Helicobacter Pylori, Vi Khuẩn Hàng Đầu Gây Viêm Loét Dạ Dày
Helicobacter pylori là một vi khuẩn Gram âm, có thể xâm nhập vào dạ dày và gây bệnh. Có thể coi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về dạ dày, bao gồm viêm loét dạ dày.
Hiện nay, có nhiều phương pháp chẩn đoán tình trạng nhiễm H.pylori, góp phần xác định nguyên nhân gây viêm loét dạ dày đã được sử dụng. Bao gồm các xét nghiệm xâm lấn và xét nghiệm không xâm lấn.
Từ đó, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị theo phương pháp thích hợp. Hơn nữa, bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế tính trạng lây nhiễm vi khuẩn HP. Đặc biệt, tuân thủ quy tắc vệ sinh chính là một trong những điều cần thiết để phòng ngừa bệnh.
1. Vi khuẩn Helicobacter pylori là gì?
1.1. Các hình thái của H.pylori
Helicobacter pylori là một vi khuẩn Gram âm, sống ở niêm mạc dạ dày. Theo phân loại cổ điển, có hai hình thái thường gặp là dạng xoắn ốc và dạng coccoid. Ngoài ra, sự tồn tại của H.pylori dạng hình que và hình sợi cũng đã được ghi nhận.
1.1.1. Hình thái xoắn ốc
Hầu hết các vi khuẩn Helicobacter đều có dạng xoắn ốc. Dạng xoắn ốc là hình thái có thể nuôi cấy. Nó có liên quan đến quá trình xâm nhập của vật chủ.
HP in vivo và trong điều kiện in vitro tối ưu là một vi khuẩn hình chữ S, có 1 đến 3 vòng xoắn, dài 0.5 x 5 micromet, với một chùm từ 5-6 lông roi có bộ cực. Hình thái này có tương quan với khả năng vận động tối đa trong ống nghiệm.
1.1.2. Hình thái coccoid (hình cầu)
Sự chuyển đổi của các dạng HP xoắn ốc khi tiếp xúc với các điều kiện bất lợi sang các dạng coccoid đã được ghi nhận tương đối đầy đủ. Các điều kiện bất lợi bao gồm:
- Đói chất dinh dưỡng
- Thời gian ủ trong ống nghiệm kéo dài
- Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, không thích hợp
- Ủ ở pH kiềm, hoặc ủ trong điều kiện thiếu hoặc không có CO2
- Thay đổi mạnh mẽ môi trường nuôi cấy giàu chất dinh dưỡng sang nước tinh khiết
- Tiếp xúc với các hoạt chất chống vi khuẩn như kháng sinh, thuốc ức chế bơm (PPI), và các hợp chất được tạo ra bởi vi khuẩn thuộc giống Lactobacillus và Streptococcus.
Khác với hình thái xoắn ốc, HP dạng coccoid không thể nuôi cấy. Hình thái này có liên quan đến quá trình sống được nhưng không thể nuôi cấy và sự tồn tại của vi khuẩn trong điều kiện không thuận lợi.
Hơn nữa, dạng coccoid đã được nghiên cứu chứng minh giảm khả năng gây bệnh so với dạng xoắn. Tuy nhiên, nó vẫn có khả năng tạo urease, bám dính vào tế bào biểu mô và gây viêm dạ dày.
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến khả năng đảo ngược vi khuẩn từ trạng thái coccoid sang dạng xoắn. Trong các nghiên cứu trên mô hình chuột, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sự chuyển đổi sang dạng xoắn ốc có khả năng xảy ra ở cơ thể sống. Điều này đã chứng minh trong điều kiện sinh lý và sinh học được xác định, các dạng coccoid có thể quay trở lại kiểu hình xoắn ốc và có thể gây bệnh toàn phát.
1.1.3. Hình thái dạng que
Một kiểu hình thay thế cho hình xoắn ốc và hình cầu là hình thái que. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng trong các chủng Helicobacter pylori mới phân lập, có khoảng 10-15% tổng số tế bào trở thành dạng que. Tuy nhiên, điều kiện môi trường kích thích sự chuyển đổi sang dạng que vẫn chưa được biết rõ.
1.1.4. Hình thái dạng sợi
Ngoài hình thái xoắn ốc, coccoid hay dạng que, một hình thái khác của H.pylori là hình sợi. Theo một vài báo cáo, dường như các dạng sợi của Helicobacter pylori có thể quan trọng hơn trong sự tồn tại, lây truyền của vi khuẩn này trong môi trường bên ngoài cơ thể con người.
1.2. Môi trường tồn tại và phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori
Helicobacter pylori là vi khuẩn ưa khí. Môi trường nuôi cấy và phát triển của chúng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Mức oxy từ 2-5%, CO2 từ 5-10%.
- Độ ẩm không cao
- Nhiệt độ: 34-40 độ C, nhiệt độ tối ưu là 37 độ C.
- pH tối ưu là pH trung tính, nằm trong khoảng 5,5-8,0.
Niêm mạc dạ dày được cho là môi trường sống tự nhiên của HP, đặc biệt là ở vị trí hang vị. Bởi ở đây có độ pH thích hợp cho sự phát triển của chúng. Và cho đến nay, nhiều báo cáo đã ghi nhận rằng helicobacter pylori là vi khuẩn được tìm thấy nhiều nhất trong niêm mạc dạ dày của người.
Vi khuẩn Helicobacter pylori xâm nhập sâu vào niêm mạc dạ dày bằng các lông roi từ 2-6 cực của chúng. Sau đó, các protein bám dính và protein màng ngoài sẽ tạo điều kiện giúp HP bám dính vào biểu mô dạ dày. Cuối cùng, vi khuẩn H.pylori có thể thích nghi với môi trường ở niêm mạc dạ dày là nhờ quá trình urease. Quá trình này đã được chứng minh xảy ra ở hầu hết các vi khuẩn H.pylori.
>>>> Tìm hiểu thêm: Niêm Mạc Dạ Dày Là Cụm Từ Chỉ Bộ Phận Nào Của Bao Tử?
2. Helicobacter pylori – vi khuẩn gây viêm loét dạ dày
2.1. Tình trạng viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Loét dạ dày được định nghĩa là các khuyết tật niêm mạc có đường kính ít nhất 0.5 cm xuyên qua niêm mạc cơ. Viêm loét dạ dày chủ yếu xảy ra dọc theo bờ cong nhỏ của dạ dày, xuất hiện chủ yếu ở đoạn từ thân vị đến hang vị.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, chẳng hạn như: thói quen ăn uống, nhiễm vi khuẩn HP hay do sử dụng một số loại thuốc NSAIDs… Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori có thể được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày.
Nhiều báo cáo trước đây đã ghi nhận 85% tổng số bệnh nhân bị loét dạ dày có tình trạng nhiễm vi khuẩn H.pylori. Và sự phát triển của vết loét khi có HP bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vật chủ và vi khuẩn.
2.2. Tại sao Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày?
Helicobacter pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày theo một số cơ chế. Sự xâm chiếm dạ dày của HP là một trong những yếu tố góp phần tạo điều kiện gây viêm niêm mạc dạ dày của chúng. Từ đó, tình trạng viêm lâu ngày sẽ dẫn đến sự hình thành các vết loét tại vị trí viêm.
Các protein giàu Cystein của vi khuẩn H.pylori (Hcp), đặc biệt là HcpA được biết là có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch và gây viêm. Hơn nữa, H.pylori cũng đã được chứng minh là làm tăng COX2 trong bệnh viêm dạ dày có HP dương tính.
Tình trạng viêm có thể làm cho acid dạ dày và men tiêu hóa pepsin lấn át các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, và gây loét. Vị trí xâm nhập của HP ảnh hưởng đến vị trí của vết loét, phụ thuộc vào độ acid của dạ dày.
>>>> Tìm hiểu thêm: Đối Với Hệ Tiêu Hóa, Acid Dạ Dày Có Vai Trò Như Thế Nào?
3. Sự lây truyền vi khuẩn Helicobacter pylori
Helicobacter pylori được biết đến là một loại vi khuẩn dễ lây lan. Tuy nhiên, đường lây truyền chính xác đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Chúng có thể được lây truyền từ người sang người bằng đường miệng – miệng, hoặc phân – miệng, nước sinh hoạt…
Để chứng thực một số đường lây truyền có thể xảy ra, Parsonnet và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng có kiểm soát. Kết quả cho thấy, vi khuẩn H.pylori phân lập được từ phân, nước bọt, mảng bám trên răng, chất nhầy dạ dày… Trong đó, sự lây truyền vi khuẩn HP qua chất nhầy dễ dàng hơn so với lây truyền qua nước bọt.
Sự lây truyền Helicobacter pylori chủ yếu xảy ra trong các gia đình ở các nước đang phát triển như: giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em… Ngoài ra, cũng có thể lây nhiễm từ cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển.
H.pylori có thể lây truyền qua đường phân – miệng bằng cách uống phải nước nhiễm chất thải. Các nghiên cứu ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Mỹ Latinh cho thấy nguồn nước được sử dụng trong sinh hoạt có liên quan đến tình trạng nhiễm Helicobacter pylori.
Ô nhiễm nước uống và nước thải đã được chứng minh tìm thấy HP trong 60% mẫu nước bề mặt và 65% nước ngầm nông ở một số bang ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu của Nhật Bản cũng báo cáo sự ô nhiễm HP trong nước sông và nước ao.
4. Những đối tượng nào có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori?
Tình trạng kinh tế xã hội thấp là yếu tố hàng đầu dẫn đến nguy cơ nhiễm Helicobacter pylori. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có nguy cơ dễ mắc nhất. Trình độ học vấn và khả năng thu nhập tỉ lệ nghịch với nguy cơ lây nhiễm.
Các yếu tố liên quan đến vấn đề này có thể bao gồm: điều kiện vệ sinh, mật độ hay sự đông đúc của hộ gia đình và số lượng trẻ nhỏ…
Nhiều người cho rằng hút thuốc lá và sử dụng rượu bia có liên quan đến sự lây nhiễm Helicobacter pylori. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã báo cáo rằng không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc hút thuốc lá, uống rượu bia và HP.
Mặt khác, một số nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ giảm nhẹ khi không hút thuốc lá và uống rượu bia nhưng không có ý nghĩa thống kê.
5. Chẩn đoán Helicobacter pylori
Chẩn đoán chính xác vi khuẩn Helicobacter pylori là một phần quan trọng trong việc điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày. Các phương pháp được sử dụng để phát hiện H.pylori bao gồm xét nghiệm xâm lấn và xét nghiệm không xâm lấn. Và dựa trên những ưu nhược điểm riêng biệt sẽ giúp các cán bộ chuyên môn lựa chọn được phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất với từng đối tượng cụ thể.
5.1. Xét nghiệm xâm lấn
Các xét nghiệm xâm lấn được thực hiện thông qua các mẫu sinh thiết nội soi. Bao gồm: nội soi, mô học, nuôi cấy, xét nghiệm urease nhanh và phương pháp phân tử.
5.1.1. Nội soi
Nội soi là một phương pháp kiểm tra thường được thực hiện để chẩn đoán viêm loét dạ dày có liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây cũng là một công cụ được sử dụng để lấy mẫu vật, thường là niêm mạc dạ dày từ sinh thiết. Các mẫu vật này phục vụ cho việc nghiên cứu thêm về các xét nghiệm xâm lấn khác.
5.1.2. Mô học
Mô học là phương pháp đầu tiên được sử dụng để phát hiện Helicobacter pylori. Phương pháp này được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện trực tiếp tình trạng nhiễm HP. Tuy nhiên, có một số yếu tố có gây ảnh hưởng đến độ chính xác của phương pháp mô học. Chẳng hạn như: vị trí, kích thước và số lượng sinh thiết, phương pháp nhuộm, thuốc ức chế bơm, kháng sinh…
5.1.3. Xét nghiệm urease nhanh
Đối với thực hành lâm sàng thường quy, xét nghiệm urease nhanh (RUT) là xét nghiệm xâm lấn hữu ích nhất để chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori. Bởi phương pháp này không tốn kém, nhanh chóng, dễ thực hiện, có độ đặc hiệu cao và phổ biến rộng rãi.
5.1.4. Nuôi cấy
Nuôi cấy HP từ mẫu sinh thiết dạ dày là một phương pháp có độ đặc hiệu cao nhưng kém nhạy hơn. Các yếu tố như: chất lượng bệnh phẩm kém, vận chuyển chậm trễ, tiếp xúc với môi trường hiếu khí hoặc nhà vi sinh thiếu kinh nghiệm gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả nuôi cấy. Điều này sẽ làm giảm độ chính xác của chẩn đoán.
5.1.5. Phương pháp phân tử
Hiện nay, phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đã được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori. PCR được thực hiện từ các mẫu sinh thiết dạ dày, nước bọt, phân, dịch dạ dày và các mẫu bệnh phẩm khác nhau.
5.2. Xét nghiệm không xâm lấn
Xét nghiệm không xâm lấn bao gồm: xét nghiệm hơi thở ure, xét nghiệm kháng nguyên trong phân, xét nghiệm huyết thanh.
5.2.1. Xét nghiệm hơi thở ure
Xét nghiệm hơi thở ure (UBT) đã được sử dụng từ lâu và cho đến nay vẫn là xét nghiệm không xâm lấn phổ biến và chính xác nhất để chẩn đoán HP. Mặc dù kết quả của xét nghiệm có bị ảnh hưởng một số yếu tố như: bệnh nhân, vi khuẩn và cán bộ tiến hành xét nghiệm…, UBT vẫn là một phương pháp cho ra mức độ chính xác cao.
Đặc biệt, nó có thể tái tạo với độ nhạy và độ đặc hiệu gần 95% theo các quy trình tiêu chuẩn hóa. Và có thể coi đây là phương pháp đơn giản, an toàn và phù hợp để phát hiện HP ở trẻ em.
5.2.2. Xét nghiệm kháng nguyên trong phân (SAT)
Đây là một phương pháp xét nghiệm không xâm lấn khác có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt. Phương pháp SAT cho phép phát hiện sự hiện diện của kháng nguyên Helicobacter pylori trong mẫu phân. Độ chính xác của SAT có thể bị ảnh hưởng một số yếu tố như: kháng sinh, nhóm thuốc PPI, N-acetylcystein…
5.2.3. Xét nghiệm huyết thanh
Nhiều phương pháp xét nghiệm huyết thanh dựa trên việc phát hiện kháng thể IgG kháng Helicobacter pylori được phổ biến rộng rãi để chẩn đoán. Trong đó, xét nghiệm ETA là một kĩ thuật phổ biến và chính xác nhất. Đặc biệt, nó thường được sử dụng để sàng lọc các nghiên cứu dịch tễ hoạc và hữu ích để đánh giá tình trạng nhiễm H.pylori ở trẻ em.
6. Phòng ngừa và điều trị viêm loét dạ dày do Helicobacter pylori
Để phòng ngừa trường hợp viêm loét dạ dày do HP thì phòng ngừa nhiễm H.Pylori là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cho đến nay vẫn chưa có khuyến cáo cụ thể nào về cách phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động ngăn chặn các đường lây nhiễm có thể xảy ra đã được nhắc đến ở trên bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Tuân thủ chặt chẽ quy tắc vệ sinh.
- Không ăn những thực phẩm chưa được chế biến đúng cách.
- Dùng nước được lấy từ các nguồn sạch, đảm bảo an toàn để uống.
Đồ đạc cá nhân tuyệt đối không được dùng chun
Những đối tượng bị viêm loét dạ dày được chẩn đoán là do vi khuẩn H.pylori gây ra sẽ được chỉ định điều trị theo các phác đồ cụ thể. Phác đồ điều trị thường gồm có thuốc kháng sinh và nhóm thuốc PPI.
Bên cạnh việc tuân thủ các yếu tố để phòng ngừa và sử dụng phác đồ điều trị thích hợp, bạn cần lưu ý một số yếu tố khác. Chẳng hạn như: tình trạng căng thẳng, chế độ ăn uống không hợp lý (ăn thức ăn cay), thói quen thức khuya, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia… Các yếu tố này tuy không gây viêm loét dạ dày nhưng sẽ khiến cho vết loét lâu lành hơn.
>>>> Tìm hiểu thêm: Điều Trị Hp Bằng Các Loại Thuốc Dạ Dày Được Các Bác Sĩ Khuyên Dùng
Kết luận
Helicobacter pylori là một vi khuẩn gram âm, thường sống trong niêm mạc dạ dày. Chúng được coi là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Xét nghiệm xâm lấn và xét nghiệm không xâm lấn là những phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán HP hiện nay.
Dựa vào đó, các bác sĩ có thể xác định bạn có bị viêm loét dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori hay không và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, H.pylori rất dễ lây lan giữa người với người, có thể lây qua được miệng – miệng hoặc phân – miệng. Bởi thế, cần tuân thủ chặt chẽ quy tắc vệ sinh nhằm hạn chế tối đa nguy cơ viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP.
Trên đây là một số thông tin cần thiết về vi khuẩn Helicobacter pylori – nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày được Scurma Fizzy cung cấp. Hy vọng các thông tin trên hữu ích với bạn, giúp bạn có thể phòng ngừa kịp thời và đúng cách.
Liên hệ HOTLINE 18006091 để được đội ngũ Dược sĩ, Bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn và giải đáp những thắc mắc của bạn về các vấn đề liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori: Các lựa chọn và phát triển hiện tại.[1]
- Bệnh loét dạ dày và nhiễm trùng Helicobacter pylori.[2]
- Helicobacter pylori.[3]