Ợ Chua Ợ Nóng, Xử Trí Ra Sao

Ợ Chua Ợ Nóng, Xử Trí Ra Sao

Ợ chua ợ nóng là một vấn đề về tiêu hóa hiện nay nhiều người hay gặp. Nhiều trường hợp nó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bạn nhưng nhiều khi nó lại gây khó chịu và là một dấu hiệu của bệnh khác.

1. Ợ chua ợ nóng là gì?

Ợ chua ợ nóng là thuật ngữ chỉ chung một dấu hiệu bệnh ở đường tiêu hóa đó là cảm giác đau, nóng rát ở ngực, ngay sau xương ức thường xảy ra kèm theo đó là vị đắng trong cổ họng hoặc miệng. Các cảm giác khó chịu do ợ chua ợ nóng gây ra tồn tại trong vòng vài phút hoặc vài giờ.

Thông thường, chứng ợ nóng xảy ra khá phổ biến, thường nguyên nhân dẫn đến nó không gây hại cho người bệnh. Hầu hết các trường hợp đều có thể giảm thiểu bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và sử dụng các thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị ợ chua ợ nóng khiến khó ăn, khó nuốt, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, các triệu chứng này được xem như là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý về tiêu hóa nghiêm trọng hơn. Lúc này người bệnh cần đến các cơ sở y tế để nhận sự tư vấn từ phía bác sỹ.

>>>Xem thêm: Ợ Chua Là Gì Và Những Điều Liên Quan Đến Ợ Chua

2. Ợ chua ợ nóng do nguyên nhân gì ?

Ợ chua ợ nóng thường xảy ra khi thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trong đó, thực quản là một ống dẫn thức ăn của bạn từ miệng vào dạ dày. Thực quản kết nối với dạ dày của bạn tại một điểm nối được gọi là cơ thắt thực quản dưới. Nếu cơ thắt này hoạt động bình thường, nó sẽ đóng lại khi thức ăn rời khỏi thực quản và đi xuống dạ dày.

Ở một số người, cơ thắt thực quản dưới hoạt động không bình thường hoặc trở nên suy yếu hơn. Điều này dẫn đến các chất (thức ăn lẫn dịch vị) từ ​​dạ dày bị rò rỉ trở ngược lại thực quản. Acid dạ dày trào ngược lên gây ra kích ứng thực quản và gây ra các triệu chứng ợ chua, ợ nóng.

o-chua-o-nong-nguyen-nhan-3

Trào ngược dạ dày thực quản gây ợ nóng

Ợ chua, ợ nóng cũng có thể là do thoát vị gián đoạn. Đây là trạng thái mà một phần của dạ dày bị đẩy qua cơ hoành và vào ngực.

Ngoài ra, triệu chứng này cũng là một tình trạng phổ biến gặp ở phụ nữ mang thai chiếm đến khoảng 17% đến 45% trường hợp phụ nữ mang thai. Khi có thai, hormone progesterone ở nữ giới tiết ra nhiều hơn, khiến cơ vòng thực quản dưới giãn ra. Điều này làm cho thức ăn lẫn dịch vị (acid, enzyme tiêu hóa) trong dạ dày đi vào thực quản, gây kích ứng. Tình trạng suy yếu cơ vòng thực quản dưới này sẽ tự khỏi sau khi sinh em bé. Quá trình mang thai cũng làm các cơ quan trong ổ bụng bị biến dạng và áp lực ổ bụng tăng lên do thai nhi ngày càng lớn gây ra chứng ợ chua. Những thay đổi này thúc đẩy trào ngược acid và chứng ợ nóng, ợ chua.

Một số tình trạng sức khỏe hoặc thói quen sinh hoạt khác cũng có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng của bạn. Đó là:

  • Nghiện thuốc lá.
  • Người thừa cân hay béo phì: nếu bạn có quá nhiều mỡ bụng, áp lực trong ổ bụng của bạn có thể trở nên cao đến mức cơ vòng thực quản dưới bị đẩy lên trên, ra khỏi sự hỗ trợ của cơ hoành.
xu-tri-o-chua-o-nong-2

Béo phì là nguy cơ tăng ợ nóng ợ chua

  • Sử dụng một số loại thức ăn, đồ uống: cà phê chứa caffeine, bạc hà, hành, , cà chua, hoa quả họ cam, quýt, sô cô la hoặc rượu, bia, đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo.
  • Thói quen liên quan đến ăn uống: có thói quen xấu nằm ngay sau khi ăn, vừa ăn vừa làm việc khác, bỏ bữa, ăn quá no, ăn đêm nhiều.
  • Lạm dụng một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn nhiều ngày như aspirin hoặc ibuprofen.

3. Triệu chứng của chứng ợ chua ợ nóng

Các triệu chứng ợ nóng có mức độ khác nhau, có thể nhẹ hoặc dữ dội. Mức độ nghiêm trọng của chúng nhiều khi phụ thuộc vào việc bạn đã ăn những gì và số lượng bao nhiêu. Một số biểu hiện khi người bệnh đang bị ợ nóng:

  • Đau rát ở cổ họng ngực: đây là do thức ăn hay đồ uống có tính cả acid dịch vị trào ngược vào thực quản gây đau. Đau thường xuất hiện sau khi ăn hoặc xảy ra vào ban đêm
  • Cảm giác đau nặng hơn khi bạn nằm hay cúi xuống: các hành động này khiến cho acid dễ trào ngược lên hơn gây ợ nóng, ợ chua.
  • Có cảm giác chua miệng, miệng có vị thức ăn.

>>>Xem thêm: Biểu Hiện Bệnh Dạ Dày Và Các Nguy Cơ Bệnh Dạ Dày Thường Gặp

4. Nên làm gì ngay khi bị ợ chua ợ nóng

4.1 Giảm ợ chua ợ nóng bằng các phương pháp tại nhà

4.1.1. Trộn Banking Soda với nước

Baking soda là một loại muối nở để làm bánh. Thành phần trong nó là NaHCO3 giúp làm dịu một số cơn ợ chua ợ nóng bằng cách trung hòa axit trong dạ dày của bạn. Bạn có thể sử dụng chúng để giảm nhanh các cơn đau rát do ợ chua ợ nóng mang lại.

Cách tiến hành: hãy hòa tan một thìa cà phê muối nở vào một cốc nước và uống từ từ. Bạn nên uống ngay khi có cảm giác ợ chua hoặc trước mỗi bữa ăn để có hiệu quả giảm ợ chua nhanh chóng.

4.1.2. Sử dụng gừng

Gừng từ lâu đã là một phương thuốc dân gian điều trị chứng ợ nóng, ợ chua trong nhiều thế kỷ. Gừng có thể giúp giải tỏa buồn nôn nên một số người tin rằng nó cũng có thể hiệu quả đối với chứng ợ nóng.

o-chua-o-nong-cach-xu-tri-4

Sử dụng trà gừng giảm ợ chua ợ nóng

Bạn có thể sử dụng gừng bằng cách mài hoặc thái hạt lựu vào các món xào, súp và các món ăn khác yêu thích của bạn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể pha trà gừng bằng cách ngâm 100 gram củ gừng tươi hay 50 gram gừng khô hoặc túi trà gừng trong nước sôi, uống 2 đến 3 lần mỗi ngày.

4.1.3. Uống nước cam thảo

Rễ cam thảo là một phương thuốc dân gian khác được sử dụng trong chứng ợ nóng, ợ chua. Cam thảo được chứng minh rằng giúp tăng lớp màng nhầy của niêm mạc thực quản của bạn, có thể bảo vệ thực quản của bạn khỏi bị tổn thương do acid dạ dày trào ngược gây ra, giảm đau đớn khi bị ợ chua, ợ nóng.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều cam thảo huyết áp, giảm nồng độ kali và ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khác. Vậy nên bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng cam thảo.

Bạn có thể sử dụng 200 gram cam thảo tươi hoặc 100 gram cam thảo khô, pha với một ít nước sôi rồi chắt lấy nước uống ngay khi còn nóng. Sử dụng ngay sau khi ăn 2 đến 3 lần mỗi ngày để thấy hiệu quả.

4.1.4. Nhai kẹo cao su

Theo một số nghiên cứu, việc nhai kẹo cao su trong nửa giờ sau bữa ăn cũng có thể giúp giảm chứng ợ nóng, ợ chua. Điều này là do nhai kẹo cao su khiến kích thích tiết nước bọt và phản xạ nuốt. Điều này có thể giúp làm loãng và ngăn acid dạ dày trào lên thực quản của bạn.

4.2. Gặp sự tư vấn của dược sỹ

Khi bạn bị ợ chua, ợ nóng quá nhiều, bạn có thể đến hiệu thuốc gần nhất để được tư vấn việc sử dụng thuốc. Họ có thể giới thiệu cho bạn một số loại thuốc giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bạn đó là các thuốc kháng acid.

4.3. Khi nào cần chẩn đoán và điều trị của bác sỹ

Bạn nên đi khám bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa nếu:

  • Thay đổi lối sống và thuốc không kê đơn tại quầy không giúp ích gì cho bạn.
  • Triệu chứng ợ nóng, ợ chua xuất hiện ở hầu hết các ngày kéo dài 3 tuần hoặc hơn
  • Xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng, thường xuyên bị ốm hoặc bị sút cân, chán ăn mà không rõ lý do.
  • Khó nuốt, đau tăng lên khi nuốt.
  • Phân có màu sẫm hoặc có máu
  • Có cảm giác hụt hơi, chóng mặt, hoa mắt
  • Cơn đau xuất hiện từ lưng đến vai, đổ mồ hôi khi bị đau ngực.

Bác sỹ sẽ chẩn đoán và làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân bệnh, đồng thời đưa ra phương án điều trị tốt hơn. Bạn nên chuẩn bị một số điều trước khi đến gặp bác sỹ để việc chẩn đoán bệnh đạt hiệu quả hơn:

cach-xu-tri-o-chua-o-nong-5

Khám bác sỹ khi bị ợ chua ợ nóng

  • Lưu ý bất kỳ hạn chế nào không ăn vào buổi sáng trước khi đi khám bệnh để thuận tiện cho việc nội soi.
  • Viết ra các triệu chứng bạn đang gặp phải: bất kỳ triệu chứng nào dù chúng không liên quan đến lý do tại sao bạn đi khám.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin và thực phẩm bổ sung bạn đang dùng hoặc gần đây đã dùng.
  • Viết ra những thay đổi gần đây hoặc những yếu tố gây căng thẳng của bạn.
  • Bạn nên có người thân hoặc bạn bè đi cùng, để giúp bạn ghi nhớ những gì bác sĩ nói.
  • Viết ra những câu hỏi bạn muốn hỏi bác sỹ.

>>>Xem thêm: Những Cách Trị Ợ Chua Tại Nhà Ai Cũng Nên Biết

5. Các thủ thuật chẩn đoán ợ chua ợ nóng

Khi bạn đến viện, để biết rõ hơn bệnh mà bạn gặp phải khi có dấu hiệu ợ chua, ợ nóng, các bác sỹ sẽ chỉ định bạn đi làm một số thủ thuật để xác định rõ ràng hơn. Các thủ thuật đó là:

  • Chụp X-quang vùng bụng: để xem hình dạng và tình trạng của thực quản và dạ dày của bạn.
  • Nội soi dạ dày: dùng một ống nội soi có gắn đèn và camera nhỏ đưa vào dạ dày bạn theo đường miệng để chụp và ghi lại hình ảnh bên trong dạ dày bạn. Đây là thủ thuật phổ biến và hiệu quả nhất giúp kiểm tra, phát hiện được vết loét hoặc kích ứng của thực quản hoặc niêm mạc dạ dày. Để việc nội soi đạt hiệu quả, bạn cần phải không ăn bất kỳ thứ gì trong vòng 8 tiếng trước khi nội soi để dạ dày được rỗng.
chan-doan-o-chua-o-nong-6

Nội soi để chẩn đoán bệnh

  • Kiểm tra độ pH để xác định có bao nhiêu acid trong thực quản của bạn: đây là một thủ thuật dùng một thiết bị có một đầu dò nhỏ được đưa qua lỗ mũi của bạn, đặt gần thực quản dưới, một đầu khác cắm vào bộ phận theo dõi đeo trên thắt lưng hoặc trên vai của bạn. Việc này giúp kiểm tra nồng độ acid tại thực quản, xác định được dòng trào ngược bất thường trong thực quản.
  • Kiểm tra nhu động thực quản: để đo chuyển động và áp lực trong thực quản.

6. Ợ chua ợ nóng điều trị như thế nào?

6.1. Dùng thuốc giảm ợ chua ợ nóng

Tùy thuộc vào bệnh của bạn, bạn sẽ được sử dụng một số thuốc giảm tiết acid sau để giảm nhanh cơn đau:

  • Thuốc trung hòa acid (Nhôm Hydroxyd, Magie Hydroxyd) đây là thuốc có bản chất base, giúp trung hòa và giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, ợ chua do tiết acid quá mức. Bạn nên dùng trước ăn 30 phút hoặc ngay sau khi ăn để thuốc có hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng phụ là gây táo bón, thời gian tác dụng ngắn.
  • Thuốc kháng thụ thể H2 (cimetidin, ranitidin): thuốc giảm tiết acid do bất kỳ nguyên nhân nào gây tăng tiết Histamin.
  • Thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, esomeprazol, lansoprazol): thuốc ức chế không hồi phục bơm proton (bơm giúp đưa H+ vào trong lòng dạ dày), nhờ đó giảm tiết acid do bất kỳ nguyên nhân nào.

Các thuốc trên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Bạn nên nói với bác sỹ hay dược sỹ các thuốc khác bạn đang dùng để được tư vấn xem chúng có bất kỳ tương tác nào với các thuốc nhóm trên được kê để điều trị chứng ợ chua ợ nóng không.

Đối với phụ nữ mang thai, hiện nay chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về sự an toàn của thuốc trị ợ chua ợ nóng đối với thai nhi đang phát triển và các nhà nghiên cứu sẽ không thử nghiệm những loại thuốc này trên phụ nữ mang thai để đánh giá mức độ an toàn của chúng đối với thai nhi đang phát triển. Chính vì vậy lựa chọn duy nhất là thử nghiệm những loại thuốc này trên động vật có thai. Do đó chưa có bằng chứng cho thấy các loại thuốc trung hòa hoặc ức chế acid có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, các loại thuốc không hoặc ít hấp thu được ưu tiên sử dụng hơn.

6.2. Thay đổi lối sống

Nếu thỉnh thoảng bạn bị ợ chua ợ nóng, việc thay đổi lối sống giúp cải thiện và ngăn ngừa chúng quay trở lại. Đầu tiên, bạn nên thay đổi thói quen và các loại thực phẩm trong chế độ ăn của mình:

  • Nên ngồi thẳng lưng sau khi ăn, tránh nằm ngay khi vừa mới ăn xong.
  • Giảm thiểu và tránh ăn vặt vào buổi tối muộn, hãy ngừng ăn ít nhất bốn tiếng trước khi đi ngủ.
  • Không nên ăn quá no, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn để giảm bớt tác động đến hệ tiêu hóa của bạn. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều bữa, 3 đến 4 bữa là đủ trong ngày.
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, nước ngọt. Không hút thuốc lá.
  • Chế độ ăn hợp lý: tránh đồ ăn không tốt cho dạ dày (đồ cay nóng, chocolate, bạc hà, cà phê, cam, quýt, cà chua), đồ ăn khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ, đồ chiên.
o-chua-o-nong-xu-tri-ra-sao-7

Thực phẩm nên tránh sử dụng khi bị ợ chua ợ nóng

Kết hợp với ăn uống là thay đổi một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học hơn. Bạn nên:

  • Tránh nâng đồ quá nặng, thay vào đó là các bài tập thể dục lành mạnh, nhẹ nhàng như đạp xe hay đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Không thức quá khuya, ngủ đủ giấc, khi ngủ nên kê cao gối đầu ít nhất 10cm.
  • Ngủ nghiêng về bên trái: thực quản đi vào bên phải của dạ dày khi ngủ nghiêng bên trái sẽ giúp cơ vòng thực quản dưới nằm trên mức acid trong dạ dày khi bạn ngủ. Điều này giúp giảm các triệu chứng khó chịu khi ợ nóng và tái phát các cơn ợ nóng
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân.
  • Tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt dài ngày.
  • Tránh mặc quần áo quá bó vì nó sẽ gây áp lực lên dạ dày và cơ vòng thực quản của bạn.
  • Thư giãn đầu óc, tránh các áp lực nặng nề lên tinh thần.

Đối với phụ nữ mang thai, quản lý chứng ợ nóng, ợ chua khi mang thai bao gồm nhiều biện pháp khắc phục tại nhà giống nhau và thay đổi lối sống cho người bị ợ chua nhưng không mang thai.

6.3. Phẫu thuật

Hiện nay, người ta đã can thiệp phẫu thuật nội soi để điều trị chứng ợ nóng tùy vào nguyên nhân và mức độ bị bệnh. Lựa chọn này thường chỉ được áp dụng khi việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc ở trên không còn có tác dụng.

7. Các biến chứng liên quan đến ợ chua ợ nóng là gì?

Bình thường nếu bạn thỉnh thoảng bạn bị ợ chua ợ nóng, nó không quá nghiêm trọng, có thể không cần điều trị.

Tuy nhiên tần suất nó thường xuyên thì chứng này cần được điều trị gấp. Nếu bạn không được điều trị chứng ợ nóng ợ chua nặng, bạn có thể gặp thêm các vấn đề sức khỏe khác, như viêm thực quản. Viêm thực quản làm gây ra những thay đổi trong niêm mạc của thực quản bạn, từ đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Ngoài ra, ợ chua, ợ nóng lâu ngày cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Khi ợ chua xảy ra với tần suất thường xuyên (3 lần mỗi tuần) hoặc các cơn ợ chua nặng hơn cản trở sinh hoạt của bạn được coi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Điều trị GERD có thể yêu cầu thuốc theo toa và thậm trí, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác. Trào ngược dạ dày thực quản có thể làm tổn thương nghiêm trọng thực quản của bạn hoặc dẫn đến những thay đổi tiền ung thư ở thực quản.

>>>Xem thêm: 15 Cây Chữa Bệnh Dạ Dày Hiệu Quả Và An Toàn Không Thể Bỏ Qua

Trên đây là những thông tin hữu ích về chứng ợ chua, ợ nóng, giúp bạn biết được cách xử trí khi gặp phải. Những thông trên và các thuốc điều trị chỉ mang tính chất tham khảo, chúng không thể thay thế cho chẩn đoán và điều trị của các bác sỹ. Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan về chứng ợ chua, ợ nóng bạn đang gặp phải, bạn có thể liên hệ số HOTLINE 18006091 của chúng tôi để được các dược sĩ Scurma Fizzy giải đáp và tư vấn miễn phí về tình trạng bệnh của bạn.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091