Tác Dụng Phụ Của Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Bạn Nên Biết

Tác Dụng Phụ Của Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Bạn Nên Biết

Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày bạn nên biết

Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay, ước tính khoảng 7 triệu người đang mắc bệnh trào ngược dạ dày ở Việt Nam. Song song đó, các thuốc sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày cũng tăng lên. Qua bài viết này, bạn hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu về những nhóm thuốc cũng như các tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày, từ đó bạn sẽ biết được cần lưu ý gì và xử trí như thế nào khi gặp phải các tác dụng phụ này.

1.Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày nhóm ức chế bơm proton

1.1. Thông tin thuốc

Thuốc ức chế bơm proton và các tác dụng phụ

Nhóm thuốc ức chế bơm proton hay còn gọi là nhóm thuốc PPI – là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng. Thuốc thường là chỉ định hàng đầu trong điều trị trào ngược dạ dày – thực quản và loét dạ dày – tá tràng. Ngoài ra, thuốc cũng được chỉ định phối hợp với kháng sinh trong diệt H.pylori, điều trị bệnh Barrett thực quản. dự phòng loét dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid ( NSAIDs).

Thuốc hoạt động với cơ chế ức chế các bơm proton ở tế bào thành dạ dày, từ đó làm giảm lượng acid dịch vị được sản sinh, giảm các triệu chứng do viêm loét và trào ngược dạ dày gây ra như: ợ nóng, ợ chua, ho dai dẳng,..Ngoài ra, nhóm thuốc này còn hỗ trợ chữa lành tổn thương niêm mạc, ngăn ngừa vết loét tiến triển, ngăn ngừa ung thư thực quản.

Trên thị trường hiện nay có 6 thuốc nhóm ức chế bơm proton được sử dụng rộng rãi là omeprazole, dexlansoprazole, lansoprazole, esomeprazole, rabeprazole và pantoprazole.

Không sử dụng thuốc nhóm ức chế bơm proton cho bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc và bệnh nhân bị loét dạ dày ác tính.

1.2. Tác dụng phụ

Người bệnh sử dụng thuốc ức chế bơm proton thường hay gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi. Các tác dụng phụ này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Các tác dụng phụ ít gặp phải hơn là khô miệng, phù ngoại vi, hoa mắt, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm giác, đau khớp, đau cơ, ngứa, phát ban và viêm thận kẽ.

Sau đây là các tác dụng phụ tiềm ẩn cần chú ý nếu bạn sử dụng thuốc ức chế bơm proton dài hạn:

  •     Tăng Gastrin huyết : Tình trạng này xảy ra do thuốc ức chế bơm proton ức chế tiết acid dạ dày dẫn đến tăng gastrin huyết. Việc này sẽ gây ra hiện tượng tăng acid dội ngược khi người bệnh ngưng điều trị với thuốc PPI, triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trầm trọng hơn. Ngoài ra, tăng gastrin huyết làm tế bào trải qua quá trình tăng sinh, phình to giống tế bào ưa crom ruột. Một nghiên cứu gần đây đã công bố trường hợp đầu tiên ung thư hệ thần kinh nội tiết do sự tăng Gastrin huyết khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton trên 15 năm. Mặc dù vậy, bằng chứng này vẫn chưa chứng minh được sử dụng thuốc PPI sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải ung thư.
  •     Viêm phổi: Thuốc PPI làm giảm lượng acid dịch vị dẫn đến pH dịch vị tăng, tạo điều kiện cho các vị khuẩn không phải là H.pylori phát triển tốt trong dịch vị, niêm mạc dạ dày và tá tràng dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn khí quản và viêm phổi. Ngoài ra, sử dụng PPIs trong thời gian dài cũng dẫn đến suy giảm miễn dịch cơ thể, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng.
  •     Viêm đại tràng do Clostridium difficile: Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng PPI lâu dài gây giảm tiết acid dạ dày làm tăng pH dịch vị làm xuất hiện một chủng vi khuẩn độc hại hơn, sự cản trở trong việc làm rỗng dạ dày kéo dài sự phơi nhiễm với vi khuẩn.
  •     Thiếu hụt Vitamin B12: Acid dạ dày đóng vai trò rất quan trọng trong sự hấp thu vitamin B12 trong chế độ ăn uống. Sử dụng thuốc PPI kéo dài làm giảm tiết acid dẫn đến kém hấp thu vitamin B12, đồng thời các vi khuẩn phát triển quá mức cũng làm tăng sự tiêu thụ Vitamin B12.
  •     Nguy cơ sa sút trí tuệ: Sử dụng PPI lâu dài làm gia tăng sản xuất và thoái biến amyloid. Thiếu hụt Vitamin B12 và các  chất dinh dưỡng khác cũng góp phần gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
  •     Hạ magie huyết: Mặc dù là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Người bị hạ magie huyết sẽ có những biểu hiện như cơ yếu, chuột rút, uốn ván, co giật, hạ huyết áp và loạn nhịp tim. Bệnh nhân cũng có thể bị hạ canxi huyết và kali huyết kèm theo. Hầu hết các trường hợp bị hạ magie huyết đều sử dụng thuốc PPI trong khoảng thời gian 5 năm trở lên.

2. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày nhóm kháng thụ thể histamin H2

2.1. Thông tin thuốc

 

Thuốc kháng histamin H2 và các tác dụng phụ

Thuốc kháng thụ thể histamin hoạt động theo cơ chế ức chế tác động của histamin tại thụ thể histamin H2 trong các tế bào viền ở dạ dày, từ đó làm giảm lượng acid được tiết ra tại dạ dày. Thuốc kháng histamin H2 được chỉ định nhiều trong các trường hợp loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Các thuốc kháng histamin H2 điển hình là : Cimetidine, Ranitidine, Famotidine và Nizatidine.

Trước khi dùng những thuốc nhóm kháng histamin H2 cần loại trừ khả năng ung thư vì khi dùng thuốc sẽ che đi triệu chứng gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán. Cần chú ý giảm liều ở người suy gan, thận.

2.2. Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng khi sử dụng thuốc kháng histamin H2 bao gồm: chóng mặt, trầm cảm hoặc kích động, sưng hoặc đau ở ngực, đau khớp, đau cơ, phát ban nhẹ ở da, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn hoặc táo bón.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể gặp phải bao gồm: Ho, sốt, tức ngực, khó thở, vàng da hoặc mắt, phát ban đỏ, phồng rộp da, dễ bầm tím hay chảy máu, suy nhược cơ thể, cảm thấy yếu trong người, mê sảng, mất phương hướng, đi tiểu ít hơn bình thường, nhịp tim không đều.

Tác dụng phụ hiếm gặp ở người sử dụng thuốc này gồm: Mạch chậm, mạch nhanh, chẹn nhĩ – thất tim, thay đổi công thức máu, giảm bạch cầu đa nhân, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm hấp thu vitamin B12, viêm thận kẽ, bí tiểu tiện, viêm đa cơ, viêm gan mãn tính, viêm tụy.

>>>> Tìm hiểu thêm: Thời Điểm Thích Hợp Nhất Để Uống Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Là Lúc Nào?

3. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày nhóm kháng acid

3.1. Thông tin thuốc

Thuốc kháng acid và các tác dụng phụ

Thuốc kháng acid là một liều thuốc chữa cháy hiệu quả khi các triệu chứng trào ngược dạ dày xuất hiện đột ngột. Thuốc kháng acid trung hòa acid dịch vị, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy làm lành lớp niêm mạc dạ dày, giúp giảm đau dạ dày nhanh chóng, cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày. Điển hình cho nhóm thuốc kháng acid có thể kể đến các thuốc chứa magie , các thuốc chứa nhôm , và thuốc phối hợp giữa magie và nhôm.

Ngoài tác dụng giảm nhanh triệu chứng trào ngược dạ dày, các thuốc kháng acid chứa magie còn giúp nhuận tràng và bổ sung magie khi cơ thể thiếu hụt. Thuốc hoạt động nhờ magie hydroxit trung hòa acid hydrocloric , làm tăng pH dạ dày, cải thiện triệu chứng.

Trong các sản phẩm thuốc chứa nhôm, điển hình nhất là Nhôm hidroxit, tương tự magie hydroxit, nhôm hydroxit cũng phản ứng với acid clohydric tại dạ dày, giúp trung hòa acid dịch vị, giảm đau dạ dày nhanh.Hiện nay, thuốc chứa nhôm được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường là thuốc dạ dày chữ P ( phosphalugel ), được nhiều bệnh nhân tin dùng nhờ cách sử dụng đơn giản và giảm đau dạ dày nhanh chóng, thuốc được bào chế với thành phần chính là muối nhôm phosphat dạng keo 20%. 

Sử dụng các thuốc có thành phần riêng lẻ chỉ gồm nhôm hoặc magie có thể mang đến tác dụng phụ, do đó bạn có thể sử dụng chế phẩm phối hợp chứa magie hydroxit , nhôm hydroxit. Các thuốc thuộc nhóm này hiện đang được sử dụng nhiều trên thị trường là Varogel,  Maalox, Mylanta, Gastropulgite,… điều trị tình trạng viêm loét dạ dày, trung hòa lượng acid dư giúp giảm nhanh triệu chứng trào ngược dạ dày.

3.2. Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ thường hay gặp phải khi sử dụng thuốc kháng acid là táo bón, đầy hơi và ợ hơi. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể là : chán ăn, sụt cân bất thường, buồn nôn, nôn, đau xương, cơ, thay đổi tâm tính, nhức đầu, lú lẫn. khát nước, suy nhược cơ thể, mệt mỏi bất thường.

Tác dụng nghiêm trọng và hiếm  gặp của thuốc kháng acid là xuất hiện các triệu chứng liên quan đến thận biểu hiện qua sự thay đổi nước tiểu.  

4. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày nhóm kháng thụ thể choline

4.1. Thông tin thuốc

Thuốc ức chế thụ thể choline và các tác dụng phụ

Thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế cạnh tranh với acetylcholin – là chất trung gian hoá học dẫn truyền xung động thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên. Hơn nữa, thuốc hạn chế sự bài tiết acid dịch nhờ tác dụng giảm sự co thắt quá mức của dạ dày và tá tràng. Ngoài ra, thuốc giúp cải thiện các triệu chứng liên quan như đau vùng thượng vị, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa,…

Nhóm thuốc ức chế thụ thể choline được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản,  loét dạ dày – tá tràng. Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định cho bệnh Parkinson giai đoạn đầu, viêm đại tràng co thắt.

Các thuốc điển hình trong nhóm thuốc này là : Pirenzepine, Pro Banthine, Banthine.

Bác sĩ ưu tiên chỉ định thuốc trong trường hợp dạ dày co bóp quá mức, những trường hợp còn lại, bác sĩ thường chỉ định thuốc ức chế bơm proton và thuốc kháng histamin H2.

Thuốc chống chỉ định với các trường hợp sau: trẻ em bị sốt cao, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh glaucom góc hẹp, bệnh nhược cơ, liệt ruột, người hẹp môn vị.

4.2. Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ thường hay gặp phải khi sử dụng thuốc kháng thụ thể choline bao gồm: khô miệng, giảm tiết mồ hôi, chóng mặt, buồn ngủ, giãn đồng tử, mờ mắt, buồn nôn, nôn hoặc táo bón.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải báo với bác sĩ ngay lập tức như thay đổi tâm tính, tâm trạng, đau mắt, cảm thấy áp lực ở mắt, nhịp tim nhanh, khó đi tiểu.

Phản ứng dị ứng tuy hiếm xảy ra nhưng bạn nên gọi cấp cứu ngay nếu thấy bất kỳ triệu chứng dị ứng như phát ban, ngứa, sưng mặt, lưỡi, họng, chóng mặt nặng và khó thở.

>>>> Đọc thêm: Hiện Nay, Đâu Là Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Tốt Nhất?

5. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày nhóm tạo lớp bảo vệ niêm mạc

5.1. Sucralfate

5.1.1. Thông tin thuốc

Thuốc Sucralfate và tác dụng phụ của thuốc 

Sucralfate là một loại muối nhôm của sulfat disaccharide, có khả năng kết hợp với protein của dịch nhầy một cách chắc chắn, không bị phá hủy bởi mật. Thuốc hoạt động với nhiều cơ chế: ngăn ngừa sự tái hấp thu H+, hấp thu pepsin và dịch mật, kích thích gia tăng sản sinh chất nhầy và bicarbonat, tăng sản xuất prostaglandin nội sinh và tăng tưới máu niêm mạc dạ dày, hỗ trợ phục hồi các vết loét trên lớp biểu mô bề mặt dạ dày. Do đó, thuốc được chỉ định trong nhiều trường hợp như: viêm loét dạ dày lành tính, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày tá tràng, phòng ngừa tái phát loét tá tràng, phòng ngừa loét do căng thẳng. Thuốc chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn cảm với thành phần của thuốc. Nên thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, cho con bú, người suy gan, suy thận nặng.

5.1.2. Tác dụng phụ

Táo bón là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Sucralfate. Ngoài ra bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khô miệng, đầy hơi, khó tiêu, ngứa da, nổi ban đỏ, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, đau lưng, đau đầu. Một số tác dụng phụ hiếm xảy ra như nổi mề đay, khó thở, phù Quincke, mặt phù to, viêm mũi, co thắt thanh quản.

5.2. Bismuth subcitrate

5.2.1. Thông tin thuốc

Thuốc Bismuth subcitrate và tác dụng phụ của thuốc

Nhóm thuốc này chứa các tinh thể muối bismuth có khả năng gắn chặt vào các albumin của dịch rỉ viêm và các glycoprotein. Ngoài ra, thuốc còn liên kết với pepsin và muối mật, tạo nên một màng bọc phủ lên vùng niêm mạc bị viêm, có tác dụng củng cố hàng rào bảo vệ niêm mạc.

5.2.2. Tác dụng phụ

Buồn nôn, nôn, đen lưỡi, đen miệng, đi ngoài phân đen.

5.3. Prostaglandin

5.3.1. Thông tin thuốc

Thuốc misoprostol và tác dụng phụ của thuốc

Nhóm thuốc này ít được áp dụng trong điều trị các bệnh dạ dày, nhưng thường được chỉ định trong phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Thuốc hoạt động theo 3 cơ chế: giảm bài tiết acid dịch vị, kích thích tăng sản xuất chất nhầy và bicarbonat, tăng tuần hoàn máu tới niêm mạc dạ dày. Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với prostaglandin và phụ nữ mang thai vì thuốc làm tăng nguy cơ đẻ non, sảy thai. Các thuốc nhóm này hiện có mặt trên thị trường là Misoprostol và Cytotec.

5.3.2. Tác dụng phụ

Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.

Nhức đầu, hạ huyết áp

Kích thích tử cung, chảy máu âm đau bất thường.

6. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày Domperidon

6.1. Thông tin thuốc

Thuốc Domperidon và các tác dụng phụ

Domperidon là thuốc đối kháng dopamin, được sử dụng trong điều trị triệu chứng nôn, buồn nôn. Thuốc còn làm giảm triệu chứng khó tiêu do trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản gây ra và một số triệu chứng khác như đầy bụng, đầy hơi, ợ nóng.

Trên thị trường hiện có thuốc domperidon với các dạng bào chế và hàm lượng đa dạng:

Viên nén domperidon với các hàm lượng 10mg, 20mg ( Agimoti, Dotium, Medi-Domperidone, Vacodomtium 20, Motiridon)

Viên nang cứng domperidon 10mg, 20mg( Vacodomtium 20, Uphalium M)

Hỗn dịch uống domperidon 1mg/ ml, 1% ( Becoridone New, Motilium, Mutecium – M)

6.2. Tác dụng phụ

Một số tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Domperidon bao gồm:

Tăng prolactin máu, chảy sữa, mất kinh, rối loạn kinh nguyệt, vú to ở nam giới hoặc đau tức vú

Rối loạn tiêu hóa, khô miệng, khó chịu dạ dày, tiêu chảy, đau bụng

Buồn ngủ, rối loạn ngoại tháp, loạn nhịp thất,, kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, đột tử do tim mạch.

7. Thuốc và tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày Metoclopramide

7.1. Thông tin thuốc

Thuốc Metoclopramid và các tác dụng phụ

Metoclopramide – thuốc thường được chỉ định để điều trị một số bệnh lý về dạ dày và đường ruột. Thuốc này có thể sử dụng ngắn hạn trong 4 đến 12 tuần điều trị triệu chứng ợ nóng dai dẳng, thuốc hoạt động với cơ chế tăng nhu động ruột giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn nhanh chóng, tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, thuốc làm giảm buồn nôn, nôn mửa, cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

7.2. Tác dụng phụ

Bạn có thể bị rối loạn vận động nghiêm trọng khi sử dụng metoclopramide thông qua các biểu hiện sau: run tay, chân, không kiểm soát được các cử động cơ trên khuôn mặt bao gồm: nhai, liếm môi, cử động lưỡi, cau mày, nhấp nháy hay cử động mắt)

Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể kể đến là:

  • Cử động cơ bị chậm hoặc giật, mất thăng bằng, cảm giác khó khăn khi đi bộ.
  • Cứng cơ, sốt, vã mồ hôi, loạn nhịp tim, tim đập nhanh và không đều, run.
  • Chán nản, có ý nghĩ tự tử hoặc gây tổn hại cho bản thân.
  • Lo âu, kích động, cảm giác buồn nôn, xuất hiện ảo giác.
  • Sưng, khó thở, tăng cân nhanh.
  • Vàng da hoặc vàng mắt.
  • Động kinh, co giật

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng như cảm thấy bồn chồn, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, tiêu chảy, buồn nôn, đau vú, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đi tiểu nhiều lần hơn bình thường.

>>>> Tham khảo thêm: Các Chuyên Gia Thường Khuyên Sử Dụng Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Nào

8. Những lưu ý khi dùng thuốc trào ngược dạ dày

Sau đây là những lưu ý khi sử dụng dụng thuốc trào ngược dạ dày:

Sử dụng liều lượng thuốc theo chỉ dẫn và sự kê đơn của bác sĩ.

Tuân thủ cách dùng thuốc theo hướng dẫn sử dụng thuốc hay chỉ dẫn của bác sĩ để việc sử dụng thuốc đạt được hiệu quả tốt nhất.

Không tự ý uống quá liều chỉ dẫn của bác sĩ, trường hợp nếu lỡ uống quá liều cần liên lạc với bác sĩ để được tư vấn

Trước khi được chỉ định thuốc, cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng của bản thân cho bác sĩ như phụ nữ đang mang thai, người bệnh suy gan, thận,…

Song song với việc sử dụng thuốc, nên tích cực loại bỏ các thói quen xấu gây hại đến dạ dày, xây dựng chế độ ăn hợp lí, lối sống khoa học để góp phần rút ngắn thời gian điều trị, phòng ngừa tái phát bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Kết luận: Qua bài viết cho thấy việc sử dụng các thuốc trào ngược dạ dày sẽ có các tác dụng phụ từ mức độ thường gặp cho đến hiếm gặp, từ ít nghiêm trọng cho đến nghiêm trọng. Do đó bạn cần lưu ý, thận trọng khi sử dụng các thuốc này. Hãy liên hệ ngay tới HOTLINE 18006091  để được đội ngũ dược sĩ, bác sĩ từ Scurma Fizzy tư vấn chi tiết hơn về việc sử dụng thuốc, cũng như cách xử trí thích hợp khi gặp phải các tác dụng phụ.

 

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091