Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn Cuối

Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn Cuối

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ác tính phổ biến nhất trên toàn thế giới, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong số các bệnh ung thư. Do không có triệu chứng khởi phát rõ ràng nên đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư dạ dày giai đoạn cuối là gì? Hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về ung thư dạ dày – Ung thư dạ dày giai đoạn cuối là gì?

1.1. Ung thư dạ dày

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính, xuất hiện khi các tế bào bình thường của dạ dày phát triển bất thường, tăng sinh mất kiểm soát và xâm chiếm các mô ở gần hay ở xa đến các cơ quan khác nhờ hệ thống bạch huyết. Mỗi năm có khoảng 990.000 người được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày trên toàn thế giới, trong đó khoảng 738.000 người chết vì căn bệnh này, khiến ung thư dạ dày trở thành nguyên nhân xếp hàng thứ 2 gây tử vong do bệnh lý ung thư trên toàn thế giới. Bệnh nhân ung thư dạ dày có các đặc điểm “ba cao và ba thấp”, theo đó tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ di căn và tỷ lệ tử vong cao, và tỷ lệ chẩn đoán sớm, tỷ lệ cắt bỏ triệt để và tỷ lệ sống 5 năm thấp. Ung thư dạ dày phát triển qua 5 giai đoạn chính, được phân loại dựa trên kích thước khối u và sự xâm chiếm của tế bào ung thư:

  • Giai đoạn 0 (giai đoạn sớm): Tế bào ung thư mới xuất hiện ở niêm mạc dạ dày.
  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư mới xâm nhập đến lớp thứ 2 của dạ dày, bệnh nhân vẫn chưa xuất hiện triệu chứng của bệnh.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư  đã xâm nhập qua lớp niêm mạc dạ dày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện một vài dấu hiệu rõ ràng hơn như: khó tiêu, nôn, buồn nôn,…. Tuy nhiên các triệu chứng xuất hiện chưa dữ dội nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác của dạ dày như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày,…
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã xâm nhập vào hệ bạch huyết, bắt đầu lan ra các cơ quan khác.
  • Giai đoạn 4: Lúc này các tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, phát triển gây ra các khối u nhú tại các cơ quan.

>>>Xem thêm: Ung Thư Dạ Dày Có Lây Không Và Lây Qua Con Đường Nào

1.2. Ung thư dạ dày giai đoạn cuối

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Ung thư dạ dày đã di căn

Ung thư dạ dày giai đoạn cuối (giai đoạn 4) có nghĩa là ung thư bắt đầu từ dạ dày đã di căn đến ít nhất một bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan hoặc phổi, được coi là giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày giai đoạn cuối không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát nó bằng cách điều trị duy trì, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

2. Các triệu chứng thường xuất hiện trên bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Các triệu chứng nào thường gặp trên bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối?

Bệnh nhân ung thư dạ dày thường phát hiện bệnh muộn do không có các triệu chứng cụ thể ở những giai đoạn sớm. Thường ở giai đoạn đầu bệnh nhân không có triệu chứng hoặc xuất hiện những triệu chứng không đặc hiệu như khó tiêu. Chỉ đến giai đoạn muộn, khi mà cơ thể xuất hiện những triệu chứng đặc hiệu hơn, bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra bệnh. Ung thư dạ dày giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng của bệnh, các triệu chứng bệnh xuất hiện trên bệnh nhân rầm rộ, tần suất thường xuyên và mức độ rất nghiêm trọng. Chúng phụ thuộc vào mức độ khối u dạ dày và tổ chức mà tế bào ung thư đã di căn. Các triệu chứng chung thường gặp trên bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối là:

  • Sụt cân nhiều.
  • Bệnh nhân có thể sờ thấy những khối u rắn chắc ở vùng bụng.
  • Đau ở dạ dày, thường xuyên xuất hiện những cơn đau dữ dội, dai dẳng, uống thuốc giảm đau thông thường không hiệu quả.
  • Thường xuyên cảm thấy nóng rát ở dạ dày, trào ngược dạ dày, tay chân nhợt nhạt, thiếu máu.
  • Rối loạn tiêu hóa nặng, chán ăn, ăn không ngon, nôn mửa nhiều.
  • Xuất huyết tiêu hóa do các khối u bị loét, khối u to chèn ép mạch máu làm vỡ mạch máu. Bệnh nhân đi ngoài có thể thấy phân đen.
  • Táo bón do bệnh nhân giai đoạn cuối thường ít hoạt động do ảnh hưởng của tình hình sức khỏe và tâm lý người bệnh. Cùng với sự rối loạn của hệ tiêu hóa, khả năng co bóp của đại trực tràng bị ảnh hưởng. Khi xuất hiện táo bón, thường bệnh nhân sẽ sử dụng những thuốc đặc trị, chúng làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy.

Ngoài các triệu chứng chung, mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào cơ quan mà ung thư di căn tới. Gan là cơ quan phổ biến nhất mà ung thư dạ dày di căn tới. Nó cũng có thể lây lan đến phổi, đến các hạch bạch huyết hoặc đến mô lót trong khoang bụng (phúc mạc).

  • Khi ung thư di căn đến gan, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng: Khó chịu và thấy đau ở phía bụng bên phải, cơ thể mệt mỏi, kém ăn, sụt cân, xuất hiện cổ trướng (bụng sưng to, chứa nhiều dịch), vàng da, vàng mắt; ngứa trên da,…
  • Khi ung thư di căn đến phổi, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng: Ho dai dẳng, khó thở, tràn dịch màng phổi, X-quang phổi xuất hiện nhiều đốm trắng,…
  • Các hạch bạch huyết là một phần của hệ thống ống và tuyến trong cơ thể có chức năng lọc chất lỏng cơ thể và chống lại nhiễm trùng. Ung thư có thể di căn sang hạch bạch huyết ở trong bụng hoặc các hạch bạch huyết xa hơn. Các triệu chứng xuất hiện trên bệnh nhân phụ thuộc vào hạch bạch huyết nào chứa ung thư. Triệu chứng phổ biến nhất là hạch bạch huyết cảm thấy cứng hoặc sưng lên. Các hạch bạch huyết ở ngực bị sưng có thể khiến bệnh nhân khó nuốt. Người bệnh có thể bị đau bụng trên dữ dội và di chuyển ra sau lưng nếu ung thư di căn tới các hạch bạch huyết ở phía sau bụng.
  • Khi ung thư dạ dày giai đoạn cuối di căn tới phúc mạc, bệnh nhân có thể bị sưng bụng do sự tích tụ của chất lỏng gọi là cổ trướng. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó khăn khi ngồi và di chuyển. Tình trạng sưng tấy do tích tụ chất lỏng có thể gây khó chịu. Người bệnh có thể có các triệu chứng khác như: ăn mất ngon, khó tiêu, cảm thấy mệt mỏi, táo bón, khó thở,…

>>>Xem thêm: Trieu Chung Ung Thu Da Day Thông Thường Dễ Nhận Biết

3. Những yếu tố nguy cơ nào gây ung thư dạ dày giai đoạn cuối?

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày

3.1. Tuổi tác

Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày do tỷ lệ mắc bệnh này tăng dần theo tuổi. Theo một nghiên cứu số trường hợp chẩn đoán ung thư dạ dày tại Hoa Kỳ, khoảng 1% trường hợp xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi, trong khi 29% xảy ra từ 75 đến 84 tuổi. 

3.2. Giới tính nam

So với nữ giới, nam giới có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Lý do cho sự khác biệt như vậy là không rõ ràng. Tiếp xúc với môi trường hoặc nghề nghiệp có thể đóng một vai trò nào đó, nam giới thường hút thuốc lá hơn nữ giới là một ví dụ. Ngoài ra, sự khác biệt về sinh lý cũng có thể là lý do. Ở phụ nữ, estrogen có thể giúp bảo vệ và chống lại sự phát triển của ung thư dạ dày nhưng những tác dụng này sẽ giảm đi khi phụ nữ mãn kinh.

3.3. Hút thuốc lá

Mặc dù vai trò của hút thuốc trong việc gây ra một số bệnh ung thư khác đã được xác định từ lâu, nhưng phải đến năm 2002, cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) mới kết luận rằng đã có bằng chứng đầy đủ về mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc và ung thư dạ dày. Một phân tích tổng hợp các kết quả nghiên cứu thuần tập đã chỉ ra rằng nam giới hút thuốc lá tăng đến 60% nguy cơ mắc ung thư dạ dày so với người không hút thuốc, tỷ lệ này ở nữ giới là 20%.

3.4. Helicobacter Pylori (H.pylori)

H.pylori được ước tính là nguyên nhân gây ra 65% đến 80% của tất cả các trường hợp ung thư dạ dày. H.pylori là một loại vi khuẩn gram âm có khả năng xâm nhập vào niêm mạc dạ dày và tạo ra phản ứng miễn dịch ở vật chủ. Nó cũng có thể gây ra quá trình hypermethyl hóa DNA, đặc biệt là các đảo CpG, do đó làm bất hoạt các gen ức chế khối u. Trong hầu hết các trường hợp được xác định ung thư dạ dày giai đoạn cuối đều có sự có mặt của H.pylori trong dạ dày người bệnh.

3.5. Chế độ ăn uống 

Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên ở những người ăn nhiều tinh bột và ít ăn rau củ quả. Chế độ ăn chứa nhiều muối cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới / Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (WCRF / AICR) đã kết luận rằng: “Muối, và các thực phẩm được bảo quản bằng muối, có thể là nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày”. Chế độ ăn nhiều muối có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn tới viêm dạ dày. Ngoài ra, một số cách nấu ăn nhất định như nướng thịt, quay, nướng, chiên ngập dầu, phơi nắng, muối chua đều làm tăng sự hình thành các hợp chất N-nitroso (NNC) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

3.6. Béo phì

Béo phì là một vấn đề ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại và có liên quan đến một loạt các bệnh lý, bao gồm cả ung thư dạ dày. So với những người có BMI <25, những người có BMI từ 30 đến 35 có nguy cơ mắc bệnh gấp 2 lần, tỷ lệ này là 3 lần đối với những người có BMI >40. Béo bụng có thể là một yếu tố trực tiếp gây ra trào ngược dạ dày thực quản. Hơn nữa, chất béo qua hoạt động trao đổi chất của cơ thể có thể tạo ra nhiều sản phẩm chuyển hóa có liên quan đến các khối u ác tính. 

4. Tiên lượng của người ung thư dạ dày giai đoạn cuối

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Nhìn chung tiên lượng của bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối rất xấu

Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối có tiên lượng xấu, thời gian sống của bệnh nhân chỉ kéo dài từ 1-3 năm, rất ít các trường hợp kéo dài thời gian sống đến 5 năm. Tuy nhiên đây chỉ là tiên lượng sống của đa số bệnh nhân, chỉ mang tính chất tham khảo. Trên thực tế, tiên lượng sống của mỗi người rất khác nhau do tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người đáp ứng với các phương pháp điều trị. Với sự tiến bộ của y học, các phương pháp điều trị ung thư mới ra đời mang lại những hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu các triệu chứng và kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Do vậy, để có thể đạt được kỳ tích, gia tăng thời gian sống, người bệnh nên giữ vững tinh thần, có thái độ lạc quan, quyết tâm chiến đấu với bệnh tật, đặc biệt là nên tuyệt đối tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. 

5. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Ung thư dạ dày giai đoạn cuối không thể chữa khỏi hoàn toàn do các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các phương pháp điều trị trên bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối nhằm mục đích giảm đau đớn, ngăn ngừa sự tiến triển của ung thư và tăng thêm thời gian sống cho người bệnh.

5.1. Phẫu thuật

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Phẫu thuật cho người mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Phẫu thuật ít mang lại hiệu quả điều trị trong ung thư dạ dày giai đoạn cuối bởi vì lúc này khối u đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi,…. Biện pháp phẫu thuật có thể được chỉ định trên bệnh nhân để duy trì thời gian sống cho bệnh nhân khi khối u quá lớn chèn ép các cơ quan gây đau đớn, khối u chảy máu hoặc trong bất kỳ trường hợp nào khối u có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, bệnh nhân thường được điều trị kết hợp thêm các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị,…

5.2. Hóa trị

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Phương pháp hóa trị mang lại hiệu quả tích cực nhất cho bệnh nhân

Hóa trị là phương pháp sử dụng các chất gây độc tế bào trên bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân sử dụng các chất này, chúng sẽ phân bố khắp cơ thể và tập trung với nồng độ lớn hơn ở các tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt chúng. Các hóa chất này có thể có bản chất phóng xạ (hóa xạ trị) hoặc không (hóa trị liệu đơn độc), được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường uống hoặc đường tiêm truyền tĩnh mạch. Do bệnh nhân ở giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, các khối u đã di căn đến các cơ quan khác cho nên hóa trị sẽ là phương pháp mang lại hiệu quả tích cực nhất trên bệnh nhân. Bởi vì hóa chất được phân bố khắp cơ thể, chúng sẽ tập trung ở các tế bào ung thư không chỉ ở dạ dày mà còn ở các cơ quan khác, nơi mà khối u đã di căn.

Hóa trị cũng là phương pháp hỗ trợ cho phẫu thuật. Trước khi thực hiện phẫu thuật khối u, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định hóa trị để kìm hãm sự phát triển của khối u, ngăn sự di căn của các tế bào ung thư, từ đó sẽ làm cho việc phẫu thuật loại bỏ khối u dễ dàng hơn. Hóa trị cũng có thể sử dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại sau khi đã loại bỏ khối u.

Phương pháp hóa trị sử dụng các chất độc với tế bào, do đó có rất nhiều tác dụng phụ trên bệnh nhân như: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau, rụng tóc, nôn và buồn nôn, thiếu máu,… Hóa trị thường được thực hiện theo chu kỳ, khoảng cách giữa mỗi lần sử dụng hóa chất thường cách nhau vài tuần để bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục lại sức khỏe. Bệnh nhân hóa trị cần phải chuẩn bị tinh thần, suy nghĩ tích cực và không nên bỏ dở liệu trình điều trị. 

Với y học ngày càng phát triển, những loại thuốc mới ra đời mở ra hy vọng tiêu diệt được chính xác các tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khỏe mạnh, từ đó cải thiện tích cực tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ung thư đồng thời hạn chế các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị. Những loại thuốc mới này được gọi là thuốc điều trị tại đích, Anti-angiogenesis và HER2-target là hai nhóm thuốc chính thường được dùng để điều trị ung thư dạ dày.

5.3. Xạ trị

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Xạ trị bệnh nhân ung thư dạ dày

Xạ trị là một phương pháp phổ biến trong điều trị các bệnh ung thư, sử dụng các tia bức xạ có nguồn năng lượng cao như tia X, tia Gamma để tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chúng phát triển và phân chia. Xạ trị có thể phối hợp cùng với hóa trị và phẫu thuật để đạt hiệu quả điều trị cao nhất trên bệnh nhân.

Phương pháp xạ trị ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối không mang lại hiệu quả nhiều bằng phương pháp hóa trị khi sử dụng đơn độc, nhưng ưu điểm của xạ trị là ít gây đau đớn hơn, thời gian điều trị có thể thực hiện liên tục mà không cần thời nghỉ, do đó thời gian đợt điều trị sẽ ngắn hơn hóa trị.

Xạ trị có thể gây ra những tác dụng phụ trên bệnh nhân như: nôn và buồn nôn, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, tổn thương da nơi chiếu xạ,…

>>>Xem thêm: Thuốc Chữa Bệnh Dạ Dày Và Cách Sử Dụng An Toàn Và Hiệu Quả

5.4. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư mới, sử dụng vắc-xin hoặc kháng thể kháng khối u để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh ung thư. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt, nó có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư, từ đó ức chế sự phát triển của khối u. Các tế bào ung thư thường trốn hệ miễn dịch của chúng ta bằng cách ức chế hoạt động của tế bào lympho T. Do đó, liệu pháp miễn dịch sử dụng các kháng thể điều hòa miễn dịch nhắm vào các kháng nguyên bề mặt tế bào miễn dịch, ngăn chặn các tín hiệu ức chế miễn dịch mà các tế bào ung thư truyền tới và tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch đại diện cho một hướng mới trong điều trị khối u. 

Mặc dù liệu pháp miễn dịch thể hiện được hiệu quả, nhưng vẫn cần có các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm quy mô lớn để chứng minh hiệu quả của nó. Các cơ chế dung nạp miễn dịch mới được phát hiện, cơ chế miễn dịch kháng khối u, các công nghệ và phương pháp mới sẽ cho phép chúng ta vượt qua các rào cản đối với liệu pháp miễn dịch trong ung thư dạ dày để biến nó thành một phương pháp điều trị hiệu quả và đáng tin cậy.

6. Phòng ngừa ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Phòng ngừa ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể đạt được bằng cách phòng ngừa ngay từ ban đầu, tức là bằng cách giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở người chưa mắc bệnh, hoặc sử dụng phòng ngừa thứ cấp, tức là phát hiện và điều trị bệnh dứt điểm ngay ở giai đoạn đầu của nó.

6.1. Tầm soát ung thư dạ dày sớm

Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu được phẫu thuật triệt căn sau đó là hóa trị, tỷ lệ sống sau mổ 5 năm là 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện ung thư dạ dày thấp vì thiếu các dấu hiệu nhận biết cụ thể của bệnh, người bệnh chủ quan và nhầm tưởng là các triệu chứng của các bệnh lý dạ dày thông thường. Do đó, hầu hết bệnh nhân (> 70%) phát triển bệnh ở giai đoạn muộn, một số bệnh nhân thậm chí mất cơ hội phẫu thuật cắt bỏ. Khi có các dấu hiệu như: sụt cân không rõ nguyên nhân, đau rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa,…, bạn nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

6.2. Diệt trừ H.pylori 

ung-thu-da-day-giai-doan-cuoi

Vi khuẩn H.pylori có thể gây ung thư dạ dày

Một phân tích tổng hợp của 7 nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng điều trị H. pylori có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày tới 35%. Các hướng dẫn điều trị của Mỹ và Châu Âu cũng khuyến nghị rằng loại trừ H. pylori cho tất cả những người thân trong gia đình của bệnh nhân ung thư dạ dày ngoài việc theo dõi nội soi và mô học. Việc tầm soát và điều trị H.pylori có hiệu quả nhất ở người trẻ không mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, diệt trừ H.pylori có một số hiệu quả ngay cả khi ung thư đã xảy ra: điều trị H. pylori sau khi được chẩn đoán ung thư dạ dày làm giảm nguy cơ ung thư di căn gan xuống gần một nửa. Do vậy, khi có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa và dạ dày, bạn nên đi khám, nội soi tiêu hóa xác định có H.pylori trong dạ dày hay không để có biện pháp điều trị thích hợp nhất.

6.3. Xây dựng lối sống lành mạnh

  • Giảm lượng muối ăn: Hạn chế ăn mặn không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh khác, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đặt mục tiêu giảm lượng muối ăn vào trên toàn cầu xuống dưới 5g / ngày vào năm 2025.
  • Tăng cường ăn rau, củ, quả: Chất xơ hòa tan trong rau củ quả giúp nhuận tràng và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra các loại rau xanh và trái cây còn cung cấp cho bạn nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể khác.
  • Hạn chế ăn đồ chiên rán, các loại thực phẩm xông khói, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ăn chậm, nhai kỹ, nên chia nhỏ bữa ăn, điều này sẽ làm giảm tải hoạt động cho dạ dày.
  • Không nên bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, không vận động mạnh ngay sau khi ăn.
  • Không hút thuốc lá: Do hút thuốc đã được công nhận là một nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày, nên việc tránh hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
  • Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, việc tập thể dục giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng và chỉ số khối cơ thể BMI, từ đó có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày (do béo phì là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày).

>>>Xem thêm: Chữa Ung Thư Dạ Dày Bằng Thuốc Nam Như Thế Nào

Qua bài viết này, Scurma Fizzy hy vọng đã cung cấp được cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Tìm hiểu thêm sản phẩm hỗ trợ dạ dày đã được đánh giá hiệu quả ngay ngay tại đây. Liên hệ ngay HOTLINE 18006091 để được tư vấn MIỄN PHÍ về tình trạng dạ dày đang gặp phải ngay hôm nay từ các bác sĩ, dược sĩ chuyên gia để hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091