Đau Dạ Dày Tá Tràng Và Những Điều Cần Biết

Đau Dạ Dày Tá Tràng Và Những Điều Cần Biết

Đau dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tình trạng đau gây cảm giác khó chịu và khiến nhiều người gặp không ít khó khăn trong tiêu hóa thức ăn. Vậy đau dạ dày tá tràng là tình trạng như thế nào, nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, các phương pháp phòng tránh và điều trị tình trạng này là gì? Sau đây hãy cùng Thtea tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây

1. Đau dạ dày tá tràng là gì?

Đau dạ dày tá tràng là tình trạng do xuất hiện các ổ viêm loét bên trong dạ dày hoặc phần đầu ruột non. Tùy theo vị trí viêm loét khác nhau, vị trí đau sẽ khác nhau và tên gọi của bệnh khác nhau như viêm, loét hang vị; viêm, loét môn vị;… 

Tình trạng này xảy ra khi axit trong dạ dày ăn mòn lớp chất nhầy bảo vệ đường tiêu hóa của bạn. Bạn có thể không có triệu chứng, có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau rát.

Biến chứng của loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và phải nhập viện truyền máu.

Có 2 loại đau dạ dày tá tràng:

  • Đau dạ dày

Xuất hiện tình trạng viêm loét tại dạ dày làm niêm mạc dạ dày của bạn bị tổn thương

  • Đau tá tràng

Tá tràng là phần đầu của ruột non, đây là nơi thức ăn di chuyển xuống sau khi hoàn thành tiêu hóa ở dạ dày. Đau tá tràng là tình trạng xuất hiện viêm loét ở đầu trên cùng của ruột non, một cơ quan tiêu hóa và hấp thụ nhiều thức ăn.

>>>> Tìm hiểu thêm: Đau dạ dày là gì và tìm hiểu thuốc chữa đau dạ dày an toàn và hiệu quả

1.1. Viêm loét dạ dày tá tràng được định nghĩa như thế nào?

Viêm dạ dày là tình trạng viêm , kích ứng hoặc xói mòn niêm mạc bên trong dạ dày. Nó có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc chậm dãi và từ từ (mãn tính).

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý mạn tính, diễn biến có tính chất chu kỳ, là tình trạng có sự hiện diện của tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng

Tính chất chu kỳ là tính chất quan trọng trong loét dạ dày tá tràng chưa có biến chứng, là sự lặp lại về mặt thời gian và các đặc điểm của cơn đau.

Khi tính chất chu kỳ này bị thay đổi có nghĩa là tình trạng loét đã xuất hiện biến chứng.

Tổn thương loét là sự phá hủy tại chỗ lớp niêm mạc dạ dày tá tràng bởi các yếu tố gây loét. Tổn thương loét gồm 2 loại:

  • Loét mới

Là sự phá hủy dừng lại ở lớp niêm mạc, khi đó cơ thể có thể tự huy động các vật liệu để sửa chữa.

  • Loét mạn tính

Là tình trạng các ổ loét ăn xuống các lớp bên dưới của thành dạ dày tá tràng (lớp dưới niêm mạc, lớp cơ).

Khi đó khả năng tự sửa chữa của cơ thể bị hạn chế hoặc không khởi động kịp thời dẫn đến bắt buộc phải điều trị. Nếu các ổ loét không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng thủng ổ loét.

1.2. Vị trí của các ổ viêm loét

Dạ dày gồm 4 phần: bờ cong nhỏ, hang vị, môn vị, đáy vị. Bờ cong nhỏ là vị trí có khả năng lớn nhất dẫn tới ung thư do vùng bờ cong nhỏ phải hoạt động mạnh khi tiêu hóa không được nghỉ ngơi.

Vùng bờ cong nhỏ là vùng có hệ thống mạch máu nuôi dưỡng kém phong phú hơn các vị trí khác nên vật liệu để sửa chữa khó được vận chuyển tới.

Tá tràng: hành tá tràng là vị trí nối tiếp với dạ dày nên dễ tiếp xúc với axit dịch vị dạ dày cao hơn các vị trí khác.

2. Các yếu tố nguy cơ gây đau dạ dày tá tràng

Các yếu tố nguy cơ là sự suy giảm các yếu tố bảo vệ hoặc gia tăng các yếu tố tấn công nhưng chưa đủ để gây mất cân bằng (nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng).

cac-yeu-to-nguy-co-viem-loet-dạ-day-ta-trang

Các yếu tố nguy cơ

2.1. Căng thẳng thần kinh (stress – chấn thương tinh thần)

Khi stress, cơ thể sẽ tăng tiết cortisol dẫn đến kích thích tế bào viền tiết acid kéo dài làm tăng nguy cơ tấn công. Và khi có sự phối hợp của sự suy giảm yếu tố bảo vệ sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày.

Tình trạng xuất hiện stress có thể do bỏng nặng, mắc các bệnh nặng, áp lực công việc,…

2.2. Yếu tố nhóm máu – nguy cơ dẫn đến đau dạ dày tá tràng

Nhóm máu O là nhóm máu có nguy cơ cao dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng do kháng nguyên quyết định nhóm máu O có ái tính đặc biệt với vi khuẩn Hp dẫn đến dễ bị nhiễm khuẩn Hp.

2.3. Tiền sử gia đình ảnh hưởng đến đau dạ dày tá tràng

Nếu bố hoặc mẹ có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng thì nguy cơ con bị viêm loét tăng 3 – 4 lần so với người bình thường.

Do người trong cùng một gia đình thường có chế độ ăn uống sinh hoạt tương tự nhau sẽ dẫn đến tăng khả năng lây nhiễm H.p chéo.

Ngoài ra còn do khả năng cùng nhóm máu O.

2.4. Các trình trạng bệnh lý khác dẫn đến đau dạ dày tá tràng

  • Hội chứng Zollinger – Ellison (u đầu tụy):

Khi bị u đầu tụy cơ thể sẽ tăng tiết gastrin, là một hormon kích thích thích tế bào viền của dạ dày tăng tiết axit dịch vị, tăng yếu tố tấn công.

  • Xơ gan:

Chức năng gan bị suy giảm dẫn đến suy giảm khả năng phân hủy histamin – một hormon có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết axit dịch vị.

Trong các yếu tố nguy cơ trên, các yếu tố về stress, bệnh lý là các yếu tố có thể thay đổi được trong phòng tránh viêm loét dạ dày tá tràng.

Các yếu tố còn lại không thay đổi được, những người có các yếu tố nguy cơ này cần tăng tầm soát nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.

>>>> Xem thêm ngay: Viêm Loét Dạ Dày Và Cách Điều Trị Không Dùng Thuốc

3. Nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày tá tràng phổ biến hiện nay

Nguyên nhân chính của đau dạ dày tá tràng là do viêm loét dạ dày tá tràng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.

nguyen-nhan-dau-da-day-ta-trang

Nguyên nhân đau dạ dày tá tràng

3.1. Vi khuẩn – nguyên nhân chủ yếu gây đau dạ dày tá tràng

Vi khuẩn H.pylori (H.p) là một loại vi khuẩn gram âm có khả năng tiết ra urease – một enzym có tác dụng phân hủy ure thành NH3.

NH3 là chất có tác dụng kiềm hóa môi trường, gây độc và ít nhiều phá hủy tế bào. Vi khuẩn H.p là vi khuẩn duy nhất có khả năng tiết được urease trong môi trường axit dạ dày.

H.p tiết mucinase – enzyme phá hủy chất nhầy, tạo điều kiện cho các yếu tố tấn công tấn công vào niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, H.p còn tiết ra các độc tố như LPS, CagA, VagA là những độc tố phá hủy cầu nối giữa các tế bào.

3.2. Các loại thuốc gây đau dạ dày tá tràng

Hai nhóm thuốc khi sử dụng lâu dài có khả năng gây ra đau dạ dày tá tràng là nhóm thuốc chống viêm phi steroid (NSAIDs) và nhóm corticoid

NSAIDs có tác dụng phụ là ức chế COX 1 – enzym tham gia sinh tổng hợp PG sinh lý, chất có vai trò tăng tiết nhày, tăng tiết HCO3-, tăng mạch máu đến và tăng khả năng tái sinh niêm mạc dạ dày, và chất này cũng có tính axit tấn công vào thành dạ dày.

Corticoid ức chế phospholipase A2 – Enzym tham gia tổng hợp PG dẫn đến làm giảm PG.

Theo nghiên cứu của BMJ Publishing Group Limited

  • Sử dụng corticosteroid có liên quan đến tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày. Nguy cơ gia tăng chỉ có ý nghĩa thống kê đối với bệnh nhân nhập viện.
  • Đối với bệnh nhân được chăm sóc cấp cứu, tổng số lần xuất huyết hoặc thủng là rất thấp, và nguy cơ gia tăng không có ý nghĩa thống kê.

4. Các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết đau dạ dày tá tràng

4.1. Triệu chứng cơ năng của đau dạ dày tá tràng

Đau vùng thượng vị

Dau-vung-thuong-vi

Đau vùng thượng vị

Đau vùng thượng vị thường là cơn đau có tính chu kỳ về tính chất đau và thời gian cơn đau xảy ra khi chưa có biến chứng.

Cơn đau có tính chu kỳ về tính chất đau do axit dạ dày tăng làm bỏng niêm mạc dạ dày tá tràng gây đau dạ dày tá tràng với tính chất đau âm ỉ, nóng, bỏng, rát ở vùng thượng vị.

Cơn đau sẽ giảm nhanh khi dùng các loại thuốc có tác dụng giảm sự tăng lên của axit dịch vị.

Cơn đau xảy ra theo nhịp điệu của bữa ăn:

  • Đau dạ dày

Cơn đau xảy ra khi ăn no (khoảng 1 – 2h sau ăn) do lúc đó dạ dày phải co bóp để nhào trộn, nghiền nát thức ăn nên thức ăn tiếp xúc trực tiếp vào các ổ viêm loét.

  • Đau tá tràng

Thường đau khi đói (khoảng 4 – 6h sau ăn) do khi đó dạ dày rỗng dẫn đến tiết dịch vị tâm lý, lỗ môn vị mở làm dịch vị từ dạ dày tràn xuống tá tràng tác động vào ổ viêm loét gây đau. Sau miếng ăn đầu tiên sẽ đỡ đau ngay do lúc đó lỗ môn vị sẽ đóng lại.

Cơn đau có tính chất theo mùa:

Thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, ví dụ như thu – đông do lúc này là thời điểm sức đề kháng của cơ thể giảm dẫn đến giảm các yếu tố bảo vệ dạ dày tá tràng.

Ngoài ra vào thời điểm này, vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh nhất, trong đó có H.p làm tăng yếu tố tấn công.

Cơn đau sẽ bắt đầu xuất hiện với đặc điểm: thời gian đau sẽ ngắn hơn so với thời gian nghỉ đau. Nếu thời gian đau tăng lên lớn hơn thời gian nghỉ đau chứng tỏ đã có biến chứng xảy ra.

10 – 20% bệnh nhân không có triệu chứng đau thượng vị.

Một số triệu chứng không đặc hiệu có thể thấy như

Ợ chua: là hậu quả của tăng tiết axit làm lỗ tâm vị mở làm axit trào ngược.

Ợ hơi: khi tăng tiết axit, cơ thể cũng sẽ tăng tiết các yếu tố bảo vệ trong đó có HCO3-, HCO3- gặp axit sẽ tạo ra khí CO2. CO2 trào ngược gây ra hiện tượng ợ hơi.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, táo lỏng thất thường; suy nhược thần kinh. Các triệu chứng này xuất hiện ở nhiều bệnh khác nên không dùng để nhận biết đau dạ dày tá tràng.

4.2. Triệu chứng thực thể

Triệu chứng thực thể là các triệu chứng chỉ nhận biết được khi thăm khám trong lúc đang diễn ra cơn đau gồm: co cứng cơ vùng thượng vị, ấn điểm thượng vị thấy đau (loét dạ dày), ấn điểm môn vị thấy đau – điểm thượng vị lệch sang bên phải 2cm (loét tá tràng).

5. Biến chứng của đau dạ dày tá tràng

Biến chứng

Đau dạ dày tá tràng – biến chứng

  • Xuất huyết tiêu hóa

Biến chứng xảy ra khi ổ loét ăn vào mạch máu dẫn đến chảy máu trong lòng ống tiêu hóa. Tình trạng xuất huyết trong loét dạ dày – tá tràng là xuất huyết tiêu hóa cao.

Khi đó, máu trong ống tiêu hóa sẽ được tống ra ngoài theo hai con đường:

  • Nôn ra máu: Màu sắc máu sẽ tùy thuộc vào thời gian chảy máu (đỏ tươi – vừa chảy ra; máu đen/máu cục – sau một thời gian chảy máu,…)
  • Đi ngoài ra máu: Phân đen, nát, có mùi thối khắm như mùi cóc chết.

Xuất huyết tiêu hóa còn dẫn đến mất máu gây ra hội chứng thiếu máu cấp tính.

  • Thủng ổ loét

Khi ổ loét ăn sâu qua lớp thanh mạc bao quanh dạ dày sẽ tạo ra lỗ thủng, qua đó, máu, axit, pepsin, vi khuẩn trong lòng dạ dày tá tràng xâm nhập vào ổ bụng (khoang phúc mạc) làm bỏng toàn bộ khoang phúc mạc gây ra cảm giác đau thượng vị dữ dội như bị dao đâm.

Bỏng toàn bộ khoang phúc mạc có thể gây ra nhiễm trùng với các biểu hiện sốt, đau bụng, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.

  • Hẹp môn vị

Biến chứng này chỉ xảy ra trong loét tại hang môn vị hoặc hành tá tràng. Biểu hiện của hẹp môn vị bao gồm đầy bụng, khó tiêu, do thức ăn không thể qua lỗ môn vị để xuống tá tràng để tiêu hóa làm thức ăn bị đẩy ngược trở lại và giữ trong dạ dày.

Khi tiếp tục ăn thì thức ăn trong dạ dày tăng lên chèn ép dạ dày gây nôn ra thức ăn cũ chưa được tiêu hóa. 

Nôn sẽ gây ra mất nước và điện giải, thức ăn không được đưa xuống ruột làm giảm mạnh hấp thu dẫn đến cơ thể suy kiệt rất nhanh.

  • Ung thư dạ dày

Chỉ xảy ra trong trường hợp loét dạ dày, đặc biệt ổ loét nằm ở vùng bờ cong nhỏ, không xảy ra trong loét tá tràng.

Khi xuất hiện biến chứng ung thư dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng đau thượng vị mất tính chất chu kỳ và không đỡ khi sử dụng antacid, do sự tăng sinh ác tính của các tế bào xâm lấn, tổn thương tổ chức gây gầy sút, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, thiếu máu mạn tính.

>>>> Tìm hiểu thêm: Cách Chữa Viêm Loét Dạ Dày An Toàn, Hiệu Quả, Dễ Áp Dụng

6. Chẩn đoán và điều trị đau dạ dày tá tràng

6.1. Chẩn đoán đau dạ dày tá tràng bằng cách nào?

chan-doan-dau-da-day-ta-trang

Chẩn đoán đau dạ dày tá tràng

  • Phương pháp xét nghiệm bằng cách chụp X quang dạ dày tá tràng cản quang

Là một phương pháp chẩn đoán nhanh, rẻ, dễ thực hiện ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện được các ổ loét nhỏ, các ổ loét mới xuất hiện; không phát hiện được vi khuẩn H.p và không xác định được tính chất lành tính hay ác tính của ổ loét.

  • Nội soi dạ dày – tá tràng

Phương pháp này có thể tìm tế bào ác tính và vi khuẩn H.p; có thể can thiệp trực tiếp vào ổ loét nhưng đau, đắt tiền, chỉ thực hiện được ở một số cơ sở y tế đủ điều kiện gây mê hồi sức và có nguy cơ lây nhiễm chéo.

  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn H.p

Xét nghiệm này sử dụng để tìm vi khuẩn Hp, để đánh giá liệu đau dạ dày có liên quan đến vi khuẩn Hp không. Có 2 cách tìm vi khuẩn Hp là xét nghiệm máu tìm vi khuẩn Hp và xét nghiệm phân tìm vi khuẩn Hp

  • Phương pháp xét nghiệm thăm dò chức năng dạ dày

Phương pháp này thường ít dùng, chủ yếu dùng để đánh giá chức năng dạ dày và xem dạ dày có hoạt động bình thường không

6.2. Điều trị đau dạ dày tá tràng như thế nào?

  • Nguyên tắc điều trị

Điều trị mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ: cấn thiết lập lại cân bằng này bằng cách giảm yếu tố tấn công và tăng các yếu tố bảo vệ, tái tạo niêm mạc.

Điều trị các nguyên nhân: diệt vi khuẩn H.p, hạn chế các loại thuốc NSAIDs, corticoid.

Điều trị triệu chứng: giảm đau

Điều trị bổ trợ, nâng cao sức khỏe người bệnh 

  • Các phương pháp điều trị

Điều trị bằng thuốc:

    • Thuốc giảm các yếu tố tấn công – ức chế bài tiết axit (thuốc kháng bơm proton H+/K+ – ATPase (PPI) ví dụ omeprazol;
    • Thuốc ức chế thụ thể H2 của histamin, vd Cimetidin; thuốc ức chế thụ thể M3, ít dùng);
    • Thuốc tăng các yếu tố bảo vệ – tăng nhầy bảo vệ niêm mạc, bó ổ loét (kích thích bài tiết nhầy, vd Prostaglandin E1/E2; băng bó ổ loét, vd sucralfate);
    • Thuốc diệt vi khuẩn H.p (phối hợp kháng sinh); các thuốc điều trị triệu chứng (vd antacid).

Điều trị bằng can thiệp ngoại khoa

Phương pháp điều trị này thường sử dụng trong trường hợp đau dạ dày tá tràng có biến chứng, ví dụ như garo cầm máu trong trường hợp chảy máu dạ dày

7. Các lưu ý cho bệnh nhân đau dạ dày tá tràng

7.1. Các loại thực phẩm nên tránh khi bị đau dạ dày tá tràng

Các loại thực phẩm nên tránh

Các loại thực phẩm nên tránh

Khi bị đau dạ dày tá tràng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như đồ ăn cay nóng khó tiêu, các loại đồ uống có ga, các loại chất kích thích như rượu, bia,…

  • Thức ăn, đồ uống có tính acid

Tránh ăn các loại thức ăn có tính chất axit vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày khi xuất hiện ổ loét trong dạ dày tá tràng.

Hạn chế ăn hoặc uống các loại nước ép trái cây chứa citric như cam, chanh,… hoặc trái cây chứa nhiều axit như cà chua,…

  • Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ

Không nên ăn các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều chất béo vì có thể gây kích ứng niêm mạc trong loét dạ dày tá tràng. Tránh sử dụng một số loại gia vị có tính cay nóng như tỏi, ớt, nhục đậu khấu, hạt tiêu,…

  • Các chất kích thích

Hạn chế dùng các loại đồ uống chứa cafein hoặc cồn như cà phê, rượu, bia,… Những loại đồ uống này có thể gây kích thích, mài mòn niêm mạc dạ dày hoặc kích thích dạ dày tăng tiết axit.

  • Thực phẩm sống

Không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống (gỏi cá, sushi,…) – nguồn chứa của vi khuẩn H.p.

>>>> Tìm hiểu thêm: Top 10 Các Món Ăn Cho Người Viêm Loét Dạ Dày Ngon, Dễ Làm

7.2. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân đau dạ dày tá tràng

Người bị đau dạ dày tá tràng không nên ăn quá no, nên nhai kỹ, nuốt chậm vì khi ăn quá no dạ dày không kịp nhào trộn, nghiền và tống thức ăn xuống ruột sẽ dẫn đến đầy căng; khi nhai kỹ, nuốt chậm thì khoang miệng tăng bài tiết nước bọt giúp làm giảm axit và trung hòa axit trong dạ dày.

Nên lựa chọn những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa và thức ăn phải được nấu chín như cháo, cơm nhão,… đặc biệt những loại thức ăn từ bột mì có tác dụng tốt nhất.

Khi bị đau dạ dày tá tràng, bạn nên giữ tinh thần vui vẻ, không nên làm việc quá căng thẳng gây stress, mệt mỏi; có chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, đúng giờ.

8. Cách phòng tránh đau dạ dày tá tràng đạt hiệu quả tốt

8.1. Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn H.p

Vi khuẩn H.p là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng vì vậy cần phải phòng tránh lây nhiễm H.p.

Phòng tránh lây nhiễm H.p bằng cách giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

8.2. Chế độ ăn uống đúng cách, sinh hoạt hợp lý

  • Uống đủ nước, đúng cách, đúng thời điểm (uống nước vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ rất tốt cho dạ dày)
  • Hạn chế các thực phẩm cay nóng, tươi sống, các loại đồ uống có cồn, có ga, chứa chất kích thích,…
  • Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học để tránh áp lực, stress, căng thẳng,…
  • Có chế độ nghỉ ngơi khoa học, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
  • Chúng ta nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh dạ dày.

Trên đây là những thông tin về đau dạ dày tá tràng Scurma Fizzy cung cấp, mong sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn đã đón đọc đọc bài viết. Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ hotline 18006091 để được Scurma Fizzy tư vấn miễn phí.

Hãy luôn bảo vệ dạ dày của bạn khỏe mạnh. Tìm hiểu thêm về các sản phẩm bảo vệ dạ dày tại đây:

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và những lưu ý mà chúng ta cần biết

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091