Ợ Hơi Đầy Bụng, Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết
Ợ HƠI ĐẦY BỤNG : NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?
Bạn hay bị ợ hơi đầy bụng, khó chịu gây bất tiện làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lí hiện tại của bạn. Bạn có nhiều thắc mắc muốn tìm hiểu xem liệu triệu chứng này đang cố nói lên điều gì? Liệu có phải là cảnh báo của cơ thể về một vấn đề nghiêm trọng nào đó bên trong?… Hãy theo dõi bài viết này để các bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia của Scurma Fizzy trả lời những câu hỏi đó nhé !
1.Ợ hơi đầy bụng là gì?
Ợ hơi đầy bụng là triệu chứng rất thường gặp trong đời sống.
Ợ hơi là hành động cơ thể tống một lượng không khí trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng. Ợ hơi thường xảy ra khi dạ dày căng lên, bạn có thể cảm thấy đầy bụng, bụng chướng khó chịu hoặc xảy ra khi bạn mở rộng miệng do nuốt phải quá nhiều không khí.
Thường xảy ra sau bữa ăn, nhất là bữa ăn lớn, thức ăn có sinh khí gas, thức ăn xốp, rỗng có nhiều không khí bên trong,… hoặc có thể do ăn uống quá nhanh, stress, lo lắng nhiều,…
2.Dấu hiệu nhận biết ợ hơi đầy bụng:
Vì là triệu chứng thường gặp nên có nhiều người mô tả những dấu hiệu cho thấy đang mắc phải triệu chứng ợ hơi đầy bụng như sau :
Thường xuyên có những cơn ợ nóng, ợ hơi, ợ chua xuất hiện
Bụng chướng,,đau thắt khó chịu, khó tiêu
Xì hơi, sôi bụng
Có cảm giác buồn nôn….
Ngoài ra bạn có thể sẽ có những triệu chứng khó chịu khác nữa nhưng nếu chúng xảy ra quá nghiêm trọng và liên tục hãy đi thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
>>>> Tìm hiểu thêm: Đầy Hơi Chướng Bụng Kéo Dài Do Đâu? Điều Trị Cách Nào?
3.Nguyên nhân gây ra ợ hơi đầy bụng :
Ợ hơi đầy bụng tuy rất phố biến nhưng thường bị mọi người lờ đi coi như đó là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Nhưng thực sự ợ hơi là triệu chứng của rất nhiều những bệnh lí mà chúng ta cần biết.
3.1. Nguyên nhân khách quan :
3.1.1. Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) :
Khoảng 7% đến 21% dân số nói chung đang phải chịu ảnh hưởng tới từ hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là một tình trạng mãn tính có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc. IBS biểu hiện bằng các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu,..) bên cạnh đó tình trạng đi tiêu cũng bị thay đổi và phải loại trừ các trường hợp bệnh lí nào khác gây ra các loại triệu chứng như trên.
Hội chứng ruột kích thích – IBS có 3 loại :
Triệu chứng điển hình là tiêu chảy kéo dài (IBS – D)
Triệu chứng điển hình là táo bón kéo dài (IBS – C)
Có cả đồng thời hỗn hợp cả 2 triệu chứng trên này xen vào nhau (IBS -M)
Tiêu chuẩn dùng để phân biệt các loại IBS với nhau là Rome III
Đau bụng tái diễn hoặc khó chịu ít nhất 3 ngày / tháng trong 3 tháng gần đây liên quan đến 2 hoặc nhiều hơn những điều sau:
- Cải thiện việc đi đại tiện
- Khởi phát liên quan đến sự thay đổi tần số đi tiêu
- Khởi phát liên quan đến sự thay đổi hình thức của phân ở bề ngoài
Đánh giá hình dạng phân theo bảng phân loại Bristol :
Loại 1 : Phân chia nhỏ, cứng ( khó tống thải )
Loại 2 : Phân hình dáng dài nhưng cứng và mấp mô
Loại 3 : Phân dài và có các rảnh nhỏ trên bề mặt
Loại 4 : Phân dài và mềm, bề mặt nhẵn
Loại 5 : Các viên tròn, mềm, có các cạnh rõ ràng
Loại 6 : Các mảnh nhỏ, không rõ các cạnh, mềm và lỏng.
Loại 7 : Hoàn toàn là chất lỏng.
Phân loại IBS theo Mẫu phân Bristol :
- IBS kèm theo táo bón (IBS – C) : 25% phân cứng hoặc vón cục và phân lỏng hoặc sệt <25% số lần đi tiêu
- IBS kèm theo tiêu chảy (IBS – D) : phân lỏng hoặc nước 25% và phân cứng hoặc vón cục <25% số lần đi tiêu
- IBS hỗn hợp (IBS – M) : phân cứng hoặc vón cục 25% và phân lỏng hoặc nước 25% số lần đi tiêu
Tiêu chuẩn được đáp ứng trong 3 tháng qua, với triệu chứng khởi phát ít nhất 6 tháng trước khi chẩn đoán.
Vì đường ruột bị rối loạn nghiêm trọng khi bị hội chứng ruột kích thích nên thường xuyên bệnh nhân sẽ thấy Đầy hơi (cảm giác chủ quan về bụng đầy hơi) và chướng bụng (tăng chu vi bụng do khách quan) cũng là những triệu chứng phổ biến gây khó chịu được báo cáo bởi hơn 80% bệnh nhân IBS. Từ đó dẫn đến tình trạng ợ hơi đầy bụng, xì hơi,.. thường xuyên xảy ra kèm theo.
3.1.2. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) :
GERD là một bệnh rất phổ biến ở nước ta. Triệu chứng điển hình là ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ói,… Cơ chế bệnh sinh là do dạ dày không giữ được các dịch tiêu hóa và thức ăn để đẩy xuống phía dưới mà lại bị trào lên trên thực quản, hầu họng, miệng gây nên cảm giác nóng rát, chua miệng, hôi miệng,… khi ợ lên.
>>>> Tìm hiểu thêm: Không Ngủ Được Vì Trào Ngược, Phải Làm Sao?
3.1.3. Viêm loét dạ dày :
Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị dư acid dịch vị, bị suy giảm các yếu tố bảo vệ dạ dày, nhiễm H.pylori, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn gây viêm, trào ngược dạ dày thực quản,… Nhưng hậu quả của chúng đều gây nên những triệu chứng vô cùng khó chịu cho chúng ta như ợ hơi đầy bụng, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, chướng bụng, đau quặn thắt bụng,…
3.1.4. Bệnh liên quan đến gan, mật :
Gan và mật là hai cơ quan vô cùng quan trọng trong quá trình hấp thu và chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Dịch mật được lưu giữ trong túi mật và giữa các bữa ăn thì dịch mật được đổ vào tá tràng, ở đó các thành phần trong dịch mật sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hoá thức ăn. Trong đó có thành phần muối mật vô cùng quan trọng cho quá trình tiêu hóa lipid cũng như những vitamin tan trong dầu (A,D,E,K) của cơ thể. Do đó khi dịch mật tiết ra không đủ sẽ làm cho quá trình tiêu hóa của ruột bị chậm lại, dẫn đến thức ăn ứ đọng lại ở dạ dày lâu hơn, tạo môi trường cho vi sinh vật phân giải các chất trong thức ăn sinh ra khí nhiều, cơ thể buộc phải đẩy hơi ra bằng cách ợ hoặc xì hơi.
3.1.5. Chứng không dung nạp lactose :
Đây là chứng bệnh không quá hiếm hiện nay. Có rất nhiều người do đường ruột tiết ít hoặc thiếu hoàn toàn men Lactase – men phân giải lactose ( đường lactose thường có trong các chế phẩm từ sữa động vật) nên lactose không thể hấp thu vào cơ thể, sẽ bị ứ đọng trong đường tiêu hóa gây nên các triệu chứng như ợ hơi đầy bụng, tiêu chảy, sôi bụng,…
3.1.6. Bệnh Cediac :
Đây là hội chứng ít gặp hơn, nó đặc trưng bởi triệu chứng không dung nạp gluten, Gluten là một protein liên kết với tinh bột, và tồn tại trong nội nhũ của hạt ở một số loại cây lương thực đặc biệt là lúa mì, yến mạch và lúa mạch. Bệnh này thường là do di truyền, khi mắc phải bệnh này thì thường có các biểu hiện ợ hơi đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy,… sau khi ăn các thực phẩm có gluten như bánh mì, bánh qui, yến mạch,.. Do cơ thể không chịu hấp thu gluten mà để nguyên chúng trong đường tiêu hóa.
3.1.7. Hội chứng “dumping” :
Đây là một hội chứng rối loạn đường tiêu hóa làm cho dạ dày trống rỗng một cách nhanh chóng trước khi các chất trong nó được tiêu hóa đúng. Thường xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày do tai nạn, bệnh lí hoặc để giảm cân. Hội chứng “dumping” thường có các biểu hiện như tiêu chảy, ợ hơi đầy bụng, đau quặn bụng,… sau một thời gian ngắn sau khi ăn.
3.2. Nguyên nhân chủ quan :
Ngoài những nguyên nhân bệnh lí ra thì ợ hơi đầy bụng có thể đơn giản chỉ vì những lí do thường gặp như sau :
Chúng ta thường có hành động nuốt không khí một cách không chủ ý hay còn gọi với tên tiếng anh là Aerophagia. Thông thường, hành động này sẽ xảy ra khi:
- Nói chuyện và ăn cùng một lúc
- Ăn quá nhanh ( ví dụ : nhai chưa xong miếng thứ nhất đã ăn thêm miếng thứ hai)
- Nhai kẹo cao su
- Ngậm kẹo cứng
- Uống nước qua ống hút ( hút thêm không khí vào theo khi uống)
- Hút thuốc lá
- Đeo răng giả không vừa khuôn hàm
- Stress, lo lắng, bồn chồn,..
- Tập thể dục cường độ mạnh
- Hít thở sâu
- Thở bằng miệng,…
Hành động Aerophagia này có thể liên quan đến các yếu tố thể chất cũng như tâm lý, thói quen của chúng ta. Ngoài ra có thể do chính chế độ ăn uống của chúng ta gây ra tình trạng ợ hơi đầy bụng này. Chế độ ăn nhiều thực phẩm sinh khí gas, rượu bia, bữa ăn có nhiều tinh bột, đường, sữa, chất xơ,… sẽ có thể làm chúng ta ợ hơi đầy bụng sau khi ăn.
Bên cạnh các yếu tố về dinh dưỡng và thói quen thì chính các loại thuốc chúng ta đang sử dụng để điều trị các bệnh khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ợ hơi đầy bụng.
Nhóm thuốc NSAID ( thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen, naproxen, diclofenac,…) : những thuốc này đều có tác dụng phụ chủ yếu trên đường tiêu hóa do ức chế enzyme COX-1 làm cho dạ dày giảm tiết chất nhầy và các yếu tố bảo vệ nên khi acid dạ dày tiết ra chúng sẽ tấn công niêm mạc, dạ dày dễ bị tổn thương dẫn đến tiêu hóa kém đi, thức ăn không được tiêu hóa tích tụ lại gây ợ hơi đầy bụng.
Thuốc trị tiểu đường type 2 ( Acarbose, voglibose, miglitol) : đây là nhóm thuốc ức chế enzyme alpha-glucosidase – enzyme chịu trách nhiệm phân cắt các phân tử cacbohydrat (đường bột) lớn thành các phân tử đường đôi, đường đơn bé hơn để cơ thể hấp thu. Khi enzyme này bị ức chế thì khả năng hấp thu đường vào máu của người bệnh sẽ giảm, làm cho đường huyết được giữ ổn định. Nhưng cũng chính vì đường không được hấp thu nhanh vào cơ thể nên chúng bị tích tụ tại đường tiêu hóa nên các vi sinh vật tại đây có cơ hội phân hủy chúng thành các hợp chất khác, tạo ra khí trong đường tiêu hóa gây nên tình trạng chướng bụng, ợ hơi đầy bụng và xì hơi nhiều. Vì vậy thuốc này chống chỉ định cho bệnh nhân có bênh lí đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét đại trực tràng, bán tắc ruột, bệnh đường ruột mãn tính, bệnh lí tăng tạo hơi trong đường ruột,… Và thuốc này cần uống ngay trước ăn hoặc ngay sau khi bắt đầu ăn , lưu ý bữa ăn phải có carbohydrat ( đường bột).
Thuốc nhuận tràng (lactulose, macrogol, sorbitol,…) : thuốc nhuận tràng thường có cơ chế hút nước từ ruột vào phân làm phân mềm ra hoặc có cơ chế làm tăng thể tích phân tại ruột nên do đó vô tình làm phần ruột già phình ra, gây cảm giác đầy chướng bụng, đôi khi chèn lên các cơ quan khác làm tăng áp lực khiến khí bị đẩy ra gây ợ hơi.
Thuốc kháng sinh : Thuốc kháng sinh được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn, do chúng có cơ chế tiêu diệt vi khuẩn nên vô tình ảnh hưởng cả các vi sinh vật có lợi cho cơ thể, thường gây nên tình trạng loạn khuẩn đường ruột tức là vi sinh vật có hại phát triển nhiều hơn vi sinh vật có lợi ( tỉ lệ vàng của vi sinh vật đường ruột là 85% có lợi và 15% vi sinh vật có hại, không có các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm). Chính do tình trạng mất cân bằng này nên khả năng tiêu hóa của đường ruột trở nên kém hơn dẫn đến nhiều triệu chứng như tiêu chảy, ợ hơi đầy bụng, ăn không ngon miệng, khó tiêu,…
Thuốc hạn chế tiết acid dạ dày (PPI) : các thuốc nhóm này sẽ làm cho acid dạ dày tiết ra ít hơn do ức chế không thuận nghịch bơm H+/K+ – ATP, thường dùng để điều trị các bệnh liên quan đến viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm Hp,… nhưng vô tình lại làm cho khả năng tiêu hóa thức ăn bị kém đi, đôi khi sẽ có tình trạng ợ hơi đầy bụng xuất hiện. Các thuốc nhóm này là omeprazol, esomeprazol, lansoprazol,…
Thuốc bao vết loét (sulcrafat, Bismuth,…) : cơ chế hoạt động của các thuốc này là tạo một màng mỏng bao vết loét lại tránh sự tác động của acid dạ dày nhưng vô tình lớp bao này không cho chất dinh dưỡng đi qua làm cho thức ăn tiêu hóa kém, tích tụ lâu trong dạ dày gây sinh hơi.
Thuốc kháng H2 : nhóm thuốc này ức chế tiết acid dạ dày bằng các cạnh tranh gắn trên thụ thể H2 của tế bào viền dạ dày. Cũng giống như PPI , nhóm thuốc này làm cho khả năng hấp thu thức ăn giảm đi, tạo điều kiện cho những yếu tố khác gây ra khí trong đường tiêu hóa gây ợ hơi đầy bụng.
4.Đối tượng dễ mắc phải triệu chứng ợ hơi đầy bụng :
Đối tượng mắc phải ợ hơi đầy bụng khá rộng, trải dài gần như tất cả các độ tuổi nhưng đặc biệt thường gặp ở các nhóm đối tượng sau đây:
Người bị các vấn đề về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, nhiễm Hp, viêm ruột, tắc mật,…
Trẻ em, người già có hệ thống tiêu hóa kém gây khó tiêu dẫn đến ợ hơi đầy bụng.
Người sau khi phẫu thuật loại bỏ hoặc cấy ghép một phần hoặc toàn bộ cơ quan tiêu hóa nào đó trong cơ thể.
Người hay uống rượu bia, uống nước ngọt có gas, ăn thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn hoặc ăn quá nhiều trong một bữa.
Phụ nữ đang tới kì kinh nguyệt. Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi Aliotherapy Pharmacology and Therapeutics cho thấy 56% đối tượng bị đau bụng kinh phàn nàn về triệu chứng ợ hơi, 27% phàn nàn về đầy hơi và 19% bị đau bụng và căng tức.
Phụ nữ có thai cũng thường có cảm giác ợ hơi đầy bụng, buồn nôn,.. do thai nhi chèn ép dạ dày gây nên áp lực tống khí ra ngoài theo đường miệng hoặc qua đường hậu môn gây xì hơi.
Người có thói quen nhai kẹo cao su thường xuyên, vừa ăn vừa nói cười hoặc có cảm giác chủ quan về đầy bụng gây nên thói quen cố gắng ợ lên để giảm sự khó chịu.
5.Ợ hơi đầy bụng có nguy hiểm không ?
Ợ hơi là triệu chứng rất hay thường gặp, rất dễ mắc phải nhưng cũng rất dễ chữa trị. Thông thường thì không hề gây nguy hiểm gì lớn cho cơ thể, các triệu chứng cũng sẽ rất nhanh chóng thuyên giảm, trừ những trường hợp ợ hơi đầy bụng có liên quan tới những bệnh lí tại đường tiêu hóa.
>>>> Tham khảo ngay: Mách Bạn Các Mẹo Cực Hay Giải Quyết Nhanh Đầy Bụng Ợ Hơi
6.Khi nào cần đi khám khi bị ợ hơi đầy bụng?
Khi có những biểu hiện nghiêm trọng như sau :
Nôn ói liên tục
Đau quặn thắt dữ dội tại đường tiêu hóa
Tiêu chảy, táo bón kéo dài
Đau nóng rát thượng vị, dạ dày, ruột,…
Căng tức bụng thời gian dài, không có dấu hiệu thuyên giảm
Tức ngực
Sụt cân
…….
Bạn cần đi tới những cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và được các bác sĩ tư vấn và kịp thời cho phác đồ điều trị phù hợp.
7.Điều trị ợ hơi đầy bụng:
7.1. Điều trị bằng thuốc :
Thông thường ợ hơi đầy bụng có thể tự hết được nhưng khi nó có liên quan tới các bệnh đường tiêu hóa thì chúng ta cần điều trị tận gốc nguyên nhân gây ra triệu chứng này bằng các loại thuốc hợp lí. Tuy thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây ợ hơi đầy bụng nhưng khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ thì việc dùng thuốc để trị dứt điểm nguyên nhân sẽ làm giảm đáng kể tình trạng này hơn là điều trị triệu chứng thông thường.
Tình trạng viêm nhiễm là một lí do gây nên tình trạng ợ hơi đầy bụng nên điều trị viêm dạ dày, ruột bằng các thuốc kháng sinh, thuốc hạn chế tiết acid dạ dày, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc kháng viêm,…
Loạn khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây nên sự đầy bụng, chướng hơi khó chịu nên việc bổ sung Probiotic làm cho cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột giúp cho tình trạng ợ hơi đầy bụng giảm đi nhiều.
Việc thiếu một số men tiêu hóa thức ăn cũng làm cho tình trạng ợ hơi đầy bụng xuất hiện, vậy nên bổ sung các men tiêu hóa như lactase, protease,… giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Than hoạt tính có tính hấp phụ cao, nên khá hữu hiệu khi tình trạng ợ hơi đầy bụng xuất hiện. Bạn dùng liều lượng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và làm theo các hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Không nên dùng với một lượng nhiều hơn hoặc ít hơn so với quy đinh. Khi uống kèm theo một cốc nước đầy ( khoảng 200 – 250ml), không làm vỡ, gãy hoặc nhai thuốc viên nén hoặc viên nang, uống nguyên vẹn cả viên thuốc.
7.2. Điều trị không dùng thuốc :
Ngoại trừ các trường hợp bệnh lí ra thì ợ hơi đầy bụng rất dễ được khắc phục bằng các phương pháp đơn giản. Dưới đây là một vài mẹo dân gian giúp tình trạng ợ hơi đầy bụng thuyên giảm một cách đáng kể.
7.2.1. Dùng vỏ quýt, vỏ chanh, vỏ cam :
Trong vỏ các cây họ Cam có chứa nhiều tinh dầu có tác dụng hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa. Khi bị ợ hơi đầy bụng bạn chỉ cần nhai một miếng vỏ quýt khô , tình trạng đầy hơi sẽ biến mất sau khoảng 15-30 phút. Để dễ dàng sử dụng hơn thì bạn có thể thái nhỏ vỏ quýt tươi ngâm với mật ong và bảo quản nơi mát để sử dụng lâu dài hơn.
7.2.2. Bạc hà :
Trà bạc hà có tác dụng giảm mạnh các vấn đè về đường tiêu hóa. Bị đau bụng ư? Hãy thử một tách trà bạc hà. Bị đau do căng thẳng ? Hãy thử một tách trà bạc hà. Bị tiêu chảy? Hãy thử một tách trà bạc hà. Bị ợ hơi đầy bụng sau khi ăn? Hãy thử một tách trà bạc hà! Có những chứng minh lâm sàng cho rằng nó có ích cho những ai bị hội chứng ruột kích thích – IBS.
Dùng lá bạc hà tươi hay khô đều được, nhưng khi dùng lá tươi hãy dùng gấp đôi lượng lá khô. Ngâm 1-3 thìa cà phê lá bạc hà khô trong một cốc nước sôi, chờ 3-5 phút trong bình đậy nắp để hạn chế bay tinh dầu. Bạn có thể dùng trà bạc hà 3-5 lần/ngày để có những hiệu quả tốt nhất từ loại dược liệu này.
7.2.3. Hương thảo :
Hương thảo cùng họ với bạc hà nên cũng có những tác động tương tự như thế. Dùng trà hương thảo sẽ giảm nhẹ được tình trạng buồn nôn, đau bụng, ợ hơi đầy bụng,… Liều lượng khoảng 2-4 gam lá hương thảo bỏ cành hãm thành trà, uống 3 lần một ngày.
7.2.4. Tỏi :
Tỏi là một loại thảo dược với nhiều công dụng khác nhau như kích thích tuần hoàn máu, kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch,.. và đặc biệt là làm thuyên giảm tình trạng ợ hơi đầy bụng rất hiệu quả.
Trong tỏi có chất xơ hòa tan quan trọng tên là Inulin. Đây là thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, giúp hệ vi sinh vật này phát triển tốt và tiêu hóa thức ăn tốt hơn nên tình trạng ợ hơi đầy bụng thuyên giảm nhanh sau khi sử dụng.
Liều lượng khuyến nghị là 1-2 tép tỏi mỗi ngày. Khi bị chướng bụng bạn có thể ăn 1-2 tép tỏi. Tuy nhiên nếu ăn quá 1-2 củ một ngày trong thời gian dài thì có thể gây những tác động tiêu cực như thiếu máu, hỏng hệ vi sinh vật đường ruột.
Công thức làm tỏi mật ong giúp trị bệnh tiêu hóa, phòng ngừa cảm cúm, viêm họng,… :
½ cốc tỏi mới băm ( khoảng 15 tép )
½ cốc mật ong
Bảo quản nơi mát mẻ hoặc trong tủ lạnh để tránh lên men. Nên làm từng mẻ nhỏ để công hiệu được mạnh nhất.
7.2.5. Gừng :
Gừng là một dược liệu có tính kháng viêm mạnh, tính nóng nên phù hợp với những cơ địa lạnh ẩm , các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn. Khi bị ợ hơi đầy bụng một cốc chanh gừng tươi nóng sẽ làm giảm đáng kể tình trạng chướng bụng, khó chịu.
Công thức trà chanh gừng :
1 thìa gừng tươi nạo hoặc cắt mịn ( khoảng 6 gam)
Nước cốt chanh hoặc mật ong tùy khẩu vị
100 ml nước sôi
Ngâm khoảng 15’ dùng khi còn ấm, có thể ăn gừng hoặc lọc bỏ bã đều được.
7.2.6. Chườm nóng, massage bụng :
Khi bị đầy bụng bạn thường thấy rất khó chịu, dùng một túi chườm nóng áp vào bụng đồng thời thực hiện những động tác massage nhẹ nhàng như xoay quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, dùng 2 ngón tay thực hiện động tác “đi bộ” từ trái sang phải ở vùng bụng,… giúp kích thích dạ dày, ruột co bóp tống khí ra ngoài tốt hơn.
8.Dinh dưỡng cho người bị ợ hơi đầy bụng :
8.1. Thực phẩm nên ăn cho người bị ợ hơi đầy bụng :
Ợ hơi đầy bụng thường gây cảm giác chướng khí, khó chịu, chán ăn,… Vì vậy việc ăn những thức ăn phù hợp hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn là rất cần thiết cho những người đang mắc phải triệu chứng này.
Ăn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, loãng như cháo, súp, khoai tây,…
Ăn bữa nhỏ, không ăn quá no trong một bữa ăn
Ăn thêm các loại thực phẩm hỗ trợ cho tiêu hóa như sữa chua, tỏi, gừng, nghệ, các thực phẩm lên men chua ( dưa chua, hành muối,…),v.v…
8.2. Thực phẩm không nên ăn cho người bị ợ hơi đầy bụng :
Tránh ăn các thực phẩm quá cứng, quá nhiều đạm, chất béo, đường bột ( thức ăn nhanh, đồ chiên, thức ăn quá cay, đồ hộp,…) , tránh uống các loại nước có gas
Không nên ăn thức ăn có quá nhiều chất xơ. Các rau họ Cải như bông cải xanh, súp lơ trắng,…; đậu hà lan, đậu lăng,…
Các sản phẩm có chất tạo ngọt nhân tạo chẳng hạn như rượu đường, sorbitol và maltitol
Thực phẩm có chứa nhiều đường lactose như sữa, phômai và các chế phẩm từ sữa.
9.Biện pháp phòng ngừa ợ hơi đầy bụng :
Phòng ngừa ợ hơi đầy bụng cũng khá đơn giản và dễ thực hiện chỉ cần để ý một chút là bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nó một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Hạn chế uống rượu bia, các thức uống có gas càng nhiều càng tốt.
Giữ cho tinh thần thoải mái. ít căng thẳng, lo lắng nhất có thể.
Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và hàm lượng phù hợp mỗi ngày. Hạn chế sử dụng các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh,…
Hạn chế cười đùa nói chuyện khi ăn để hạn chế lượng không khí vô thức nuốt vào.
Bổ sung các loại men tiêu hóa khi cần thiết. Tránh các thực phẩm cơ thể không dung nạp được.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần để phát hiện những bất thường sớm nhất có thể.
Hạn chế sử dụng các loại thuốc nhiều nhất có thể. Nếu bất đắc dĩ phải sử dụng hãy có những biện pháp ăn uống hoặc các sản phẩm hỗ trợ phù hợp cho hệ tiêu hóa.
Trên đây là những thông tin tham khảo về chứng ợ hơi đầy bụng, dấu hiệu, căn nguyên và hướng dẫn cách điều trị đơn giản. Hy vọng bài viết có ích với những bạn đang tìm hiểu về chứng bệnh này. Chúc các bạn sớm tìm ra được tình trạng của bản thân và có một sức khỏe tốt hơn!
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm hãy liên hệ HOTLINE 18006091 để được tư vấn cụ thể về các vấn đề liên quan đến ợ hơi đầy bụng nhé!