Viêm Dạ Dày Ở Trẻ Em Ảnh Hưởng Đến Hấp Thu Và Phát Triển Như Thế Nào

Viêm Dạ Dày Ở Trẻ Em Ảnh Hưởng Đến Hấp Thu Và Phát Triển Như Thế Nào

Viêm dạ dày là tình trạng bệnh lý thường gặp nhất trên đường tiêu hóa. Mặc dù bệnh thường gặp hơn ở người lớn nhưng hiện nay tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ngày càng tăng. Triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ em khác với viêm dạ dày ở người lớn nên các bậc phụ huynh thường chủ quan khiến cho việc điều trị viêm dạ dày ở trẻ em gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hấp thu và phát triển của trẻ.

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc khi trẻ bị viêm dạ dày.

1.Viêm dạ dày ở trẻ em là bệnh gì? 

Viêm dạ dày ở trẻ em và viêm dạ dày nói chung một bệnh mạn tính, xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Bệnh ít gặp ở trẻ nhỏ 0 – 5 tuổi và thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ 9 – 16 tuổi.

viem-da-day-o-tre-em

Bệnh viêm dạ dày ở trẻ em

Cơ chế sinh bệnh viêm dạ dày ở trẻ em

Hàng ngày, dạ dày phải đảm nhận một công việc hết sức nặng nề và nguy hiểm đó là tiêu hóa một lượng thức ăn khổng lồ và phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân có hại cho dạ dày: vi khuẩn, virus, thuốc, … . Sở dĩ dạ dày có thể chống lại các tác nhân đó và làm việc bình thường được là vì trong dạ dày luôn có các yếu tố bảo vệ: lớp nhầy, HCO3- và hàng rào niêm mạc. 

Khi sự cân bằng giữa yếu tố tấn công và bảo vệ bị mất đi, cụ thể là yếu tố tấn công nhiều hơn yếu tố bảo vệ thì niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn thương và dẫn đến viêm dạ dày.

viem-da-day-ơ-tre-em

Cơ chế bệnh viêm dạ dày ở trẻ em

 

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày ở trẻ em

2.1. Vi khuẩn H.pylori gây viêm dạ dày ở trẻ em

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori ( Hp ) – một trong những bệnh nhiễm khuẩn thường gặp nhất ở người, cũng là nguyên nhân chính của bệnh viêm dạ dày ở trẻ em.

Vi khuẩn Hp là một xoắn khuẩn Gram âm, có khả năng sống và phát triển trong lớp nhầy của dạ dày. Tại đây, vi khuẩn Hp sẽ tiết ra men urease, men lipase và các độc tố khác để gây độc cho các tế bào ở niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, vi khuẩn Hp còn ngăn cản quá trình hình thành lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến cho dạ dày phải chịu tác động trực tiếp từ acid, pepsin dịch vị dẫn đến các bệnh viêm, loét dạ dày.

Vi khuẩn Hp có thể lây từ người sang người, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm vi khuẩn Hp qua các các con đường sau: 

  • Đường miệng – miệng: Ngoài dạ dày, vi khuẩn Hp có thể tồn tại trong dịch tiết nước bọt của người bệnh. Thói quen hôn môi trẻ, mớm cơm cho trẻ ăn tưởng chừng vô hại nhưng lại làm cho nguy cơ trẻ bị nhiễm Hp tăng lên.
  • Đường phân – miệng: Vi khuẩn Hp được đào thải qua phân, ở nhiều nơi vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, quy trình xử lý phân chưa được làm đúng cách dễ gây nhiễm Hp trong nguồn nước. Trẻ em ăn phải nguồn nước này sẽ bị nhiễm khuẩn Hp và dẫn đến viêm dạ dày.
  • Lây qua các dụng cụ y tế được vệ sinh chưa đúng cách: dụng cụ soi tai – mũi – họng, nha khoa, nội soi dạ dày,,…

 

 

viem-da-day-o-tre-em

Vi khuẩn Hp – nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ở trẻ em

2.2. Sử dụng thuốc không đúng cách gây viêm dạ dày ở trẻ em

Lạm dụng thuốc là thực trạng đáng lo ngại ở Việt Nam hiện nay. Hình ảnh các ông bố, bà mẹ mỗi lần thấy con kêu mệt một chút đã chạy vào nhà thuốc mua kháng sinh, thuốc giảm đau khi chưa được chẩn đoán bệnh thật không khó để nhìn thấy.

Đây là việc làm hết sức tai hại bởi nếu sử dụng thuốc thường xuyên đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau không steroid (NSAIDS) mà không phối hợp với các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày sẽ khiến lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày bị giảm đi. Khi yếu tố bảo vệ bị giảm đi, dạ dày không còn đủ sức để chống chọi với vi khuẩn, virus, acid và pepsin dạ dày sẽ dẫn đến viêm dạ dày.

2.3. Viêm dạ dày ở trẻ em do ăn uống không khoa học

Ăn uống không khoa học, lành mạnh là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh viêm dạ dày ở trẻ em. Những thói quen ăn uống không tốt dẫn đến viêm dạ dày ở trẻ có thể kể đến như:

  • Trẻ thường xuyên bỏ bữa ăn ( đặc biệt là bữa sáng ): Bữa sáng là lúc dạ dày tiết nhiều acid nhất trong ngày, nếu thường xuyên để dạ dày trống, không có thức ăn để thấm dịch dạ dày, acid trong dịch dạ dày sẽ tác động lên và ăn mòn lớp chất nhầy dẫn đến tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và tình trạng viêm, loét dạ dày.
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ (gà rán, khoai tây chiên, xúc xích rán,…) : Thực phẩm chứa dầu mỡ là loại thực phẩm khó tiêu hóa nhất trong dạ dày. Ăn nhiều loại thực phẩm này sẽ khiến dạ dày bị quá tải, làm giảm chức năng tiêu hóa của dạ dày ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.
  • Ăn nhiều đồ ăn chua, cay: sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày, làm sưng tấy niêm mạc dạ dày. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hình thành các ổ viêm loét trong dạ dày, dẫn đến bệnh viêm dạ dày ở trẻ.
  • Uống nhiều nước ngọt có gas: Trong nước có gas có chứa rất nhiều CO2, cafein, … . Những chất này có khả năng làm tăng tiết acid dịch vị, dẫn đến tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và bệnh viêm dạ dày.
viem-da-day-o-tre-em

Thực phẩm gây viêm dạ dày ở trẻ em

2.4. Stress

Đây có lẽ là lý do mà các bậc phụ huynh thường không nghĩ tới nhất. Mọi người cho rằng chỉ có người lớn hàng ngày phải chịu áp lực từ công việc, cơm áo gạo tiền mới bị stress. Còn trẻ em chỉ ăn, học và chơi thì không bị stress nhưng điều này không hoàn toàn đúng. 

Trẻ em ngày nay phải chịu áp lực rất lớn từ việc học: học trên trường, học thêm trên lớp, học thêm ở nhà, lịch học cũng như bài tập quá nhiều cũng khiến các em cũng bị stress, ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm thần kinh ở hành não, gây tiết nhiều acid dạ dày dẫn đến viêm dạ dày ở trẻ em.

viem-da-day-o-tre-em

Stress là nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em

>>>Xem thêm: Nguyên Nhân Viêm Dạ Dày Và Cách Phòng Ngừa Kịp Thời

3. Triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ em

3.1. Đau bụng

Khi bị viêm dạ dày trẻ thường bị đau bụng do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Tình trạng này thường có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại sau khi ăn và mức độ đau sẽ tăng dần theo thời gian.

Nếu người lớn chỉ đau ở vùng thượng vị thì viêm dạ dày ở trẻ em có thể gây đau ở nhiều vị trí khác nhau như: đau quanh rốn, đau trên rốn. Việc này khiến cha mẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa thông thường như đau do giun, rối loạn tiêu hóa,…. Để phân biệt các bệnh này cũng như để điều trị hiệu quả nhất nên đưa trẻ đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác.

 

3.2. Trẻ biếng ăn và khó chịu

Viêm dạ dày khiếm acid dịch vị tiết ra quá nhiều, làm cho trẻ cảm thấy cồn cào, nóng rát trong bụng khiến trẻ không cảm thấy ngon miệng. Tuy nhiên vì trẻ còn nhỏ, không thể miêu tả được triệu chứng cho người lớn hiểu nên trẻ dễ cáu gắt, khó chịu và lười ăn.

3.3. Trẻ hay ợ hơi, ợ chua và nôn ói

Acid dịch vị tiết ra quá nhiều sẽ có hiện tượng trào ngược lên thực quản dẫn đến triệu chứng ợ hơi, ợ chua và nôn ói ở trẻ. 

3.4. Trẻ mệt mỏi, gầy sút, xanh xao

Niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương dẫn đến việc hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ bị giảm. Thiếu chất dinh dưỡng, cơ thể của trẻ không còn đủ năng lượng để thức hiện các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể nên dẫn đến mệt mỏi, gầy sút, xanh xao.

viem-da-day-o-tre-em

Triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ em

>>>Xem thêm: Triệu Chứng Của Viêm Dạ Dày Và Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả Nhất

4. Viêm dạ dày ở trẻ em có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ?

4.1. Giảm khả năng hấp thu khi bị viêm dạ dày ở trẻ em

Viêm dạ dày làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng ở trẻ em, gây nên những hậu quả như:

  • Thiếu Canxivitamin D: trẻ em bị còi xương, kém phát triển chiều cao, ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ.
  • Thiếu sắt, vitamin B12: Đây là hai thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh ra hồng cầu của cơ thể. Thiếu hai thành phần này, cơ thể không có đủ nguyên liệu để tạo máu, gây thiếu máu ở trẻ.
  • Thiếu các loại vitamin như vitamin A, vitamin C,…: trẻ dễ bị giảm thị lực, dễ bị chảy máu, suy giảm sức đề kháng.
  • Thiếu vitamin K: vitamin K là một thành phần quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Thiếu vitamin K trẻ có thể bị chảy máu liên tục, gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Thiếu glucose, protein, lipid kéo dài, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp.

4.2. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm dạ dày ở trẻ em

Bệnh viêm dạ dày nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ như:

  • Thủng dạ dày: là một cấp cứu ngoại khoa, do các chất trong dịch dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm màng bụng với biểu hiện là trẻ đau bụng dữ dội
  • Xuất huyết dạ dày: biểu hiện bằng các triệu chứng: nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen hoặc cả hai. Ngoài hai triệu chứng trên có thể kèm theo triệu chứng của mất máu: mệt mỏi, choáng váng, hạ huyết áp, ngất,… . Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong vì trụy tim mạch, hạ huyết áp do mất nhiều máu.
  • Ung thư dạ dày: là biến chứng ít gặp nhưng nguy hiểm nhất của bệnh viêm dạ dày. Ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm nên rất khó nhận biết, hầu hết các trường hợp phát hiện ra bệnh đều đã ở giai đoạn cuối, hầu như không có cơ hội chữa khỏi.

5. Điều trị viêm dạ dày ở trẻ em

Khi trẻ có các triệu chứng của bệnh, tốt nhất nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

5.1. Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ở trẻ em như thế nào

Phương pháp nội soi dạ dày vẫn luôn được coi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ở trẻ em. Bác sĩ sẽ dùng một ống soi mềm có gắn camera đưa qua miệng hoặc mũi, đi xuống dạ dày để quan sát và đánh giá tình trạng dạ dày của trẻ. Phương pháp này có thể khiến trẻ cảm thấy buồn nôn, khó chịu nên bác sĩ có thể gây mê cho trẻ nếu cần thiết.

Khi soi dạ dày nếu thấy có tình trạng bất thường như viêm, loét, bác sĩ sẽ lấy mẫu từ các ổ viêm tại dạ dày mang đi nuôi cấy, nhuộm soi hoặc làm PCR để chẩn đoán nguyên nhân của bệnh. 

 

viem-da-day-o-tre-em

Nội soi dạ dày chẩn đoán viêm dạ dày ở trẻ em

 

Khi thăm khám bác sĩ có thể có những câu hỏi để định hướng nguyên nhân của bệnh và chỉ định làm những xét nghiệm cần thiết như:

  • Trẻ xuất hiện các triệu chứng gì? Tần suất như thế nào?
  • Trong gia đình có ai đang hay đã từng bị nhiễm Hp không?
  • Gần đây trẻ sử dụng những loại thuốc nào?
  • Chế độ ăn uống thường ngày của trẻ? Trẻ có hay ăn đồ chiên, chua, cay, uống nước có gas không?
  • Gần đây bé có phải chịu áp lực từ việc gì không?

Do đó trước khi đưa trẻ đi khám, phụ huynh nên quan sát kỹ biểu hiện của trẻ để có thể đưa ra câu trả lời chính xác, giúp cho việc chẩn đoán bệnh nhanh hơn.

5.2. Điều trị viêm dạ dày ở trẻ em 

Khi đã được chẩn đoán và biết được nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày, trẻ cần được điều trị ngay tránh xuất hiện các biến chứng. Phác đồ điều trị viêm dạ dày ở trẻ em phụ thuộc vào: 

  • Nguyên nhân và mức độ của bệnh
  • Tình trạng sức khỏe và mức đáp ứng của trẻ đối với thuốc

Thông thường bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa theo nguyên nhân của bệnh và chia làm 2 loại: 

5.2.1. Điều trị viêm dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp

Điều trị bệnh viêm dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

  • Thuốc kháng sinh: là thuốc sẽ trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn Hp. Một số thuốc kháng sinh thường được dùng để trị viêm dạ dày ở trẻ em là: Amoxicillin, Tetracyclin, Clarithromycin, Metronidazol.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): có tác dụng làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Hp phát triển do đó làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh (vì thuốc kháng sinh chỉ tác dụng khi vi khuẩn đang phân chia, tác dụng). Các thuốc PPI gồm: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: thường được dùng nhất là Bismuth, ngoài ra còn có Sucralfat, Misoprostol

Hiện nay có 2 phác phác đồ được chỉ định để điều trị viêm dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp:

Phác đồ 1 ( có 3 lựa chọn )

  • PPI + Amoxicillin + Clarithromycin 
  • Amoxicillin + Metronidazole + PPI 
  • Clarithromycin + Metronidazole + PPI. 

Với liều dùng như sau:

  • Clarithromycin: 15mg/ kg/ ngày tối đa 500mg/ngày, ngày dùng 2 lần
  • Amoxicillin: 50mg/ kg/ ngày, tối đa 1g/ngày, 1 ngày dùng 2 lần
  • PPI được dùng cho trẻ là omeprazole với liều dùng: 1mg/ kg/ ngày, tối đa là 20mg/ lần x 2 lần/ ngày

 Phác đồ 2 ( có 2 lựa chọn )

  • Bismuth subsalicylate + Metronidazole + PPI + Amoxicillin ( hoặc Tetracyclin, Clarithromycin)
  • Ranitidin bismuth citrat + Metronidazol + Clarithromycin

Với liều dùng như sau:

  • Amoxicillin:  50mg/kg/ngày 
  • Tetracyline: 15mg/kg/ngày 
  • Clarithromycin:  15mg/kg/ngày
  • Bismuth subsalicylate: 262 mg x 4 lần/ngày
  • Ranitidin bismuth citrat (1 viên x 4 lần/ngày)
  • PPI: 1mg/kg/ngày 

5.2.2. Điều trị viêm dạ dày ở trẻ em do các nguyên nhân khác 

Với bệnh viêm dạ dày ở trẻ em do nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ không chỉ định dùng kháng sinh mà chỉ dùng các thuốc làm giảm tiết acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày, đồng thời loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như: thói quen ăn uống, sinh hoạt của trẻ, stress, do dùng thuốc NSAIDS,…

5.3. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm dạ dày ở trẻ em

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng đặc biệt cần chú ý trong điều trị y khoa vì sự chuyển hóa thuốc ở trẻ em khác so người lớn và các tác dụng không mong muốn của thuốc trên trẻ em thường nặng hơn trên người lớn. Do đó, khi điều trị bệnh viêm dạ dày cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý:

5.3.1. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa biết nguyên nhân của bệnh

Bệnh viêm dạ dày ở trẻ em rất dễ trị khỏi nếu được điều trị đúng thuốc, đúng nguyên nhân của bệnh. Nếu dùng không đúng thuốc, không những không chữa khỏi bệnh mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

5.3.2. Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị đã được bác sĩ chuyên khoa chỉ định

Bệnh viêm dạ dày ở trẻ em cần phải điều trị trong thời gian dài và liên tục, thông thường từ 7-14 ngày hoặc có thể kéo dài hơn nếu cần thiết nên yêu cầu trẻ phải có sự kiên trì và tuân thủ đúng thời gian điều trị. Nếu trẻ bỏ liều sẽ gây khó khăn trong việc điều trị và dễ khiến cho bệnh tái phát trở lại.

Liệu trình điều trị đầu tiên được bác sĩ chỉ định dựa trên nhiều yếu tố: tuổi tác, tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Nếu bệnh tái phát, trẻ sẽ phải bắt đầu một liệu trình điều trị mới. Thông thường liệu trình sau sẽ có nhiều tác dụng không mong muốn hơn và khó đạt hiệu quả tốt như liệu trình đầu tiên.

5.3.3. Tạo tâm lý thoải mái khi cho trẻ uống thuốc

Phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc điều trị viêm dạ dày ở trẻ em

Thông thường trẻ em rất sợ phải uống thuốc, phụ huynh không nên ép buộc mà nên cổ vũ, khích lệ tinh thần, thu hút sự chú ý của trẻ bằng đồ chơi,… làm cho bé cảm thấy yên tâm và không sợ uống thuốc. 

5.3.4. Lưu ý nhóm thuốc NSAIDS khi trẻ đang điều trị viêm dạ dày

Thuốc NSAIDS là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm được sử dụng nhiều để trị các bệnh như:  viêm khớp dạng thấp, gút, lupus ban đỏ,… . Thuốc NSAIDS không chọn lọc, ngoài tác dụng lên enzyme COX 2 để giảm viêm, còn tác dụng lên cả enzyme COX 1 gây viêm loét dạ dày.

Nếu sử dụng đồng thời thuốc trị viêm dạ dày với thuốc NSAIDS sẽ làm cho hiệu quả điều trị viêm dạ dày của trẻ em giảm xuống. Do đó, phụ huynh cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mà trẻ đang dùng để được bác sĩ xem xét và đổi sang loại thuốc khác phù hợp hơn mà không làm giảm tác dụng điều trị.

5.3.5. Bảo quản thuốc đúng cách, đúng quy định

Trong sử dụng thuốc, bảo quản là quy trình có vai trò quan trọng nhưng lại thường không được chú ý đến. 

Nếu bảo quản không đúng cách, thuốc dễ bị chuyển hóa thành những chất không có hoạt tính trị bệnh hoặc là những chất gây độc đối với trẻ. 

>>>Xem thêm: Top Những Thuốc Viêm Dạ Dày Mang Lại Hiệu Quả Vượt Trội

6. Viêm dạ dày ở trẻ em nên chăm sóc như thế nào?

Song song với việc điều trị bằng thuốc, phụ huynh nên chú trọng đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ em để giúp cho việc điều trị có hiệu quả hơn cũng như là để ngăn ngừa bệnh viêm dạ dày tái phát trở lại.

6.1. Chế độ ăn uống

  • Không cho trẻ bỏ bữa sáng, đảm bảo cho trẻ luôn ăn đủ 3 bữa 1 ngày.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, tránh để trẻ ăn quá nhiều một lúc sẽ gây áp lực lên dạ dày.
  • Không nên cho trẻ ăn:
  • Đồ quá thô, cứng, nếu cần thiết nên cắt nhỏ hoặc xay ra
  • Cơm chan với nước canh sẽ khiến trẻ không nhai kĩ, dạ dày phải làm việc nhiều hơn gây đau dạ dày.
  • Đồ chua, cay, nóng
  • Hoa quả chua như: cam, chanh, dâu,… vì những loại quả này có chứa acid sẽ gây tăng acid trong dạ dày
  • Các loại gia vị kích thích tiết acid dịch vị như: ớt, giấm, tiêu,…
  • Nên thêm vào khẩu phần ăn của trẻ các loại thực phẩm tốt cho dạ dày như: 
  • Bắp cải: có tác dụng điều hòa sự co bóp của dạ dày, hỗ trợ làm lành các ổ viêm, loét dạ dày.
  • Bông cải xanh: có chứa sulforaphane – là chất có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Hp, góp phần làm giảm tình trạng viêm ở dạ dày.
  • Nghệ: Từ lâu, nghệ đã được biết đến là một vị thuốc có tác dụng rất tốt lên các bệnh về dạ dày như: viêm, loét dạ dày – tá tràng. Nghệ có tác dụng tốt như vậy là nhờ có hoạt chất Curcumin có tính kháng khuẩn mạnh, làm tăng tiết dịch mật mà không làm tăng tiết dịch dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và chữa lành những ổ viêm loét trên niêm mạc dạ dày.
  • Mật ong: là một vị thuốc được biết đến với khả năng chữa được rất nhiều bệnh trong đó có bệnh viêm dạ dày. Trong mật ong có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng làm lành các ổ viêm, loét tại dạ dày. Ngoài ra, mật ong còn có tác dụng kháng khuẩn và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Bánh mì: là loại thực phẩm có khả năng thấm hút nhanh, khi xuống dạ dày các chất dịch dạ dày sẽ thấm vào bánh, giúp làm giảm nhanh lượng acid trong dạ dày. 

 

viem-da-day-o-tre-em

Thực phẩm nên ăn khi bị viêm dạ dày ở trẻ em

6.2. Chế độ sinh hoạt

  • Không nên để trẻ thức khuya bởi thức khuya nhiều, cơ thể không được nghỉ ngơi đủ sẽ tạo điều kiện để bệnh viêm dạ dày tái phát trở lại.
  • Không tạo áp lực về việc học của trẻ, nên để trẻ có thời gian thư giãn, giải trí sau những giờ học căng thẳng.
  • Hạn chế cho trẻ xem các nội dung tiêu cực trên , Youtube, Internet sẽ khiến trẻ mang tâm lý nặng nề, dễ gây đau và viêm dạ dày trở lại.
  • Tránh để trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc uống nước, bát, đũa, thìa,… với các bạn học khác.
  • Từ bỏ thói quen hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho trẻ, nên cho trẻ sử dụng bát, đũa, thìa, cốc uống nước riêng để tránh lây nhiễm vi khuẩn Hp.

>>>Xem thêm: Bệnh Viêm Dạ Dày Phòng Và Điều Trị Bệnh Cùng Chuyên Gia

Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh viêm dạ dày ở trẻ em. Căn bệnh này rất dễ chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu con bạn đang có những triệu chứng của bệnh viêm dạ dày hoặc bạn đang có thắc mắc về bệnh viêm dạ dày ở trẻ em, hãy liên hệ tới HOTLINE 18006091 để được các bác sĩ chuyên khoa giải đáp và tư vấn cụ thể hơn nhé. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!

 

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091