Loét Dạ Dày Tá Tràng, Nguyên Nhân Và Triệu Chứng Thường Gặp

Loét Dạ Dày Tá Tràng, Nguyên Nhân Và Triệu Chứng Thường Gặp

Loét dạ dày tá tràng – nguyên nhân và những triệu chứng thường gặp

 

Loét dạ dày tá tràng là một căn bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trước đây bệnh thường gặp hơn ở người già nhưng vài năm trở lại đây lại có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh không chỉ gây ra những cơn đau đớn khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Việc biết rõ các vấn đề liên quan đến viêm loét dạ dày sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ nêu ra những thông tin thiết yếu nhất, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Loét dạ dày tá tràng là gì? 

  • Loét dạ dày tá tràng (Peptic Ulcer) là một bệnh mãn tính, diễn biến có tính chu kỳ. Tổn thương là những những ổ loét ở niêm mạc dạ dày – tá tràng, ổ loét này có thể xâm lấn sâu hơn qua lớp dưới niêm mạc; ổ loét có vị trí ở dạ dày (loét dạ dày) hoặc tọa lạc tại hành tá tràng (loét hành tá tràng).
  • Loét dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày của bạn khỏi dịch tiêu hóa bị giảm đi. Điều này khiến các axit tiêu hóa có điều kiện ăn mòn các mô lót trong dạ dày một cách dễ dàng, gây ra vết loét.

Bệnh loét dạ dày tá tràng

 

2. Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng.

Bệnh loét dạ dày có thể dễ dàng chữa khỏi nhưng chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu như không được điều trị thích hợp. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị tận gốc mầm mống gây bệnh. 

Quá trình hình thành ổ loét là hậu quả của việc mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (acid, pepsin, H. Pylori) và các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày (biểu mô phủ còn nguyên vẹn, sự tiết nhầy và lớp chất nhầy của dạ dày, vai trò của tuần hoàn, thần kinh…).

Mọi tác động làm cho yếu tố tấn công tăng lên mà không có sự củng cố cải thiện tương ứng nào của yếu tố bảo vệ hay giảm sút yếu tố bảo vệ mà không giảm sút yếu tố tấn công đều có thể dẫn đến loét dạ dày.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

 

2.1.Yếu tố acid và pepsin dịch vị

Đây là một yếu tố cần thiết cho quá trình hình thành loét dạ dày tá tràng. Khi dạ dày tiết quá nhiều gastrin và sản xuất quá nhiều acid sẽ làm tổn thương các tế bào niêm mạc và gây ra vết loét. Đặc biệt, đã xác định được vai trò quan trọng của acid trong hội chứng Zollinger – Ellison với nhiều ổ loét ở dạ dày và ở tá tràng. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp loét dạ dày đều có hiện tượng tăng acid.

 

2.2. Vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP)

Đây là một xoắn khuẩn Gram âm, sống trong niêm mạc và dưới lớp niêm mạc dạ dày, tá tràng. Vi khuẩn HP làm tổn thương các tế bào tại chỗ bằng cách: thoái hoá lớp nhầy bảo vệ, sản xuất ra các men làm tổn thương các tế bào niêm mạc. Nó tiết ra enzym Urease giúp tồn tại được trong môi trường acid cao của dạ dày. Ngoài ra, enzym này còn thủy phân ure thành amoniac gây độc với tế bào niêm mạc, đồng thời ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhầy làm biến đổi chất lượng và rối loạn sự phân bố chất nhầy trên bề mặt niêm mạc. Từ đó tạo cơ hội cho các yếu tố tấn công như acid, pepsin dễ dàng tác động vào các tế bào biểu mô gây tổn thương và tạo vết loét. Nhiễm HP rất phổ biến, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải.

>>>> Tìm hiểu thêm: Vi Khuẩn Hp Làm Cho Dạ Dày Bị Viêm Loét Là Gì?

 

2.3. Do sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

NSAIDs là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi với các tác dụng như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như: aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac. Bạn có thể được khuyến cáo không nên sử dụng NSAIDs nếu như bạn đang bị loét dạ dày hoặc đã từng bị. Bởi vì, cơ chế tác dụng chính của các thuốc nhóm NSAIDs là ức chế sản xuất Prostaglandin (có vai trò tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat) do đó khiến cho niêm mạc dạ dày- tá tràng mất dần lớp bảo vệ. Nhiều người dùng thuốc không gặp tác dụng phụ nào, nhưng luôn có nguy cơ thuốc có thể gây ra các vấn đề về dạ dày, đặc biệt nếu dùng liều cao và dùng trong một khoảng thời gian kéo dài.

2.4. Yếu tố tinh thần

Mọi căng thẳng thần kinh (stress) kéo dài sẽ gây co mạch và kích thích dịch vị dạ dày tăng tiết acid HCl làm tổn thương niêm mạc. Mặc dù không trực tiếp gây ra vết loét nhưng chúng có thể khiến vết loét trở nên trầm trọng hơn và khó điều trị hơn.

2.5. Yếu tố ăn uống và sinh hoạt

Ăn các loại thức ăn cay nóng, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay vận động mạnh sau khi ăn no đều gây ra những ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, thúc đẩy các vết loét nặng hơn. Người bệnh có thể cảm thấy những cơn khó chịu và đau bụng nếu dung nạp quá nhiều những thực phẩm nêu trên. Ngoài ra việc hút thuốc lá và thường xuyên thức khuya cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh.

3. Bệnh loét dạ dày tá tràng thì có những triệu chứng gì?

Loét dạ dày tá tràng ở giai đoạn mới, khi các vết loét còn rất nhỏ thì những triệu chứng thường không có hoặc có ít nhưng rất mơ hồ. Tuy nhiên khi các vết loét lớn dần, bệnh tiến triển nặng hơn thì xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau và rõ ràng nhận biết hơn. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp nhất của một người bị loét dạ dày.

3.1. Các triệu chứng loét dạ dày tá tràng điển hình

  • Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
    • Đau âm ỉ, bỏng rát hoặc đau quặn vùng bụng phía trên rốn và dưới mũi xương ức.
    • Những cơn đau thường có tính chất chu kỳ trong ngày và trong năm: đau theo nhịp điệu với bữa ăn: đau khi đói, ăn vào đỡ đau hơn (loét hành tá tràng) hoặc bị đau sau khi ăn vài giờ (loét dạ dày). Đợt đau kéo dài một vài tuần rồi hết, cũng có thể vài tháng hoặc cả năm sau lại xuất hiện một đợt đau.
    • Sau một thời gian bệnh sẽ mất dần tính chu kỳ, số đợt đau tăng dần và trở thành liên tục.
    • Bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi. Hãy cảnh giác khi hiện tượng axit dạ dày tăng cao kèm cảm giác khó chịu ở cổ họng. Ợ nóng thường đi kèm các biểu hiện đau ngực, cảm giác nóng rát trong dạ dày. Những cơn đầy hơi thường mang lại cảm giác khó chịu cho người bệnh. Trong trường hợp đơn thuần, nhiều người bị đầy hơi do vấn đề ăn uống và có thể điều trị bằng các thuốc điều trị triệu chứng hoặc chú ý khẩu phần ăn. Tuy nhiên, nếu tái diễn nhiều lần trong một khoảng thời gian dài thì phải cân nhắc vì đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, viêm gan, viêm gan mạn tính hoặc nặng hơn là ung thư dạ dày. Vì vậy cần phải lưu ý các dấu hiệu, triệu chứng dù nhỏ nhất. 
  • Nôn và buồn nôn. Đây là một triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nó cũng là biểu hiện điển hình của các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Đáng chú ý là các bệnh như loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày.
  • Khi có triệu chứng nôn ra máu hay đi ngoài ra máu là biểu hiện của bệnh đã có biến chứng. 

3.2. Thể không điển hình

  • Ở các bệnh nhân mắc loét dạ dày tá tràng thì có khoảng 20% bệnh nhân là bệnh tiến triển im lặng, không có triệu chứng đau hay dấu hiệu rõ ràng mà biểu hiện đột ngột bởi một biến chứng (chảy máu tiêu hóa, thủng ổ loét, …). Loét dạ dày ở trẻ em, người già, người suy kiệt cũng thường có biểu hiện không điển hình.

Triệu chứng thường gặp của loét dạ dày tá tràng

Việc hiểu rõ các triệu chứng của bệnh sẽ giúp mọi người phát hiện ra bệnh sớm hơn. Từ đó sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

 

4. Các biến chứng của loét dạ dày tá tràng

Các vết loét ở dạ dày hay ở tá tràng nếu không được điều trị có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe của người bệnh. Lâu dài chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như: 

    • Thủng dạ dày: Một lỗ thủng phát triển trên dạ dày hoặc ruột non và sẽ gây nhiễm trùng. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, biểu hiện bằng những cơn đau bụng dữ dội và co cứng thành bụng do các chất dịch dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm màng bụng. 
    • Chảy máu tiêu hóa: Các dấu hiệu của vết loét chảy máu bao gồm nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen, choáng váng, chóng mặt. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời bởi khi mất nhiều máu có thể khiến cho tình trạng trụy tim mạch, hạ huyết áp xảy ra.
    • Hẹp môn vị: Đây là tình trạng môn vị bị hẹp lại khiến thức ăn khó đi qua đường tiêu hóa của bạn. Các dấu hiệu của hẹp môn vị bao gồm ăn không tiêu, đầy bụng và nôn nhiều.

 

  • Ung thư hóa dạ dày từ ổ loét: Đây cũng là một biến chứng rất nguy hiểm. Khi các ổ loét xuất hiện các tế bào bất thường có thể tiến triển thành những tế bào gây ung thư dạ dày. Các triệu chứng thường gặp như chán ăn, đau bụng, nôn ra máu, sụt cân nhanh chóng. Đây là một biến chứng nghiêm trọng tác động đến thời gian sống của người bệnh, cần phát hiện kịp thời để có phương án điều trị phù hợp.

>>>> Tìm hiểu thêm: Ung Thư Dạ Dày Và Những Điều Bạn Cần Nắm Vững, Hiểu Rõ

Cả 4 biến chứng nêu trên đều rất nghiêm trọng và có thể phải phẫu thuật. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải những triệu chứng sau:

  • Đau bụng đột ngột, dữ dội
  • Ngất xỉu, đổ mồ hôi nhiều, choáng váng hoặc lú lẫn, vì đây có thể là dấu hiệu của sốc
  • Có máu trong chất nôn hoặc phân
  • Đau bụng nặng hơn khi cử động và cải thiện hơn khi nằm yên hoàn toàn.

Biến chứng nguy hiểm của loét dạ dày tá tràng

      

5. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng?

5.1. Nội soi dạ dày- tá tràng

Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ sẽ luồn một ống dài, mềm, có gắn camera xuống cổ họng và vào dạ dày, ruột non để kiểm tra xem có vết loét hay không. Phương pháp này giúp cho các bác sĩ có thể nhìn trực tiếp thấy ổ loét, đánh giá kích thước, vị trí của ổ loét, và những tổn thương khác kèm theo. Đồng thời có thể sinh thiết ổ loét để xét nghiệm mô bệnh học và tìm vi khuẩn HP.

5.2. Chụp X quang dạ dày

Có thể tìm thấy ổ loét bằng chụp dạ dày dùng tia X để tái tạo hình ảnh. Đây là phương pháp gián tiếp nên độ tin cậy thường không cao,cũng thường dễ bị bỏ sót những tổn thương nhỏ và mới.

5.3. Xét nghiệm tìm Helicobacter Pylori

Vi khuẩn HP là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nguyên nhân gây ra bệnh loét dạ dày tá tràng. Để biết được mình có nhiễm vi khuẩn này không cần có các xét nghiệm để xác định được chính xác. Hiện nay, có 2 nghiệm pháp xét nghiệm chính là xét nghiệm xâm lấn và xét nghiệm không xâm lấn.

Xét nghiệm xâm lấn (qua nội soi sinh thiết niêm mạc vùng rìa hoặc ngoài ổ loét): test urease nhanh, xét nghiệm mô học, nuôi cấy vi khuẩn, PCR mẫu sinh thiết.

Xét nghiệm không xâm lấn: test thở có urea, định lượng kháng nguyên vi khuẩn có trong phân, miễn dịch huyết thanh.

5.4. Một số xét nghiệm khác

  • Nghiệm pháp bài tiết dịch vị, nghiệm pháp hút dịch vị lúc đói là 2 xét nghiệm nhằm thăm dò chức năng bài tiết dịch vị của bao tử.
  • Để chẩn đoán phân biệt tình trạng bệnh nhân thiếu máu trong trường hợp chảy máu dạ dày cấp, bạch cầu tăng trong trường hợp thủng dạ dày… các xét nghiệm máu sẽ được chỉ định.

6. Triển vọng cho bệnh loét dạ dày tá tràng

+ Càng ngày bệnh loét dạ dày càng trở nên phổ biến với hầu hết các đối tượng, có ở mọi lứa tuổi. Khi những cơn đau xuất hiện, gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh. Nếu để lâu dài có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất như ung thư dạ dày. Với những điều trị thích hợp, hầu hết các vết loét dạ dày tá tràng đều lành lại, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn ngừng thuốc sớm, hoặc tiếp tục sử dụng thuốc lá, rượu bia, hay dùng thuốc NSAIDs trong quá trình điều trị thì vết loét có thể sẽ không lành lại được.

+ Có một số vết loét, gọi là vết loét chịu lửa, không chữa lành khi điều trị. Nếu vết loét của bạn không lành khi điều trị ban đầu, điều này có thể cho thấy rằng:

  • Dạ dày của bạn sản xuất quá nhiều acid.
  • Có sự hiện diện của vi khuẩn khác ngoài vi khuẩn HP trong dạ dày.
  • Bạn có thể đang mắc một căn bệnh khác, chẳng hạn như ung thư dạ dày hoặc bệnh Crohn.

→ Các bác sĩ có thể đưa ra một phương pháp khác hoặc tiến hành các xét nghiệm bổ sung để loại trừ ung thư dạ dày và các bệnh lý đường tiêu hóa khác.

 

7. Làm thế nào để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng?

Đây là một câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc loét dạ dày tá tràng nếu tuân theo các chiến lược được khuyến khích như các biện pháp điều trị loét dạ dày tại nhà. Nó có thể giúp ích cho bạn như:

  • Bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng: Tuy rằng, không rõ vi khuẩn HP lây lan như thế nào, nhưng có một số bằng chứng cho thấy vi khuẩn này có thể lây từ người qua người hoặc qua thức ăn và nước uống. Bạn có thể thực hiện những biện pháp bảo vệ mình như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch và ăn đồ ăn đã được nấu chín. 
  • Thận trọng khi dùng các thuốc giảm đau: Nếu bạn thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau, hãy uống thuốc trong bữa ăn. Liên hệ với bác sĩ để tìm ra nhiều thấp nhất mà vẫn có thể giảm đau để tránh gây loét dạ dày. Tránh sử dụng các chất kích thích hay uống rượu trong quá trình dùng thuốc. Nếu cần dùng NSAIDs, bạn cũng có thể cần dùng thêm các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton (PPI).
  • Chế độ sinh hoạt: Để giảm sức co bóp của dạ dày, nên ăn chậm rãi, nhai kỹ và hạn chế ăn đồ ăn quá cứng sẽ ảnh hưởng đến các vết loét. Cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya, dậy quá sớm. Tránh làm việc quá sức mà không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Trong thời gian nghỉ ngơi hạn chế những áp lực, lo lắng, stress để cơ thể được thoải mái nhất. Sau khi ăn no hoặc khi đang đói thì cần tránh vận động mạnh, sẽ không tốt cho dạ dày. 

Ngoài ra, những thay đổi tích cực về thói quen cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển của loét dạ dày tá tràng. Giảm lượng thức ăn cay nóng trong khẩu phần ăn, không sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Những thay đổi này cũng không quá phức tạp, dễ dàng thực hiện nhưng lại giúp cải thiện rất nhiều cho tình trạng bệnh lý của mọi người. 

 >>>> Tìm hiểu thêm: Chế Độ Ăn Uống Và Sinh Hoạt Phù Hợp Với Người Có Dạ Dày, Tá Tràng Bị Viêm Loét

Kết luận: Loét dạ dày tá tràng là bệnh phổ biến hàng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh xuất hiện ở nhiều quốc gia và ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi. Hiểu được các vấn đề liên quan đến bệnh là điều rất cần thiết. Bài viết của chúng tôi đã nêu được những thông tin thiết yếu nhất về bệnh loét dạ dày tá tràng. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích giúp cho việc cải thiện sức khỏe của bản thân và có một dạ dày khỏe mạnh.

 

Liên hệ ngay HOTLINE 18006091 để được các chuyên gia tư vấn trực tiếp và giải đáp các thắc mắc của bạn về những vấn đề liên quan đến bệnh loét dạ dày tá tràng. 

 

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091