm không?
1.2.2. Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau
Sử dụng Aspirin cũng như một số thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể gây kích ứng hoặc làm viêm niêm mạc dạ dày và ruột non của bạn. Những loại thuốc này bao gồm: ibuprofen, naproxen sodium, ketoprofen và một số thuốc khác.
Vết loét sẽ ngày càng phát triển nghiêm trọng hơn khi phối hợp một số loại thuốc khác với NSAIDs. Các thuốc không nên phối hợp với NSAIDs trong trường hợp này có thể kể đến như: steroid, thuốc chống đông máu, chất hấp thu tái chọn lọc serotonin (SSRI).
1.2.3. Lối sống
Yếu tố lối sống không gây loét dạ dày, nhưng nó có ảnh hưởng đến tình trạng của vết loét. Các yếu tố như khói thuốc, rượu bia, căng thẳng thần kinh và ăn thức ăn cay… là những nguyên nhân khiến cho vết loét nặng hơn và trở nên khó lành.
- Khói thuốc: hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm H.pylori.
- Uống rượu: Rượu là một trong những yếu tố làm tăng tiết acid dạ dày, gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày của bạn. Điều này sẽ làm cho cơn đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
1.3. Các biến chứng của đau dạ dày
Đau dạ dày không nguy hiểm. Nhưng nếu bệnh đau dạ dày không được phát hiện và điều trị kịp thời bằng đơn thuốc chữa đau dạ dày hay liệu pháp nào đó, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu ở bên trong dạ dày. Bệnh nhân có thể bị chảy máu chậm gây thiếu máu, thậm chí là mất máu nghiêm trọng. Người bệnh bắt đầu xuất hiện tình trạng nôn mửa hoặc đi ngoài phân đen hay có máu. Đây là dấu hiệu cho thấy biến chứng mất máu nghiêm trọng của viêm loét dạ dày.
- Thủng dạ dày. Một biến chứng khác của đau dạ dày là thủng dạ dày hoặc ruột non. Khi đó, bạn có thể có nguy cơ bị nhiễm trùng khoang bụng (viêm phúc mạc).
- Tắc nghẽn dạ dày. Loét dạ dày cản trở sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa. Điều này khiến người bệnh dễ bị ho, nôn mửa và sụt cân do viêm nhiễm.
- Ung thư dạ dày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đối tượng bị nhiễm HP có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
>>>>>>> Đọc thêm: Mách Bạn Những Điều Cần Biết Về Hiện Tượng Ung Thư Dạ Dày
2. Các thuốc thường dùng trong đơn thuốc chữa đau dạ dày
Mục đích lý tưởng của việc điều trị đau dạ dày là giảm đau và điều trị nguyên nhân. Các vết loét dạ dày là nguyên nhân chủ yếu gây đau nên chữa lành vết loét và trì hoãn sự tái phát của chúng là cần thiết.
Có 2 nhóm thuốc chủ yếu, thường dùng trong đơn thuốc chữa đau dạ dày là:
- Nhóm thuốc hạn chế quá trình bài tiết dịch vị, gồm các thuốc: thuốc kháng acid, thuốc kháng H2, thuốc ức chế bơm proton…
- Nhóm thuốc tăng cường yếu tố bảo vệ: prostaglandin, sucralfat, các chế phẩm của Bismuth.
2.1. Các nhóm thuốc chính
2.1.1. Thuốc kháng acid (antacid)
Thuốc kháng acid là hợp chất có tính base, có tác dụng trung hòa acid hydrochloric trong dịch tiết dạ dày và ức chế enzym phân giải protein và pepsin. Nhóm thuốc này thường được dùng trong đơn thuốc chữa đau dạ dày với tác dụng giảm đau trong thời gian ngắn. Một số hợp chất được sử dụng làm chất kháng acid như: muối nhôm, muối magie, canxi carbonate và natri bicarbonate.
Khi dùng đơn độc, ion nhôm có thể gây táo bón; ngược lại ion Magie có thể gây tiêu chảy. Vì thế, việc kết hợp hai chất này giúp hạn chế được các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa mà vẫn cho tác dụng như mong muốn. Hiện này, nhiều sản phẩm phức hợp chứa Al và Mg được sử dụng phổ biến, cho hiệu quả nhanh và kéo dài.
2.1.2. Thuốc ức chế H2
Các chất đối kháng thụ thể Histamin H2 (H2RAs) có vai trò làm giảm bài tiết acid dịch vị bằng cách tác động lên các thụ thể histamin ở niêm mạc dạ dày. Nhờ đó, tình trạng đau dạ dày ở người bệnh được cải thiện.
Các thuốc ức chế H2 thường gặp trong đơn thuốc chữa đau dạ dày là: cimetidine, famotidine, nizatidine, ranitidine và roxatidine. Đây là nhóm thuốc tương đối an toàn, ít gây biến chứng ở người bệnh. Việc bổ sung H2RA vào ban đêm đã được chứng minh có tác dụng khắc phục vấn đề tăng acid về đêm ở những người sử dụng thuốc ức chế bơm proton 2 lần/ngày.
2.1.3. Thuốc ức chế bơm proton
Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) là một loại thuốc được sử dụng phổ biến trong các đơn thuốc chữa đau dạ dày hiện nay. Nhóm thuốc này ức chế đặc hiệu và không chọn lọc bơm proton nên cho tác dụng nhanh và hiệu quả hơn các nhóm thuốc khác.
Cho đến nay, có 6 thuốc nhóm PPIs đã được chấp thuận sử dụng, bao gồm: omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole và dexlansoprazole. Trong 6 thuốc này, có 3 thuốc bạn có thể mua được mà không cần sự kê đơn của bác sĩ, đó là: omeprazole, esomeprazole và lansoprazole. Tùy từng đối tượng sử dụng, có thể lựa chọn các dạng bào chế phù hợp.
2.1.4. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp đau dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori. Lựa chọn kháng sinh cần căn cứ vào đặc điểm nơi sống và tỷ lệ kháng kháng sinh hiện tại.
Các kháng sinh thường dùng như: amoxicillin, clarithromycin, levofloxacin, metronidazole, tetracycline và tinidazole. Chúng được dùng kết hợp với PPIs trong các phác đồ điều trị loét dạ dày do Helicobacter Pylori.
2.1.5. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày bao gồm: sucralfat, các dẫn xuất của prostagladin, hợp chất bismuth.
- Sucrafat: là một disaccarid được sulfat hóa, có tác dụng tạo hàng rào bảo vệ dạ dày và nâng pH của dịch vị.
- Các dẫn xuất của prostagladin kích thích tiết dịch nhầy và bicarbonate ở dạ dày. Đồng thời, kích thích tăng sinh tế bào niêm mạc dạ dày. Điều này mang lại hiệu quả chữa đau do loét dạ dày ở người bệnh. Misoprostol là một sản phẩm được sử dụng rộng rãi ở châu Âu để điều trị loét dạ dày do dùng thuốc chống chống viêm không steroid.
- Hợp chất Bismuth có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori. Vì thế, hợp chất này cũng có thể thấy trong các pháp đồ điều trị loét dạ dày tá tràng do HP.
2.2. Phối hợp các thuốc trong đơn thuốc chữa đau dạ dày như nào?
Nếu bạn bị đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, bạn sẽ được điều trị theo các phác đồ cụ thể. Đơn thuốc chữa đau dạ dày trong trường hợp này sẽ gồm có thuốc kháng sinh và một loại thuốc ức chế bơm proton (PPI). Điều này cũng được khuyến cáo sử dụng khi đau dạ dày do sự kết hợp của nhiễm trùng HP và sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên.
Nếu nguyên nhân gây đau dạ dày chỉ do dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), người bệnh chỉ cần dùng một đợt thuốc ức chế bơm proton (PPI). Ngoài ra, cần xem xét sử dụng thuốc giảm đau khác thay thế.
Đôi khi, thuốc kháng acid có thể được sử dụng với mục đích giảm đau trong thời gian ngắn. Trong quá trình điều trị bằng các đơn thuốc chữa đau dạ dày, không có bất kỳ biện pháp lối sống đặc biệt nào cần thực hiện. Tuy nhiên, tránh căng thẳng, rượu bia, thức ăn cay và hút thuốc lá có thể giúp cho bệnh nhanh khỏi hơn.
>>>>>>> Xem thêm: Điều trị Hp trong thời đại kháng kháng sinh ngày một gia tăng
3. Đơn thuốc chữa đau dạ dày do vi khuẩn HP – Lời khuyên từ bác sĩ chuyên gia
Viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là “tội đồ cầm đầu” gây ra tình trạng đau dạ dày. Diệt vi khuẩn H. pylori là cần thiết và có lợi cho người bệnh. Trong những năm gần đây, nhiều thử nghiệm đã đưa ra những đơn thuốc chữa đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Đơn thuốc chữa đau dạ dày do vi khuẩn H. pylori phải đảm bảo những yêu cầu sau:
- Phải diệt được HP > 80%.
- Đơn giản, an toàn, ít tác dụng không mong muốn.
- Các thuốc trong đơn dung nạp tốt, có tác dụng hợp đồng.
Đáp ứng các yêu cầu trên, hiện nay có nhiều phác đồ điều trị thay thế đã được đề nghị để tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori:
1/ Phác đồ 3 thuốc: PPI + Clarithromycin + Amoxicillin
2/ Phác đồ 4 thuốc liên tục:
- 5 ngày đầu: PPI + Amoxicillin
- 5 ngày sau đó: PPI + Clarithromycin + Tinidazole
3/ Phác đồ 4 thuốc chuẩn: PPI + Tetracyclin + Metronidazole + Bismuth
Để đạt được mục đích diệt HP, nên lựa chọn đơn thuốc chữa đau dạ dày nào trong số các phác đồ trên? Những vấn đề gì cần lưu ý trước khi tiến hành điều trị? Điều này đã được Ths. BSCKII Nguyễn Thị Chi – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội giải đáp trong báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và tiệt trừ Helicobacter pylori trong kỷ nguyên kháng thuốc” tại buổi tọa đàm trực tiếp Telehealth.
3.1. Bác sĩ Nguyễn Thị Chi là ai?
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Chi là phó trưởng khoa Nội tổng hợp, bác sĩ điều trị chuyên ngành tiêu hóa tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Thị Chi được biết đến với nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn về điều trị và quản lý các bệnh lý tiêu hóa. Bác sĩ đã từng tham gia khóa đào tạo chuyên ngành tiêu hóa tại Australia đồng thời cũng là một trong những nhà biên soạn cuốn sách Cấp cứu tiêu hóa.
3.2. Phác đồ điều trị Helicobacter pylori và những lưu ý khi điều trị – Lời khuyên của chuyên gia
Đến với buổi tọa đàm trực tiếp Telehealth, Ths. BSCKII Nguyễn Thị Chi, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, báo cáo về chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và tiệt trừ Helicobacter pylori trong kỷ nguyên kháng thuốc”. Bài báo cáo trực tiếp này của Bác sĩ Nguyễn Thị Chi đã đưa ra những tư vấn rất hữu ích về những lưu ý và lựa chọn đơn thuốc chữa đau dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori một cách hiệu quả nhất.
Đơn thuốc chữa đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori chỉ sử dụng kháng sinh được không?
Ths. BSCKII Nguyễn Thị Chi nhận xét: “Nếu chỉ sử dụng kháng sinh thì không đủ. Bởi vì hầu hết các kháng sinh này bị phá hủy với môi trường pH dạ dày nên bắt buộc phải sử dụng PPIs. Khi sử dụng PPIs đưa pH dạ dày trên 4 thì hầu hết các kháng sinh vẫn đảm bảo được tác dụng”.
Khi điều trị đau dạ dày, bác sĩ và người bệnh cần lưu tâm những vấn đề gì?
BSCKII Nguyễn Thị Chi có nhắc đến các vấn đề cần lưu ý khi điều trị, đó là: “Trước khi tiệt trừ H. pylori, chúng ta cần khai thác tiền sử điều trị kháng sinh của bệnh nhân. Đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ kháng Clarithromycin cao như ở Việt Nam thì việc lựa chọn phác đồ 3 thuốc hay phác đồ có chứa Clarithromycin là không có khả quan. Và nếu bệnh nhân có tiền sử sử dụng Levofloxacin để điều trị bất cứ nhiễm khuẩn nào trước đây, lặp lại phác đồ 3 thuốc hay phác đồ có chứa Levofloxacin thì tỷ lệ thất bại cũng rất nhiều.
Để tăng hiệu quả thành công, phải sử dụng PPI liều cao 2 lần/ngày, thời gian sử dụng là 10-14 ngày, không nên sử dụng 7 ngày so với phác đồ trước đây. Và không nên lặp lại phác đồ đã thất bại trước đó”.
Lựa chọn đơn thuốc chữa đau dạ dày do nhiễm HP ở như nào?
Phần cuối của bài báo cáo, Bác sĩ Nguyễn Thị Chi có đề cập đến các lựa chọn đơn thuốc chữa đau dạ dày do nhiễm HP hiệu quả nhất, đặc biệt với các khu vực có tỷ lệ kháng kháng sinh cao. Bác sĩ có nói: “Với những khu vực có tỷ lệ kháng Clarithromycin như ở Việt Nam (tỷ lệ kháng > 15%), nếu tỷ lệ kháng Metronidazole thấp thì có thể lựa chọn phác đồ 3 thuốc, gồm: Amoxicillin, Metronidazol và PPI. Trong những khu vực có tỷ lệ kháng kép cả Clarithromycin và Metronidazole cao, chúng ta nên lựa chọn phác đồ 4 thuốc có Bismuth”.
Kết luận
Đau dạ dày là một trong những dấu hiệu phổ biến của viêm loét dạ dày. Người bệnh bị đau dạ dày có thể do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc do việc sử dụng thường xuyên thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs). Trong đó, đau dạ dày do H. pylori là thường gặp nhất. Hiện này, nhiều đơn thuốc chữa đau dạ dày được sử dụng. Bao gồm các nhóm thuốc: thuốc kháng acid, kháng H2, ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày… Tùy từng đối tượng và nguyên nhân mà có các đơn thuốc chữa đau dạ dày khác nhau, cho hiệu quả tối ưu nhất. Đau dạ dày do HP được điều trị theo phác đồ thích hợp. Lựa chọn phác đồ dựa vào tình trạng kháng kháng sinh của khu vực và tiền sử dùng kháng sinh ở bệnh nhân. Điều này đã được đề cập đến trong báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và tiệt trừ Helicobacter pylori trong kỷ nguyên kháng thuốc” của Ths. BSCKII Nguyễn Thị Chi.
Trên đây là một số thông tin về đơn thuốc chữa đau dạ dày theo quan điểm của một bác sĩ chuyên gia. Hy vọng các thông tin đội ngũ Dược sĩ, Bác sĩ của Scurma Fizzy đã cung cấp ở trên hữu ích với bạn.
Liên hệ HOTLINE 18006091 để được đội ngũ Dược sĩ, Bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn và giải đáp những thắc mắc của bạn về các vấn đề liên quan đến đơn thuốc chữa đau dạ dày.