Vi Khuẩn HP Gây Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng Là Gì

Vi Khuẩn HP Gây Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng Là Gì

Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày-tá tràng là gì ?

 

Tính cho tới thời điểm hiện tại, bộ Y tế Việt Nam đã thống kê có tới 11-15% dân số nước ta mắc phải căn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra căn bệnh nguy hiểm trên, chiếm tới từ 63 -94,8% số ca nhiễm chính là vi khuẩn HP dạ dày. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) hay vi khuẩn gây ra căn bệnh phổ biến viêm loét dạ dày tá tràng được phân lập và xác định thành công lần đầu tiên vào năm 1983 bởi 2 nhà khoa học Marshall và Warren. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn vi khuẩn HP là gì và nó nguy hiểm tới mức độ nào.

vi_khuan_hp1

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng có nguyên nhân là vi khuẩn HP

 

1. Đặc điểm sinh học của vi khuẩn HP

1.1 Hình thái của vi khuẩn HP

 

Vi khuẩn HP thuộc họ xoắn khuẩn Gram âm. Về hình thái, khi soi dưới kính hiển vi, vi khuẩn có  dạng hơi cong, đường kính từ 0,3 đến 1,0 micro mét, chiều dài từ 1,5 đến 5 micro mét, khả năng di động được hỗ trợ bằng 1 chùm lông mao bao gồm 2 – 6 lông mọc ở phần đầu.

vi_khuan_hp2

Hình thái của vi khuẩn HP

 

1.2 Nuôi cấy vi khuẩn HP

 

Vi khuẩn HP là loài rất khó nuôi cấy. Quá trình nuôi cấy H.pylori cần có môi trường giàu chất dinh dưỡng cùng một số yếu tố đặc biệt. Bên cạnh môi trường chọn lọc đặc hiệu, vi khuẩn HP rất cần khí trường thích hợp như 5% O2, 7% CO2, 8% H2, 70% N2 và 10% các khí khác. 37 độ C là nhiệt độ thích hợp. Khuẩn lạc của vi khuẩn HP trên môi trường đặc có màu trong hoặc xám nhạt, đôi khi gây tan máu. Đường kính khuẩn lạc vi khuẩn HP khoảng 1mm, xuất hiện sau 48-72 giờ.

 

1.3 Khả năng đề kháng của vi khuẩn

 

Vi khuẩn HP có khả năng tồn tại trong môi trường acid dạ dày nhưng chúng không phải là loại vi khuẩn ưa acid. Bản thân vi khuẩn HP có khả năng tiết ra men urease, chính men này xúc tác thuỷ phân ure trong dạ dày thành amoniac gây kiềm hoá môi trường xung quanh, giúp vi khuẩn kháng lại acid dạ dày.

 

1.4 Kháng nguyên và độc tố

 

Vi khuẩn HP có hai kháng nguyên chính: kháng nguyên lông và kháng nguyên thân.

Kháng nguyên lông có bản chất là protein; còn kháng nguyên thân (kháng nguyên O) có bản chất là lipopolysaccharrid chịu nhiệt. Đây là kháng nguyên hỗn hợp của các vi khuẩn HP gây bệnh cho động vật có vú. Kháng nguyên O có độc tính đối với tế bào túc chủ mà chúng ký sinh. 

Ngoài ra, vi khuẩn HP còn một số kháng nguyên khác liên quan tới khả năng gây bệnh của chúng, như các enzyme urease, catalase, superoxide, histamase và kháng nguyên adhesion (bám dính) giúp cho vi khuẩn HP bám vào tế bào niêm mạc.

1.5 Phân loại vi khuẩn HP

Phân loại độc tố từ các chủng khác nhau, người ta đã xác định được 2 loại:

  • Độc tố gây loét tá tràng, chiếm 60% số chủng vi khuẩn HP
  • Độc tố gây tăng tiết dịch vị, chiếm 40% số chủng vi khuẩn HP

Từ năm 1983 đến nay, người ta đã phân lập được hơn 15 loài vi khuẩn HP khác nhau. Trong số này có H. pylori, H. cinaedi, H. fennelliae, H.rappinii và H. heimanni ký sinh ở người nhưng gây bệnh cho người thì chỉ có H. pylori.

1.6 Miễn dịch cơ thể đối với vi khuẩn HP

1.6.1 Miễn dịch tại chỗ

Tại vị trí mà vi khuẩn HP xâm nhập sẽ xuất hiện hiện tượng tập trung một số lượng lớn các bạch cầu trung tính và tế bào lympho. Các tế bào lympho và bạch cầu sẽ giải phóng ra các gốc tự do oxy hóa và các interleukin nhằm tấn công vi khuẩn, song phản ứng viêm tại chỗ này không có đủ khả năng loại bỏ vi khuẩn.

1.6.2 Đáp ứng miễn dịch dịch thể 

Khi nghiên cứu tìm kháng thể trong máu những bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng có mặt H.pylori, người ta đã phát hiện ra có sự gia tăng kháng thể IgG, IgA và đặc biệt là IgM. Các loại kháng thể này đều giảm một cách có ý nghĩa sau khi tiêu diệt hết các vi khuẩn H. pylori.

>>>> Tìm hiểu thêm: Hp Có Lây Truyền Không? Nếu Có Thì Qua Những Con Đường Nào

2. Liên hệ giữa vi khuẩn HP và viêm loét dạ dày tá tràng

2.1 Khả năng gây viêm loét dạ dày tá tràng của vi khuẩn HP

Từ khi phân lập được vi khuẩn này, nhiều công trình nghiên cứu thành công về vai trò gây bệnh của H. pylori đã được thực hiện trên người tình nguyện cũng như trên động vật thí nghiệm; chứng minh rằng vi khuẩn HP có thể gây viêm, loét và ung thư dạ dày.

 

2.2 Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng gây bởi vi khuẩn Hp là gì ?

Loét dạ dày tá tràng (Peptic Ulcer) là bệnh có tính chất mạn tính, diễn biến có tính lặp lại theo chu kỳ. Tổn thương gây ra là những ổ loét ở phần niêm mạc dạ dày – tá tràng, ổ loét này có thể xâm lấn sâu hơn qua lớp dưới niêm mạc dạ dày tá tràng; vị trí ổ loét ở dạ dày sẽ được gọi là loét dạ dày hoặc ở hành tá tràng sẽ gọi là loét hành tá tràng. Thông thường, tổn thương chỉ là 1 ổ loét, nhưng có trường hợp loét tới 2 đến 3 ổ. Đường kính ổ loét dưới 2cm. Những vị trí hay bị loét nhất là  bờ cong nhỏ, hang vị, môn vị và hành tá tràng.

vi-khuan-hp-6

2.2.1. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng gây bởi vi khuẩn HP

Hiện nay cơ chế sinh bệnh gây ra loét dạ dày tá tràng vẫn chưa thực sự được làm rõ, tuy nhiên có nhiều yếu tố liên quan trực tiếp tới quá trình hình thành và tiến triển của bệnh. 

Quá trình hình thành ổ loét là hậu quả của quá trình mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công như acid, pepsin, vi khuẩn HP và các yếu tố bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày bao gồm sự nguyên vẹn của biểu mô phủ, sự tiết nhầy và lớp chất nhầy, vai trò của tuần hoàn, thần kinh. 

Mọi quá trình khiến cho những yếu tố tấn công tăng lên mà không có sự củng cố, đáp ứng đúng mức của những yếu tố bảo vệ, hoặc yếu tố bảo vệ sút giảm mà không có sự giảm tương ứng của yếu tố tấn công thì đều có thể dẫn tới hậu quả là loét dạ dày – tá tràng. Do vậy, có thể thấy rằng không phải trong mọi trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng đều có sự tăng quá mức của acid dịch vị hay pepsin dạ dày, mà có thể là do cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi làm hệ miễn dịch suy yếu không đáp ứng được với số lượng thông thường của các yếu tố tấn công.

vi-khuan-hp-8

 

Vi khuẩn HP nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

2.2.2. Vai trò các yếu tố khác ngoài vi khuẩn HP

Yếu tố tinh thần

Mọi căng thẳng thần kinh kéo dài sẽ gây ra hiện tượng co mạch và tăng tiết acid dạ dày gây loét, vết loét lại kích thích vỏ não khiến cho vỏ não lại kích thích dạ dày thông qua cơ chế phản hồi.

vi-khuan-hp-3

Căng thẳng thần kinh kích thích vi khuẩn HP dạ dày

Yếu tố di truyền

Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng thường có tiền sử  gia đình (những người liên quan ruột thịt cũng từng bị loét dạ dày tá tràng).
Đặc biệt,những người có nhóm máu O có tỷ lệ loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP cao hơn các loại nhóm máu khác từ 1 đến 4 lần.

Vai trò của  một số thuốc

Các thuốc corticoid và NSAIDs có tác dụng trong ức chế tổng hợp prostaglandin (chất có vai trò kích thích sinh chất nhầy và bicarbonat), do đó sẽ làm suy yếu lớp bảo vệ của niêm mạc dạ dày – tá tràng.

Vai trò của hút thuốc lá

Thuốc lá làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin cũng như gây kích thích viêm loét dạ dày tá tràng.

Yếu tố ăn uống

Tiêu thụ các chất kích thích như uống rượu, ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh cùng với vận động mạnh sau khi ăn no đều có thể tác động tổn hại tới lớp niêm mạc dạ dày và thúc đẩy những vết loét nặng lên.

vi-khuan-hp-4

Sinh hoạt không lành mạnh là điều kiện cho khuẩn Hp viêm loét dạ dày tá tràng

 

2.3 Dịch tễ bệnh loét dạ dày tá tràng gây bởi vikhuẩn HP

Như các yếu tố có ảnh hưởng tới viêm loét dạ dày tá tràng đã nêu trên, có thể thấy tình trạng kinh tế và xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến hiện tượng nhiễm khuẩn HP dạ dày. Ngay ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP của người da màu cũng cao hơn của người da trắng, bởi vì liên quan mật thiết của bệnh sinh với đời sống tinh thần, vật chất và vệ sinh môi trường.

2.4. Vi khuẩn HP có lây lan không ?

Nguồn lây bệnh chủ yếu là người, tuy có thể gặp ở khỉ nhưng không đáng kể. Vi khuẩn HP có khả năng lây từ người nhiễm vi khuẩn sang cho người lành.  3 con đường lây truyền bao gồm:

Đường miệng – miệng: Đây là con đường lây truyền chính, do có sự tiếp xúc nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người mang bệnh và người lành. Vì vậy, nếu gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP thì khả năng cao những người khác cũng có thể nhiễm.

Đường phân – miệng: Vi khuẩn được đào thải qua phân có khả năng quay lại lây lan cho cộng đồng do thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo (như ăn đồ sống) tạo điều kiện vi khuẩn HP xâm nhập.

Ngoài ra, người lành còn có thể bị lây nhiễm từ các thao tác nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,… nếu sử dụng chung các thiết bị y tế với người bệnh.  Việc vệ sinh tiệt trùng các thiết bị y tế sau sử dụng là cần thiết để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

 

3. Các triệu chứng và các xét nghiệm chẩn đoán tìm vi khuẩn HP

3.1 Triệu chứng lâm sàng

3.1.1 Thể điển hình

Triệu chứng chính của viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP là đau bụng vùng thượng vị:
– Đau âm ỉ, đau quặn hoặc có cảm giác bỏng rát
– Cơn đau có tính chất chu kỳ trong ngày và trong năm, như đau theo nhịp điệu với bữa ăn: đau khi đói, khi ăn vào đỡ hoặc hết đau (loét hành tá tràng) hoặc bắt đầu đau vài giờ sau khi ăn (loét dạ dày). Đợt đau diễn biến và kéo dài trong vài tuần rồi hết, vài tháng hoặc cả năm sau lại xuất hiện một đợt đau mới.
– Càng về lâu dài, bệnh càng mất đi tính chất chu kỳ, số đợt đau tăng dần và cuối cùng trở nên liên tục.
– Đi kèm các triệu chứng trên, bệnh nhân còn có ợ hơi, ợ chua, đầy bụng.
– Khi có triệu chứng nôn ra máu hoặc ỉa ra máu là biểu hiện có biến chứng.
– Thăm khám: trong cơn đau có kèm theo hiện tượng co cứng vùng thượng vị, ngoài cơn đau bụng mềm không phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt.

 

3.1.2 Thể không điển hình

Bệnh loét không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng chiếm tỷ lệ khoảng 20%, bệnh thường tiến triển im lặng, không xuất hiện triệu chứng đau và đột ngột biểu hiện bởi một biến chứng (chảy máu tiêu hoá, thủng ổ loét, …). Loét dạ dày tá tràng gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, người suy kiệt cũng thường có các biểu hiện không điển hình.

>>>> Tham khảo thêm: Thường Gặp Các Triệu Chứng Gì Nếu Bị Hp Dạ Dày

3.2 Các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP có giá trị chẩn đoán

3.2.1 Nội soi dạ dày tá tràng

Bằng ống nội soi mềm có thể quan sát thấy trực tiếp các ổ loét nhờ đó đưa ra đánh giá về kích thước, vị trí của ổ loét, và những tổn thương khác kèm theo. Đồng thời có thể làm sinh thiết ổ loét dạ dày tá tràng để xét nghiệm mô bệnh học và tìm vi khuẩn HP. Thông qua nội soi còn có thể có các biện pháp điều trị kịp thời như cầm máu ổ loét, cắt polyp…

 

3.2.2 Chụp X-quang dạ dày

Có thể tìm thấy ổ loét dạ dày tá tràng gây bởi H. pylori bằng phương pháp chụp cản quang. Tuy nhiên,đây là phương pháp gián tiếp nên độ tin cậy không được cao, dễ xảy ra việc bỏ sót những tổn thương nhỏ và mới.

 

3.2.3 Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP

vi-khuan-hp-5

Xét nghiệm xâm lấn (qua nội soi sinh thiết niêm mạc vùng rìa hoặc ngoài ổ loét): test urease nhanh, xét nghiệm mô học, nuôi cấy vi khuẩn, PCR mẫu sinh thiết.
Xét nghiệm không xâm lấn:  phương pháp test thở ure, định lượng kháng nguyên trong phân và sử dụng miễn dịch huyết thanh.

Cần thực hiện các xét nghiệm để xác định sự có mặt của vi khuẩn HP gây bệnh

>>>> Tìm hiểu thêm: Tìm Kiếm Và Phát Hiện Vi Khuẩn Hp Qua Xét Nghiệm Máu

3.2.3 Các xét nghiệm khác

Có thể kể tới xét nghiệm thăm dò chức năng bài tiết dịch vị của dạ dày như  nghiệm pháp hút dịch vị lúc đói hay nghiệm pháp bài tiết dịch vị. Các xét nghiệm máu được chỉ định để thực hiện chẩn đoán phân biệt: bệnh nhân bị thiếu máu trong trường hợp chảy máu dạ dày cấp, số lượng bạch cầu tăng trong trường hợp bệnh nhân bị thủng dạ dày…

 

3.3 Các biến chứng nguy hiểm

Viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP nếu không điều trị sẽ dẫn tới các hiện tượng chảy máu tiêu hoá, được biểu hiện bằng nôn ra máu, hoặc đi ngoài ra phân đen hoặc kết hợp cả hai. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do mất quá nhiều máu gây trụy  tim mạch, hạ huyết áp.
Trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn tới các biến chứng: 

Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, biểu hiện qua các cơn đau bụng dữ dội và co cứng thành bụng do các chất dịch dạ dày tràn vào ổ bụng khiến tình trạng viêm màng bụng phát sinh.

Hẹp môn vị, được biểu hiện bằng việc bệnh nhân ăn không tiêu, đầy chướng bụng, nôn nhiều. 

Ngoài ra còn có ung thư dạ dày từ ổ loét. Thống kê từ Globocan 2018 đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam là 11,38/100.000 người, đứng top 3 trong số các bệnh ung thư, chỉ xếp ngay sau ung thư gan và ung thư phổi.

 

4. Nguyên tắc phòng bệnh và điều trị viêm loét dạ dày tá tràng gây bởi vi khuẩn HP

4.1 Nguyên tắc phòng bệnh

Nguyên tắc phòng bệnh chung: bệnh dạ dày tá tràng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, điều kiện kinh tế-xã hội. Việc nâng cao đời sống cho nhân dân là rất cần thiết, trong đó vấn đề vệ sinh môi trường cũng đóng vai trò quan trọng, vì bệnh chủ yếu lây qua con đường phân-miệng.

Nguyên tắc phòng bệnh đặc hiệu: cách phòng chống bệnh có hiệu quả và lý tưởng nhất là sử dụng vacxin. Hiện nay, vacxin phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đang trong quá trình nghiên cứu.

 

4.2 Nguyên tắc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP

4.2.1 Mục tiêu điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP

Làm giảm yếu tố gây ra viêm loét dựa vào bệnh căn của từng bệnh nhân.
Tăng cường các yếu tố bảo vệ và tái tạo niêm mạc dạ dày tá tràng.
Diệt trừ vi khuẩn HP bằng cách sử dụng kháng sinh và thuốc diệt khuẩn.

 

4.2.2 Chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp giảm tiết dịch vị

Ăn thành nhiều bữa trong ngày, nhai kỹ.
Khi đau nên thực hiện ăn nhẹ, ăn lỏng và uống nhiều nước.
Không ăn những đồ ăn chứa chất dễ gây kích thích.
Không sử dụng thuốc lá.

 

4.2.3 Các thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng gây bởi vi khuẩn HP

 

vi_khuan_hp3

Sử dụng phác đồ kháng sinh điều trị loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP

a. Thuốc có tác dụng  trung hòa acid dịch vị  hay các antacid:
Các muối và hợp chất hydroxyd của nhôm hoặc magnesi…
b. Thuốc chống bài tiết HCl:
– Nhóm ức chế thụ thể H2 : famotidin, cimetidin, nizatidin, ranitidin
– Nhóm ức chế bơm proton (ức chế hoạt động của bơm H+/ K+ ATPase): omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabenprazol.
c. Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng và bao ổ loét:
– Bao ổ loét: Alumin sacharose sulfat
– Thuốc kích thích tiết chất nhầy và bicarbonat: misoprostol, cam thảo, teprenon…
Vitamin: B1, B6, PP có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, điều hòa độ acid, giúp cơ thể tăng tốc độ hấp thu các chất dinh dưỡng.
d. Thuốc tác dụng lên các hệ thần kinh trung ương và thần kinh thực vật:
– Thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương có tác dụng an thần: diazepam, sulpirid, meprobamat…
– Thuốc tác động trên hệ thần kinh thực vật có tác dụng giảm đau do co thắt, giảm tiết dịch: atropin, pirenzepin
e. Thuốc diệt vi khuẩn HP:
– Một số hợp chất bismuth hữu cơ: TDB (Tripotasium Dicitro Bismuthat) hoặc CBS (Colloidal Bismuth Subnitrat).
– Kháng sinh: amoxicilin, tetracyclin, clarithromycin.
– Các dẫn chất của 5 nitro-imidazol: tinidazol, metronidazol,…

Viên sủi với thành phần chính nano curcumin có thể giúp ức chế vi khuẩn HP

Điều trị nội khoa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nhằm giải quyết hậu quả do độc tố của vi khuẩn HP gây ra là các vết viêm loét và tăng tiết dịch vị; cùng với đó dùng kháng sinh để diệt trừ căn nguyên vi khuẩn. Nên dùng hai loại kháng sinh phối hợp thì hiệu quả tác dụng tốt hơn là chỉ dùng một loại.

* Một số phác đồ diệt vi khuẩn HP thường sử dụng hiện nay
– Phác đồ bộ 3:
Clarithromycin + Omeprazol + Amoxicilin 
Clarithromycin + Omeprazol  + Metronidazol
– Phác đồ bộ 4:
Hợp chất bismuth + Omeprazol  + Tetracyclin + Metronidazol
Hợp chất bismuth + Omeprazol  + Tetracyclin + Amoxicillin
Điều trị liều tấn công từ 1- 2 tuần và duy trì trong 4-6 tuần.

  • Chỉ định điều trị nội khoa

Chỉ định điều trị tuyệt đối cho các trường hợp:
– Chảy máu tiêu hoá có qua điều trị nội khoa tích cực mà không cầm máu
– Thủng ổ loét, hẹp môn vị dạ dày hoặc ung thư hoá
Chỉ định tương đối:
– Chảy máu ổ loét có tiền sử tái phát nhiều lần, nguy cơ sẽ tái diễn
– Bệnh nhân trên 40 tuổi, đã trải qua điều trị nội khoa tích cực mà bệnh không thuyên giảm, đau nhiều ảnh hưởng tới khả năng lao động và cuộc sống bình thường.

>>>> Tìm hiểu thêm: Dùng Kháng Sinh Như Thế Nào Để Diệt Trừ Hp An Toàn, Hiệu Quả

Kết luận

Trên đây, chúng tôi đã cung cấp những thông tin khái quát về vi khuẩn HP nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng và cơ chế gây bệnh cũng như các biến chứng nguy hiểm của nó. Viêm loét dạ dày là bệnh lý mạn tính có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi cũng như không phân biệt giới tính. Hãy liên hệ với Dược sĩ, Bác sĩ Scurma Fizzy theo HOTLINE 18006091 để được kiểm tra, tư vấn chi tiết về tình trạng dạ dày và tìm hiểu thêm thông tin về vi khuẩn HP để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091