Viêm Dạ Dày HP Dương Tính, Triệu Chứng, Cách Chẩn Đoán Và Điều Trị

Viêm Dạ Dày HP Dương Tính, Triệu Chứng, Cách Chẩn Đoán Và Điều Trị

HP là loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất ở đường ruột. Để biết chính xác có bị viêm dạ dày HP dương tính hay không thì cần làm các phương pháp xét nghiệm. Sau đó người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Cùng tìm hiểu kĩ thông tin hơn trong bài viết dưới đây. 

1. Viêm dạ dày HP dương tính cần hiểu như thế nào?

Vi khuẩn HP có một cái tên khoa học gọi là Helicobacter pylori. Đây là một loại trực khuẩn gram âm, dạng hình que có lông ở đầu, chuyên kí sinh ở các lớp nhầy trong đường ruột và là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, barrett thực quản… Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên ung thư dạ dày. 

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP cần làm xét nghiệm chẩn đoán. Một người được xác định là có nhiễm vi khuẩn khi kết quả xét nghiệm là dương tính. 

Theo một công bố, có tới hơn 70% dân số Việt Nam dương tính với vi khuẩn HP và khoảng 90% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày là do vi khuẩn này. Vì vậy, việc điều trị dứt điểm bệnh lý này là rất quan trọng để tránh lây lan ra xung quanh. 

>>> Xem thêm Vi khuẩn Hp là gì? Hp gây bệnh gì cho cơ thể?

viem-da-day-hp-duong-tinh-1

Viêm dạ dày HP dương tính là gì?

2. Triệu chứng biểu hiện của viêm dạ dày HP dương tính

Thời gian đầu khi bị nhiễm vi khuẩn HP, có thể bệnh nhân không có biểu hiện gì rõ ràng và vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Sau một thời gian, lượng vi khuẩn sinh sôi và phát triển lên nhiều lần nên người bệnh bắt đầu có các biểu hiện của bệnh. 

Các bệnh liên quan tới đường ruột thường có một vài triệu chứng chung và khá điển hình như sau:

2.1. Đau bụng

Người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng thường xuyên theo một chu kì cố định, đặc biệt là trong bữa ăn hoặc sau khi ăn no xong. Cơn đau thường dai dẳng, kéo dài chứ không dữ dội như một số bệnh lý khác (xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, đau ruột thừa…). 

Tuy nhiên, một số trường hợp khi đã biến chứng sang các bệnh lý khác cũng có thể xuất hiện cơn đau dữ dội, là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho tình trạng bệnh. 

Người bệnh cũng thường không có cảm giác muốn đi ngoài hay bị rối loạn tiêu hóa khi lên cơn đau như bệnh lý viêm loét đại tràng. 

2.2. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

viem-da-day-hp-duong-tinh-7

Biểu hiện khi bị ợ nóng, ợ hơi, ợ chua

Các kiểu ợ ở đây bao gồm ợ chua, ợ hơi, ợ nóng. Biểu hiện ợ chua thường xuất hiện khi người bệnh đang cảm thấy đói, trong khi biểu hiện ợ hơi, ợ nóng thường xuất hiện khi người bệnh đang ăn hoặc đang no. 

Cần chú ý phân biệt giữa ợ sinh lý và ợ bệnh lý. Ợ sinh lý thường xuất hiện bất chợt, không đều đặn mà chỉ khi ăn các loại thực phẩm khó hấp thụ, khó tiêu. Trong khi đó, ợ bệnh lý xuất hiện đều theo chu kỳ nhất định (có thể hàng ngày, sau mỗi bữa ăn hay mỗi buổi sáng khi mới thức dậy). Đồng thời có thể có thêm cảm giác nóng ran lan khắp khoang bụng, ngực và thậm chí sau lưng. 

>>> Xem thêm Ợ chua là gì? Và những điều liên quan đến ợ chua

2.3. Đầy bụng, khó tiêu

Đây cũng là hai biểu hiện thường đi kèm với tình trạng ợ nêu trên. Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng đồng nghĩa với việc trong dạ dày còn nhiều chất khí, thức ăn chưa tiêu hóa kịp gây áp lực lên thành dạ dày và cần đưa bớt ra ngoài thông qua cách đẩy ngược lên đường thực quản. Khi đó, chính lượng khí và thức ăn này cũng làm cho người bệnh cảm thấy đầy bụng, khó tiêu. 

2.4. Buồn nôn

Đối với người bệnh ở thể nhẹ có thể chưa xuất hiện triệu chứng này. Nếu không điều trị dứt điểm sớm, lúc này, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi ăn vào. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của bệnh nhân do không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Từ đó kéo theo một số biểu hiện đi kèm khác như chán ăn, sụt cân nhanh chóng mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể. 

2.5. Xuất huyết

Vi khuẩn HP thường bám vào lớp nhầy của dạ dày sẽ làm loét dạ dày, lâu ngày gây tình trạng xuất huyết thông qua các biểu hiện bên ngoài như nôn, đi ngoài ra máu hoặc màu đen. Một số trường hợp còn cảm thấy khó nuốt trôi khi ăn uống hay có các cơn đau bụng dữ dội. 

3. Các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP

viem-da-day-hp-duong-tinh-2

Chẩn đoán

Thông thường, các bệnh lý ở đường tiêu hóa sẽ có một số triệu chứng giống nhau có thể gây nhầm lẫn với những người không có kiến thức chuyên môn về chẩn đoán bệnh. Vì vậy, cách tốt nhất khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP là làm ít nhất một trong các loại xét nghiệm bên dưới để chắc chắn tránh được những biến chứng khôn lường. 

3.1. Xét nghiệm hơi thở

Vi khuẩn HP phát triển trong môi trường pH khoảng từ 5 – 8 ở nhiệt độ từ 30 – 40०C trong khi pH dạ dày vào khoảng từ 2 – 3. Để tồn tại được trong môi trường có tính acid của dạ dày, vi khuẩn HP tiết ra enzime urease, sau khi thủy phân thu được amoniac (NH3) có tính kiềm nhằm trung hòa bớt lượng acid dư trong dịch vị dạ dày. 

Bên cạnh amoniac còn có thu được một sản phẩm thủy phân khác đó chính là khí carbonic (CO2). Lượng khí này sẽ ngấm vào máu quay trở về phổi và được thải ra bên ngoài qua đường thở. Nhờ đó, thông qua việc kiểm tra hơi thở có thể xác định vi khuẩn HP có tồn tại trong dạ dày hay không. 

Cụ thể, người bị nghi nhiễm vi khuẩn gây bệnh sẽ được cho uống một loại thuốc với thành phần là carbon đồng vị 13 hoặc 14. Đo nồng độ CO2 chênh lệch giữa lúc trước và sau khi uống thuốc để đưa ra kết luận. 

Phương pháp này có độ chính xác tương đối cao gần như tuyệt đối và an toàn cho người xét nghiệm (riêng đồng vị carbon 14 chống chỉ định cho trẻ em và phụ nữ đang mang bầu hoặc đang cho con bú). 

Đối với những người tái khám sau một đợt điều trị bệnh, thường bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này để kiểm tra lại sự có mặt của vi khuẩn trong dạ dày. Người bệnh cần kết thúc đợt điều trị từ 1 tháng trước khi khám và nhịn ăn vào tối ngày hôm trước khi làm xét nghiệm mới có thể cho kết quả chính xác nhất. 

3.2. Xét nghiệm máu

Khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn HP, trong máu sẽ tự sinh ra một loại kháng thể chống lại những vi khuẩn này. Lấy mẫu bệnh phẩm là máu đem đi xét nghiệm tìm kháng thể, từ đó có thể chẩn đoán được bệnh. 

Phương pháp này còn một hạn chế đó là độ chính xác chưa thực sự cao bởi vì trong trường hợp tái khám sau điều trị, khi đã tiêu diệt hết trực khuẩn HP rồi, tuy nhiên kháng thể vẫn có thể có trong máu trong sau một vài tháng. Từ đó dẫn tới kết luận chưa chsinh xác về hiệu quả của phác đồ điều trị đã dùng. 

>>> Xem thêm Tìm hiểu về xét nghiệm máu HP có chính xác không?

3.3. Xét nghiệm phân

Do vi khuẩn HP được đào thải ra bên ngoài qua đường phân nên có thể lấy mẫu bệnh phẩm là phân của người bị nghi nhiễm vi khuẩn HP để thực hiện phương pháp miễn dịch có huỳnh quang.

Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này chính là vấn đề vệ sinh khi lấy mẫu bệnh phẩm và có thể trở thành nguồn phát tán vi khuẩn gây bệnh, đồng thời phương pháp này cho kết quả khá lâu. 

3.4. Nội soi và sinh thiết dạ dày

Để có mẫu bệnh phẩm đem sinh thiết, cần nội soi đường tiêu hóa rồi lấy các tế bào niêm mạc tại dạ dày và ruột non. Đồng thời, việc nội soi cũng giúp xác định các nguy cơ ác tính do vi khuẩn HP gây ra như thủng dạ dày, ung thư dạ dày. 

Phương pháp này có thể tạo cho người bệnh tâm lý sợ hãi khi phải thực hiện nội soi. Tuy nhiên, với sự phát triển của y khoa hiện nay, người bệnh có thể được gây mê để không cảm thấy khó chịu, buồn nôn hay đau rát khi nội soi. 

4. Điều trị bệnh viêm dạ dày có HP dương tính

viem-da-day-hp-duong-tinh-4

Điều trị bệnh viêm dạ dày có HP dương tính

Việc điều trị dứt điểm một loại vi khuẩn gây bệnh bất kì không thể tùy tiện mà cần theo một phác đồ cụ thể của bác sĩ để tránh trường hợp dùng không đúng dòng thuốc, không uống đủ liều tạo điều kiện cho vi khuẩn nhờn kháng sinh, kháng kháng sinh. 

4.1. Phác đồ điều trị viêm dạ dày HP dương tính của Bộ Y tế

Vi khuẩn HP có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh, chính vì vậy việc điều trị thường được kết hợp tối thiểu hai loại kháng sinh diệt HP. 

Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, việc chữa trị được coi là thành công khi có thể tiêu diệt ít nhất 80% lượng vi khuẩn trở lên. Có 3 phác đồ điều trị thường được sử dụng hiện nay, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. 

Với những ai lần đầu tiên bị viêm dạ dày HP dương tính và tinh trạng viêm diễn ra chưa quá nặng, bác sĩ thường sẽ cho người bệnh điều trị theo phác đồ ba thuốc (2 thuốc kháng sinh kết hợp 1 thuốc ức chế bơm proton) với thời gian điều trị thông thường từ 7 – 14 ngày. 

Sau liệu trình này, nếu tình trạng bệnh không có dấu hiệu giảm nhẹ, bác sĩ sẽ thay bằng phác đồ điều trị bốn thuốc (1 thuốc ức chế bơm proton kết hợp 3 thuốc kháng sinh). Phác đồ này cũng được sử dụng cho người bệnh có triệu chứng tái phát lại. 

Nếu cả hai phác đồ bên trên không đem lại hiệu quả điều trị, bác sĩ sẽ phải cân nhắc sử dụng phác đồ cứu vãn. 

Một số thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng: Omeprazole, Rabeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole… Các thuốc này khi sử dụng kéo dài có thể gây vàng da, giảm chức năng gan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường… trên một số đối tượng. 

Một số thuốc kháng sinh thường được sử dụng: Tetracycline, Clarithromycine, Amoxiciline… Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc kéo dài đó là rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… 

4.2. Điều trị viêm dạ dày HP dương tính tại nhà

Bên cạnh việc tuân theo sự kê đơn của bác sĩ, người bệnh cũng cần có một chế độ sinh hoạt điều độ và ăn uống khoa học tại nhà. Tránh căng thẳng, lo lắng gây kích thích hệ thần kinh tác động xấu tới đường tiêu hóa. 

Trên thực tế, để diệt vi khuẩn người bệnh bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp một số thuốc khác chứ không thể dựa trên các bài thuốc dân gian. Các bài thuốc này chỉ hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày HP dương tính gây ra như viêm loét dạ dày – tá tràng… giúp các vết loét niêm mạc lành lại nhanh hơn. 

5. Khi nào vi khuẩn HP có thể gây hậu quả ung thư dạ dày?

viem-da-day-hp-duong-tinh-6

Biến chứng ung thư dạ dày

Không phải tất cả người nhiễm vi khuẩn HP đều có triệu chứng lâm sàng, cũng không phải tất cả bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP đều bị biến chứng sang ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu. 

Các chuyên gia cho biết hiện đã phân lập thành công nhiều loại vi khuẩn HP, tuy nhiên chỉ một số loại trong đó có chứa độc tính cao có khả năng gây ung thư dạ dày. Để biết chính xác nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bệnh nhân cần làm xét nghiệm xác định loại vi khuẩn HP mình mắc phải thuộc type nào. 

Các tuyến bình thường tại dạ dày của bệnh nhân sẽ dần bị thay thế bởi các tổ chức xơ, các niêm mạc ruột bị biến thành dị sản ruột. Chính tình trạng này đã dẫn tới căn bệnh ung thư dạ dày ác tính. 

Xem thêm: Bệnh ung thư dạ dày – những điều cần biết và các cách phòng ngừa

6. Những câu hỏi thường gặp về viêm dạ dày HP dương tính

6.1. Viêm dạ dày HP dương tính nên ăn thức ăn gì?

Người bệnh bị viêm dạ dày HP dương tính nên ăn nhiều các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa và làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Một số thực phẩm có thể sử dụng bao gồm việt quất, mâm xôi, anh đào, bông cải xanh, ớt chuông, súp lơ, sữa chua, kim chi, mật ong, tỏi, oliu, cam thảo, nghệ…

Các chuyên gia cho biết, oliu còn có khả năng chữa trị nhiễm trùng HP, kim chi có thể ngăn chặn việc tái nhiễm HP hay bông cải xanh có khả năng kìm hãm không cho vi khuẩn HP phát triển. 

viem-da-day-hp-duong-tinh-3

Viêm dạ dày HP dương tính nên ăn thức ăn gì?

Ngoài ra, người bệnh cũng nên bổ sung các loại men vi sinh để hỗ trợ trong giai đoạn điều trị, giảm tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh lên hệ tiêu hóa. 

6.2. Viêm dạ dày HP dương tính có nguy hiểm không?

Một thống kê đã chỉ ra rằng, trên 70% các bệnh viêm loét tại đường tiêu hóa đều có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Trong số những người nhiễm loại vi khuẩn này, có khoảng gần 2% bị mắc ung thư dạ dày. Vì thế, việc phát hiện sớm và chữa trị kịp thời là rất quan trọng. 

Trong trường hợp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết hợp với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, người bệnh không nên quá lo lắng. Tuy nhiên vẫn cần khám lại định kì để sớm nhận biết các dấu hiệu của biến chứng nhờ kinh nghiệm của các bác sĩ nội soi. 

6.3. Viêm dạ dày HP dương tính có lây không? Qua những con đường nào?

Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn rất dễ lây lan thành ổ bệnh trong phạm vi một cộng đồng nhỏ (gia đình, lớp học…) thông qua con đường ăn uống (ăn uống chung, dùng chung bát/đũa/thìa/cốc), không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh (vì vi khuẩn HP thải ra ngoài qua đường phân), qua các con vật trung gian truyền bệnh (chúng bám vào nguồn gây bệnh sau đó bám vào thức ăn) hay qua các vật dụng y tế khi khám chữa bệnh (ống nội soi, dụng cụ nha khoa…).

Rất nhiều trẻ nhỏ tại Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP cũng do thói quen ăn uống từ các bà, các mẹ. Việc mớm thức ăn cho trẻ vô tình khiến vi khuẩn lây truyền thông qua nước bọt nếu bà hoặc mẹ có nhiễm vi khuẩn HP. 

Nếu một thành viên trong gia đình nhiễm vi khuẩn HP thì các thành viên còn lại trong đó cũng có khả năng cao sẽ mắc vi khuẩn HP. 

Hiện nay chưa có vacxin ngừa viêm dạ dày HP dương tính, chính vì thế để phòng tránh bệnh, cần đảm bảo một số nguyên tắc như sau:

  • Rửa tay thật kĩ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, tránh trở thành nơi trú ngụ cho các loài vật trung gian truyền bệnh. 
  • Không dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ ăn uống, kể cả các thành viên trong gia đình. 

6.4. Viêm dạ dày HP dương tính có chữa được không?

Trong trường hợp phát hiện và điều trị sớm, khả năng chữa khỏi bệnh là 50/50. Nếu để lâu, bệnh sẽ dễ biến chứng hoặc tái phát. Khi tát phát, các loại thuốc cũng thường giảm hiệu quả điều trị so với lần đầu sử dụng. Nguyên nhân là do vi khuẩn HP tại Việt Nam có thể kháng nhiều loại kháng sinh khác nhau như Amocixillin, Levofloxacin, Metronidazole…  

6.5. Ai dễ mắc viêm dạ dày HP dương tính?

Những đối tượng kể ra sau đây có khả năng cao dương tính với vi khuẩn HP:

  • Người có tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn HP.
  • Người bị polyp dạ dày.
  • Người sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm không steroid kéo dài liên tục. 
  • Người có niêm mạc dạ dày bị viêm teo. 
  • Người bị thiếu máu hoặc sắt, bị xuất huyết giảm tiểu cầu mà không rõ nguyên nhân. 
  • Người ăn uống không đảm bảo vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể. 

Hãy liên hệ tới HOTLINE 1800.6091 để được tư vấn, chăm sóc hoàn toàn MIỄN PHÍ từ các bác sĩ, dược sĩ và chuyên gia về tình trạng bệnh tình mà bạn đang mắc phải ngay hôm nay để hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091