Dịch Dạ Dày Có Thành Phần Cấu Tạo Và Chức Năng Như Thế Nào

Dịch Dạ Dày Có Thành Phần Cấu Tạo Và Chức Năng Như Thế Nào

Dạ dày là một trong những cơ quan quan trọng trong cơ thể có nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn được đưa từ miệng xuống qua thực quản. Trong đó, dịch dạ dày có vai trò không nhỏ trong việc phân huỷ thức ăn thành các chất có kích thước bé hơn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Vậy dịch dạ dày được tạo ra từ đâu, thành phần của nó là gì và giúp cho tiêu hoá thức ăn như thế nào?

1. Dịch dạ dày có đặc điểm, tính chất gì?

Dich-da-day-8

Dịch dạ dày có đặc điểm gì?

Dịch dạ dày hay còn gọi là dịch vị được dạ dày bài tiết từ 1 đến 3 lít dịch mỗi ngày. 

  • Màu sắc: Không màu, trong suốt. Nếu dịch vị có màu chứng tỏ dạ dày có thể đang trong tình trạng bệnh lý.
  • Mùi: Khi bình thường dịch dạ dày có mùi hăng. Nếu dịch vị có mùi bất thường như hôi thối, chua hay mùi nồng nặc, có thể ống tiêu hoá của bạn đang gặp phải các bệnh lý như tắc ruột non, hẹp môn vị… 
  • Độ quánh: Dịch dạ dày có độ quánh bởi dịch nhầy do các tuyến tiết ra. Vì thế mà nó có độ quánh, độ nhớt nhất định.

Dịch dạ dày làm cho các phần tử thức ăn được tiêu hóa (đặc biệt là protein), và chuyển đổi các chất chứa trong dạ dày thành một khối bán lỏng gọi là “chyme” (nhũ trấp), do đó chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa tiếp tục trong ruột non. Nó có tính axit cao do hàm lượng axit clohidric, và rất giàu enzyme. 

Dạ dày thành được bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa bởi màng trên bề mặt của tế bào biểu mô giáp với lòng dạ dày. Màng này rất giàu lipoprotein, có khả năng chống lại sự tấn công của axit.

Dịch dạ dày của một số động vật có vú (ví dụ, bê) có chứa enzym renin, có tác dụng làm đông tụ protein trong sữa và do đó tách chúng ra khỏi dung dịch và làm cho chúng dễ bị tác động bởi enzym phân giải protein hơn.

Dịch dạ dày được tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Trong đó, khoảng 99,5% dịch vị là H2O và còn lại 0,5% là vật chất khô là các chất hữu cơ (protein và một số enzym như: pepsin, lipase, chymosin..)và các chất vô cơ bao gồm axit clohidric (HCl), muối sunfat, muối clorua của các nguyên tố Na, K, Ca, Mg.

>>>> Xem thêm ngay: Acid Trào Ngược Dạ Dày, 6 Điều Mà Bạn Cần Biết

2. Dịch dạ dày được tiết ra từ đâu?

Phần lớn dịch dạ dày được bài tiết bởi các tuyến sinh axit nằm ở niêm mạc vùng thân vị và đáy vị. Các tuyến sinh axit này bao gồm 4 loại tế bào: tế bào chính tiết pepsinogen và lipase dạ dày, tế bào viền bài tiết axit HCl và yếu tố nội, tế bào nội tiết gồm tế bào ưa crôm và tế bào D có nhiệm vụ sản xuất histamin và somatostatin, tế bào cổ tuyến bài tiết chất nhầy.

Tế bào cổ là tế bào gốc của các loại tế bào khác tuyến nhờ hoạt động phân bào

  • Các tuyến tâm vị khu trú, tập trung ở vùng niêm mạc tâm vị, giúp bài tiết chất nhầy.
  • Các tuyến môn vị khu trú ở niêm mạc vùng hang chứa các tế bào sản xuất chất nhầy và pepsin, tế bào G sản xuất gastrin và tế bào D sản xuất somatostatin.
  • Niêm mạc dạ dày là lớp tế bào biểu mô hình trụ có khả năng bài tiết dịch nhầy và kiềm giàu bicarbonat.

3. Sự bài tiết và chức năng của từng thành phần trong dịch dạ dày

3.1. Bài tiết và vai trò của axit clohidric HCl dịch vị

3.1.1. Bài tiết HCl

HCl do tế bào viền tiết ra. Khi bị kích thích bởi các yếu tố khác nhau, tế bào viền bài tiết khoảng 150mmol HCl/lít dung dịch. Ở pH này nồng độ ion H+ cao gấp một triệu lần nồng độ ion H+ trong máu động mạch.

Dich-da-day-2

Bài tiết HCl trong dịch vị

Tế bào viền chứa những kênh nhỏ. HCl được tạo ra ở những kênh này. Các kênh này đổ vào lòng ống tuyến sinh axit. Quá trình tạo HCl ở trong dạ dày được diễn ra như sau:

  • Bên trong bào tương, CO2 kết hợp với nước dưới tác dụng xúc tác của enzyme carbonic anhydrase để tạo thành H2CO3. Sau đó H2CO3 phân li thành H+ và HCO3-. Ion H+ được bơm vào lòng kênh, cùng với đó ion K+ đi vào tế bào. Sự trao đổi tích cực giữa hai ion này xảy ra dưới tác dụng của bơm H+ – K+ – ATPase và được gọi là bơm proton
  • Ion Cl- được vận chuyển tích cực từ dịch ngoại bào vào bào tương của tế bào viền, sau đó khuếch tán vào lòng kênh
  • Tại lòng kênh, ion H+ và Cl- kết hợp nhau tạo thành HCl
  • Ion HCO3- được tạo ra trong tế bào viền sẽ trao đổi với ion Cl- theo cơ chế đồng vận chuyển ngược chiều để ra dịch ngoại bào và kết hợp với ion Na+ tạo thành NaHCO3

Như vậy việc tạo thành HCl có vai trò của bơm protein. Sau khi HCl được tiết vào lòng ống tuyến dạ dày thì NaHCO3 được vận chuyển vào máu. Vì thế, pH của máu thường tăng lên sau một bữa ăn no.

3.1.2. Vai trò của HCl

HCl tạo pH cần thiết để hoạt hoá pepsinogen ở dạng tiền chất chưa hoạt động thành pepsin hoạt động và tạo pH thuận lợi cho pepsin hoạt động.

Vai trò sát khuẩn: tạo ra “hàng rào diệt khuẩn trong dạ dày”, HCl ức chế các tác nhân lây nhiễm đến ruột bảo vệ dạ dày chống lại nhiễm trùng. Các nghiên cứu cho thấy bệnh kiết lỵ và các bệnh nhiễm trùng tương tự xảy ra phổ biến hơn ở những người bị suy giảm tiết axit dạ dày.

HCl có thể phá vỡ lớp vỏ bọc sợi cơ thịt và thuỷ phân cellulose ở thực vật non. Hơn nữa, nồng độ axit clohidric còn tham gia cơ chế đóng mở tâm vị và môn vị.

>>>> Xem thêm ngay: Biểu Hiện Viêm Dạ Dày, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị Cần Biết

3.2. Sự bài tiết và vai trò của nhóm enzyme tiêu hóa trong dịch dạ dày

3.2.1. Pepsin

Tế bào chính và tế bào nhầy của tuyến môn vị tiết ra pepsinogen ở dạng không hoạt động. Nhưng khi pepsinogen tiếp xúc với HCl, hay cộng thêm một lượng nhỏ pepsin được tạo ra trước, pepsinogen được hoạt hóa thành pepsin.

Ở khoảng pH từ 2 đến 3, pepsin hoạt động mạnh nhất và ở pH>5 thì bị bất hoạt. Nó là một endopeptidase có tác dụng thuỷ phân protein thành proteose, peptone và polypeptide. Pepsin có khả năng tiêu hóa collagen là thành phần chính của mô liên kết giữa các tế bào có trong thịt.

Sau khi các sợi collagen bị phân huỷ thì các enzym tiêu hóa khác mới có thể tác động vào thịt để tiêu hoá protein. Pepsin tiêu hoá khoảng 10-20% protein thức ăn.

3.2.2. Lipase

Lipase trong dịch dạ dày có cùng nguồn gốc với pepsinogen. Mỗi ngày chúng ta ăn khoảng 60-100g lipid bao gồm triglyceride (90%), cholesterol este, phospholipid và một số ít các loại vitamin tan trong mỡ.

Lipase dịch vị được xem là một enzyme yếu và nó chỉ có tác dụng với những lipid đã được nhũ tương hoá như lipid trong sữa, trứng. Lipase dịch dạ dày phân giải triglycerid thành axit béo vào diglycerid. pH tối thuận của enzym này nằm trong khoảng từ 4-6.

Axit béo sau khi được tạo thành sẽ kích thích niêm mạc tá tràng bài tiết ra hormon cholecystokinin. Hormon này kích thích tụy bài tiết lipase.

3.2.3. Chymosin

Chymosin xúc tác quá trình phân giải một loại protein là caseinogen. Protein này có trong sữa, không thể thiếu đối với sự phát triển của trẻ thời kỳ bú sữa mẹ. Dưới tác dụng của Chymosin, caseinogen sẽ được phân cắt thành casein làm cho sữa vón lại.

3.3. Sự bài tiết và vai trò của yếu tố nội

Tế bào viền bài tiết yếu tố nội cùng với HCl. Nó không thể thiếu cho sự hấp thu vitamin B12 ở hồi tràng. Trong các bệnh liên quan đến dạ dày như teo niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, tế bào viền bị phá huỷ, bệnh nhân có thể bị thiếu máu ác tính do sự chín của hồng cầu ở tủy xương cần sự tham gia của vitamin B12

3.4. Chất nhầy màng bảo vệ niêm mạc dạ dày

Chất nhầy do tế bào tuyến tâm vị, tuyến môn vị và tế bào cổ tuyến sinh axit bài tiết. Ngoài ra, trên toàn bộ bề mặt của niêm mạc, ở giữa các tuyến có một lớp tế bào nhầy gọi là tế bào nhầy bề mặt. Các tế bào nhầy bề mặt tiết chất nhầy quánh và kiềm, không hoà tan, tạo thành một lớp gel nhầy, dày trên 1mm bao phủ niêm mạc dạ dày.

Chat-nhay

Chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày

Chất nhầy gồm những phân tử glycoprotein giàu glucid, các phân tử phospholipid và axit nucleic. Màng chất nhầy dai và kiềm này bảo vệ niêm mạc dạ dày và tá tràng khỏi tác dụng ăn mòn và tiêu hoá của HCl và pepsin.

Bình thường sự bài tiết chất nhầy và bài tiết HCl, pepsin tương đương với nhau nên dịch vị có thể tiêu hoá thức ăn nhưng lại không thể tiêu hoá được dạ dày, tá tràng. Khi lượng chất nhầy được bài tiết giảm sút, tạo điều kiện cho axit phá vỡ lớp màng nhầy bảo vệ và ăn mòn niêm mạc dạ dày, gây nên viêm loét dạ dày. Chất nhầy cũng có tác dụng bôi trơn làm cho thức ăn được vận chuyển dễ dàng.

Chất nhầy được bài tiết khi có kích thích cơ học (thức ăn chạm vào niêm mạc) hoặc kích thích hóa học (acetylcholin, prostaglandin…).Trong khi đó, aspirin và cortisol ức chế bài tiết dịch nhầy.

>>>> Xem thêm ngay: Bieu Hien Dau Da Day Nguyên Nhân Do Đâu Và Cách Chữa Trị

4. Điều hoà bài tiết dịch dạ dày

Khi đói, dạ dày vẫn bài tiết khoảng vài ml dịch dạ dày/giờ. Đó là dịch vị cơ sở gồm chủ yếu là chất nhầy, một ít pepsinogen và hầu như không có axit. Khi ăn, dịch vị được điều hoà theo cơ chế thần kinh và thể dịch.

4.1. Cơ chế thần kinh

Dieu-hoa-bai-tiet-dich-da-day

Điều hoà bài tiết dịch dạ dày

Dây X đóng vai trò kích thích và tiết dịch vị thông qua phản xạ dài: xung động từ niêm mạc dạ dày theo nhánh cảm giác của dây X truyền tới thân não rồi theo nhánh vận động truyền về, phân ra các nhánh vào đám rối thần kinh Meissner. Từ đám rối phân ra các sợi đi đến các tuyến dạ dày.

Đám rối Meissner ở ruột kích thích tiết dịch vị thông qua các phản xạ ngắn hay phản xạ tại chỗ ở thành dạ dày.

Tận cùng thần kinh của dây X và đám rối Meissner đều giải phóng ra chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholin, còn các sợi thần kinh đến tế bào G giải phóng ra GRP (Gastrin releasing peptide). Acetylcholin có tác dụng kích thích tế bào viền tiết ra HCl, tế bào chính tiết pepsinogen và tế bào cổ tuyến bài tiết chất nhầy.

GRP kích thích tế bào G tiết ra gastrin. Những tín hiệu khởi động phản xạ dài và phản xạ tại chỗ bắt đầu từ não đi theo dây X rồi đến dạ dày.

4.2. Cơ chế thể dịch – hormon

Gastrin do tế bào G vùng hang vị tiết ra khi có kích thích của dây X, khi dạ dày căng ra  và polypeptide có mặt trong dạ dày. Sau khi được bài tiết, gastrin sẽ theo máu đến các tuyến sinh axit ở đáy và thân dạ dày. Gastrin có tác dụng chủ yếu là kích thích tế bào viền bài tiết HCl và một phần kích thích tế bào chính bài tiết pepsinogen.

Histamin được tiết ra bởi các tế bào ưa crôm ở phần đáy bài tiết. Khi axit có mặt trong lòng dạ dày, một lượng nhỏ histamin được tiết ra liên tục ở niêm mạc. Từ đó, Histamin kích thích tế bào viền tiết ra HCl bằng cách gắn với receptor histamin H2 trên tế bào này.

Khi các chất histamin, gastrin và acetylcholin cùng tác động thì chỉ với một lượng nhỏ histamin cũng làm tế bào viền tăng tiết HCl lên rất nhiều. Nếu dùng thuốc ức chế histamin gắn vào receptor thì đồng thời gastrin và acetylcholin  cũng chỉ gây bài tiết một lượng ít HCl.

Một số hormon khác cũng ảnh hưởng đến bài tiết dịch dạ dày như hormon tủy thượng thận adrenalin và noradrenalin làm giảm bài tiết dịch vị, corticoid làm tăng bài tiết HCl và pepsin nhưng lại ức chế bài tiết chất nhầy. Điều trị corticoid kéo dài có thể gây loét và chảy máu dạ dày.

>>>> Xem thêm ngay: Hội Chứng Dạ Dày Thường Gặp Hiện Nay Và Cách Phòng Ngừa

4.3. Tác dụng của sự thừa axit lên bài tiết dịch dạ dày

Khi độ axit của dịch vị tăng cao (pH<3), cơ chế gastrin sẽ ngừng hoạt động do 2 nguyên nhân là độ axit quá cao làm giảm hoặc ngừng bài tiết gastrin hay quá nhiều axit trong dạ dày gây phản xạ thần kinh ức chế để giảm bài tiết dịch vị.

Sự ức chế ngược này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ dạ dày chống lại độ axit quá cao có thể dẫn tới loét dạ dày và duy trì pH tối thuận cho hoạt động của pepsin

5. Các giai đoạn bài tiết dịch dạ dày

Sự bài tiết dịch dạ dày đáp ứng với một bữa ăn được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn dạ dày và giai đoạn ruột. Ba giai đoạn này kết hợp nhau để kích thích tiết ra dịch vị khi thức ăn chưa vào dạ dày, đã vào dạ dày hay đã xuống ruột.

Giai đoạn đầu

Diễn ra khi thức ăn chưa vào dạ dày. Khi người ta ngửi, nhìn, nếm, thậm chí mới chỉ nghĩ đến thức ăn hoặc đang nhai, đang nuốt thức ăn thì dịch dạ dày đã được bài tiết. Cảm giác ăn càng ngon thì cường độ bài tiết ra dịch vị càng mạnh.

Bài tiết dịch ở giai đoạn này có thể theo cơ chế phản xạ không điều kiện hoặc là phản xạ có điều kiện. Cả 2 đều có đường truyền ra ở dây X. Các trạng thái tâm lý cũng ảnh hưởng đến bài tiết dịch vị: giận dữ làm tăng bài tiết dịch vị tăng trong khi đó lo âu, sợ hãi làm giảm bài tiết dịch vị. Dịch vị giai đoạn đầu chiếm khoảng 20% dịch vị toàn bữa ăn.

Cac-giai-doan-tiet-dich-vi

Các giai đoạn tiết dịch vị

Giai đoạn dạ dày

Khi thức ăn vào đến dạ dày, được dạ dày co bóp nhào trộn cùng với dịch tiêu hoá thì các kích thích từ dạ dày sẽ khởi động các cơ chế giải phóng histamin và gastrin. Cơ chế thần kinh và thể dịch phối hợp với nhau làm cho dịch vị được tiết ra liên tục trong dạ dày. Lượng dịch bài tiết trong giai đoạn này chiếm khoảng 70% dịch dạ dày toàn bữa ăn.

Giai đoạn ruột

Thức ăn vào ruột non làm căng tá tràng, đồng thời HCl và các sản phẩm tiêu hóa protein trong vị trấp sẽ kích thích niêm mạc tá tràng giải phóng một lượng nhỏ gastrin. Gastrin theo máu đến kích thích các tuyến sinh axit của dạ dày bài tiết dịch vị. Dịch vị được tiết ra trong giai đoạn này chiếm khoảng 10% dịch vị toàn bữa ăn.

6. Các bệnh liên quan đến dịch dạ dày

6.1. Thừa axit dịch dạ dày

Là tình trạng nồng độ HCl trong dạ dày cao trên mức bình thường. Khi nồng độ HCl tăng quá cao sẽ tạo môi trường pH axit bất lợi ức chế hoạt động của các loại enzym khác. Lượng axit lớn hơn nhiều so với lượng chất nhầy được tiết ra sẽ gây hại đến niêm mạc của dạ.

Nó bào mòn thành dạ dày và nếu tổn thương lâu dài sẽ gây nên các vét loét ở niêm mạc thậm chí gây chảy máu gây ra biến chứng như thủng dạ dày…

6.2. Dịch dạ dày trào ngược

Trao-nguoc

Trào ngược dạ dày

Đây là hiện tượng dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Theo quá trình tiêu hóa thức ăn bình thường, thức ăn từ miệng sẽ được đưa đến dạ dày qua thực quản. Ở dạ dày, thức ăn sẽ được dạ dày co bóp nhào trộn với các loại enzym tiêu hóa.

Dưới tác dụng của các enzym, thức ăn bị phân giải thành các chất khác nhau rồi được chuyển xuống ruột non. Tuy nhiên, khi bị trào ngược dạ dày, dịch vị chứa thức ăn cùng axit không chuyển xuống được ruột mà lại được đẩy lên thực quản, gây ra cảm giác khó chịu, nóng rát vùng ức.

Người bị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản sẽ thường gặp phải các triệu chứng như ợ hơi,, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn, khó nuốt, giọng bị khàn, tiết nhiều nước bọt…Trào ngược dạ dày có nguy cơ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm như loét thực quản, ung thư thực quản.

Mong rằng bài viết trên của Scurma Fizzy đã mang đến cho quý đọc giả một số thông tin hữu ích về “Dịch dạ dày: Thành phần cấu tạo và chức năng”. Nếu gặp vấn đề cần được giải đáp liên quan đến dạ dày hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 18006091 để được tư vấn miễn phí.

Share this post


Contact Me on Zalo
1800 6091