Thuốc Bao Niêm Mạc Dạ Dày Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học chăm sóc sức khỏe, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Cách điều trị phổ biến nhất của mọi người là sử dụng thuốc. Thuốc bao niêm mạc dạ dày là một nhóm thuốc tăng cường yếu tố bảo vệ, bao phủ vết loét được sử dụng rất hiệu quả hiện nay. Hãy cùng Scurma Fizzy tìm hiểu đầy đủ những thông tin của các thuốc bao niêm mạc dạ dày tốt nhất hiện nay mà bạn không thể bỏ qua.
1. Tổng quan về bệnh loét dạ dày tá tràng
1.1. Bệnh loét dạ dày tá tràng là gì
Loét dạ dày tá tràng là một bệnh mãn tính, với những tổn thương là những vết loét phát triển trên niêm mạc bên trong dạ dày và phần trên của ruột non. Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng là các cơn đau dạ dày.
Loét dạ dày sẽ xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày khỏi dịch tiêu hóa bị giảm chức năng bảo vệ đi. Từ đó cho phép các acid tiêu hóa ăn mòn các mô lót trong dạ dày, gây ra các vết loét.
Viêm loét dạ dày có thể dễ dàng được chữa khỏi, nhưng chúng có thể trở nên trầm trọng nếu không được điều trị thích hợp.
Loét dạ dày tá tràng bao gồm:
- Loét dạ dày: là vết loét xảy ra ở bên trong dạ dày
- Loét tá tràng: xảy ra ở bên trong, phần trên của ruột non hay còn gọi là tá tràng.
1.2. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa. Bệnh gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể là do sự mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ. Khi sự mất cân bằng này xảy ra sẽ dẫn đến những tổn thương cho niêm mạc dạ dày, từ đó xuất hiện các vết loét ở dạ dày và tá tràng. Khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày bị mất đi hoặc suy giảm chức năng bảo vệ sẽ khiến cho các yếu tố tấn công có cơ hội để phá hoại và gây tổn thương.
Những yếu tố tấn công bao gồm:
- Acid clohydric (HCl): Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn nhưng khi dạ dày bài tiết quá nhiều acid sẽ gây nhiều tác hại không mong muốn. Nếu dịch vị dạ dày bài tiết quá nhiều acid mà sức đề kháng của lớp chất nhầy không được cải thiện thì acid sẽ cùng với pepsin tấn công lớp niêm mạc dạ dày, lâu ngày sẽ để lại vết loét.
- Pepsin: Pepsin là một trong những enzym tiêu hóa quan trọng nhất của dạ dày. Tuy nhiên, loét dạ dày sẽ tăng nếu tăng phối hợp acid và pepsin. Đa số những bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày tá tràng đều có sự tăng đồng thời cả acid và pepsin.
- Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori): vi khuẩn hp là một xoắn khuẩn gram âm sống trong niêm mạc dạ dày, và có khả năng di chuyển. Nhờ khả năng tiết enzym urease mạnh mà vi khuẩn hp có thể tồn tại trong môi trường acid cao của dạ dày. Không những thế, enzym urease còn tạo ra amoniac làm tổn thương niêm mạc dạ dày, nó ngăn cản quá trình tổng hợp của chất nhầy làm giảm chức năng bảo vệ và sự phân bố của chất nhầy trên bề mặt niêm mạc.
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs): Đây là thuốc giảm đau chống viêm được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh về dạ dày thì nên hạn chế sử dụng vì những tác dụng không mong muốn của thuốc này trên dạ dày. Các thuốc nhóm NSAIDs sẽ ức chế sản xuất các Prostaglandin, chất có vai trò làm tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat. Từ đó, khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày của lớp nhầy bị suy giảm, tạo điều kiện cho các yếu tố tấn công khác phá hủy dạ dày.
- Các yếu tố khác: Ngoài những yếu tố được nêu trên thì căng thẳng thần kinh, stress, yếu tố ăn uống, di truyền cũng làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
Yếu tố bảo vệ: yếu tố bảo vệ quan trọng nhất của dạ dày đó chính là lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy được các tuyến của dạ dày như tuyến tâm vị, môn vị, và các tế bào cổ tuyến tiết ra với bản chất là glycoprotein. Tại đây, ion HCO3 sẽ cùng với lớp chất nhầy tạo nên một lớp màng bền vững bao phủ toàn bộ về mặt niêm mạc dạ dày khiến cho các yếu tố tấn công không có nhiều cơ hội để phá hoại. Khả năng bảo vệ dạ dày cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tái tạo của lớp niêm mạc. Sự tưới máu đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, bởi máu sẽ mang vật liệu hàn gắn và các ion HCO3 tới và mang HCl đi.
1.3. Thuốc bao niêm mạc dạ dày và các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng hiện nay
Hiện nay, trên thị trường lưu hành rất nhiều loại thuốc khác nhau dùng trong điều trị loét dạ dày tá tràng. Với mục tiêu điều trị chung nhằm ngăn ngừa các yếu tố gây loét (tiêu diệt hp, giảm căng thẳng…), giảm các ổ loét và liền vết loét (trung hòa giảm tiết acid dạ dày, bảo vệ màng nhầy, bao phủ vết loét…), ngăn ngừa loét tái phát và các biến chứng liên quan.
Các thuốc dùng trong điều trị hiện nay được kể đến là:
- Thuốc điều trị nguyên nhân: tác dụng chính là kháng vi khuẩn hp gây bệnh. Thuốc được ưu tiên sử dụng trong nhóm này là kháng sinh (amoxicillin, tetracyclin, metronidazol)
- Thuốc giảm yếu tố tấn công gây loét, làm giảm bài tiết acid HCl và pepsin: Thuốc kháng acid (antacid) và thuốc có tác dụng ức chế tiết dịch vị (thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton, kháng tiết gastrin và kháng tiết acetylcholin).
- Thuốc tăng cường yếu tố bảo vệ, bao vết loét: Thuốc bao niêm mạc dạ dày.
>>> Xem thêm: Thuốc Dạ Dày Tá Tràng Nên Dùng Điều Trị Hiệu Quả
2. Phân loại thuốc bao niêm mạc dạ dày
Như đã thấy thì có rất nhiều yếu tố tấn công gây ra viêm loét dạ dày tá tràng, nhưng yếu tố bảo vệ lại rất ít, chủ yếu dựa vào lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc. Chính vì vậy, việc tăng cường yếu tố bảo vệ và bao vết loét chiếm một vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị loét dạ dày tá tràng. Nhóm thuốc bao niêm mạc dạ dày là nhóm thuốc điển hình được sử dụng để bảo vệ dạ dày. Hiện nay, trên phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng, nhóm thuốc bao niêm mạc rất được quan tâm
Các thuốc bao niêm mạc dạ dày được chia thành 3 nhóm chính:
- Dẫn chất của prostaglandin: Tác dụng chính của thuốc bao niêm mạc dạ dày nhóm dẫn chất của prostaglandin liên quan đến tăng PGE1, PGI2 dạ dày; tăng lượng máu đến dạ dày; điều hòa acid dịch vị; tăng tiết chất nhầy và HCO3–.
- Sucralfat: Khi tế bào niêm mạc dạ dày bị tổn thương, tại vị trí tổn thương sucralfat gắn vào và tạo hàng rào để bảo vệ vết thương. Ngoài ra, nó còn kích thích tiết prostaglandin tại chỗ và NaHCO3.
- Bismuth subsalicylate: Tác dụng của nhóm bismuth là bảo vệ tại chỗ, tăng tổng hợp prostaglandin và ức chế vi khuẩn hp. Thuốc gắn với protein của vết loét sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ dạ dày. Thuốc còn làm tăng tiết chất nhầy.
3. Thuốc bao niêm mạc dạ dày- dẫn chất prostaglandin
Misoprostol là chất tương tự Prostaglandin E1. Đây là một thuốc bao niêm mạc dạ dày đại diện thuộc nhóm dẫn chất prostaglandin. Thuốc làm giảm triệu chứng loét đường tiêu hoá. Misoprostol ức chế tiết acid nên có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng. Cơ chế tác dụng là do thuốc có khả năng làm giảm thể tích dịch vị, giảm sự phân huỷ protein của dịch vị, cùng với đó tăng tiết chất nhầy và bicarbonat.
3.1. Chỉ định
Chỉ định chính của thuốc bao niêm mạc dạ dày Misoprostol là giảm nguy cơ loét dạ dày do thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) ở bệnh nhân có nguy cơ cao bị loét dạ dày tiến triển và có những biến chứng từ các vết loét này.
3.2. Chống chỉ định
Misoprostol chống chỉ định với những phụ nữ có thai và dự định có thai vì tác dụng làm tăng co bóp tử cung có thể gây sảy thai một phần hay hoàn toàn.
Sử dụng cho phụ nữ có thai có thể dẫn tới trường hợp quái thai.
Bệnh nhân dị ứng với Prostaglandin.
Đối với trẻ em dưới 18 tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của Misoprostol chưa được đánh giá.
3.3. Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Sử dụng đường uống. Để hạn chế bị tiêu chảy do Misoprostol gây ra, khuyến cáo nên chia nhỏ liều, uống gần bữa ăn và uống liều cuối cùng trong ngày vào lúc đi ngủ, tránh sử dụng chung với các thuốc có chứa Magnesium hoặc các thuốc kháng acid có tính nhuận tràng khác.
Liều lượng:
- Liều phòng ngừa loét do sử dụng NSAIDs: Liều Misoprostol thường dùng cho người lớn là 200mcg x 4 lần/ ngày. Có thể giảm liều còn 100mcg x 4 lần/ ngày đối với những bệnh nhân không dung nạp được liều bình thường; tuy nhiên, giảm liều sẽ dẫn tới giảm hiệu quả. Cũng có thể sử dụng liều 200mcg x 2 lần/ ngày.
- Liều cho người suy thận và người cao tuổi: Không cần giảm liều Misoprostol đối với những bệnh nhân bị suy thận và người cao tuổi. Tuy nhiên, có thể giảm liều cho bệnh nhân nếu không dung nạp liều bình thường.
3.4. Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi sử dụng thuốc Misoprostol là tiêu chảy. Một vài tác dụng phụ khác trên hệ tiêu hoá có thể bao gồm đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn.
Những tác dụng phụ như tăng co thắt tử cung và xuất huyết âm đạo bất thường (rong kinh, chảy máu giữa kỳ kinh) đã được báo cáo.
Những tác dụng phụ khác bao gồm phát ban da, nhức đầu, choáng váng.
Hạ huyết áp thường hiểm xảy ra ở liều được khuyến cáo trong trường hợp điều trị loét tiêu hoá.
3.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều thuốc bao niêm mạc dạ dày Misoprostol
Các nghiên cứu vẫn chưa xác định được liều gây độc của thuốc bao niêm mạc dạ dày Misoprostol ở bệnh nhân dung nạp được liều tích lũy tổng cộng mỗi ngày là 1600 microgam. Chỉ có những thông báo về triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa khi quá liều thuốc này.
Những dấu hiệu lâm sàng có thể cho thấy bạn đã sử dụng quá liều có thể là: trạng thái an thần, run, co giật, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, sốt, đánh trống ngực, huyết áp hạ hoặc nhịp tim chậm. Cần điều trị triệu chứng bằng liệu pháp hỗ trợ.
>>> Xem ngay bài viết: Thuốc Kháng Axit Dạ Dày Cho Bà Bầu Mà Các Mẹ Nên Biết – SCurma Fizzy New
4. Thuốc bao niêm mạc dạ dày- Sucralfat
Sucralfate là một thuốc bao niêm mạc dạ dày được dùng trong điều trị loét dạ dày tá tràng. Sucralfat là một muối nhôm của sulfat disacarid được dùng khá phổ biến trong điều trị ngắn ngày của bệnh viêm, loét dạ dày tá tràng. Thuốc chủ yếu tác dụng tại chỗ hơn tác dụng toàn thân. Sucralfat khi vào môi trường dạ dày tiếp xúc với H+ tạo thành polyme, chính polymer này có ái lực rất mạnh với ổ loét nên gắn với ổ loét rất nhanh và tạo thành lớp bao phủ niêm mạc. Khi vào trong dạ dày, tiếp xúc với acid dịch vị, thuốc tạo thành một phức hợp giống như bột hồ dính vào vùng niêm mạc bị tổn thương giúp bao phủ vết loét. Đây là một thuốc bao niêm mạc dạ dày rất phổ biến và hiệu quả.
4.1. Chỉ định
Sucralfat một trong các thuốc bao niêm mạc dạ dày được chỉ định trong điều trị loét tá tràng, loét dạ dày lành tính, viêm dạ dày mạn tính.
4.2. Chống chỉ định
Quá mẫn với Sucralfat hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng với những người suy thận do nguy cơ tăng tích lũy nhôm ở trong huyết thanh, vậy nên cần hỏi kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này trên bệnh nhân suy thận.
Không đủ các dữ liệu về an toàn và hiệu quả của thuốc sulcralfat đối với trẻ em dưới 14 tuổi, cần thêm nhiều nghiên cứu về đối tượng này hơn.
4.3. Cách dùng và liều dùng
Cách dùng: Dùng theo đường uống, nên uống Sucralfat trước bữa ăn một giờ và trước khi đi ngủ.
Liều dùng:
- Liều dùng đối với người lớn và trẻ em trên 14 tuổi: Uống 2g/lần, mỗi ngày uống 2 lần hoặc 1g/lần, mỗi ngày uống 4 lần trong 4 đến 6 tuần, tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể kéo dài thời gian điều trị lên 20 tuần. Liều tối đa 8g/ngày. Thuốc kháng acid có thể được sử dụng khi cần thiết để làm dịu cơn đau, nhưng nên uống thuốc kháng acid trước hoặc sau khi uống Sucralfat 30 phút.
- Người cao tuổi: Không có lưu ý gì đặc biệt khi dùng thuốc Sulcralfat đối với bệnh nhân cao tuổi.
- Trẻ em dưới 14 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng thuốc bao niêm mạc dạ dày Sucralfat.
- Người suy thận: Đối với những bệnh nhân suy thân muối nhôm được hấp thu rất ít (<5%), tuy nhiên, thuốc có thể tích lũy ở người suy thận. Phải thận trọng khi sử dụng.
4.4. Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc bao niêm mạc dạ dày Sucralfat là: trong tiêu hóa thường bị táo bón.
Ít gặp:
- Trong tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đầy hơi, khô miệng.
- Ngoài da: ngứa, ban đỏ
- Thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, mất ngủ.
Hiếm gặp: phản ứng quá mẫn như ngứa, mày đay, phù, khó thở, viêm mũi, co thắt thanh quản.
4.5. Lưu ý khi sử dụng quá liều thuốc bao niêm mạc dạ dày Sucralfat
Khi quá liều Sucralfat có thể có rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn và nôn.
Phải báo ngay cho các bác sĩ trong trường hợp sử dụng quá liều hoặc có dấu hiệu dị ứng khi sử dụng thuốc.
>>> Xem thêm: Thuốc Băng Niêm Mạc Dạ Dày Hiệu Quả Tốt Nhất
5. Thuốc bao niêm mạc dạ dày- Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol)
Bismuth subsalicylate là một thuốc bao niêm mạc dạ dày được bán dưới dạng thuốc chung với tên thương hiệu là Pepto-Bismol. Khi thuốc vào trong môi trường trong dạ dày sẽ gắn với ion H+ chuyển thành dạng bismuth oxid và acid salicylic. Đối với acid salicylic thì giúp cho sự hấp thu dễ dàng hơn còn bismuth oxyd sẽ liên quan tới một vài tác dụng không mong muốn như phân, lưỡi đen. Vì vậy nên lưu ý những tác dụng phụ này khi sử dụng.
Ngoài ra, bismuth subsalicylate cũng được sử dụng phối hợp cùng với các chất ức chế bơm proton (PPI) hoặc các chất chẹn thụ thể histamin 2, thuốc kháng sinh phối hợp lại để diệt vi khuẩn hp. Ở đơn trị liệu, các hợp chất bismuth chỉ diệt được vi khuẩn hp ở khoảng 20% người bệnh. Còn khi phối hợp với PPI và kháng sinh, có thể có tới 95% người bệnh được diệt trừ vi khuẩn hp.
5.1. Chỉ định
Thuốc được dùng trong trường hợp tiêu chảy, đau dạ dày khi sử dụng quá nhiều thực phẩm, đồ uống không tốt.
Điều trị các triệu chứng khó chịu tạm thời của dạ dày như buồn nôn, khó tiêu, ợ chua, đau bụng hay tiêu chảy.
5.2. Chống chỉ định
Chống chỉ định với bệnh nhân có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng trong những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh như: tiểu đường, viêm khớp, bệnh gút, các vấn đề về thận, có chất nhầy trong phân.
5.3. Cách dùng và liều dùng
Pepto- Bismol được bào chế dưới dạng dung dịch, được sử dụng bằng đường uống.
Lắc thật kỹ trước khi uống.
Mỗi lần uống 30ml thuốc Pepto-Bismol cách nhau từ 30 phút đến 1 giờ nhưng chỉ được uống tối đa 4 lần (tức 120ml) trong vòng 1 ngày.
Sử dụng cho đến khi thấy ngừng các triệu chứng của dạ dày hay tiêu hóa nhưng không sử dụng quá 2 ngày.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc này là phân và lưỡi có màu đen tạm thời, tuy nhiên tác dụng này thường không gây nguy hiểm.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của các tác dụng phụ của thuốc hãy đến gặp ngay các bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Nếu bạn gặp phải một trong các dấu hiệu sau thì hãy tạm ngừng thuốc và tham khảo ý kiến của các bác sĩ:
Dấu hiệu dị ứng với thành phần của thuốc: ngứa, khó thở, phát ban, đau thắt ngực hoặc sưng ở miệng, môi, lưỡi.
Gặp phải tình trạng đi tiểu bất thường, miệng khô, nhịp tim nhanh hoặc cảm thấy chóng mặt.
Kết luận: Trên đây là một số thuốc bao niêm mạc dạ dày phổ biến nhất mà Scurma Fizzy muốn giới thiệu đến bạn đọc. Mong rằng với những thông tin hữu ích này sẽ giúp được phần nào cho việc giảm thiểu những cơn đau dạ dày, giảm tình trạng loét dạ dày tá tràng và cải thiện dạ dày tốt hơn của bạn.
Liên hệ ngay HOTLINE 1800 6091 để được các dược sĩ, bác sĩ Scurma Fizzy tư vấn miễn phí và giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về thuốc bao niêm mạc dạ dày hiện nay.